Bảy Samurai, bộ phim nước ngoài hay nhất mọi thời đại
(Anne Billson BBC Culture)
Bảy Samurai của Akira Kurosawa (1954) là bộ phim đen trắng dài ba tiếng rưỡi đồng hồ, với bối cảnh là đất nước Nhật Bản thời Thế kỷ 16 bị chiến tranh tàn phá.
Về mặt ý tưởng mà nói thì đây khó có thể là câu chuyện hay.
Ấy vậy mà Bảy Samurai chiếm vị trí số một trong danh sách 100 phim tiếng nước ngoài hay nhất mọi thời đại do BBC tập hợp dựa trên bình chọn của các nhà bình luận phim thế giới.
Tổng số 41 nhà bình luận, chiếm 20% số người tham gia bỏ phiếu, chọn đây là phim xuất sắc nhất, và Kurosawa là một trong các nhà đạo diễn nhận được số phiếu bình chọn cao nhất. Ba phim khác của ông là La Sinh Môn (Rashomon), Phải Sống (Ikuri) và Loạn (Ran) đều lọt vào danh sách 100 phim tiếng nước ngoài hay nhất.
Tuy nhiên, sự hâm mộ toàn cầu không đồng nghĩa với việc ông được yêu mến ở Nhật. Không một ai trong số các nhà bình luận phim người Nhật tham gia bầu chọn bỏ phiếu cho Bảy Samurai hay bất kỳ tác phẩm nào khác của Kurosawa, mà họ thích các tài năng được nuôi dưỡng từ trong nước hơn, như Yasujirô Ozu và Kenji Mizoguchi.
Nhưng có lẽ đó cũng là điều dễ thấy. Ngay cả trong những năm làm phim đỉnh cao, Kurosawa vẫn thường được tán dương nhiều hơn ở nước ngoài so với trong nước.
Để bắt đầu thì ông là đạo diễn Nhật Bản đầu tiên giành được sự công nhận của quốc tế khi phim La Sinh Môn giành giải Sư tử Vàng hồi 1951 tại Liên hoan Phim Venice.
Và Bảy Samurai nổi tiếng ở phương Tây một phần nhờ vào thực tế là trong thời kỷ nguyên trước khi có video, thì đây là một trong những bộ phim Nhật đầu tiên nhiều người từng được xem.
Nó giới thiệu một nền văn hoá tuy là từ nước ngoài nhưng lại rất thú vị cho những khán giả vốn đã xem đến nhàm chán các phim cao bồi viễn tây của Hollywood.
Trong những năm sau đó, Kurosawa có xu hướng bớt chịu ảnh hưởng từ các phim của John Ford, nhưng thành tựu ông đạt được chính là sự kết hợp những nét điển hình của phim cao bồi viễn tây với những nét mới mang tính cấp tiến trong các dòng phim của Nhật Bản: chambara (dòng phim về kiếm đạo) và jidaigeki (kịch thời đại)
Phim Bảy Samurai dùng lối kể chuyện khiến người xem bị cuốn vào ngay từ đầu phim, khi một bọn cướp quyết định chờ cho tới sau vụ mùa thu hoạch mới sẽ tới cướp bóc một ngôi làng trong núi.
Âm mưu của chúng bị một nông dân nghe lỏm được. Người này về làng báo tin dữ. Sau những hồi đấm ngực than khóc, dân làng quyết định thuê samurai (võ sĩ) tới bảo vệ, nhưng bởi nghèo khổ nên họ chỉ có thóc gạo để trả công.
Sau đó, chúng ta theo chân nhóm người được dân làng trao trọng trách có vẻ như bất khả thi là tới thuyết khách để những vị samurai đầy kiêu hãnh chịu đồng ý tới cứu giúp.
Sau những khó khăn ban đầu, họ bị cuốn vào một màn kịch tính nho nhỏ khi cựu chiến binh Kambei (do Takashi Shimura, một trong các diễn viên được Kurosawa yêu dùng, thủ vai) khiến mọi người ngạc nhiên khi ông cạo phăng búi tóc (biểu tượng của niềm kiêu hãnh samurai) để ông có thể đóng giả làm một vị sư đầu trọc, đi cứu một đứa trẻ đang bị giữ làm con tin.
Một khi Kambei dày dạn kinh nghiệm bị thuyết phục về sự chính nghĩa của những người nông dân, bộ phim cho ta thấy cảnh 'tập hợp đội hình' tuyệt đỉnh, mà nay đã trở thành một phần bắt buộc của rất nhiều hành động, nhiều bộ phim nói về những nhóm tội phạm.
Từng người một, sáu ronin khác (tức là các samurai không có chủ nhân) được thuyết phục hãy tham gia vào một sứ mệnh có lẽ giống như tự sát này, một sứ mệnh chẳng đem lại cho họ chút gì kể cả tiền bạc lẫn danh tiếng: một người bạn từng sát cánh chiến đấu với Kambei trong chiến tranh, một cung thủ thiện xạ, một người luôn vui vẻ do sa sút mà phải đi đốn củi, một kiếm thủ bậc thầy chỉ mong muốn hoàn thiện được nghệ thuật đấu kiếm của bản thân, một samurai trẻ trung chưa từng qua thử thách thực tế nhưng nóng lòng muốn chứng tỏ bản lĩnh đàn ông.
Và cuối cùng là sự xuất hiện của Kikuchiyo (do Toshiro Mifune, một diễn viên khác cũng rất được Kurosawa ưa thích), một gã huênh hoang hơi điên điên. Phớt lờ những lời chế nhạo của mọi người, anh đi cùng khi họ trở về làng.
'Oán hận và ngờ vực'
Cảnh thứ nhì cho thấy các Samurai xem xét địa hình nơi họ sẽ phòng thủ, huấn luyện các nông dân cách chiến đấu, và chàng samurai trẻ đem lòng yêu một cô gái, người được cha đem giấu biệt không cho người ngoài biết.
Mọi người đều coi Kikuchiyo là anh hề, nhưng chính chàng là người đã xoá đi sự không tin tưởng lẫn nhau giữa dân làng và những vị khách. Chàng thể hiện gốc gác khiêm tốn của mình, con trai của một nông dân, và kể ra một số chuyện thật của gia đình.
Vâng, đúng là dân làng đang trong cảnh khốn khổ, bị lừa dối, và trong quá khứ, họ có thể đã giết các samurai lang thang ngang qua, nhưng bản thân họ cũng là nạn nhân của tầng lớp chiến binh, những kẻ đã đốt nhà, đánh cắp thực phẩm và bắt cóc phụ nữ trong làng.
Sau toàn bộ phần chuẩn bị tỉ mỉ này, một tiếng rưỡi đồng hồ cuối cùng của phim mở ra một loạt các cuộc đụng độ với mức độ ngày càng leo thang.
Chiến trường lên đến đỉnh điểm với trận mưa dữ dội trút xuống. Đây chính là bối cảnh tuyệt vời để thể hiện một cách vô cùng thông minh cuộc loạn đả, hỗn loạn điên cuồng: những người đánh nhau chạy chỗ này chỗ kia trên mặt bùn, ngựa phi, giáo đâm, cung tên vun vút, thỉnh thoảng có tiếng đạn nổ, tất cả đều được quay bằng nhiều camera cùng lúc khiến khán giả có cảm giác như đang ở giữa một nơi dày đặc các diễn biến gấp gáp.
Chúng ta luôn biết ai là ai, mọi người ở đâu, họ đang làm gì, và - nhờ vào tấm banner theo kiểu đồ hoạ thông tin - chính xác là còn bao nhiêu tên cướp nữa dân làng cần phải tiêu diệt vào một thời điểm bất kỳ. Trong số các samurai cũng có thương vong, và bởi chúng ta đã biết rõ từng người cho nên mỗi cái chết đều khiến ta có cảm xúc mãnh liệt.
Sau Bảy Samurai, Kurosawa tiếp tục với các hình ảnh chambara khác, Yojimbo (1961) và Sanjuro (1962), nhưng sự nổi tiếng của ông tại phương Tây dường như lại trở thành điều bất lợi cho ông ở quê nhà, nơi có những sự oán giận và ngờ vực nhất định.
Nếu như người phương Tây thấy các phim của Kurosawa thật cuốn hút, có lẽ đó là bởi chúng không hẳn là thuần chất Nhật như các phim thầm lặng hơn của các đạo diễn Mizoguchi hay Ozu.
Giữa những hỗn loạn đầy tính nghệ thuật của những làn sóng mới và những phản văn hoá thời giữa thập niên 1960, hai bộ phim của Kurosawa, làm cho hãng Toho Company, đã thất bại, và việc ông không chịu hạ mình, từ làm các tác phẩm sử thi xuống các dự án nhỏ hơn, khiến ông bị gạt ra khỏi ngành.
Năm 1971, ông định tự vẫn, và ba dự án tiếp theo của ông, Dersu Uzala (1975), Chiến binh trong bóng tối (tên phim trong tiếng Nhật là Kagemusha - 1980), và Loạn (Ran - 1985) - nổi lên được chỉ là nhờ vào sự ủng hộ nhiệt thành của những người ngưỡng mộ ông tại Liên Xô, Mỹ và Pháp.
Nếu như các phim về Samurai của Kurosawa bị ảnh hưởng bởi phim viễn tây Hollywood, thì đến lượt mình, chúng lại ghi dấu ấn mạnh mẽ lên nền điện ảnh phương Tây.
Phim Bảy Samurai được quay lại không chỉ trong phim The Magnificent Seven, tác phẩm mà Hollywood đã làm tới hai lần, một vào năm 1960 và một vào năm 2016
Sau hơn sáu thập niên, bộ phim xuất sắc nhất của ông vẫn là chuẩn mực vàng cho các phim hành động đầy hồi hộp và mạch lạc. Tính hùng ca và sự nhân văn tới mức dữ dội của phim sẽ tiếp tục làm lay động cảm xúc của khán giả trên toàn thế giới trong những thế hệ tới.
Sưu tầm