Bùi Giáng (1926-1998) sinh tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Ông được giới văn học yêu thích, trong mọi thời. Những tác phẩm đầu của ông được in trong sách giáo khoa năm 1957, như Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm,... nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ Lá hoa cồn(1963). Ông là một người tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, đã làm kinh ngạc mọi người trong giới văn học.
Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là “trung niên thi sĩ” cùng hàng loạt biệt danh trào lộng: Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ...
Trong nửa thế kỷ sống và viết “Bùi Giáng đã để lại một gia tài đồ sộ đến gần 60 tác phẩm, bao gồm 4 lĩnh vực: thơ ca, bình giảng văn chương, nghiên cứu triết học và dịch thuật. Qua phong cách sáng tác cũng như khả năng diễn đạt của ngôn ngữ, ông đã thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc qua việc bình giảng thơ ca cổ điển: Chinh phụ ngâm, Truyện Phan Trần, Quan Âm Thị Kính, Thơ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tản Đà... Ông đưa triết học, văn chương phương Tây đến với độc giả Việt Nam qua việc dịch thuật những danh tác cổ điển như Hamlet của Shakespeare, Hoàng tử bé của Saint Exupéry, Ngộ nhận của Albert Camus, Khung cửa hẹp, và Hoà âm điền dã của André Gide, Kim kiếm điêu linh của Ngoạ Long Sinh...Bùi Giáng cũng có những tác phẩm tiếp tục được tái bản nhiều lần vào thập niên đầu của thế kỷ 21.
Ông đã biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như Tư tưởng hiện đại, Thi ca tư tưởng, Lễ hội tháng ba, Con đường ngã ba, Con đường phản kháng, Đi vào cõi thơ... Đặc biệt, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là những tập thơ của ông, từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn... đến Trăng châu thổ, Sương bình nguyên, Bài ca quần đảo, Rong rêu... Ai đã từng tiếp xúc Bùi Giáng trong trang sách lẫn ngoài cuộc đời, hầu như chưa thể bình luận gì về ông...
Ông được xem như một “ngôi sao” trên vòm trời văn hoá văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít độc giả xưng tụng là “thiên tài”, là “bậc thượng trí” và tôn ông làm “thần tượng”.
Thơ Bùi Giáng hay, buồn, kỳ lạ, nhất là những tập thơ rất đặc biệt trong nền thơ ca Việt Nam. Ông viết thơ với một phong cách riêng. Trong cái biển thơ mông lung huyền ảo đó ta bắt gặp một dải thơ nói về tình yêu khá chân tình và giản dị. Tuy cũng không thoát khỏi cái sương khói mơ màng trong thế giới huyền ảo của ông.
Các tập thơ đã xuất bản:
- Mưa nguồn (1962) - Lá hoa cồn (1963) - Màu hoa trên ngàn (1963) - Ngàn thu rớt hột (1963) - Bài ca quần đảo (1963) - Sa mạc trường ca (1963) - Sa mạc phát tiết (1969) - Mùi hương xuân sắc (1987) - Rong rêu (1995) - Đêm ngắm trăng (1997)
- Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994) - Thơ Bùi Giáng (California, 1994) - Mười hai con mắt (2001) - Thơ vô tận vui (2005) - Mùa màng tháng tư (2007)
Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…
Nhận định: xuất bản năm 1957.
Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan
Nhận xét về Lục Vân Tiên
Nhận xét về Chinh Phụ Ngâm và Quan Âm Thị Kính.
Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần.
Giảng luận: xuất bản năm 1957-1959.
Giảng luận về Nguyễn Công Trứ
Giảng luận về Cung oán ngâm khúc
Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Giảng luận về Phan Bội Châu
Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
Giảng luận về Tôn Thọ Tường
Giảng luận về Phan Văn Trị
Triết học Tư tưởng hiện đại (1962) Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963) Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963) Dialoque (viết chung, 1965)
Tạp văn
Đi vào cõi thơ (1969)
Thi ca tư tưởng (1969)
Sa mạc phát tiết (1969)
Sương bình nguyên (1969)
Trăng châu thổ (1969)
Mùa xuân trong thi ca (1969)
Thúy Vân (1969)
Biển Đông xe cát (1970)
Mùa thu trong thi ca (1970)
Ngày tháng ngao du (1971)
Đường đi trong rừng (1971)
Lời cố quận (1971)
Lễ hội tháng Ba (1971)
Sách dịch Trăng Tỳ hải (1966) Cõi người ta (1966) Khung cửa hẹp (1966) Hoa ngõ hạnh (1966) Othello (1966) Bạo chúa Caligula (1967) Ngộ nhận (1967) Kim kiếm điêu linh (1967) Con đường phản kháng (1968) Mùa hè sa mạc (1968) Kẻ vô luân (1968) Nhà sư vướng luỵ (1969) Ophélia Hamlet (1969) Hòa âm điền dã (1969) Hoàng tử Bé (1973) Mùa xuân hương sắc (1974)...
Vào năm 1965 cho đến ngày ông mất, theo những gì sách ghi chép lại, tài liệu để lại thì Bùi Giáng sau cơn khủng hoảng tâm lý vì cháy nhà mất hết bản thảo thơ – “con đẻ” tinh thần của ông, ông hóa điên hóa dại, ông kỳ quặc, ông không được bình thường! Ông lang thang rày đây mai đó du hành lục tỉnh!
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, họ hàng của Bùi Giáng, từng viết: “Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc thơ Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó vậy”. Đó là nhận định rất chính xác.
Cuộc sống, theo Bùi Giáng, “có thể đổi dạng theo lối tuyệt vô hy vọng, hoặc điên cuồng, hoặc rồ dại. Nhưng cuối cùng, phải nên dìu nó về thể thái thanh thản khiêm tòng”. Ông đã sống một cuộc đời có nhiều khoảnh khắc “thanh thản khiêm tòng”, ấn tượng vẫn lưu lại trong ký ức và những câu chuyện của người thân, bè bạn.
Thơ Bùi Giáng còn gây nhiều tranh cãi về độ hay dở, có những người không tiếc lời ca ngợi, nhưng cũng có những người cho là không ra gì. Nhưng hơn hết, Bùi Giáng không chỉ là thơ. Con người ông với cách sống, cách chơi, cách yêu kỳ lạ luôn khiến người ta cảm thấy thích thú khi nhắc tới. Chỉ qua thơ ông mà biết ông là điều không thể, và cũng không nên. Vì sẽ thiếu. Khi đã biết về ông, ít ai chưa một lần muốn sống như ông. Vui nhưng mà cũng thật khó hiểu!
Sưu tầm