- Việt Nam dưới con mắt của người Pháp.
- Việc giảng đạo Thiên Chúa tại Việt Nam.
1- Việt Nam Dưới Con Mắt Của Người Pháp
Âu Á cùng chung một lục địa nhưng từ thế kỷ thứ III, năm 226 sau C.L. đã có người La Mã đi qua nước ta (khi đó còn gọi là Giao Chỉ) để sang nước Ngô, rồi tới thế kỷ VII có ít người theo đạo Cảnh Giáo (Nestoriens) mà người thứ nhất tên là Olopen đã từ Ba Tư đến kinh đô Hoa Lư của vua Đinh Tiên Hoàng.
Đến thế kỷ XIII, phái viên của chúa Mông Cổ là Marco Polo người Ý (nguyên quán ở thành Venice) cũng có lần đi công cán qua Việt Nam cho tới thế kỷ XV Chritophe Colomb tìm được Châu Mỹ, Vasco de Gama lần được qua Hải Vọng Giác (Cap de Bonne espérance) sang Ấn Độ Dương và qua cả Thái Bình Dương. Từ đó về sau người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan tranh nhau sang Á Châu lập thị trường và chiếm đất làm thuộc địa (Bồ đến Áo Môn ở bờ biển Trung Quốc (1563), Tây Ban Nha chiếm quần đảo Phi Luật Tân (1568), Hòa Lan lấy đất Chà Và (1596) sau đó Anh và Pháp ló mặt ở Ấn Độ). Rồi nhiều người Tây phương từ thế kỷ XV, XVI và XVII đã biết đến nước ta trong thời Nam-Bắc phân tranh. Họ tới xứ ta để mở mang việc thương mại và cũng để lo thực hiện chủ trương đế quốc bởi lúc này dân tộc Á Đông chúng ta quá lạc hậu.
Năm 1614 một người Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix đến Thuận Hóa mở lò đúc súng giúp chúa Nguyễn. Một ít kỹ thuật gia Bồ còn dạy người Đàng Trong đóng tàu theo lối Âu Châu và tổ chức cả binh đội cho Nam Hà...
Những người Pháp đầu tiên đặt chân tới Việt Nam gồm hai loại: các nhà buôn và một số giáo sĩ trong đó người nổi danh hơn cả là giáo sỉ P. Alexandre de Rhodes. Sau một thời gian lưu lại Việt Nam, giáo sĩ trở về Pháp (1649) cho in tấm bản đồ đầu tiên của xứ An Nam, cuốn tự điển Việt--La Tinh--Bồ Đào Nha, và kế đó, vào năm 1652 cuốn Sử Ký Bắc Hà bằng tiếng La Tinh cũng được xuất bản...
Sau khi công ty của Pháp tại Ấn Độ được thành lập, viên giám đốc François Caran đã soạn thảo một kế hoạch đầy đủ với tham vọng tôn tính thị trường tại Viễn Đông. Vào năm 1666, củng cố địa vị tại vùng đảo Java xong, F. Caran có ý định mở một chuyến viễn du qua Nhật Bản rồi sẽ tới xứ Nam Hà để đặt cơ sở thương mại tại đây. Rủi thay, hoài bão đó không được thành tựu vì trong khoảng 1665 và 1667 nước Pháp gặp nhiều thất bại tại đảo Madagascar.
Năm 1678 một người Pháp tên là Boureau-Deslandes vào yết kiến chúa Trịnh ở Bắc Hà, dâng một bức thư của vua Louis XIV xin cho các giáo sĩ Pháp được vào giảng đạo tại Việt Nam. Năm 1682, giám mục Metellopolis và Lanneau tới Huế gặp chúa Hiền Vương và làm quà cho ngài hai cỗ đại bác.
Hai năm sau, công ty Ấn Độ phái một người Pháp tên là Chappelier ra Bắc. Tại đây ông này đã lập một cửa hàng. Nhận xét về xứ này, Chappelier viết: "Đất đai phì nhiêu, dân tình hiền hòa và có thiện chí buôn bán với ngoại quốc".
Năm 1686 một người Pháp tên là Verret được phép mở thương điếm ở cù lao Côn Lôn. Y báo cáo về cho Công ty, như sau: "Cù lao không có dân cư ở, có nhiều đồ gia vị, cù lao chính có ba hải cảng tốt..."
Tuy nhiên báo cáo trên không được Công ty lưu tâm tới vì gặp những khó khăn liên tiếp về mặt tài chánh của Pháp thuở đó do chiến tranh gây ra. Mãi tới năm 1721, Công ty mới bắt đầu nghiên cứu những dự án về Nam Hà. Từ giai đoạn này trở đi một ít người Hòa Lan, Bồ Đào Nha đã cho tàu cập bến cửa Thái Bình và cửa Luộc để giao dịch với vua chúa cùng dân chúng Bắc Hà. Họ được phép lập hiệu buôn ở Kẻ Chợ và Phố Hiến (Việt Sử Tân Biên quyển 3 đã nói đến).
Năm 1721, viên toàn quyền Pondichéry là Pierre Lenoir phái Renault sang Nam Hà để quan sát tình hình, và khác với Verret, ông này ít chú ý tới cù lao Côn Lôn. Renault cho rằng chính trong đất liền mới có nhiều điều đáng kể.
Vào năm 1723 Công ty gặp cơn khủng hoảng và không sao tiến lên được tới mức bình thường để duy trì các cơ sở cũ. Từ đó về sau, Công ty luôn luôn nghĩ đến Bắc và Nam Hà, đồng thời các chuyến tàu đặc biệt thường hay ghé vào các xứ này. Năm 1737 viên toàn quyền Pondichéry là Dumas gửi một bản phúc trình cho ban giám đốc Công ty nói về xứ Bắc Hà. Dumas nhận xét: "Xứ Bắc Hà đất đai phì nhiêu, khí hậu tốt lành và đặc biệt, gần Trung Quốc có nhiều mỏ đồng và nhiều đồ gia vị".
Rồi Dumas giao cho De la Baume, một người đã từng sống lâu năm ở Nam Hà, khảo xét về những thổ sản của xứ này. Nhưng mọi việc đều không đưa tới kết quả mong muốn.
Vào năm 1748, Công ty phái một nhân viên tên là Dumont tới miền Trung, ông này mở cửa hàng ở Hội An với ý định biến cửa bể này thành một trung tâm thương mại.
Năm 1749 một người Pháp tên là Pierre le Poivre sang Nam Hà, vào cửa Hội An, xin yết kiến chúa Nguyễn và dâng tờ quốc thư cùng phẩm vật để tỏ tình giao hiếu của hai nước. Chúa Nguyễn cũng đáp thư lại, thuận cho người Pháp vào thông thương và được quyền mở thương điếm ở cửa Hội An.
Sau này những chuyến viễn du của Bennelat, của giáo sĩ d'Eucarpié, của tu sĩ Saint Phalle tới Việt Nam cũng đều có ý xem xét tình hình Việt Nam về mọi phương diện.
Vào 1753, Prolias-Leroux đề nghị mở một cửa hàng tại đảo Côn Lôn. Nhưng vì cuộc chiến tranh "Thất Niên" đem lại sự thất bại cho Pháp tại Ấn Độ nên Công ty này bị tan rã (1769) khiến dự định trên không được thành tựu. Vào cuối đời Louis XV, chương trình thiết lập cơ sở tại Việt Nam lại được đem ra nghiên cứu một lần nữa. Sau khi trình bày sự bành trướng và uy thế của Anh Cát Lợi tại Á Châu, một người Pháp tên là De Rothé cho biết: "Cho đến bây giờ chỉ còn Nam Hà nằm ngoài vòng ảnh hưởng của Anh Cát Lợi; nếu họ quyết định trước ta, thì chẳng bao giờ ta còn có thể đặt chân tới xứ này được nữa".
Xem các sự kiện đã kể trên, ta thấy nước Pháp cũng như nhiều nước Âu Châu đã thèm muốn nước ta rất nhiều và từ lâu chẳng cần phải có việc cáo tỏ của giám mục Bá Đa Lộc sau này hoặc có việc vua Gia Long khi còn là chúa Nguyễn Ánh yêu cầu họ mang binh sang nước ta. Việc xâm chiếm Việt Nam vào đời Tự Đức đối với nước Pháp nếu so với hành động thực dân của các nước Tây phương khác chỉ là lẽ tự nhiên phải xảy ra. Nếu sự việc này tới muộn là bởi Pháp chưa có hoàn cảnh thuận tiện từ hai thế kỷ trước mà thôi. Ngoài những thương nhân có ảnh hưởng đến thời cuộc Á Đông, phải kể cả một số giáo sĩ nữa, vì họ đã hoạt động không riêng gì cho tôn giáo.
2- Đạo Thiên Chúa
Xưa kia Âu Châu là một nơi có nhiều tôn giáo khác nhau. Dân tộc nào cũng có thần thánh riêng để thờ phụng, lấy các hiện tượng trong trời đất để tưởng tượng ra các thánh thần rồi làm các đền đài vĩ đại để cúng vái. Dân Hy Lạp, La Mã thờ thần Jupiter (Thái Dương), thần Apollo (thần Ánh Sáng). Riêng Do Thái thờ Jéhovah ở Jérusalem, tin rằng vị thần này sinh ra loài người và muôn vật trong vũ trụ. Khi La Mã làm chủ được cả đất Tiểu Á-Tê-Á và Tây Âu, đạo Do Thái trở nên suy tàn. Lúc này chúa Gia Tô108 ra đời lập ra thuyết trong trời đất chỉ có Thượng Đế là cao siêu, là vĩ đại, là nhân từ hơn cả. Thượng Đế đây tức là Chúa Trời có ba ngôi: ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con và ngôi thứ ba là Thánh Thần. Tuy chia ra ba mà vẫn là nhất thể. Chúa Trời cho con xuống thế làm người chịu đủ điều cực hình, khổ nhục để chuộc tội cho Nhân loại. Chúa Gia Tô khuyên người ta kính Chúa (Trời) và mến người, chỉ làm những điều ân ích và trút bỏ mọi oán hờn, ghen ghét. Công tội sau này sẽ được Chúa phán xét để lên Thiên Đường hay xuống địa ngục đời đời, kiếp kiếp...
Từ đời bạo chúa Néron cho tới các đế vương sau, đạo Thiên Chúa bị triệt hạ cấm đoán nhiều lần nhưng sau đến năm 325 đời vua La Mã Constantin do chỉ dụ Milan, đạo này được tự do truyền bá. Tuy vậy cho tới thế kỷ XVIII đạo Thiên Chúa còn gặp nhiều trở lực và phải tranh đấu rất nhiều với các đạo giáo khác mới tồn tại được đến ngày nay để thành một giáo lý được tin tưởng nhiều nhất ở các nước Tây phương. Đạo Gia Tô đã lần sang Á Đông trước thế kỷ thứ IV sau T.C. qua Ba Tư, qua đảo Socotora, Tích Lan, Malabar, Tartaria và Trung Quốc.
Những giáo sĩ đầu tiên trên đất Việt Nam là những ai?
Họ là những người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... tu sĩ cũng như lái buôn đều tự cho mình là những tên lính tiên phong cảm tử đi mở việc buôn bán với Á Châu để làm giàu cho xứ sở mình và đem đức tin Công Giáo đến với những người không tín ngưỡng ở khắp nơi trên thế giới. Hạt tiêu và linh hồn, đó là mục đích của những cuộc mạo hiểm vô cùng táo bạo của họ.
Đạo Công Giáo đến nước ta vào đời Hậu Lê, giữa lúc nền thống nhất của Việt Nam bị tan rã do sự tranh giành quyền lợi của các ông chúa phong kiến Mạc -- Trịnh -- Nguyễn.
Theo Khâm Định Việt Sử, từ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Lê Trang Tông (1532-1533) khi giáo sĩ dòng Franciscan đến xứ Bắc đã có một người Tây Dương là I-Ni-Khu đi đường bể lén vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, huyện Nam Trực, làng Trà Lũ huyện Giao Thủy thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Sau đó các giáo sĩ P. Busomi đến Nam Hà vào năm Ất Mão (1615) đời chúa Sãi, giáo sĩ Jean Rhodes đến giảng kinh Phúc Âm ở Phú Xuân, giáo sĩ Baldinoti vào xứ Bắc năm Bính Dần (1626) đời vua Lê Thần Tông, v.v...
Trong thuở sơ khai các giáo sĩ nhờ vào các thương gia mới có tàu bè qua Á Đông.
Đầu thế kỷ XVII việc triều đình truyền giáo đã được tổ chức đầy đủ và tiến mạnh dần. Áo Môn (một địa điểm duyên hải của tỉnh Phúc Kiến) bấy giờ trở nên một trung tâm cho việc truyền bá đạo Thiên Chúa và là nơi phân phối các giáo sĩ đi các xứ Á Đông do người Bồ Đào Nha cầm đầu.
Đáng chú ý là sự mở mang Đế Quốc của Liệt cường Tây phương và việc bành trướng đạo Thiên Chúa cũng song hành đều nhịp, liên hệ với nhau, nên người Á Đông sau khi thấy nhiều dân tộc da vàng bị nô lệ hóa đã nhìn người Tây phương bằng con mắt căm hờn, với đạo Thiên Chúa họ cũng nghi ngờ về phương diện chính trị. Quả vậy, một số giáo sĩ đã là mật báo viên cho Hoàng Đế Tây Ban Nha và Pháp. Họ không thể làm khác hơn được bởi họ phải dựa vào quyền lực và sự cung cấp của Hoàng Đế Pháp-Tây Ban Nha mới có phương tiện qua Á Đông làm nhiệm vụ cao cả của họ. Rồi do sự cạnh tranh chính các nhà buôn cùng giáo sĩ của các nước Tây phương đã tố cáo nhau, dèm pha nhau nên các vua chúa của ta nghi ngờ họ là phải lắm. Đây là một trong nhiều nguyên nhân về việc bài đạo và giết đạo mỗi ngày thêm khốc liệt khiến lịch sử Công Giáo Việt Nam đã đầy huyết lệ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.
Buổi đầu trong thời Nam-Bắc triều, sau là thời Nam-Bắc phân tranh vua chúa Nam, Bắc Hà tỏ có nhiều cảm tình với các giáo sĩ. Thực ra không phải vì hâm mộ một đạo giáo, mặc dầu đạo giáo này có chủ trương Bác Ái, Nhân Hòa nhưng vì các vua chúa muốn lợi dụng các giáo sĩ để liên lạc với các nước Tây phương hòng có những kỹ thuật gia giỏi về quân sự, tài đóng tàu chiến, đúc súng đồng, đạn dược và mua được nhiều khí giới để hạ thủ đối phương.
Tới khi không lợi dụng được như ý muốn lại thấy người Tây phương chinh phục được nhiều nước ở Á Châu, các vua chúa sinh ra e sợ rồi quyết liệt thi hành chính sách bài đạo và bế quan tỏa cảng.
Từ năm Tân Tỵ (1631) trong Nam dưới đời chúa Thượng ngoài Bắc dưới đời Cảnh Hưng (1754) đã nổi lên nhiều phong trào giam cầm bắt bớ và giết tróc các đạo trưởng Tây phương cùng các tín đồ. Các giáo sĩ bị hại ở Bắc Hà nhiều hơn vì vua Lê, chúa Trịnh gần như thất bại trong việc kêu gọi người Tây phương đến giúp mình.
Một căn nguyên khác không kém phần quan trọng trong việc bài đạo là chỗ đạo Thiên Chúa bị hiểu lầm là một tà đạo, nghịch với thuần phong mỹ tục bản địa. Chính quyền cho kẻ theo đạo là những kẻ đi ngược với luân thường, bỏ rơi tiên tổ, khinh mạn vua quan, tóm lại tôn giáo này bị coi là có thể làm đảo lộn trật tự của xã hội đương thời từ gia đình ra tới ngoài đại chúng.
Việt Sử Toàn Thư