Ludwig van Beethoven (1770-1827)
Ludwig van Beethoven là một nhà soạn nhạc và trình diễn người Đức, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc và nghệ thuật. Beethoven đã có những đóng góp vĩ đại vào tiến trình phát triển của âm nhạc cổ điển thế giới. Ông là người đã quảng bá truyền thống cổ điển Vienna từ thời Mozart - Haydn và sau đó đã trở thành một nhân vật quan trọng đánh dấu sự ra đời của thế hệ lãng mạn trong nền âm nhạc châu Âu.
Cuộc đời và sáng tác âm nhạc của Beethoven có thể được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1793-1802 là khi ông sống ở Vienna. Trong thời gian đầu, những tác phẩm của ông mang đậm nét truyền thống Cổ Điển Viennese, với những sáng tác như các bản giao hưởng đầu tiên, tứ tấu đàn dây (string quartet) và những bản sonata trử tình đã được bảo tồn trong kho tàng âm nhạc cổ điển cho đến nay. Giai đoạn trung niên từ năm 1803-1812 là khi Beethoven bắt đầu sáng tác một số bản giao hưởng nổi tiếng của mình, trong đó có bản Eroica. Giai đoạn cuối năm 1813 đến 1818, âm nhạc của Beethoven đã mô tả những cuộc đấu tranh tinh thần và cảm xúc của ông ở mức độ sâu nhất. Không chỉ sáng tác, Beethoven còn là người đầu tiên đưa ra một phong cách mới trong nghệ thuật trình diễn dương cầm: phong cách anh hùng ca.
Mặc dù bị suy giảm thính lực trầm trọng từ năm 1801, phong cách âm nhạc của Beethoven vẫn không ngừng biến đổi truyền thống cổ điển, được xác định bởi cá tính mãnh liệt, và đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm cho nhiều thế hệ tiếp theo.
Sonata in E-flat major, Op. 27 No. 1, Quasi una Fantasia by Ludwig van Beethoven
Sonata này được sáng tác trong giai đoạn giữa của Beethoven từ năm 1800 đến năm 1801.
Sonata Op. 27 số 1 được thiết kế để chơi như toàn thể một bản nhạc mà không bị gián đoạn giữa các phần. Phụ đề của sonata là Sonata Quasi una Fantasia (dịch từ tiếng Ý: ‘Sonata được chơi như một sự tưởng tượng”). Bản Sonata này với những tính năng ngẫu hứng và cấu trúc tự do đã thể hiện sự sáng tạo của Beethoven trong các hình thức âm nhạc cổ điển.
Khi nói về mục đích sáng tác, Beethoven cho rằng:”Nghệ thuật không phải chỉ mang đến khoái cảm mà phải tạo nên những rung động,"làm bừng cháy những trái tim" của sự trong sáng và cao thượng.
Beethoven đã đổi mới hình thức sonata truyền thống khi viết phần đầu tiên chậm (thay vì nhanh) với một giai điệu đơn giản mà thay đổi trong kết cấu hòa âm, để diễn tả một sự khao khát không ngừng.
Thay vì sao chép hình thức Scherzo (nghĩa là đùa cợt) dưới dạng chính xác của nó khi quay trở lại, Beethoven sửa đổi hình dạng bằng cách thay đổi nhịp điệu trong tay phải và viết một điệp khúc thú vị để kết thúc tác phẩm bằng cách trở về chủ đề nhằm mang lại sự thống nhất cho toàn bộ tác phẩm. Mặc dù tưởng tượng tùy hứng là tự nhiên, không có cấu trúc, nhưng Beethoven sử dụng các tính chất ngẫu hứng một cách độc đáo khiến hai bản Sonata Op.27 số 1 và 2 liên kết chặt chẽ với nhau như một câu chuyện liên tục.
Sonata in C-sharp minor, Op. 27 No. 2, Quasi una Fantasia ‘Moonlight’ by Ludwig van Beethoven
Năm 1801, Beethoven bắt đầu mất thính giác và điều này đã ảnh hưởng sâu đậm đến những cảm xúc trong sáng tác của ông. Điều đau xót hơn cả với nhạc sĩ là trước khi mắc căn bệnh này, ông sở hữu một thính giác tinh tường, nhạy cảm đến mức hiếm có. Nỗi thống khổ về bệnh tật này đã hành hạ ông và dẫn đến sự tột cùng của tuyệt vọng.
Beethoven đã viết Sonata Op. 27 số 2 vào thời điểm này, đề tặng cho nữ bá tước Giulietta Guicciardi, để kỷ niệm mối tình đầu của mình.
Sau khi Beethoven qua đời vài năm, nhà thơ và cũng là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm này với ánh trăng lan tỏa trên mặt hồ Lucerne. Từ đó bản nhạc bất hủ này được mọi người biết đến với cái tên "Sonate Ánh Trăng" (Moonlight Sonata).
Phần đầu của bản Sonate này được viết với nhịp điệu chậm, nhẹ nhàng, sâu lắng và yên tĩnh, gợi lên hình ảnh của một chiếc thuyền êm ả dưới ánh trăng trong đêm tĩnh lặng. Nhà soạn nhạc người Pháp Berlioz bình luận rằng nó như “một thứ thơ mà ngôn ngữ con người không thể nào cất lên được”. Còn học trò của Beethoven, Carl Czerny thì cho rằng nó diễn tả một “màn đêm, với những âm thanh ảm đạm vọng tới từ phương xa”.
Phần thứ hai, nối tiếp với nhịp điệu Allegretto hơi nhanh, trang nhã lại pha chút đùa cợt (Scherzo) như thể tự an ủi trong nỗi buồn tạm thời lãng quên. Tuy nhiên, tâm trạng nhẹ nhàng này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi khi chủ đề thứ hai xuất hiện, đó là hiện tại, được diễn tả trong phần thứ ba, kết thúc bằng nhịp điệu Presto agitato rất nhanh với một chuyển biến mãnh liệt, nồng nhiệt như một cơn bão tố, gào thét trong sự tuyệt vọng của tình yêu và số phận và cường độ đã hướng tới đỉnh cao của sự thể hiện cảm xúc của con người.
Bản Sonate Ánh Trăng đã được viết ra trong một bối cảnh đầy lãng mạn và cảm xúc. Đây là một trong những bản sonate của Beethoven được nhiều người yêu thích nhất qua tất cả các thời đại. Chính bởi sự huyền ảo của tuyệt tác bất hủ này, mà sự ra đời của nó đã được thêu dệt qua nhiều giai thoại, cũng thơ mộng như cái tên của nó.
Sau đây là một giai thoại nổi tiếng về xuất xứ của bản nhạc bất hủ này. Năm 1801, khi sống ở Vienna, Beethoven đã đem lòng yêu say đắm một học trò của mình là nữ bá tước xinh đẹp Giulietta Guicciardi. Vào một đêm trăng sáng, dưới vòm hoa nhà nàng, chàng ngỏ lời cùng Giulietta, với tất cả sự trân trọng, nhưng rất không may, chàng đã bị từ chối. Tuyệt vọng và đau đớn, Beethoven đã lang thang vô định trong thành Vienna rồi đứng cô độc trên cây cầu bắc qua dòng sông Danube, lấp lánh dưới ánh trăng.
Trong một không gian tĩnh lặng của vô thức, bước chân người nhạc sĩ, đã lần theo tiếng dương cầm vang lên xa vắng. Ở đó, ông thấy một người cha đang ngồi nghe cô con gái mù của mình chơi dương cầm. Người cha đau khổ đã tâm sự với Beethoven rằng con gái mình chỉ có một ước mơ duy nhất suốt cuộc đời là được ngắm nhìn ánh trăng trên dòng Danube, nhưng ông chẳng bao giờ có thể đem đến cho con niềm hạnh phúc giản dị ấy. Xúc động quá, Beethoven đã ngồi vào cây đàn và những nốt nhạc đã vang lên ngẫu hứng, ào ạt dâng theo cảm xúc mãnh liệt của một thiên tài âm nhạc, lúc thì nhẹ nhàng, êm dịu như ánh trăng, khi thì mênh mang như những làn sóng trên dòng sông Danube huyền ảo, lung linh trong truyện cổ tích, rồi đến mạnh mẽ như nổi trận cuồng phong. Tiếng đàn huyền hoặc của chàng nhạc sĩ thiên tài đã ngân lên những lời tâm sự ai oán, đầy bi thương, những thổn thức, phẫn nộ và nỗi khát vọng mãnh liệt để thoát ra khỏi lời nguyền của số phận.
Nỗi đau thương và mất mát bày tỏ trong nhạc phẩm, những lời nguyện cầu, và cả bão tố trong lòng người nghệ sĩ đã hoà quyện vào nhau để tạo nên một thứ âm nhạc tuyệt hảo, thứ âm nhạc khởi đầu cho những huyền thoại mang tên Beethoven.
Kim Trang
Nguồn: Britannica, Classical Music, All-about-Beethoven