Bánh cóng hay bánh cống? Thật ra gọi tên nào cũng là nó.. có thể ban đầu là cống, đọc chữ cống thì phải phùng má, trợn mắt nên bà con đọc thành Cóng cho nhẹ nhàng dịu dàng một chút. Bánh ni gốc gác là ở tận xứ Khmer nhưng đặc sản lại là ở vùng Sóc Trăng
Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ", "cõi", Kh'leang là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang.
Nói đến Sóc Trăng là chúng ta phải nhớ đến có ba dân tộc sinh sống ở đây là: Kinh, Hoa, và Khmer. Cho nên nền ẩm thực ở đây rất phong phú và đa dạng.
Trở về chiếc bánh Cống. Tại sao gọi là bánh cống? Chắc là ông bà xưa thấy mặt đặt tên, cái khuôn bánh dạng như cái cống! Trước tiên, cái cống để đổ bánh là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình dáng tựa như cái phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh. Thời xa xưa, nó được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hư hơn. Và chiếc bánh cống đã đi vào huyền thoại bởi cái vị thơm ngon, béo bùi, xốp dòn của nó...
Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Chỉ nhìn dĩa bánh vàng ươm và dĩa rau tươi xanh là đã muốn thưởng thức. Mùi đậu xanh, mùi tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm nức mũi, bát nước mắm lấm tấm hạt ớt, tép chanh, trong veo mấy cọng dưa chua đu đủ. Đúng là một món ăn phong phú về cả mùi vị và màu sắc.