N Ữ H Ọ C V I Ệ N
R E G I N A P A C I S
Trong thập niên 1960 và 1970, lúc hội nghị hòa bình diễn ra ở Paris, Việt Nam Cộng hòa ráo riết lên kế hoạch tái thiết hậu chiến, với viễn cảnh là hòa bình sẽ lập lại ở Việt Nam, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập, người lính từ các bên trở về cần được đào tạo để tái hòa nhập vào xã hội. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, có hai mô hình cơ sở giáo dục đại học mới và mang tính thực tiễn được hình thành: trường đại học cộng đồng và viện đại học bách khoa.
Trường đại học cộng đồng là một cơ sở giáo dục đại học sơ cấp và đa ngành. Khởi điểm của mô hình giáo dục này là một nghiên cứu của ông Đỗ Bá Khê tiến hành vào năm 1969 mà các kết quả sau đó được đưa vào một luận án tiến sĩ trình ở Viện Đại học Nam California vào năm 1970 với tựa đề The Community College Concept: A Study of its Relevance to Postwar Reconstruction in Vietnam
Một trường đại học cộng đồng có các tác dụng chính yếu sau:
-
Giáo dục chuyển tiếp: Chương trình học chuyển tiếp giống hệt chương trình hai năm đầu ở các viện đại học và trường đại học khác. Sau khi hoàn thành chương trình này, sinh viên có thể ghi tên theo học lên cao hơn ở các cơ sở giáo dục đại học khác.
-
Giáo dục chuyên nghiệp: Chương trình học chuyên nghiệp trong những ngành nghề thiết thực có liên hệ trực tiếp với nền kinh tế của cộng đồng địa phương.
-
Giáo dục phổ thông: Chương trình học phổ thông, bắt buộc cho cả sinh viên chuyển tiếp lẫn sinh viên thực nghiệp, cung cấp giáo dục tổng quát và mang tính cách toàn diện.
Trong thời điểm đó vào năm 1970, từ một trường Tư Thục Kỹ Thuật, Sœur Nicole đã thiết lập thành một trường Đại Học Cộng Đồng cho Nữ Giới: Học viện Regina Pacis. Đây là một Nữ Học Viện bậc Cao Đẳng, áp dụng mô thức một Viện Đại Học Cộng Đồng, đào tạo các nữ chuyên viên Kỹ Thuật, giáo viên Kỹ Thuật cho các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, và cho các trường Phổ Thông Trung Học. Trường có hai phân khoa: Kinh Tế Gia Đình và Quản Trị Kinh Doanh, học trình 3 năm.
KHOA KINH TẾ GIA ĐÌNH
Ngành Kinh Tế Gia Đình đào tạo nữ cán sự các nghề chuyên môn sau: Nữ công Gia chánh, Trợ tá Xã hội, Cán sự Gia đình.
KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH
Đào tạo các nữ chuyên viên các nghề như: Chuyên Viên Quản Trị Xí Nghiệp, Cán Sự Ngân Hàng và Chuyên Viên Điện Cơ Kế Toán.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:
KHOA KINH TẾ GIA ĐÌNH
Ngành Kinh Tế Gia Đình đào tạo nữ cán sự các nghề chuyên môn sau: Nữ công Gia chánh, Trợ tá Xã hội, Cán sự Gia đình. Các môn học gồm có:
- Nữ Công Gia Chánh: Học các môn gồm may cắt, thiết kế trang phục trẻ em, Âu phục nam nữ, thêu tay, thêu máy, đan, móc. Phương pháp cắm hoa, kết thú bằng trái cây. Nấu ăn, làm bánh. Nghệ thuật trang trí các món ăn. Nghệ thuật trang điểm… Giáo sư phụ trách là Mlle Đặng Kim Chi.
- Y Tế Xã Hội: Nghiên cứu về tình trạng sức khỏe, thể lực, bệnh tật của cộng đồng. Học về những căn bản y học thường thức, cách phòng bệnh và chữa bệnh thông thường, cách săn sóc bệnh nhân, sản phụ và trẻ sơ sinh. Nơi thực tập là Bảo Sanh Viện Từ Dũ, tại đây các sinh viên Kỹ Thuật được quan sát các cuộc giải phẩu phụ khoa, sanh mổ hay sanh ngược. Ngoài ra, chương trình ngoài giờ là các khoá học cứu thương do Hội Hồng Thập Tự tổ chức, nơi thực tập là Tổng Y Viện Cộng Hoà và Bệnh Viện Lê Hữu Sanh. Giáo sư phụ trách là Bác sỹ Lê Hữu Sanh và Bác Sỹ Trần Văn Tính.
- Dưỡng Nhi: Nghiên cứu sự phát triển về cơ thể, tinh thần, sự vận động của trẻ em. Học cách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em khỏe mạnh, trẻ em bị bệnh. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em (bú mẹ, bú bình, ăn dặm). Nơi thực tập là nhà thương Grall. Giáo sư phụ trách là Bác Sỹ Lê Hữu Sanh.
- Dinh Dưỡng: Nghiên cứu mối quan hệ giữa thức ăn với cơ thể, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và chế độ ăn, mối liên hệ giữa chế độ ăn và sức khoẻ. Nhận biết, phân loại, lựa chọn, bảo quản thực phẩm. Giáo sư phụ trách là Bác Sỹ Nguyễn Lân Đính.
KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH
Đào tạo các nữ chuyên viên các nghề như: Chuyên Viên Quản Trị Xí Nghiệp, Cán Sự Ngân Hàng và Chuyên Viên Điện Cơ Kế Toán. Các nghề chuyên môn này có thể thay đổi tuỳ theo nhu cầu phát triển của Cộng Đồng và sự tiến triển của nền Công Kỹ Nghệ trong nước.
Ngành học này gồm có: Tốc Ký, Kế Toán, Thương Mại, Giao Tiếp. Giáo sư phụ trách là Lê Văn Láng (giám đốc Nha Điện Tử Ngân Hàng QGVN), giáo sư Phan Hữu Tạc (giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng), giáo sư Trần Ngọc Diệp, Hồ Hữu Hoàng, Ng Hữu Hậu, Phan Cung Hoài, Đào Quang Huy, Huỳnh Khương Lạc, Huỳnh v Lang, Ng văn Loan, Huỳnh Hiếu Nghĩa, Ng Xuân Quỳnh, Dương t Quý...
Tốc Ký: Học về phương cách ghi nhanh, ghi tắt các ký tự với những phương pháp tăng tốc độ viết.
Đánh máy: học đánh máy trên máy đánh chữ bằng 10 đầu ngón tay, học cách soạn thảo văn bản.
Kế Toán: học cách lập trình, tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát các kế hoạch kinh doanh. Phân tích báo cáo tài chính, Lập và trình bày báo cáo tài chính. Theo dõi, quản lý cập nhật, tổng hợp số liệu tài chính của các dự án đang triển khai.
Ngân Hàng: Gồm các nghiệp vụ ngân hàng về kỹ thuật, thương mại, kế toán và pháp chế
Điện Toán: Học về cách xử dung và máy IBM
Thương Mại: nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính của ngân hàng.
Bảo Hiểm: những điều lệ về chế độ bảo hiểm đối với các viên chức
Giao tiếp: Học Cách ứng xử và giao tiếp trong giao thiệp.
Ngoài ra cả hai Khoa còn học các môn học sau:
Luật: Tìm hiểu những căn bản về Dân Luật, Thương Luật, Hiến Pháp. Qua đó, sinh viên hiểu được bổn phận, quyền lợi và trách nhiệm của công dân. Giáo sư phụ trách là Nguyễn Công Tâm, Đào Thị Tuyền
Tâm Lý Học: Học về Tâm lý Xã hội học và Triết học. Sự hình thành và phát triển tâm lý, ý thức, trang bị cho người học những kiến thức cơ bản nhất về đời sống tâm lý con người. Trên cơ sở đó, người học có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp sau này. Giáo sư phụ trách là Linh mục Nguyễn Văn Vàng và Mme Phạm thị Tự.
Sinh Ngữ: Học cả hai sinh ngữ là Anh Văn và Pháp Văn. Để hội nhập trong xã hội được thuận lợi, môn sinh ngữ được xem là vốn liếng cơ bản trong giao tiếp, cơ hội là sẽ được xuất ngoại du học dưới sự giúp đỡ của Trung Tâm Văn Hoá Á Châu (Asia Foundation). Giáo sư phụ trách là Vũ Hữu Bằng, Phùng Thị Cam, Ng Nương Minh Châu, Ngô T Lệ Dung, Hồ Hữu Han, Ng Đức Nơi, Nguyễn Thị Phòng, và nhiều giáo sư nổi tiếng thời đó.
ĐIỀU KIỆN TUYỂN SINH
Khoa Kinh Tế Gia Đình:
Học viên phải có ít nhất văn bằng tiểu học và học 2 năm tại một trường nữ công, hay học hết lớp Đệ Lục tại trường Trung Học Phổ Thông, ít nhất phải 17 tuổi và phải qua một kỳ thi tuyển.
Để vào ngay khoá 2, phải là học viên Đệ Tứ khóa 1 có điểm trung bình cuối năm ít nhất 12 điểm. Có văn bằng Trung Học Kỹ Thuật ban Nữ Công Gia Chánh, hoặc văn bằng Trung Học Phổ Thông. Tuổi từ 17 đến 21 và phải qua kỳ thi tuyển
Tất cả các học viên đã học hai khoá trên sẽ học theo chương trình kỹ thuật ngành Nữ Công Gia Chánh của chính phủ, và sau đó sẽ tiếp tục học khoá 3 nền Kinh Tế Gia Đình.
Khoa Quản trị Kinh Doanh:
Học viên phải có tối thiểu văn bằng Tú Tài phần 1, hoặc văn bằng tương đương và qua kỳ thi tuyển. Mỗi năm phải qua hai kỳ thi tam cá nguyệt và một kỳ thi cuối năm. Điểm trung bình là 11/20 (năm 1), 12/20 (năm 2), và để tốt nghiệp phải đạt điểm 13/20.
Với hệ thống bậc học và ngành học đa dạng như trên, Học viện Kỹ Thuật dạy sinh viên theo hệ thống chương trình chú trọng đào tạo thực hành với nhiều trải nghiệm về kỹ năng nghề nghiệp trước khi ra trường:
· Thực tập tại lớp
· Thực tập tại các công sở và bịnh viện.
Qua đó cung cấp cho sinh viên những kiến thức và các kỹ năng chuyên môn về các ngành liên quan trong tương lai, có thể đảm trách những vị trí chức vụ trong công việc.
Do những năm dài chiến tranh đã đưa người phụ nữ Việt Nam đến một vai trò mới, không chỉ dừng lại về tề gia nội trợ mà người phụ nữ phải thay thế người chồng gánh vác trách nhiệm trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thấy được những khó khăn này, Hội Bảo Trợ Phụ Nữ ra đời vào năm 1965, nhằm tạo cơ hội cho người phụ nữ trang bị cho mình kiến thức chuyên môn hầu cải thiện kinh tế gia đình. Sœur Nicole đã cùng với Hội Bảo Trợ Phụ nữ, mở những lớp huấn nghệ miễn phí cho các chị em phụ nữ vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng cao nguyên còn lạc hậu. Mục đích cho họ hiểu biết đời sống văn minh trong xã hội mới, giúp họ hiểu được vai trò của người phụ nữ trong gia đình, tạo nghề để họ sinh sống.
Thành phần Tân Ban Chấp Hành Hội Bảo Trợ Phụ Nữ năm 1974 gồm:
Hội Trưởng: Mlle Nguyễn thị Phòng
Phó Hội Trưởng: Mme Đoàn Quốc Khuê
Uỷ viên Tài Chánh: Mme Trần Văn Ân
Uỷ viên Kế Hoạch: Mme Tôn Thất Đàm
Kiểm Soát viên: Sœur Nicole
Hội Đồng Tư Vấn gồm có bà: Phùng Ngọc Cam, Cao Đắc Bửu và Ngô Thạc Thuộc.
Biến cố lịch sử năm 1975, Học viện RP đã bị quốc hữu hóa, toàn bộ do chính quyền mới điều hành. Tuy thế, những gì được đào tạo từ học viện vẫn được lưu truyền đến hôm nay.