Bài thơ Lỡ bước sang ngang khi ra đời có lẽ không bao giờ ngờ rằng nó sẽ trở thành tác phẩm «báo mộng» cuộc đời Nguyễn Bính: Một đời lỡ bước, một đời tài hoa bạc mệnh. Một đời chia ly, phân kỳ, đoạn trường, tang liệm, một đời khát khao tình yêu và hạnh phúc. Tập Lỡ bước sang ngang mở đầu bằng bài thơ bạc mệnh ấy và kết thúc bằng hai bài Chuyến tàu đêm và Đàn tôi, cả ba đều là thơ bạc mệnh, như thể bao nhiêu nỗi buồn trên thế gian đều theo nhau vào thơ Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1919, quê ở xóm Trạm, thôn Thiện Vinh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mồ côi mẹ từ lúc ba tháng. Không học ở trường mà học nhà với cha và cậu. Làm thơ từ lúc 13 tuổi. Được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn năm 1937. Đến năm 1942, Nguyễn Bính đã có 7 tập thơ: Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi (in năm 1940), Hương cố nhân và Một nghìn cửa sổ (1941), Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước, Mây tần và Bóng giai nhân (1942).
Nguyễn Bính nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu, Lỡ bước sang ngang. Người Việt từ Nam chí Bắc thuộc Lỡ bước sang ngang. Sự bình dân của Nguyễn Bính được Hoài Thanh giải thích trong Thi Nhân Việt Nam, như một lời khen, rằng Nguyễn Bính đã làm sống lại mỗi con người nhà quê trong chúng ta, nhưng ông lại tiếc rằng Nguyễn Bính làm thơ bình dân như thế thì «khó lọt vào mắt những nhà thông thái» và trách Nguyễn Bính đã nhà quê sao lại không nhà quê cho trót, mà thỉnh thoảng lại chêm vào những câu thơ rất «tỉnh», khiến «người ta khó nhận thấy cái hay của những câu thơ khác có tính chất ca dao». Tóm lại, theo Hoài Thanh, thơ Nguyễn Bính nhà quê và cái hay trong thơ Nguyễn Bính là nhờ giống ca dao. Cả hai nhận xét đều sai lạc, bề ngoài, vì không phải trong thơ cứ tả cảnh sống ở thôn quê là thành nhà thơ nhà quê, cứ có thôn Đông, thôn Đoài, có vườn dâu, nong tằm là có chất ca dao. Sau này, hai nhà phê bình khác đã cảm thông sâu sắc với định mệnh khắt khe, đau buồn trong thơ Nguyễn Bính là Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, do Sống Mới tái bản năm 1968, tại Sài Gòn. nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu, Lỡ bước sang ngang. Người Việt từ Nam chí Bắc thuộc Lỡ bước sang ngang. Sự bình dân của Nguyễn Bính được Hoài Thanh giải thích trong Thi Nhân Việt Nam, như một lời khen, rằng Nguyễn Bính đã làm sống lại mỗi con người nhà quê trong chúng ta, nhưng ông lại tiếc rằng Nguyễn Bính làm thơ bình dân như thế thì «khó lọt vào mắt những nhà thông thái» và trách Nguyễn Bính đã nhà quê sao lại không nhà quê cho trót, mà thỉnh thoảng lại chêm vào những câu thơ rất «tỉnh», khiến «người ta khó nhận thấy cái hay của những câu thơ khác có tính chất ca dao». Tóm lại, theo Hoài Thanh, thơ Nguyễn Bính nhà quê và cái hay trong thơ Nguyễn Bính là nhờ giống ca dao. Cả hai nhận xét đều sai lạc, bề ngoài, vì không phải trong thơ cứ tả cảnh sống ở thôn quê là thành nhà thơ nhà quê, cứ có thôn Đông, thôn Đoài, có vườn dâu, nong tằm là có chất ca dao. Sau này, hai nhà phê bình khác đã cảm thông sâu sắc với định mệnh khắt khe, đau buồn trong thơ Nguyễn Bính là Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, do Sống Mới tái bản năm 1968, tại Sài Gòn.
*
Thơ Nguyễn Bính bình dân, nhưng không quê mùa. Nguyễn Bính đã nhập hồn người dân quê, hồn người phụ nữ, để viết lại đời sống quê hương và dân tộc mình, bằng một giọng bình dân. Bình dân được như Nguyễn Bính không phải dễ. Nguyễn Bính nói hộ cả một thế hệ đàn bà, một thế hệ lỡ bước trong những cuộc hôn nhân dàn xếp, nói bằng ngôn ngữ của họ, bằng những thổn thức của họ. Nguyễn Bính nói thơ chứ không làm thơ. Ngôn ngữ thơ của ông là ngôn ngữ đối thoại giữa hai người, hoặc một người độc thoại với chính mình. Cấu trúc thi thoại, gồm đối thoại và độc thoại đã tạo nên thi ca Nguyễn Bính:
Em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Cấu trúc thi thoại nôm na gọi là thơ nói có từ thế kỷ XVIII, trong các truyện nôm.
Nền thơ nôm của chúng ta khá rực rỡ trong thế kỷ XVIII với ba tác phẩm cột trụ: Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) và Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn do Phan Huy Ích (1750-1822) dịch (mà tới nay người ta vẩn coi là của Đoàn Thị Điểm, mặc dù Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh về văn bản trong Chinh phụ ngâm bị khảo từ hơn nửa thế kỷ nay).
Cung oán và Chinh phụ là những khúc ngâm, tức là những lời tâm sự, than vãn của một người đàn bà; nói cách khác, đó là những «tự truyện» khổ đau; trong khi Hoa tiên là một truyện nôm thuần tuý, tức là một cuốn "tiểu thuyết" viết bằng thơ. Hoa tiên mở đường cho những truyện nôm sau này như Quan Âm Thị Kính, Lục Vân Tiên, Bích Câu kỳ ngộ, Nhị Độ Mai, Nữ Tú Tài, Phan Trần.... và nhất là truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện nôm là một hình thức tiểu thuyết, mà trong tiểu thuyết phải có đối thoại. Vì vậy, trong truyện nôm luôn luôn có những chữ: nàng rằng, chàng rằng. Ví dụ trong Hoa Tiên:
Thưa rằng: Chút phận bọt bèo
Hậu sinh đã dám chơi trèo sao nên
Hoặc trong Quan âm thị kính:
Chàng rằng: Giấc bướm vừa say
Dao con nàng bỗng cầm tay kề gần
Thơ Nguyễn Bính kết hợp hai thể loại trên đây: thể ngâm của Cung oán và Chinh phụ và thể thoại của các truyện nôm: Hoa tiên, Kiều... Nói khác đi thơ Nguyễn Bính là tự truyện kết hợp với tiểu thuyết.
Tác phẩm Lỡ bước sang ngang cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của hai dòng thi ca cổ điển này. Nếu Cung oán và Chinh phụ là những khúc ngâm của người đàn bà thế kỷ XVIII, thì Lỡ bước sang ngang là khúc ngâm của người đàn bà đầu thế kỷ XX. Khúc ngâm nào cũng gắn bó với hai niềm đau: Tình thế bi đát của đối tượng mà tác giả đưa ra, và niềm đau nội tâm của chính tác giả. Đối tượng trong Cung Oán và Chinh phụ chúng ta đã rõ. Đối tượng trong Lỡ bước sang ngang, ở ngay trong đề, là lời than của một thiếu phụ lấy người mà mình không yêu. Và đây cũng là bi kịch chung của người phụ nữ đầu thế kỷ XX mà những ngòi bút thời ấy không mấy ai không viết, từ Hoàng Ngọc Phách đến Khái Hưng, Nhất Linh, qua TTKh. Theo Bùi Hạnh Cẩn, anh họ của Nguyễn Bính, trong cuốn Nguyễn Bính và tôi (nxb Văn Hoá Thông Tin, tái bản 1999) thì đối tượng ngoài đời của bài thơ là Th, người yêu của nhà thơ Trúc Đường, anh ruột Nguyễn Bính. Nguyễn Bính đặt tên cho người đàn bà này là chị Trúc. Chị Trúc trở thành đối tượng của nhiều khúc ngâm. Trong những giây phút đau thương nhất của đời mình, Nguyễn Bính thường làm thơ gửi cho chị Trúc, viết về niềm đau của chị Trúc như niềm đau của chính mình. Chị Trúc là một nàng thơ, là một ảnh thật và ảnh ảo chập chùng. Thân phận lỡ làng, nổi trôi của chị Trúc cũng là thân phận lênh đênh lạc loài của Nguyễn Bính.
Lỡ bước sang ngang còn là một truyện nôm. Nguyễn Du khi viết truyện Kiều đã chịu ảnh hưởng của Nguyễn Huy Tự trong Hoa tiên, và Nguyễn Bính khi viết Lỡ bước sang ngang đã lấy Nguyễn Du làm mẫu.
Chúng ta thử đọc đoạn Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân trước khi đi vào cuộc đời mưa gió, Nguyễn Du viết:
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy, rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa, mặc em.
Nguyễn Bính viết:
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Ảnh hưởng trực tiếp, rất thầy trò. Lỡ bước sang ngang có hơi thơ Nguyễn Du, có cái tâm Nguyễn Du, có lòng thành Nguyễn Du, có cách đưa đối thoại vào thơ thần tình như Nguyễn Du. Bởi cả hai nhà thơ đều đã nhập vào hồn nhân vật mà họ diễn tả. Nguyễn Du nhập vào Kiều, viết hộ Kiều những lời tha thiết dặn dò Thúy Vân, trước khi bước vào quãng đời mưa gió. Nguyễn Bính nhập vào hồn người chị trước khi lấy chồng, dặn em những lời đau đớn xót xa:
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh, chị nhờ cậy em
Đêm nay là trắng ba đêm
Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng, tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm nghìn vạn dịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi... cũng là đành...
Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao?
Lỡ bước sang ngang viết cho chị Trúc. Là tiếng bạc mệnh của một người chị, nhưng cũng là điềm «báo mộng» quãng đời lưu lạc của tác giả:
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu, cái duyên không về
Những năm bốn mươi ở Hà Nội, nghệ sĩ, thường không có kế sinh nhai, thơ không nuôi nổi người, phải đi nơi khác «kiếm ăn». Nguyễn Bính đi Nam khoảng 1941, lang bang vào Thanh Hoá rồi đến Huế:
Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây (Giời mưa ở Huế, 1941)
Hai đứa đây là Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can.
Từ Huế, Nguyễn Bính vào Nam, lại lang thang Rạch Giá, Hà Tiên, Sài Gòn, ngủ đình, ngủ chợ, nay tá túc chỗ này, mai ở nhờ chỗ khác. Sau này Kiên Giang đã viết những dòng cảm động, tả lại những nỗi «đoạn trường» nằm đất, quấn nóp (một thứ túi ngủ) ngủ đình của Nguyễn Bính trong quãng đời lưu lạc này.
1945, cách mạng bùng nổ, Nguyễn Bính được mời tham gia kháng chiến, nhưng tạng Nguyễn Bính không hợp với thơ tuyên truyền, cho nên ông chỉ viết được những vần thơ khẩu hiệu, không hay:
Đánh! Đánh! Đánh! Chỗ nào cũng đánh
Hoặc những câu gượng gạo như:
Nếu quân thù không đem binh tiếp viện
Thì quân ta tiêu diệt hết quân thù.
Trong suốt thời gian chín năm gắn bó với cách mạng, những vần thơ hay nhất của Nguyễn Bính là những bài thơ ở Nam nhớ Bắc, rồi sau 54, về Bắc nhớ Nam: Mối tình đầu tiên và chân thật nhất của Nguyễn Bính là quê hương đất nước.
1954, tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính để lại trong Nam người vợ và đứa con. Khi chủ trương tờ Trăm Hoa cùng với Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn Bính viết bài Tỉnh giấc chiêm bao, trên báo Trăm Hoa, tháng 12/1956, với những câu thơ đắng cay, hai nghiã, có thể hiểu là ông viết lại truyện nhân duyên trắc trở của mình với người vợ Nam hay là với cách mạng, bởi đó là cuộc nhân duyên “Chín năm đốt đuốc soi rừng” (1945-1954). Những tưởng: “Duyên nhau đã dựng Trường- đình”Nào ngờ:“Mẹ em đã xé tan tành gối thêu”.
Sau cơn bão táp Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn Bính trở về Nam Định, sống quãng đời đen tối còn lại của những người đã trót gắn bó với phong trào. Lỡ bước sang ngang lại một lần nữa trở về trong định mệnh của Nguyễn Bính:
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã sang sông đắm đò
Một định mệnh tăm tối, u buồn, sa thải, cho đến lúc mất, trong cô đơn, bệnh tật, và đói, Nguyễn Bính vĩnh viễn ra đi vào ngày cuối cùng của năm Ất Tỵ, ngày 20/1/1966.
Thi pháp Nguyễn Bính
Nói về thi pháp Nguyễn Bính tức là nói về một dòng thơ không thi pháp. Nguyễn Bính đã vô hiệu hoá tất cả những quy luật về thi ca từ trước đến giờ. Bởi tất cả những lý thuyết về thơ, đại loại như: ngôn ngữ thơ phải là một thứ ngôn ngữ độc đáo phi thường, thoát khỏi phạm vi của lời nói hàng ngày. Nhà thơ phải bóp méo ngôn ngữ thông dụng bằng những thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ... để đạt tới ngôn ngữ thơ, mà mỗi chữ phải có một giá trị riêng biệt, khác với công dụng của nó trong ngôn ngữ hàng ngày v.v... Nói khác đi, thơ phải là những câu với lời lẽ trác tuyệt như thơ Ôn Như Hầu: Trải vách quế gió vàng hiu hắt / Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.
Tất cả những nguyên tắc ngôn ngữ thơ ấy đối với Nguyễn Bính đều vô dụng. Thơ Nguyễn Bính chính là tiếng nói hàng ngày, là ngôn ngữ chúng ta thường dùng để nói chuyện với nhau, không có gì khác cả, Thơ Nguyễn Bính là lời mẹ dỗ con gái trong buồng, trước khi nhà trai đến đón dâu:
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc nín đi không
Nín đi mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi các chị trông
Ương ương dở dở quá đi thôi
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào, lau nước mắt
Mình cô làm khổ bấy nhiêu người
Này áo đồng lầm quần lĩnh tiá
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai (Người mẹ)
Thơ Nguyễn Bính là lời người dì thủ thỉ dặn dò cháu gái trong đêm tân hôn:
Dì em khe khẽ tai em dặn:
Như thế...từ nay...cháu nhớ chưa?
Chết nhỉ! Đêm nay ngủ với chồng
Trời ơi! Gió lạnh! Gớm mùa đông
Lặng yên níu áo dì em lại
Ngủ nốt đêm nay có được không? (Giọt nến hồng, 35)
Thơ Nguyễn Bính là lời cha thi sĩ, tha thiết khuyên con gái:
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ!
Nghèo lắm con ơi! Bạc lắm con! (Oan nghiệt)
Từ Nguyễn Du, chưa ai viết được những lời thơ đối thoại thần tình như vậy.
Cái kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đời ấy, Nguyễn Bính lấy từ đâu? Làm sao một cậu thanh niên chưa đầy hai mươi tuổi đã có thể nằm trong da thịt và tâm hồn người đàn bà hôn nhân ngang trái, để viết nên những hàng:
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng... nhắm mắt... cau mày... cực chưa? (Lỡ bước sang ngang)
Nguyễn Bính không chỉ dừng lại ở ngang trái. Nhà thơ hai mươi tuổi ấy đã đi hết trọn đời người và đã viết những câu thơ tiên tri cho định mệnh của chính mình:
Bao nhiêu đau khổ ngần này tuổi
Chết cũng không non yểu nỗi gì (Giối giăng)
*
Cho nên, sự độc đáo nhất của Nguyễn Bính là ông đã khuynh đảo tất cả những lý thuyết về ngữ học văn thơ từ trước đến giờ: thứ lý thuyết phân biệt giữa văn thơ và lời nói thông thường. Ông dùng ngôn ngữ hàng ngày để làm thơ, và thơ ông thường là một câu chuyện, ông kể lại những chuyện tầm thường nhất, ví dụ chuyện hai chiếc lá bàng rụng:
Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn
Hôm nay lá thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi! Chiếc lá cuối cùng là đây (Cây bàng cuối thu)
Chỉ là câu chuyện hai chiếc là vàng rụng, với những lời lẽ mộc mạc nhất, nhà thơ đã tạo nên một không gian chia lìa, một đời hoang lạnh, một tình yêu chớm nở giữa lá và người, trước khi lá kia nhắm mắt Lìa cành theo gió lá luồn qua song,người đã Hai tay ôm lá vào lòng.
Trong những trang cuối của tập Lỡ bước sang ngang, bài Chuyến tàu đêmđứng riêng một cõi. Chuyến tàu đêm là một chuyến tàu siêu thực, là tác phẩm đặc biệt của Nguyễn Bính ra khỏi quỹ đạo ngâm khúc và truyện nôm:
Gió lạnh, nghe chừng đêm thấy sâu
Mà con đò mộng đã sang đâu!
Qua song, một chuyến tàu đêm chạy
Một chuyến tàu đêm chảy rất mau
Những ánh đèn phai tựa nắng tà
Toa này toa khác nối liền toa
Chập chờn như một con giời lớn
Như một oan hồn hiển hiện ra
Tàu chạy hình như để chở buồn
Chở người đi nhớ kẻ về thương
Nâng bao nhiêu gót chân xinh đẹp
Tàu chạy đêm nay có lạc đường
...
Tàu biết bây giờ chạy đến đâu?
Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu
Bỏ đây một chiếc tàu kiêng đỗ
Chở một toa tim nặng oán sầu
Bài thơ tả một chuyến tàu đi trong mơ, đi trong tâm linh, trong cô đơn hoang lạnh và không dừng lại ở ga hồn người chờ đợi. Tính chất siêu thực không đến từ thủ pháp ghép chữ lạ như những nhà thơ khác vẫn làm, mà đến từ những chữ rất bình thường như «tàu đêm» «chảy», « chập chờn như một con giời lớn». Sự lộng lẫy ma quái của «con giời» ẩn chứa tất cả các thể lỏng, thể đặc, sự thay đổi hình hài, biến thiên màu sắc, tạo ra cái ghê rợm trầm uất của một con tàu ma « chở một toa tim nặng oán sầu». Tiếc rằng nhiều bản in đã sửa "con giời" thành "con dơi", chứng tỏ người sửa không hiểu gì về thi ca.
Nỗi đau nơi Nguyễn Bính đã nhập vào ngũ tạng nó không phải là nỗi đau lãng mạn, mà đã trở thành nỗi đau nội tâm và ý thức. Rồi bài Quán lạnh vẫn tác giả là cậu thanh niên hai mươi tuổi ấy dẫn chúng ta đến một hội ngộ bất ngờ khác:
Mùa thu đến chậm như chưa đến
Lá vội rơi theo gió vội vàng
Sương đã dâng lên, chiều lắng xuống
Bến đò đã tắt chuyến sang ngang
Đem theo cát bụi đường xa lại
Tráng sĩ dừng chân khẽ thở dài
Hơi lạnh đầm đìa trong quán lạnh
Người ta đóng giở chiếc quan tài (Quán lạnh)
Trên cuộc đời không nguôi lữ thứ, quán là nhà, lạnh là bạn.
Nhà thơ tráng sĩ hạnh ngộ với chiếc quan tài, với nỗi chết giữa đường.
Nguyễn Bính nhỏ lệ khô bằng những gieo âm bất ngờ “Mùa thu đến chậm như chưa đến”. Tại sao lại “như” ở đây? Ở chỗ không ngờ nhất? Rồi đến “lá vội rơi theo gió vội vàng”. Lại nữa, hai lần vội, lá vội và gió vội. Tiếp theo là “Hơi lạnh đầm đìa trong quán lạnh”, lại thêm hai lần lạnh. Tất cả những bất ngờ, không chờ, không đợi ấy, dội lên không gian hoang vắng của “bến đò đã tắt chuyến sang ngang”, dẫn đến bất ngờ cuối cùng là nỗi chết: “người ta đóng giở chiếc quan tài”.
Những buồn, lạnh, vội, tạm, gặp nhau trong cái quán này. Quán của niềm đau và nỗi chết. Thi sĩ như cái quan tài phiêu lưu, lang bạt, nay chỗ này mai chỗ khác, một cái chết lưu vong, cái chết lữ thú, cái chết lạc loài, không chốn đỗ:
Sáng mai xuôi ngược về đâu nhỉ
Nào biết về đâu kẻ ngược xuôi (Ngược xuôi)
Đời và thơ bạc mệnh
Nguyễn Bính xuất hiện lần đầu trên văn đàn năm 1936 với bài Mưa xuân.
Trong Mưa xuân đã thấy xuất hiện hai đặc điểm: thơ ngâm và thơ thoại. Nhờ hai yếu tố này mà thơ Nguyễn Bính sớm đi vào lòng người. Mưa xuân kể chuyện một cô gái quê đợi gánh chèo về làng hát trong dịp tết để gặp người yêu.
Thời ấy làm thơ về cuộc sống thôn quê là một nhu cầu, một "tất yếu", hầu như nhà thơ nào cũng viết dăm ba “bức tranh quê”. Nhờ sự lựa chọn của Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam mà nhiều bài sau này trở thành bài học thuộc lòng cho học sinh như thơ của Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Tế Hanh, Bàng Bá Lân... , những câu dễ đọc, dễ nhớ:
Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi (Bàng Bá Lân)
Thơ Nguyễn Bính cũng dễ đọc, dễ hiểu, nhưng không thể trở thành bài học thuộc lòng cho trẻ nhỏ, bởi nó có tình và nó đi ra ngoài quỹ đạo “ngây thơ” của những "bức tranh quê" cùng thời. Dù với giọng rất vô tư, thơ Nguyễn Bính luôn luôn chở cái bi đát của số phận. Tính chất bi đát gắn bó với hai chữ bạc mệnh, tiềm ẩn ngay trong những câu thơ tưởng như vui nhất của bài Mưa xuân:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa (Mưa xuân)
Lời người con gái tự giới thiệu mình: nàng ví nàng như cây lụa trắng mà mẹ chưa đem bán. Nếu nói thơ Nguyễn Bính có chất ca dao, thì quyết không phải là ở những yếu tố ngoài da như thôn Đông, thôn Đoài, mà ở đây, gói trọn trong câu “mẹ già chưa bán chợ đàng xa” đã có chất ca dao (thân em như tấm lụa đào, nắng mưa giữa chợ biết vào tay ai). Rồi nhờ ở chữ bán, nó còn có chất Nguyễn Du (rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha) nữa.
Ngay trong những câu thơ “khai bút”, ở tuổi 18, Nguyễn Bính đã nhìn thấy số phận bán mình của người phụ nữ, một ảnh hưởng Kiều và ca dao giao thoa trong tư tưởng.
Người con gái quê trong bài thơ Mưa xuân ấy, rất mới, nàng đợi người tình trong đêm hát chèo, lòng say đắm:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em (Mưa xuân)
Hai câu: Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh / Thoi ngà nằm nhớ ngón tay emchứng minh một thiên tài vừa xuất hiện, với hai hình ảnh đắt giá "đêm nay giường cửi lạnh" và "thoi ngà nằm nhớ ngón tay em", nhẹ nhàng, thanh thoát, tự nhiên như lời nói, nhưng về mặt nghệ thuật thi ca là những hình ảnh tuyệt vời, sâu sắc, hiếm quý, khơi gợi nhục tình.
Nhưng gã trai lỗi hẹn, và:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo:“Mùa xuân đã cạn ngày” (Mưa xuân)
Nhưng người tình không đến, hội làng đã hết: mưa xuân đã ngại bay, và hoa xoan đã nát dưới chân giày, lại những hình ảnh tuyệt vời nữa. Tất cả chấm dứt bằng lời mẹ “xuân đã cạn ngày” như một chung kết cho tàn lụi: xuân đã chết.
Thơ xuân Nguyễn Bính, ngay trong buổi đầu đời, đã gắn bó với bất hạnh, đớn đau, tuyệt vọng, lụi tàn: Sự bạc bẽo của người tình ngay trong mùa xuân đã trở thành vết thương vĩnh viễn trong thi ca Nguyễn Bính:
Nhưng rồi người khách tình, xuân ấy
Đi biệt không về với... bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông (Cô lái đò)
Đó chính là cái khác biệt sâu xa giữa những câu thơ “quê mùa” của Nguyễn Bính với những “bức tranh quê” cùng thời: các nhà thơ khác chỉ viết ra những lời tả cảnh, vui tươi, nhộn nhịp cảnh chợ, cảnh làng, cho học trò học.
Nguyễn Bính lấy cảnh quê làm nền để vẽ bi kịch của con người khuất sau, mà luôn luôn là bi kịch của người phụ nữ bị bỏ rơi, bị phản bội, bi kịch của người bạc mệnh.
Nếu chiếu vào thân phận Nguyễn Bính, người bạc mệnh ấy chính là Nguyễn Bính.
Ra đời được ba tháng thì mẹ mất, không được học trường, học ở nhà với cha và cậu. 13 tuổi làm thơ. 15 tuổi lang thang lên Hà Nội “lập thân”, làm nghề bán báo. 18 tuổi (1936) có thơ đăng báo. 19 tuổi (1937) được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn. 20 tuổi (1938), trở thành một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thời ấy... Nhưng chìm sâu trong tâm thức Nguyễn Bính, vẫn có một mặc cảm u buồn về bản thân, không mẹ, không được học “đến nơi đến chốn”:
Còn tôi sống sót là may
Mẹ hiền mất sớm giời đầy làm thơ (Nhà tôi).
Cái mặc cảm ấy có vì người đời đã “dạy” cho Nguyễn Bính. Dạy bằng nhiều cách. Dạy suốt cuộc đời.
Nữ sĩ Mộng Tuyết kể lại khi Nguyễn Bính đến tá túc nhà ông bà ở Hà Tiên:“Người khách thâm thấp. Phong trần hiện trên mớ tóc đen rậm, rối bồng, dài tới mang tai. Bộ âu phục cũ nhầu nát làm cho người tăng thêm phần tiều tụy (...) Trong khi nghe anh Đông Hồ và tôi bàn chuyện Tam Quốc Chí, Bính không góp chuyện được, vì Bính chưa từng đọc Tam Quốc bao giờ. Bính thấy xấu hổ, cũng như đã xấu hổ vì chưa biết đi xe đạp. Càng xấu hổ, khi thấy tôi và Đông Hồ tỏ vẻ ngạc nhiên vì sao mà Nguyễn Bính lại có thể chưa đọc Tam Quốc Chí. Thế rồi, Bính về tìm trong Vạn Vạn Quyển Lầu, đọc ngấu nghiến, suốt mấy đêm liền, hết bộ truyện” (trích Để nhớ Nguyễn Bính những ngày ghé bến Hà Tiên, Văn số 60, ra ngày 15/6/66 tại Sài Gòn, trang 52 và 55).
Nữ sĩ Anh Thơ, ghi lại trong hồi ký mối tình của bà với B, “người trong mộng, người lý tưởng, người tôi yêu bằng cả trái tim thơ tha thiết” rằng hai người đã “tha thiết yêu nhau” qua thư từ. Và bà kể lại về lần gặp mặt: “Tôi nhớ lại cảnh Kim Trọng “lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng” gặp Thúy Kiều. Chàng là một thi sĩ thủ đô, hẳn là hết sức trang nhã, biết mọi kiểu cách lịch sự để quý yêu tôi... Bỗng từ quán nước đầu cầu sông Thương, một anh chàng thân hình lùn ngắn, cái đầu hơi to, sù lên những tóc, tay vất vội chiếc điếu cày đang hút dở, xông lại trước mắt tôi, nhe hai hàm răng đen cáu nhựa thuốc, cười sát mặt tôi...” (Từ bến sông Thương, nxb Văn học 1986, trang 101).
Rồi bà giải thích sự tan vỡ này bằng cử chỉ của Nguyễn Bính “một cái hôn bất ngờ chộp lên má tôi”, khiến bà phải “thất thanh” gọi anh bà, bởi bà là “con nhà nề nếp” cho nên "không thể nào yêu được B, nên B luôn luôn bị thất vọng, từ cô này tới cô khác, và phải tìm quên ở tiệm hút, lầu xanh” (sđd, trang 103).
Đấy là nhận xét của hai nữ sĩ. Đến nhà phê bình Hoài Thanh và nhà thơ Xuân Diệu, sự phê phán có tính chất "văn học" hơn.
Trong bài Chân quê có câu: Hôm qua cô đi tỉnh về /Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, (ý trách người con gái quê ra tỉnh học đòi theo mốt thị thành). Nhưng nhà phê bình Hoài Thanh (1) lại "vận" hai câu thơ đó vào thân Nguyễn Bính, một tác giả nhà quê, hơi có ngụ ý vô học nữa.
Về Xuân Diệu, điều đáng trách nhất ở ông, là trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, Xuân Diệu đã thực sự trở thành bồi bút, viết bài mạ lỵ Lê Đạt, tố cáo Văn Cao và riêng đối với Nguyễn Bính cư xử rất tàn tệ. Lại Nguyên Ân, trong bài nghiên cứu, tựa đề:“Xuân Diệu trong những năm 1954-58”, cho biết: “Tác phẩm mới (1969-1976) mà Xuân Diệu là một trong số vài ba nhân vật chủ chốt cầm lái, đã hầu như không nhắc gì đến Nguyễn Bính, đã làm như không hề có Nguyễn Bính trong nền thơ Việt thế kỷ XX (...) Phải nhờ có dư luận văn nghệ miền Nam nhắc nhở, tên tuổi Nguyễn Bính mới được sống lại với công chúng miền Bắc từ 1986”.
..........
..........
Chú thích: (1) Hoài Thanh thích thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu là nhà thơ “có học”, lại tỉnh thành, có những câu thơ rất Tây, y như dịch từ tiếng Pháp: Yêu là chết ở trong lòng một ít, hay Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ, hoặc: Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Đặc biệt câu Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi được rất nhiều người ca tụng, Anh Thơ thuộc lòng. Có lẽ cũng nhờ nhà phê bình Hoài Thanh hết lời ca ngợi một hồn thơ “say đắm tình yêu” mà Xuân Diệu trở thành nhà thơ số một của tình yêu.
Thật ra, thơ tình của Xuân Diệu hời hợt, vì ông là người đồng tính, không thể yêu con gái. André Gide đã viết được những trang về tình trai, kín đáo, tế nhị, thơ mộng và đớn đau làm rung động trái tim bao nhiêu người đọc nam cũng như nữ trên trái đất. Nhưng xã hội Pháp không giống xã hội Việt Nam, Xuân Diệu dù có muốn cũng không thể viết về tình trai được. Ông chỉ có một thơ bài tên là “Tình trai” với câu “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine” không có gì đặc biệt. Thơ Xuân Diệu hay ở chỗ khác: tình trai của ông đã hoá thân trong mối Giao cảm mà Baudelaire gọi là Correspondance giữa cỏ cây, hoa lá, đất trời. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi viết về Xuân Diệu. Dĩ nhiên là Hoài Thanh có quyền sai lầm về Xuân Diệu và Nguyễn Bính, nhưng cái đáng trách là sau này, người ta cứ sao chép lại cái sai lầm của Hoài Thanh, trong hầu hết những bài nhận định và phê bình văn học.
Thụy Khuê
http://thuykhue.free.fr/stt/n/NguyenBinh.html
Thanks admin đã post bài này của nhà thơ Nguyễn Bính , Nguyễn Bính còn một bài thơ nữa cũng đã được phổ nhạc trước năm 75 là bài Ghen . Mình rất thích