top of page

Nữ Vương Hòa Bình

trong lòng Sài Gòn

birds.png
Mong sao chúng ta luôn theo gương Nữ Vương Hòa Bình, sống vị tha bác ái với nhau

Gần 60 năm qua, những kỷ niệm về ngôi trường mang tên một danh xưng của Mẹ Thiên Chúa -Regina Pacis Nữ Vương Hòa Bình - vẫn tồn tại trong lòng chúng tôi, dù trường xưa đã thay tên và nhiều người xưa đã mất dấu.

Trường Nữ Vương Hòa Bình nằm trong một khu vực biệt lập trong lòng Sàigòn (Hòn Ngọc Viễn Đông) và được bao quanh bởi bốn con đường mang tên bốn nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tú Xương, một nhà thơ được Xuân Diệu ca ngợi tài thi phú qua hai câu thất ngôn “Ông nghè ông thám vô mây khói. Đứng lại văn chương một tú tài”; Hiền Vương, vị chúa thứ IV của nhà Nguyễn; Nguyễn Thông, vị quan văn đã đóng góp rất nhiều cho sinh hoạt văn học miền Nam vào cuối thế kỷ XIX và Bà Huyện Thanh Quan, một nữ thi sĩ trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam. Cả bốn con đường đều gắn liền với các hoạt động của trường và chất chứa biết bao kỷ niệm khó quên. Địa chỉ chánh của trường ghi trên bản đồ thành phố Sàigòn là 42 Tú Xương, Quận 3. Con đường rất yên tĩnh và thơ mộng. Chúng tôi yêu trường vì nơi đây chất chứa bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của những ngày đi học. Nhớ những buổi chiều tan học cùng bạn bè đạp xe choán hết cả con đường. Nhớ những câu chuyện ma thêu dệt về căn nhà “vĩnh biệt” của bệnh viện Saint Paul nằm xéo cổng trường. Nhớ những lần bị chọc ghẹo phải chạy đến Ty Cảnh Sát Quận 3 góc Tú Xương, Nguyễn Thông lánh nạn.

Trên thực tế, cổng Tú Xương chỉ dành cho khách và phụ huynh học sinh. Học trò thì không được phép đi cổng này. Thế nhưng chữ “Cấm” lại thích đi với chữ “Cứ”! Học sinh “cứ” lén đi vào cổng này cho tiện. Nếu bị bắt gặp thì “cứ” chịu nghe la, bị phạt. Đúng không các bạn?

Qua khỏi cổng là Văn Phòng phía bên phải. Bên trái là ngôi nhà nguyện được khánh thành vào năm 1959 với nhiều đóng góp của Cha xứ Robert Crawford. Phải tự hào rằng trong khắp thủ đô Sàigòn, không có ngôi trường công giáo nào có một nhà nguyện với lối kiến trúc tuy đơn giản nhưng duyên dáng như ngôi nhà nguyện của Nữ Vương Hòa Bình. Mặt tiền chính của nhà thờ là một bức tường cao gần 20 thước, sơn hai mầu hồng, trắng với cây thánh giá trên cao. Nhà nguyện cũng có tên là Nhà thờ Mỹ vì có Thánh Lễ bằng tiếng Anh dành cho những giáo dân ngoại quốc và quân nhân Hoa Kỳ, do cha Crawford chủ tế. Lễ Việt được phụ trách bởi các cha bên nhà thờ Mai Khôi (44 Tú Xương).

Vậy học sinh vào cổng nào đây? Bên đường Hiền Vương có đến ba cổng. Cổng đầu dành cho học trò Phổ Thông (sau năm 1970 thì không xử dụng nữa), cổng thứ hai dẫn đến tư thất Cha xứ Crawford, cổng thứ ba là của Trung tâm Polio. Không hiểu sao lúc đó không có các hàng quà rong ở cổng này nhỉ? Có phải vì tấm bảng “Cấm tụ tập” phía bên kia số 272 Hiền Vương của “Bộ Thông Tin Chiêu Hồi” hay vì lề đường hẹp trên đại lộ một chiều?

Khi trường xây thêm một tòa nhà bốn tầng, trường mở thêm một cổng ở số 28 Nguyễn Thông, có bảng tên “Nữ Vương Hòa Bình” sơn màu xanh dương đậm. Từ dạo ấy, cổng này luôn ồn ào rộn ràng với những hàng quà rong muôn thứ. Học sinh nhỏ hồn nhiên chỉ biết ăn hàng, còn các chị lớn thì e ấp trước các cây si mọc rễ ven đường. Không biết trong những thanh niên bị hớp hồn bởi sự duyên dáng, xinh đẹp và ngây thơ vô số tội của các nàng RP, có chàng nào từ Câu lạc bộ Phục Hưng đối diện hay từ trường Lasan Hiền Vương xéo bên kia đường?

Những năm tháng ra vào ở cổng Nguyễn Thông, hình ảnh hai cánh cửa sắt màu xanh dương bên trên là những đinh sắt nhọn, kế bên phải là một cửa nhỏ chừng nửa thước vẫn luôn in đậm trong tâm trí của nhóm học trò phổ thông. Qua sân trường là Văn Phòng nằm phía bên phải. Phía trái sát cổng là nơi để xe cho học sinh. Không nhớ rõ có mái che hay không nhưng chắc chắn một điều là khu để xe của các vị giáo chức nằm đối diện với tòa nhà bốn tầng thì có mái lợp tôn hẳn hòi. Tại nơi này có một khoảng sân xi-măng rộng ở giữa. Đây là nơi mà mỗi đầu tuần, học sinh đứng theo từng lớp để chào cờ. Cuối dãy lầu phía trái là sân chơi và về phía phải là sân sau của trường. Từ đây có 2 lối rẽ, rẽ bên phải thì gặp căn-tin. Từ căn-tin đi tới mới đến cổng vào nhà nguyện. Căn-tin “nhà lá” khá đơn giản, giống như một sạp báo nhỏ, bên trong bầy đủ loại bánh trái. Học trò đứng ngoài thấy mọi món bầy bán và mua hàng qua một ô cửa nhỏ. Có bạn nào còn nhớ món mì bò viên ngày xưa nổi tiếng ở đây không?

Trở về phía bên trái, góc ngã rẽ là khu nhà chệt dành cho bậc tiểu học. Góc này có cây phượng vĩ nhánh thấp đủ để các nữ sinh hái trộm hoa mỗi khi hè về. Tiến vào thêm chục bước, qua sân rải sỏi là khu nội trú và kỹ thuật. Khu nội trú quay lưng về đường Bà Huyện Thanh Quan. Dãy lầu kỹ thuật quay lưng về hướng đường Tú Xương. Khúc này rất hữu tình và nên thơ. Ngay góc sân có cây sakê tàng lá rộng, trái giống quả mít nhỏ. Đi dọc theo khu lầu kỹ thuật sẽ thấy cửa thông qua nhà nguyện, văn phòng Khối kỹ thuật ở kế đó.

Còn bãi đậu xe ở đâu? Thưa các bạn, gởi xe ở vỉa hè cổng Bà Huyện Thanh Quan, con đường được tiếng là thanh vắng. Cổng này cũng gắn liền kỷ niệm lén Sơ ăn hàng của nhóm học trò nội trú qua tiếng rao đêm của chiếc xe mì gõ. Đối diện là trụ sở Caritas, mặt chính là 38 Tú Xương, một tổ chức bác ái Công giáo và cũng là một thành viên của Caritas Quốc Tế. Từ đường Bà Huyện Thanh Quan đi về hướng Bắc, qua ngã tư Yên Đổ là đến ngã ba Kỳ Đồng, được tô điểm bởi một ngôi nhà thờ có lối kiến trúc tân thời với tháp chuông cao vời vợi. Nhà thờ có tên Dòng Chúa Cứu Thế và kế bên là tiệm sách Tuổi Hoa. Nơi đây chúng ta bắt gặp vài khuôn mặt thân quen của dân RP chăm chú say mê đọc những truyện từ Hoa Đỏ, Hoa Xanh hay Hoa Tím.

Cũng trên con đường Bà Huyện Thanh Quan, đi về phía ngã tư Phan Thanh Giản là trường Gia Long. Hàng quà vặt ở khu này cũng phong phú không kém, với món ăn chơi lẫn ăn thiệt, đặc biệt là xe đậu xanh đậu đỏ bánh lọt nước dừa bùi thơm ngọt béo, thu hút nhiều học sinh từ các trường lân cận. Tiến về phía bên phải là Chùa Xá Lợi, nơi thờ xá lợi Phật tổ.

Vâng, Nữ Vương Hoà Bình của chúng tôi đấy bạn ạ. Sau hơn 42 năm vật đổi sao dời, chúng tôi mong ước các ReginaPacisciennes Bắc, Trung, Nam, cho dù còn ở quê nhà hay tản mác bốn phương trời, vẫn dành cho ngôi trường yêu dấu một vị trí đặc biệt trong tim mình. Mong sao chúng ta luôn theo gương Nữ Vương Hòa Bình, sống vị tha bác ái với nhau, dù trong bất cứ cảnh huống nào.

bottom of page