(1809 - 1855)
Cao Bá Quát quê huyện Gia Lâm, Bắc Ninh. Tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên. Ông là anh em sinh đôi với Cao Bá Đạt. Ông và Nguyễn Văn Siêu là bạn thân, cả hai đều giỏi văn thơ nên có câu “thần Siêu, thánh Quát”. .
Năm 1831, ông đỗ kỳ thi Hương, năm 1832 thi Hội bị hỏng, Sau đó, ông thi Hội mấy lần nữa cũng bị hỏng nên bực bội không đi thi nữa. Năm 1841, ông đã 32 tuổi, quan Tri phủ Bắc Ninh tiến cử với triều đình, ông được phong chức Hành tẩu bộ lễ. .
Năm 1841, Cao Bá Quát làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy (phạm húy), ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ chữa lại bài thi gồm 24 quyển. Viện Đô sát là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc (buộc tội, tố cáo) : Quát và Nhạ phải tội xử tử. Vua Thiệu Trị ân giảm khỏi xử tử giam lại đợi lệnh. Sau gần 3 năm bị giam cầm khổ sở, ông được triều đình tạm tha nhưng phải đi xuất dương làm việc để lấy công chuộc tội, trong phái bộ do Đào Trí Phú làm trưởng đoàn. Đoàn người Đào Trí Phú đi sang Batavia (Indonesia) với mục đích chính là đem đường bán cho nước ngoài để mua về những hàng xa xỉ cho triều đình. Vào tháng 8 năm 1844, đoàn thuyền của phái bộ về đến Việt Nam. .
Năm 1844, Cao Bá Quát được phục chức ở bộ Lễ, sau đấy bị sa thải. Năm 1847, ông được triều đình bổ làm ở Viện Hàm Lâm. Ông có dịp kết thân với một số thi nhân nổi tiếng: Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Nguyễn Phúc Miên Trinh... và ông tham gia Mạc Vân Thi xã do hai vị hoàng thân Thẩm và Trinh sáng lập.
Chuyện kể vào thời vua Tự Đức, một hôm có hai vị quan cãi cọ rồi lại đấm đá nhau, lúc đó có Cao Bá Quát nhìn thấy. Vua bảo ông làm sớ trình để vua xét xử. Ông tâu:
..
Nguyên văn
Bất tri lý hà?
Lưỡng tương đấu khẩu.
Bỉ viết cẩu,
Thử diệc viết cẩu.
Bỉ thử giai cẩu,
Dĩ tương đấu ẩu.
Nguy tai nguy tai,
Thần cụ thần tẩu.”
Nghĩa là
Chẳng biết làm sao Hai bên cãi nhau
Bên này bảo chó,
Bên kia cũng chó.
Hai bên đều chó,
Rồi họ đánh nhau.
Nguy thay, nguy thay,
Thần sợ, thần chạy.
Cao Bá Quát đã công khai “mắng xéo” mấy quan cãi cọ vừa rồi là “chó” ngay ở trước mặt nhà vua mà không sợ bị tội “khi quân”! Cao Bá Quát quả là tài tình và quá bạo!
Năm 1850, triều đình cử ông đến Sơn Tây làm Giáo thọ ở phủ Quốc Oai. Sau đấy, ông về quê chịu tang cha và xin từ chức vì chán nản chức Giáo thụ.
Mùa hè năm 1854, nhiều tỉnh miền Bắc gặp đại hạn và nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, nhân dân nghèo đói. Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu và các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, Cao Bá Quát làm quốc sư, họp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân, giương cờ chống lại triều đình tại Mỹ Lương thuộc vùng Sơn Tây. .
Trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa, có người tố cáo nên kế hoạch bị lộ. Trước tình thế cấp bách, Cao Bá Quát buộc phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854. Buổi đầu, ông cùng các thổ mục ở Sơn Tây đem lực lượng đánh phủ Ứng Hoà, huyện Thanh Oai, huyện Tam Dương, phủ Quốc Oai, Yên Sơn... đã giành được một số thắng lợi, nhưng khi quân triều đình phản công mạnh mẽ thì quân nổi dậy liên tiếp bị thất bại.
Đầu năm 1855, ông tuyển mộ và bổ sung lực lượng, đa số là người Mường và người Thái ở vùng rừng núi Mỹ Lương, nay là vùng đất phía Tây sông Đáy thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Lương Sơn, Kim Bôi (thuộc tỉnh Hòa Bình). Lần thứ hai, Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn (nay là thị trấn Quốc Oai) cũng bị thất bại, với khoảng 100 người bị chết trận, 80 người bị bắt. Việt Nam sử lược, trang 648, ghi: “Tháng chạp năm đấy, Phó lãnh binh Sơn Tây là Lê Thuận bắt được Cao Bá Quát đem về chém... Lê Cự còn quấy rối mấy năm sau mới dẹp yên”.
Trong khi dẫn ra pháp trường, ông còn ngâm thơ châm chọc vua:
“Một chiếc cùm lim chân có đế.
Đôi vòng xích sắt bước còn vương”.
Mặc dù, các tác phẩm của Cao Bá Quát đã bị triều đình cho thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành, nhưng đã tìm được trên: 1300 bài thơ, 20 bài văn xuôi và 10 bài viết theo thể ký hoặc luận văn với 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ.
- Chữ Nôm: Có một số bài hát nói, thơ thất ngôn bát cú.
- Chữ Nho: Số lượng thơ nhiều hơn, được tập trung trong các tập: Cao Bá Quát thi tập. Cao Chu Thần di thảo. Cao Chu Thần thi tập. Mẫn Hiên thi tập.
*- Thiết nghĩ: Cao Bá Quát khi làm quan, muốn đem tài năng giúp nước yên dân, nhưng không thể thi thố. Nên ông tự vùng vẫy để thay đổi vận nước. Tâm tư ông mong an bang tế thế; ý thơ của ông đã mạnh mẽ tin vào ý chí và tài năng của mình. Trong bài thơ “Núi cao trăng sáng”, ông thổ lộ:
“Núi kia tạc để chữ đồng
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?!”
Cao Bá Quát còn là một nhà thơ trữ tình với một bút pháp điêu luyện. Thi tài của ông "ứng khẩu thành chương", cấu kết mạch lạc, sâu sắc, tâm hồn chứa chan thắm đượm thật sự vào hồn thơ.
Trong thơ ông có màu sắc lãng mạn, ngang tàng. Tuy nhiên có khi cũng ngậm ngùi, từ đấy loé ra tia phân cực mỉa mai lẫn lạnh lùng. Ngược lại, những bài viết về quê hương, thì ông lại sử dụng rất nhiều tiết điệu thắm thiết tình quê.
Trong bài thơ “Đến làng Đông Du, đêm ngủ dỗ” đã nói lên tình cảm son sắt lẫn ngậm ngùi của ông:
“Đầu sông đứng ngóng quê hương
Quê hương đâu phải dặm trường xa xôi,
Cớ sao mãi chẳng tới nơi,
Vừa đi vừa đứng bồi hồi làm sao?!”
.
Cảm mộ: Cao Bá Quát
Gẫm Cao Bá Quát, chí hiên ngang
Tạo hóa trớ trêu, khéo phũ phàng?!
Nghiền ngẫm văn thơ, đều súc tích
Xông pha trận mạc, lắm gian nan!
Thương dân khốn khổ, lòng xa xót
Trông nước điêu linh, dạ xốn xang!
Đi đến pháp trường, luôn dõng dạc
Ngâm thơ cười cợt, chẳng than van!
Nguyễn Lộc Yên
Nguồn Trang Sử Việt