top of page
writing-1043622_960_720.png

L Ị C H   S Ử

Regina Pacis là một trường tư thục Công Giáo ở Sài Gòn, thuộc Tỉnh Dòng Nữ Tử Bác Ái (NTBA) Thánh Vinh Sơn Phaolô (Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul). Đây là một Trung Tâm Giáo Dục đa dạng của Nhà Dòng, bao gồm từ Tiểu học đến Trung-học Phổ-thông và Trung-học Kỹ-thuật, bên cạnh đó còn có nhà Nội Trú, và một Trung Tâm Phục Hồi Thiếu Nhi Tê Liệt. Điểm khởi đầu cho sự hình thành và phát triển trường Regina Pacis chính là sự ra đời của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái dòng Vinh Sơn. Do đấy cũng cần biết khái quát về lịch sử Tu Hội này tại Việt Nam.

 

I/ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI TẠI VIỆT NAM.

Các Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn có mặt tại Việt Nam từ ngày 11 tháng 12 năm 1928. Thể theo lời mời của Đức Giám Mục Saigon là ISIDORE DUMORTIER, ba Nữ tử Bác ái người Pháp, thuộc Nhà Mẹ ở Pháp, đã đến Việt Nam phục vụ tại bệnh viện Gia Định, nay là bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Đó là các Sœurs: Marie Mathilde Sempé, Jeanne Legout và Marthe Côte. Chỗ ở của ba nữ tu là một căn nhà trong khuôn viên của bệnh viện do Ban Giám Đốc bệnh viện cung cấp. Ngôi nhà này được coi là “chiếc nôi” của Tỉnh Dòng NTBA Việt Nam.

Năm 1932, Tỉnh Dòng được chính thức thành lập tại Thủ Đức, cơ sở gồm một ngôi Nhà Chính của các Sœurs và một Tập viện. Đó là Nhà Tỉnh Dòng đầu tiên, toạ lạc tại số nhà 50 đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức. Tại đây các Nữ tử Bác ái đã dần dần thành lập các cơ sở phục vụ như: nhà Nuôi Dưỡng Trẻ Em Mồ Côi, nhà Dưỡng Lão cho người nghèo và Trung Tâm Dạy Nghề cho các thiếu nữ lỡ lầm. Theo đà phát triển đó, trường Regina Pacis bước đầu được hình thành.

 

II/ LỊCH SỬ TRƯỜNG REGINA PACIS

Tháng 11 năm 1954, do nhu cầu phục vụ, Tỉnh Dòng đã chuyển đổi với chính quyền toàn bộ cơ sở ở Thủ Đức để lấy cơ sở mới tại số 42 đường Thévenet Saigon, tức đường Tú Xương Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đây là khu đất vuông vức và rộng rãi, bao bọc bởi 4 con đường: đường Thévenet (từ năm 1955 đổi là Tú Xương), đường Mayer ở phía sau (năm 1955 đổi là Hiền Vương, từ 1975 là Võ thị Sáu), đường Pierre Pladin ở phía tay phải (từ năm 1955 là Bà Huyện Thanh Quan), đường Eparges ở phía tay trái (từ năm 1955 là đường Nguyễn Thông). Thời ấy cơ sở này còn rất thô sơ, phía đường Tú Xương gồm một ngôi nhà xây cũ hình chữ L có một lầu bằng sàn gỗ, ngoài ra có 2 nhà trệt nhỏ, tường xây lửng với phần trên là những thanh gỗ nhỏ hình mắt cáo đơn sơ. Ngôi nhà lầu và 2 nhà trệt đều lợp bằng tôn xi-măng. Phía cổng sau có một căn nhà nhỏ tên là Cité Marie Paul quay ra đường Hiền Vương.

Thời gian đầu với cơ sở vật chất hạn hẹp và thiếu tiện nghi, các NTBA vẫn duy trì tiếp tục công tác phục vụ cho khoảng 200 trẻ em mồ côi từ Thủ Đức đưa về. Để đáp ứng nhu cầu giáo dục các em, các NTBA đã tạm tổ chức dạy học cho các em theo từng nhóm tuổi và tiếp tục dạy nghề cho các thiếu nữ. Như vậy, từ thuở khai sơ Regina Pacis đã từng bước hình thành một trung tâm giáo dục với các ngành Phổ Thông và Kỹ thuật. Bên cạnh đó có nhà Nội Trú và Trung Tâm Phục Hồi Thiếu Nhi Tê Liệt để thành một khối liên kết chặt chẽ trong đường hướng giáo dục của nhà dòng.

 

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Năm 1960: Nhà Dòng được phép mở Trường Trung Tiểu Học, chương trình Pháp, dành cho nữ sinh, lấy tên là Trường REGINA PACIS (nghĩa là NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH). Cổng trường cũng là cổng của Tu viện ở số 42 đường Tú Xương. Học sinh vào trường luôn đi qua sân một Nguyện Đường của Tu viện được xây năm 1959.

Năm 1965: Trường mở thêm chương trình Việt, song song với chương trình Pháp và có thêm các lớp Mẫu giáo, với Giấy Phép số 6109/GD/HV/4 ký ngày 25/11/1965 của Nha Tư Thục thuộc Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà. Từ đó, Trường mang tên Nữ Vương Hòa Bình, có thêm một cổng mới ở số 28 đường Nguyễn Thông.

Đường hướng giáo dục của trường dựa trên phương châm: "GIÁO DỤC TRONG YÊU THƯƠNG VÀ HOÀ BÌNH”. Học đường được coi như một gia đình: các thầy cô yêu thương học sinh, tận tâm dạy dỗ như con; các học sinh kính yêu, vâng lời và biết ơn thầy cô như cha mẹ. Học sinh mồ côi hoặc gia đình khó khăn được miễn hoặc giảm học phí.

Ban Giảng Huấn của trường khi mới được thành lập gồm, ở ban Trung học có các thầy Hoàng Gia Dũng, Nguyễn Mạnh Bích, Trần Văn Cư, các cô Lê Thị Thu Vân, Lý thị Thịnh, v.v…; ở ban Tiểu học có các cô Bùi Thạch Bích, Bích Khuê, Nguyễn thị Thanh Vân, Nguyễn thị Phương v.v...

Năm 1970: Về cơ sở vật chất, trường được tái thiết, xây thêm dãy nhà 4 tầng, ở góc đường Hiền Vương và đường Nguyễn Thông, gồm 27 phòng, một sảnh lớn và một sân thượng. Trường có đặt thang máy cho các học sinh khuyết tật (polio), gần 100 em, sử dụng.

Từ năm 1970, số học sinh là 2.500, không kể hơn 300 học sinh Mẫu giáo.

Ban giảng huấn bao gồm ba bậc Tiểu Học, Trung Học Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị Cấp là hơn 100 vị.

Hiệu Trưởng đầu tiên là: Sœur Imelda Nguyễn Thị Bích Đài, từ 1960-1965.

Người kế nhiệm là: Sœur Marie Agnès Lê Ngọc Nữ, từ 1965-1968.

Hiệu trưởng thứ ba là: Sœur Myriam Chu Thị Nguyệt, từ 1968-1975.

- Đặc trách ban Tiểu học: Sœur Vinh Sơn Nguyễn thị Nghĩa.

- Đặc trách khối Mẫu giáo: Sœur Marie Christianne Nguyễn thị Thông và Sœur Marie Céphas Nguyễn thị Thanh Ngọc.

Ban Giám Học: Sœur Anita Huỳnh thị Thu Hồng.

Ban Giám Thị: Sœur Pauline Hoàng thị Lân.

Ngày 05 tháng 3 năm 1972: Sœur Marie Agnès đã từ trần tại Đà Lạt.

Ngày 31 tháng 5 năm 2010: Sœur Imelda từ trần tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cách tổ chức và quản trị học vụ của trường thời ấy thật hoàn hảo, kỷ luật học đường nghiêm minh, đội ngũ giáo sư uy tín, tận tâm, nên trường Regina Pacis đã đạt được vị thế là một trường Tư thục uy tín, được đánh giá ngang tầm các trường tư thục danh tiếng khác ở Saigon thời đó, như các trường Regina Mundi, Saint Paul, và trường nam La-san Taberd v.v.

Năm học 1970-1971 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của trường, với việc mở thêm các Lớp bậc Đệ Nhị Cấp, từ Lớp 10 trở lên, tức cấp III ngày nay. Sang đến năm học 1972-1973, Lớp 12 đầu tiên của Trường đã dự thi Tú Tài, tốt nghiệp Trung Học với tỷ lệ tuyệt đại đa số. Những chị em đó khác nào như những đóa hoa đẹp của mùa hoa đầu tiên, nở ra ngay từ mảnh vườn nhà Regina Pacis, nơi nhiều chị đã theo học từ lúc còn ở mẫu giáo.

Song song đó, những lớp huấn nghệ cho phụ nữ cũng được phát triển mạnh qua ngành Kỹ Thuật.

 

NGÀNH KỸ THUẬT

Khi nhà dòng dời cơ sở về Tú Xương, thì vẫn tiếp tục chương trình dạy nghề cho các thiếu nữ về Nữ Công Gia Chánh. Từ đây nhà dòng cùng với Sœur Nicole Nguyễn Kim Thạnh đã nỗ lực thành lập riêng một ngành Kỹ Thuật với tên là Trung Học Kỹ Thuật Tư Thục Regina Pacis do Bộ Văn Hoá Giáo Dục VNCH ký ngày 3 tháng 3 năm 1959, theo giấy phép số 975 KTMT/M. Sœur Nicole Nguyễn Kim Thạnh là hiệu trưởng, người với tài tháo vát trong việc ngoại giao, đã thực hiện thành công những hoài bão của mình trong việc phát triển ngành Kỹ Thuật của trường Regina Pacis.

Thời gian đầu, trường dạy theo chương trình huấn luyện của nhà dòng gồm các ngành nữ công gia chánh, kinh tế gia vụ, dinh dưỡng. Năm 1969, theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục các trường tư thục Kỹ Thuật phải dạy thống nhất theo chương trình của Chính Phủ và phải thông qua một kỳ thi Tú Tài Kỹ Thuật.

Năm 1970, chiếu theo giấy phép số: 3343/GD/KHPC/HD/7 thiết lập Nữ Học Viện bậc Đại Học, áp dụng mô thức một Viện Đại Học Cộng Đồng, đây là một cơ sở giáo dục đại học sơ cấp và đa ngành; sinh viên học ở đây để chuyển tiếp lên học ở các viện đại học lớn, hoặc mở mang kiến thức, hoặc học nghề để ra làm việc. Trường đổi tên là Nữ Học Viện Bách Khoa Regina Pacis. Điều hãnh diện nhất đây là một viện Đại Học Cộng Đồng đầu tiên của Việt Nam dành riêng cho nữ giới.

Trường có hai phân khoa: Kinh Tế Gia Đình và Quản Trị Kinh Doanh, học trình 3 năm. Khoa Kinh Tế Gia Đình đào tạo các cán sự các nghề chuyên môn sau đây: Nữ công gia chánh, Trợ tá xã hội, Cán sự gia đình. Khoa Quản Trị Kinh Doanh đào tạo các nữ chuyên viên các nghề như: Chuyên Viên Quản Trị Xí Nghiệp, Cán Sự Ngân Hàng và Chuyên Viên Điện Cơ Kế Toán. Các nghề chuyên môn này có thể thay đổi tuỳ theo nhu cầu phát triển của Cộng Đồng và sự tiến triển của nền Công Kỹ Nghệ trong nước. Việc tổ chức những cơ cấu và chương trình của Viện Đại Học Cộng Đồng Regina Pacis được thực hiện do một Ban Quản Trị lâm thời gồm có Sœur Hiệu Trưởng Nicole, Sr. Jean Pierre và cô Đỗ Thị Tuyết phụ trách bên học vụ. Viện Trưởng là cô Nguyễn thị Phòng. Khoa trưởng là ông Lê Văn Láng.

Năm 1974, tân Ban Quản Trị Học viện Regina Pacis gồm:

Viện Trưởng: cô Tăng thị Ngọc Thi

Phó Viện Trưởng: Ông Lê Công Tâm

Khoa Trưởng: Ông Lê Văn Láng

Đặc trách Học vụ: Cô Đỗ thị Tuyết

Đặc trách Tài vụ: Sœur Sylvie Ngọc Quang

Tân Hội Bảo Trợ Phụ Nữ nhiệm kỳ IV gồm:

Hội Trưởng: Cô Nguyễn Thị Phòng

Hội Phó: bà Đoàn Quốc Khuê

Ủy viên Giám Sát: Sœur Nicole

Ủy Viên Tài Chánh: bà Trần Văn Ân

Ủy Viên Kế Hoạch: cô Đinh thị Thiệp

Mục đích của Hội là trang bị cho người phụ nữ có một kiến thức chuyên môn để từ đó có thể cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Hội Bảo Trợ Phụ Nữ cũng tích cực hoạt động trong việc xin bảo trợ của các nhà hảo tâm cho các kinh phí như huấn nghệ cho các phụ nữ lạc hậu ở các vùng xa xôi hẻo lánh, vùng cao nguyên. Bên cạnh đó, trường còn nhận được sự bảo trợ của Cơ Quan Văn Hoá Á Châu (The Asia Foundation) do ông Đoàn Quốc Khuê làm đại diện, ông đã giúp trong việc xin các trang thiết bị cần thiết cho việc dạy học. Đồng thời hỗ trợ học bỗng cho cô nhi quả phụ, học sinh sắc tộc, tài trợ học bổng du học ngoại quốc. Tính đến năm 1975, chỉ sau 5 năm, Học Viện Regina Pacis đã đào tạo được 3 khóa học. Khóa đầu tiên ra trường là năm 1973. Sự kiện chính trị năm 1975 đã khép kín những ước mơ và hoài bão của Sœur Nicole.

Ngày 17 tháng 10 năm 2017, Sœur Nicole từ trần tại Los Altos, California.

Trung Tâm Phục Hồi Thiếu Nhi Tê Liệt (Polio): dãy nhà hai lầu quay ra đường Hiền Vương, nhận khoảng 100 em bại liệt nội trú, được điều trị và ăn học miễn phí. Bên cạnh đó các em cũng được học các môn năng khiếu như Âm Nhạc, Hội Họa… Các Sœurs phụ trách đầu tiên là Sr. Matilde Thanh…, Sr. Laetitia Đinh thị Lan, Sr. Guillemine Nguyễn thị Quyên và Sr. Marie Thérèse Phạm thị Mơ.

Nhà Nội trú và Bán trú dành cho học sinh của trường, trong đó có nhiều cô nhi và con em gia đình khó khăn. Đó là ngôi nhà lớn, quay lưng ra đường Bà huyện Thanh Quan, gồm một tầng trệt và hai tầng lầu với một sân thượng được trang bị làm nơi sinh hoạt, Sœur Clotilde Trần thị Mỹ phụ trách nhóm nội trú Marialux (sau đổi là Trinh Vương), Sr. Marie Agnès và sau đó là Sr. Jean Bosco Vũ thị Diễm phụ trách nhóm Myriella (sau đổi là Thùy Trang), Sr. Marie Christianne Nguyễn thị Thông phụ trách nhóm Clair-Foyer (sau đổi là Sơn Ca). Tầng trệt của ngôi nhà này dành cho lớp Mẫu Giáo do Sr. Marie Christianne phụ trách. Lưu Xá sinh viên Maria Val (sau đổi là Lưu Hương) do Sr. Aimée Nguyễn thị Nữ phụ trách.

 

Bước ngoặt 75.

Năm 1975, sau biến cố lịch sử ngày 30 tháng 4, chính quyền mới đã tiếp thu cơ sở và công lập hóa Trường Nữ Vương Hòa Bình và Nữ Học Viện Bách Khoa Regina Pacis. Năm 1976, trường Nữ Vương Hoà Bình đổi tên là Triệu thị Trinh và Học Viện RP đổi tên là Trung Học Sư Phạm Kỹ Thuật Phổ Thông. Khu Polio đổi thành Trường Mầm Non 5 nuôi những người khuyết tật, sau đó đổi tên thành Trung Tâm Dạy Nghề cho người khuyết tật. Khu Nội Trú cũng ngưng hoạt động từ ngày ấy.

Regina Pacis tuy vẫn thuộc quyền sở hữu của Tu Hội nhưng việc sử dụng cho mục tiêu giáo dục thì do chính quyền mới điều hành. Các Sœur không còn quản trị học vụ tại trường mà phải lui về Tu Viện, bắt đầu cuộc sống mới với bao nỗi thăng trầm...

Tháng 7 năm 1977, trường NVHB ngành Phổ Thông hoàn toàn bị giải thể.

Kể từ đây cái tên Regina Pacis chỉ còn trong ký ức và một trang sử đã khép lại.

MK & MV

bottom of page