"Thà đui mà giữ đạo nhà Còn hơn có mắt ông cha không thờ Dầu đui mà khỏi danh nhơ Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình"
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho trung tiết, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù tối, và gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam. Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định.
Cha ông tên Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, là thư lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định.
Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã khiến cha ông bỏ trốn ra Huế rồi bị cách chức. Năm 1833 cha ông trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 12 đến 19 tuổi.
Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định.
Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn (1849). Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường, vất vả và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam chữa bệnh, tuy bệnh không hết, nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc.
Đui mù, mất mẹ, hôn thê bội ước, cảnh nhà sa sút... ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, ông mới mở trường dạy học và làm thuốc.
Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835 - 1886), người Cần Giuộc (Long An), cho thầy.
Kể từ đó, gần chục năm sau, ngoài đôi việc trên ông còn sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu, để gửi gắm tình ý cùng hoài bão của mình.
Ngày 17 tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, được nhiều người đánh giá cao.
Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến; từ chối trước mọi cám dỗ của đối phương.
Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất.
Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông mất tại Ba Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.
Những thành tựu trong sự nghiệp văn học nghệ thuật của ông
"Truyện Lục Vân Tiên dài 2.083 câu thơ mà nhiều nhà nghiên cứu cho là có mang tính chất tự truyện đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở Nam Kỳ. Truyện lên án bọn người độc ác, xấu xa, tráo trở, gian manh, bất nhân, bất nghĩa, đồng thời ngợi ca những tấm lòng nhân hậu, thủy chung."
"Tác phẩm Dương Từ, Hà Mậu dài 3.448 câu thơ kịch liệt công kích đạo Phật, đạo Thiên Chúa lúc bấy giờ như một mối nguy cơ cho đất nước. Dựa vào trí tưởng tượng nhân gian (thiên đường, địa ngục), tác giả để cho nhân vật tự “giải mê" qua cuộc hành trình dài đi tìm chân lý đầy gian khổ, rồi trở về trong sự hòa hợp của gia đình, làng nước."
"Năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định. Nhà thơ lánh về quê vợ ở Cần Giuộc (Long An). Âm vang của trận công đồn diệt bọn “Tây dương” tại nơi đây đã gợi lên cảm hứng để ông viết áng văn bất hủ ngợi ca những người nông dân chân đất anh hùng xả thân vì sự nghiệp cứu nước: Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc...""Ông là người mở đầu cho dòng văn chương yêu nước Việt Nam chống Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX. Thơ văn ông gắn chặt với những biến cố lớn lao của đất nước lúc bấy giờ. Đó là:Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc (1861), Cáo thị, Thảo thử hịch', Thư gửi cho em, Mười hai bài thơ điếu Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874) và hai tập truyện thơ dài Dương Từ - Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp..."
Tác phẩm chính
- Lục Vân Tiên sáng tác trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, có tính chất tự truyện.
- Dương Từ Hà Mậu (chưa xác định thời điểm sáng tác)Ngư Tiều y thuật vấn đáp (chưa xác định thời điểm sáng tác)
- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861)
- Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864)
- Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868)
- Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874)
- Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa xác định thời điểm sáng tác)
- Hịch đánh chuột (chưa xác định thời điểm sáng tác).