top of page
f-babylift-a-20150427.jpg

Đ ê m  đ ị n h  m ệ n h

Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Sàigòn ở trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, khi mọi người hoang mang trước diễn biến chính trị và quân sự mỗi ngày một tồi tệ. Trong cảnh huống đó, ngôi trường Regina Pacis im lìm vắng bóng học sinh. Riêng tại khu nhà Thanh Thủy, nơi các trẻ em polio mồ côi sinh sống, sinh hoạt vẫn bình thường như mọi ngày. Phải nói rằng cuộc đời các em đã gắn liền phần nào với cha Crawford, một linh mục người Mỹ thuộc dòng Vinh Sơn và là cha xứ của nhà nguyện Regina Pacis. Ngài đã góp công xây dựng ngôi nguyện đường với 400 chỗ ngồi này. Ngoài ra, ngài cũng có công dựng nên một viện mồ côi trang bị 300 giường, một xưởng nhỏ đóng giầy cho các trẻ polio và một nhà nghỉ mát cho các em polio ở Bãi Dâu, Vũng Tàu. Cũng chính ngài đã luôn luôn sốt sắng tìm các nguồn tài trợ để góp phần vào việc nuôi dưỡng và điều trị các em tại Trung Tâm Phục Hồi Thiếu Nhi Tê Liệt Regina Pacis. Cũng chính ngài đã âm thầm trợ giúp các Sơ trong việc cung cấp văn phòng phẩm cũng như những vật liệu xây cất, trong đó có việc xây một lò bánh mì. (1)

Cha Crawford rất yêu thương trẻ em mồ côi và nhất là các trẻ em khuyết tật Việt Nam. Khi thấy trẻ nào không có ai chăm nom thì ngài đem về nuôi dưỡng. Trong thời điểm này có khoảng 50 trẻ polio mồ côi dưới sự chăm sóc của ngài và 100 trẻ polio mồ côi do các Sơ dòng Nữ Tử Bác Ái Regina Pacis trông coi.

Khi được biết Chiến Dịch Babylift của chính phủ Hoa Kỳ tạm gián đoạn, cha Robert Crawford rất quan tâm, vì ngài biết những em này cần được chăm sóc đặc biệt và điều trị lâu dài. Trước tình hình đó, cha đã liên lạc riêng với sĩ quan cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ, hy vọng đưa các em mồ côi, khuyết tật ra khỏi VN. Thiếu Tá Không Quân Delligatti, người đã giúp cha liên lạc với ông Edward Daly, chủ tịch và cũng là chủ nhân hãng Hàng Không World Airways. Với tấm lòng bác ái, ông này đã nhiệt tình hứa giúp cha đem các trẻ mồ côi rời khỏi VN bằng máy bay chở hàng hóa của ông, dù phải trang trải chi phí là $US200,000 và dù không được sự chấp thuận từ phía Hoa Kỳ cũng như VN. Lúc này miền Nam VN đang ở trong tình trạng rối ren nên có lẽ là một cơ hội tốt để cha Crawford, ông Daly cùng với nhà tài trợ Frank Reidy thực hiện ý định.

Sau đó, ngài đi gặp các Sơ chăm sóc Khu polio của trường Regina Pacis để cố gắng thuyết phục các nữ tu này chấp thuận mục đích của mình. Sau nhiều lần cầu nguyện cùng Chúa, các Sơ và ngài đã quyết định là trả những em polio nào còn cha mẹ về gia đình và giữ lại các em mồ côi. Kế hoạch di tản này cần phải giữ bí mật tuyệt đối cho đến ngày rời VN để tránh mọi rắc rối, khi thành phố Sàigòn đang rất rối ren và không còn an ninh. Mọi sự chuẩn bị đã được tiến hành rất cẩn trọng và mọi người phải sẵn sàng khởi hành bất cứ giờ phút nào, ngày hay đêm.

Ngày 22 tháng 4 là ngày định mệnh. Các nữ tu gồm có Sơ Guillemine Nguyễn thị Quyên, Sơ Thérèse Marie Phạm thị Mơ, Sơ Michael Trương Thu Cúc và Sơ Marie Antoinette Bùi Yến. Quý Sơ đã tập họp các em lại và cho biết là sẽ được đi du ngoạn, rồi đưa các em rời khỏi trường bằng xe buýt. Chiếc xe buýt chở mọi người đi qua những con đường khá nguy hiểm vào một buổi tối ảm đạm của Sàigòn để đến phi trường Tân Sơn Nhứt. Vào được cửa phi trường là nhờ hối lộ người lính canh. Điểm hẹn nằm ngay trong sân bay của Pan American, nơi chiếc phi cơ DC-8 của hãng hàng không World Airways từ Đà Nẵng vừa đáp xuống phi trường. Cha Crawford và các Sơ lập tức đưa các em polio vào lòng máy bay. Lúc này, cha nắm chặt tay ông Daley và nói “Ông Daley, tôi không biết làm thế nào để cảm ơn ông!” Dưới sự chăm nom của bốn vị nữ tu Nữ Tử Bác Ái dòng Vinh Sơn, linh mục Crawford và một số người khác, bốn mươi hai trẻ em mồ côi polio, từ năm tuổi trở lên đã có mặt trên chiếc DC-8, trong một chuyến bay không có lịch trình. Tuy biết được phi vụ trái phép này, các người lính trên tháp canh trong phi trường đã làm ngơ. Cha Crawford đã thổ lộ sau này, "Họ làm gì? Bắn hạ chúng tôi ư?" (2)

Các phi công và phi hành đoàn đều là những tình nguyện viên. Trong phòng lái gồm có hai phi công chiến đấu của Không Quân Hoa Kỳ, Kenneth Healy và Bill Keating. Để tránh bị phát giác, họ phải tắt hết các đèn khi máy bay cất cánh. Mọi người chỉ nghe tiếng máy nổ ầm ầm của phi cơ trên phi đạo, khi phi cơ chuẩn bị cất cánh và những tiếng cầu nguyện thầm thì. Qua ô cửa sổ, thành phố Sàigòn trong đêm xa dần, xa dần.

Khi Mẹ bề trên biết được cuộc di tản bí mật này, Mẹ đã tức tốc ra lệnh các Sơ phải chạy lên phi trường để đón các em về, nhưng chiếc phi cơ cũng đã vừa cất cánh! Một cánh cửa vừa khép lại và một cánh cửa mới đã được mở ra.

Sau khi dừng tại phi trường Okinawa và Tokyo để chuyển máy bay lớn, phi cơ tiếp tục bay đến căn cứ Travis Air Force Base, gần San Francisco. Kế đó các em được chuyển tới căn cứ quân Sự Presidio ở San Francisco để làm các thủ tục định cư. Ba ngày sau các em được chuyển lên Porland, Oregon bằng xe buýt để tạm cư tại thành phố Mt. Angel. Các em được các nữ tu thuộc dòng Benedictine chăm sóc. Sau chuyến bay dài mười ngàn dặm, các em bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới lạ từ đây.(3)

Ngoài những ưu tiên, đặc quyền từ các trợ cấp của chính phủ Mỹ, rất nhiều các cơ quan từ thiện, những tình nguyện viên có lòng nhân ái đã nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ các em polio trong buổi đầu nhiều bỡ ngỡ, để các em có thể thích nghi, hoà nhập vào đời sống văn hoá, xã hội Mỹ. Hai tháng sau, các em được chuyển về Maryvale, Arizona, dưới sự quan tâm và điều hành của Sơ Mary Elizabeth Reed. Từ đây các em đã nhận được sự chăm sóc, điều trị rất chu đáo, ngoài việc tìm người bảo trợ hay tìm cha mẹ nuôi để các em có một cuộc sống bình thường trong tình yêu thương gia đình. Trong số này có Huyền Duông, Huệ, Thành, Nhơn, Ngoan, Vân, Thanh Mai, Phi Yến, Phú, Luận... Phần đông hiện đã có gia đình, có đời sống ổn định và sung túc.

Riêng các Sơ trường Regina Pacis thì về phục vụ tại Tỉnh Dòng ở Los Altos Hills, California. Năm 1976, rất tiếc Sơ Michael đã qua đời vì một tai nạn xe cộ. Năm 2015, Sơ Guillemine cũng đã về với Chúa. Riêng với ông Edward J. Daly, lịch sử đã ghi ơn ông như một người hùng thời chiến, dù ông không cầm súng mà chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo. Ông mất năm 1984. Còn cha Crawford, ngoài việc phục vụ các trẻ em tàn tật, cô nhi tại VN gần như suốt cuộc đời, ngài cũng là ân nhân của đồng bào Việt Nam tị nạn tại trại Palawan. Ngài mất năm 1999 tại Philadelphia.

M Vân 

(1) Edward Russel In Memoriam by Frank Reidy

(2) By John Nordheimer trong báo New York Times, April 25, 1975

(3) Escape From Saigon, April 22, 1975

bottom of page