Ai trong chúng ta, khi du lịch đến Châu Âu, nhất là lần đầu tiên, đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của những kiến trúc, di tích văn hóa lịch sử, những lâu đài, cung điện vua chúa trong thời hoàng kim của Châu Âu hay nét huyền hoặc, kỳ diệu của những thánh đường cổ kính, những nơi mà chúng ta đã từng thấy trong sách vở và phim ảnh trước đây, giờ mới thật sự chứng kiến tận mắt… Lên máy bay trở về nước, hình như bạn vẫn hoang mang, không biết vì còn thiếu thắng cảnh, hay trình diễn nghệ thuật nào chưa kịp xem, và rồi những ấn tượng mới lạ cứ liên tục tranh nhau tìm một góc trong ký ức của bạn...
Trong chuyến đi du lịch Âu Châu kỳ này, gia đình chúng tôi đã ráng sắp xếp thời giờ để đưa con cái đến những nơi có thể học hỏi thêm những điều hay mới lạ từ những nền văn hóa Âu châu, để cùng chia xẻ một vài cảm nghiệm với quí bạn đọc, nhất là các phụ huynh có con em học âm nhạc, nghệ thuật hay các bạn có quan tâm đặc biệt đến văn hóa Tây phương.
Khi tới Budapest - thủ đô của Hungary, ngoài những cảnh đẹp có tính cách lịch sử như Tòa Nhà Quốc Hội, Chain Bridge, Hero Square, Budapest Opera House, chúng tôi cũng đến Bartok Memorial House, biệt thự của một nhà sọan nhạc lớn người Hung, Béla Bartok, tọa lạc trong khu ngoại ô yên tĩnh của Budapest, nơi ông đã sinh sống trước khi qua Mỹ, trong nhà có nhiều bộ sưu tập về những nhạc cụ và hình tượng âm nhạc dân tộc với những màu sắc điển hình kỳ lạ, dường như nơi chốn cũ này vẫn còn đọng lại tâm hồn yêu thiên nhiên và tràn ngập nhân tính của nhà sáng lập khoa âm nhạc dân tộc của thế kỷ 20, thể hiện qua bản nhạc cổ truyền quen thuộc “Romanian Folk Dance” mà các bạn yêu âm nhạc đã từng được nghe trình diễn với nhiều nhạc cụ khác nhau.
Béla Bartok là một trong những nhạc sĩ đa năng của thế kỷ 20, ông đã thâu thập âm nhạc dân gian của các nước Đông Âu và kết hợp với những nét đặc trưng truyền thống của Hungary sang âm nhạc hiện đại với bản sắc riêng của mình. Bức tranh toàn cảnh âm nhạc của Bartok có khi thì rộn ràng, mạnh bạo, hoang dã, có lúc lại đơn giản, yên tĩnh, trong sáng, nói chung mang những nét sắc thái dân gian độc đáo ngoài trí tưởng tượng. Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật (Budapest Museum of Fine Arts) cũng là nơi thu hút người nghệ sĩ chốn tha phương muốn tìm hiểu về nghệ thuật nổi tiếng của Đông Âu.
Cũng tại Budapest, chúng tôi đã viếng thăm một nhạc sĩ nổi tiếng trong trường phái lãng mạn trên thế giới là Franz Liszt, một trong những nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ dương cầm, được xếp hàng đầu trong làn gió của sự đổi mới và trí thức ở thế kỷ 19. Một trong những đóng góp đáng chú ý của ông là phát minh các bài thơ giao hưởng (Symphonic Poem), phát triển các khái niệm về chuyển đổi chuyên đề (thematic transformation) trong hình thức âm nhạc, khởi đầu cho việc đưa hòa âm vào nhạc kịch, một sản phẩm trực tiếp của chủ nghĩa lãng mạn. Học Viện Âm Nhạc Franz Liszt, hiện nay là nơi huấn luyện những tài năng âm nhạc theo tiêu chuẩn cao nhất và là nơi bảo tồn âm nhạc dân gian của Đông và Tây Âu trong tinh thần quốc tế. Liên kết chặt chẽ với những đối tác như Hungarian State Opera, Palace of Arts, Trung Tâm Âm Nhạc Budapest, Pest Vidago và các trường Đại Học Nghệ thuật ở Budapest, Nhạc Viện Franz Liszt đang nổ lực tăng cường vai trò hàng đầu của mình trong dòng bến cảng văn hóa của thế giới.
Tại Vienna, Liszt đã từng học piano với Carl Czerny, học trò của Beethoven, và đã được chào đón trong giới quí tộc của triều đình Vienna, sau đó vào năm 1823, ông đã gặp Beethoven và Schubert. Đến Budapest, nhạc sinh nào cũng muốn thăm Bảo Tàng Viện Liszt Memorial, được trình bày với vẻ trang trọng những vật dụng, bộ sưu tập sách, những chiếc đàn dương cầm mà Liszt đã từng luyện tập và trình diễn. Treo trên tường là những bức chân dung người nghệ sĩ toát lên vẻ trí thức, quí phái và tinh tế cũng như những tác phẩm bất hủ của ông - những kết hợp tuyệt mỹ giữa cảm xúc và tư duy. Phòng hòa nhạc được thiết kế ngay trong Bảo Tàng Viện được dùng để trình diễn âm nhạc vào mỗi Thứ Bảy.
Đặt chân tới Áo, đâu đâu chúng tôi cũng được nghe âm nhạc cổ điển, từ các cửa tiệm, nhà hàng đến xe bus, taxi, tram, thoạt đầu, tôi nghĩ đó là cách để thu hút du khách, nhưng lạ thay, nếu bạn thử hỏi, thì ngay cả người tài xế taxi cũng có thể giảng giải cho bạn xuất xứ và thể loại của từng bản nhạc phổ biến.
Ngoài những bài học thật sự hữu ích cho các nhạc sinh chuyên nghiệp và những Concerts đã đặt sẵn, gia đình chúng tôi cũng hân hạnh được mời đến dự buổi Hòa Nhạc do chính Professor Johannes Kropfitsch (Head of Keyboard, Vienna Conservatorium of Music) trình diễn tại một trong những nhà hát nổi tiếng trên thế giới là Wiener Konzerthaus. Buổi trình diễn của bậc thầy chuyên nghiệp thật sống động và gợi hứng với sự cổ vũ nhiệt tình của trên ngàn người tham dự.
Trong nhiều thế kỷ, âm nhạc Áo đã trải qua một cuộc hành trình văn hóa lâu dài và phong phú. Trong thời kỳ Baroque, Slavic và các hình thức, giai điệu dân gian Hungary đã ảnh hưởng âm nhạc của Áo. Tuy nhiên, âm sắc Baroque đã được chuyển biến trong phong cách mới , kể từ khi Mozart đến Vienna, cũng tại nơi đây, truyền thống đã nối kết 3 nhà soạn nhạc lừng danh trên thế giới: Mozart, Haydn và Beethoven. Từ thế kỷ 18, 19, Áo vẫn luôn là nước truyền thống và là thủ đô âm nhạc cổ điển của Châu Âu.
Đã thành tiền lệ, mỗi sáng đầu năm, TV Thụy Sĩ và nhiều đài Châu Âu khác sẽ truyền hình trực tiếp buổi hòa nhạc từ Áo. Vienna, do đó, được xem là trung tâm hàng đầu của văn hóa và âm nhạc trên thế giới, thể hiện không những trong con số rất nhiều đạo diễn, kịch sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Mozart, Haydn, Schubert, Beethoven, Strauss, Schoenberg, Brahms... mà còn trong con số lớn các nhà hát opera, hòa nhạc (lớn nhỏ đủ hạng), với những nét kiến trúc đặc trưng Gothic. Tại Vienna, có 3 nhà hát nổi tiếng nhất trên thế giới là: Musikverein, Vienna State Opera và Wiener Konzerthaus.
Khi du lịch Áo, ai cũng muốn ghé thăm thành phố cổ Châu Âu nổi tiếng ở phía bắc dãy núi Alps, nơi có rất nhiều tòa nhà, tháp và nhà thờ với kiến trúc Baroque, công viên Hohe Tauern, hồ Wolfgangsee… trông rất đẹp nếu nhìn từ pháo đài Hohensalzburg trên ngọn đồi Festungsberg. Ngoài nét lãng mạn với cảnh sắc thiên nhiên phong phú, Salzburg còn nổi tiếng vì là nơi sinh của nhà soạn nhạc vĩ đại trên thế giới: Wolfgang Amadeus Mozart. Dạo quanh quảng trường “Mozart Getreidegasse”, đến Mozarteum University of Salzburg, bạn có thể hồi tưởng lại những bước chân yêu đời của Mozart ngày nào qua âm hưởng sống động “Eine Kleine Natch Musik” (a little night music). “Thành phố Mozart” trở thành tên gọi tắt của Salzburg, một thành phố của lễ hội và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Kể từ năm 1967, Salzburg,”thiên đường nhỏ bé của Áo quốc”, lại thu hút vô vàn du khách, với bộ phim vượt thời gian "The Sound of Music". Lần theo bước chân Maria, bạn sẽ thấy lâu đài Hellbrunn vẫn còn đó khung cảnh mơ mộng của cô gái mới lớn: ”I am 16 going on 17”, và khu vườn Mirabell vang vẳng đâu đây tiếng hát Do-Re-Mi trong sáng của nữ tài tử ca sĩ Julie Andrews với bầy trẻ nhà Von Trapp. Dường như ở bất kỳ nơi đâu trên hành tinh này, khi bạn xướng lên khúc dạo ‘Edelweiss’, trong khoảnh khắc, sẽ có một người xa lạ cùng hòa lên nhịp khúc muôn thuở này với bạn, bạn có tin không? cả cái nghĩa trang St Peter’s trong phim đó, trông nhỏ hơn mình tưởng, nhưng trang hoàng rất dễ thương và thân thiện vì nhìn quanh bạn sẽ thấy những tên rất quen thuộc: Beethoven, Schumann, Schubert, Haydn, Strauss, Schoenberg, Brahms... (“những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” câu thơ cuối của thi sĩ Vũ Đình Liên bất giác chợt thoáng qua trong tôi).
Nhạc sĩ thiên tài Mozart, đặc biệt đã thể hiện qua các tác phẩm hiện thực của mình, những nét đặc sắc nhất của nền văn hóa Áo, phối hợp với nét đa dạng từ nhiều nền văn hoá khác (Ý, Pháp, Anh, Đức,..), trong lãnh vực nhạc kịch, giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, ca
khúc, đặc biệt sự xuất hiện của liên khúc Sonata đã cho đàn Clavir đạt những thành tựu rực rỡ trong bước ngoặc lịch sử âm nhạc Châu Âu. Mozart được coi là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của mọi thời đại, ông đã viết được bản giao hưởng đầu tiên lúc 8 tuổi, sau này ông đã viết trên 600 bản nhạc đủ các thể loại: giao hưởng, opera, concerto độc tấu, thính phòng gồm tứ tấu, ngũ tấu, serenade và piano sonata.
Trường phái cổ điển do Mozart khởi xướng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa âm nhạc từ nhà thờ hướng ra quảng đại quần chúng. Bên cạnh những sáng tác nhạc kịch dân tộc nghiêm chỉnh, nhạc kịch hài hước cũng như "hát trò" truyền thống cũng không kém phần hấp dẫn với lối diễn xuất đột phá của các diễn viên chuyên nghiệp tài ba. Điều quan trọng đã làm các tác phẩm của nhạc sĩ cổ điển trở thành bất hủ là do ấn tượng mạnh mẽ của chủ đề, thường trong sáng, giản dị với khuynh hướng thẩm mỹ, đề cao trí tuệ qua sự hài hoà phong phú của âm thanh và tiết tấu.
Ngay cả vào những buổi tối mùa đông rét buốt, trời thường hay mưa, trên những con đường nhỏ hẹp, lát gạch đá từ nhiều thế kỷ, người ta mặc áo choàng, mũ, khăn quàng cổ, bao tay và bước thật nhanh cho đỡ lạnh. Cứ ngỡ chỉ có du khách mới chịu khó lội bộ trong băng giá để đi xem Concert thôi, ai ngờ, khi vào đến Concert Hall thì đã chật hết cả chỗ rồi. Trước khi chương trình bắt đầu, khán giả phải gởi áo choàng và giỏ vào cloak room. Tôi để ý thấy trong bất kỳ buổi Concert nào, mọi người đều lắng nghe thật chăm chú, thưởng thức tận tình và vỗ tay không ngớt, cho tới khi diễn viên phải chào đến 2, 3 lần và cuối cùng phải tặng thêm một bản "encore" (bonus piece) nữa thì mới chịu thôi.
Trong chương trình văn hoá giáo dục tại các nước Liên minh Âu châu, đặc biệt tại Áo, âm nhạc là môn học bắt buộc được bắt đầu từ lớp mẫu giáo cho tới lớp 10, sau đó từ lớp 11 trở đi, môn âm nhạc hay kịch nghệ trở thành môn nhiệm ý (optional). Các chương trình đào tạo giảng dạy và học tập được chia thành 6 nhóm: tập hát đúng, tập xử dụng nhạc cụ, lắng nghe một cách ý thức, chuyển động theo tiếng nhạc, trình diễn sáng tạo và lý thuyết âm nhạc.
Trên cơ sở các tiết mục âm nhạc rộng lớn và đa dạng, sự tiếp cận với âm nhạc từ quan điểm trí tuệ đã được nâng cao tiêu chuẩn khả dĩ giúp nhạc sinh trình bày những sáng tạo nghệ thuật theo phong cách riêng của mình.
Giáo dục âm nhạc là một phần quan trọng của nền văn hóa và truyền thống của Áo. Truyền thống đó đã thấm sâu vào trong cuộc sống hằng ngày của người dân Áo và họ luôn cố gắng để giữ một tiêu chuẩn cao trong âm nhạc. Thái độ hưởng ứng âm nhạc một cách sâu sắc của quần chúng Âu châu nói chung và dân Áo nói riêng, quả thật là một điều đáng ngưỡng mộ, phải chăng trình độ nhận thức văn hóa nghệ thuật đó là kết quả của cả một quá trình giáo dục về trí tuệ, nhân cách và khả năng cảm thụ trong sự thăng hoa không ngừng vươn tới vẻ đẹp chân, thiện, mỹ của nghệ thuật?
Kim Trang