Tuy là một "dịch phẩm" từ một trước tác bằng chữ Hán, có thể nói không ngoa rằng CHINH PHỤ NGÂM KHÚC của Đoàn Thị Điểm là một tuyệt tác văn chương Việt Nam. Được chuyển ngữ một cách tuyệt luân, với nhiều yếu tố sáng tác, sang tiếng Việt qua lối viết chữ Nôm, CHINH PHỤ NGÂM KHÚC đã làm lu mờ cả danh tiếng của nguyên tác viết bằng Hán tự của Đặng Trần Côn mang tên CHINH PHỤ NGÂM, một tác phẩm văn chương kiệt xuất mà chủ đề là những lời than vãn của một thiếu phụ có chồng đi chinh chiến lâu ngày chưa về.
Ưu thế rõ rệt của Đoàn Thị Điểm thực hiển nhiên: bà đã dùng tiếng Việt cho người Việt đọc, với tất cả tinh túy của tiếng Việt. Có lẽ chẳng mấy ai bất đồng ý kiến với nhận định rằng thi ca chỉ có thể thực sự được tận hưởng qua ngôn ngữ mẹ đẻ của người thưởng lãm. Chữ Hán, tuy khi phát âm kiểu Hán-Việt có nhiều ngữ vựng chúng ta quen biết, vẫn chỉ là một thứ "ngoại ngữ" với chúng ta. Chẳng hạn bốn câu thơ nguyên tác của Đặng Trần Côn:
Thử ý xuân phong nhược khẳng truyền
Thiên kim tá lực ký Yên nhiên
Yên nhiên vị năng truyền
Ức quân điều điều hề ! lộ như thiên
dù có hay biết mấy cũng không thể kích thích tâm tư người đọc Việt Nam bằng bốn câu thơ vừa êm ả vừa thiết tha mà Đoàn Thị Điểm đã "dịch" ra để nói lên nỗi lòng nhớ chồng ngút ngàn của người chinh phụ:
Lòng này gửi gió đông có tiện
Ngàn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dầu chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng Trời
Giờ đây đọc kỹ lại những lời châu ngọc của Hồng Hà Nữ Sĩ, tôi mới hiểu tại sao các cụ ngày xưa ưa thích ngâm vịnh thơ của bà. Đó là chưa nói đến cái tâm hồn vô cùng khả ái của người chinh phụ trong tác phẩm. Nàng buồn khổ, cô đơn vì nàng quá thiết tha gắn bó với chồng, đến nỗi lúc tiễn chàng ra nơi trận mạc, nàng "bước đi một bước lại vin áo chàng"! Chàng đi rồi, nàng chẳng còn thiết tha làm đẹp, vì nàng tự hỏi "vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?" Tuy vậy, nàng cũng cầu mong cho mối tình keo sơn của hai người được trẻ trung mãi mãi:
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung
Nàng cũng rất tình tứ và ngây thơ đáng yêu khi nàng muốn gửi cả những kỷ vật ái ân đến người chinh phu để chàng thấu hiểu nỗi nhớ thương của nàng:
Thoa cung Hán thủa ngày xuất giá
Gương lầu Tần dấu đã soi chung
Cậy ai mà gửi tới cùng
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư
Mặc dù nỗi buồn của người chinh phụ làm nàng có lúc thẫn thờ, nàng không hề sao nhãng bổn phận của người vợ hiền:
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Nàng chỉ mong ngày chàng trở về mái ấm gia đình khi chiến trận không còn, để nàng đằm thắm dịu dàng:
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng rủ lớp sương phong
Vì ái mộ thi tài của cả Đặng Trần Côn lẫn Đoàn Thị Điểm, biên khảo gia Nguyễn Bá Triệu đã hoàn tất một công trình biên khảo rất công phu dày 478 trang mang danh CHINH PHỤ NGÂM TẬP CHÚ vừa được xuất bản cuối năm 2000 tại Gia Nã Đại. Nguyễn quân biên soạn tác phẩm này với mục đích "so sánh những dị biệt của mấy bản Nôm Chinh Phụ Ngâm" căn cứ vào những tài liệu của học giả Hoàng Xuân Hãn, cũng như "so sánh cái hay trong nguyên bản Hán văn của Đặng Trần Côn với cái hay trong tài diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm." Trong thời buổi gạo châu củi quế này, cái tinh thần vừa khiêm cung vừa hào sảng của tác giả "không nhằm mục đích thương mại mà chỉ muốn lưu lại được một số ý kiến may ra hữu ích sau này khi đất nước chúng ta có một hàn lâm viện văn học" thực hiếm quý và đáng được chúng ta suy ngẫm.
Theo thiển ý, tác giả đã thành công trong các mục đích nêu trên. Tôi đặc biệt khâm phục sự kiên trì của Nguyễn quân trong nỗ lực so sánh dị biệt của hai bản chữ Nôm CHINH PHỤ NGÂM DIỄN CA (bản dịch của Đoàn Thị Điểm) và CHINH PHỤ NGÂM DIỄN ÂM TÂN KHÚC (do Nguyễn Văn Xuân trình dẫn), từng câu, từng đoạn một, với những nhận định sắc bén và mạnh bạo, mặc dù tác giả đã khiêm tốn tuyên bố "không dám quyết đoán một điều gì." Chẳng hạn, khi bàn về hai câu 114 và 115 trong Chinh Phụ Ngâm, "Những mong cá nước VUI VẦY / AI NGỜ đôi ngả nước mây cách vời!" (bản A) và "Những mong cá nước XUM VẦY / BAO NGỜ đôi ngả nước mây cách vời!" (bản B), tác giả trong phần chú thích (trang 89) nhận xét: "XUM VẦY sát ý với chữ NGƯ THỦY BẠN ở bản Hán văn hơn. Bản Hoàng Xuân Hãn viết BAO NGỜ và được Hoàng Xuân Hãn chú thích có nghĩa là NGỜ ĐÂU nhưng ép chữ quá. Ít ai nói BAO NGỜ. Bản Việt ngữ Tôn Thất Lương viết NÀO NGỜ. AI NGỜ hay NÀO NGỜ có lẽ thuận tai và xuôi ý hơn. Hoàng Xuân Hãn cho là Chinh Phụ Ngâm do Phan Huy Ích dịch chứ không phải do Đoàn Thị Điểm dù chưa có tài liệu chứng minh chính xác. Bản CPNDATK (bản B) này được Nguyễn Văn Xuân khẳng định là của Phan Huy Ích (nhưng không chứng minh được xuất xứ rõ ràng) cũng viết chữ BAO NGỜ như bản của Hoàng Xuân Hãn, cho nên có người nghi rằng bản CPNDATK là do Nguyễn Văn Xuân ngụy tạo để bênh vực ý kiến của vị thầy là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn."
Cách sắp xếp từng nhóm 4 câu chữ Nôm của hai bản CPNDC (bản A) và CPNDATK (bản B) và những câu chữ Hán nguyên tác liên hệ cùng với chuyển âm của chúng sang tiếng Việt lên cùng một trang giấy thật sáng sủa và thuận tiện cho việc khảo dị hai bản văn Nôm cũng như cho việc đối chiếu bản Hán văn của Đặng Trần Côn và bản dịch sang tiếng Việt, qua chữ Nôm, của Đoàn Thị Điểm. Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn quân rằng "dù người không biết nhiều chữ Hán cũng có thể tìm để đối chiếu rất dễ dàng và hiểu thêm được khá nhiều ý nghĩa giữa bản Nôm và bản Hán văn."
Độc giả cũng sẽ hài lòng với nội dung súc tích và nhất quán của những tiết mục mở đầu trong cuốn sách như : bảng những chữ viết tắt, lời tựa, sơ lược về Chinh Phụ Ngâm, các tiểu sử của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, và phàm lệ. Ngoài ra còn có những phụ bản có giá trị, in ở cuối sách, trong đó có cả những bản dịch Chinh Phụ Ngâm sang tiếng Pháp của Huỳnh Khắc Dụng, sang tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông, và sang tiếng Nhật của Takeuchi.
Bàn về tài dịch thuật của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn quân đã đưa ra một nhận định rất xác thực: "Lối dịch phóng khoáng của Hồng Hà Nữ Sĩ đã đưa được nguyên ý tác giả vào thể thơ Việt với những cách đối chữ, đối câu hay đối đoạn, linh động và bóng bẩy. Tài dùng chữ của bà đã triệt tiêu được cả những hình ảnh và điển cố Trung Hoa trong nguyên bản để trở thành gần gũi với tâm hồn và cảm nghĩ Việt Nam hơn." Một thí dụ khá lý thú được Nguyễn quân đưa ra như sau: "Câu Hán văn 'Mạch thượng tang, mạch thượng tang' có ý muốn kể một điển tích lòng thòng của nàng La Phu ở nước Tần, hái dâu, rồi liên quan đến Triệu Vương ... được diễn tả bằng một câu thơ thật gọn và triệt tiêu được cái chất Tầu trong đó: Ngàn dâu xanh ngắt một mầu"! Nhận định của Nguyễn quân cũng đồng thanh khí với nhận định của nhà giáo lừng danh Hà Như Chi cách đây gần nửa thế kỷ: "Có lẽ chỗ đặc biệt nhất của bà Đoàn Thị Điểm (và đó cũng là đức tính cần thiết nhất của mọi dịch giả) là luôn luôn giữ cho văn dịch êm nhẹ, dễ dãi, không có một vết tích nào về sự trói buộc của nguyên văn nhưng vẫn tôn trọng tinh thần của nguyên văn" (Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, 1951).
CHINH PHỤ NGÂM TẬP CHÚ của biên khảo gia Nguyễn Bá Triệu là một công trình đóng góp nghiêm túc cho nền Việt học. Người đọc sẽ hiểu thêm được rất nhiều điều về hai áng văn chương rực rỡ của dân tộc chúng ta qua những kiến giải của tác giả, mà lại còn có trong tay một sự tập trung rất tiện dụng những tài liệu quý báu bằng các ngôn ngữ, văn tự khác nhau về hai tuyệt tác ấy.
Đàm Trung Pháp Giáo Sư Ngôn Ngữ Học Texas Woman's University
Nguồn Viện Việt-Học
Bài thơ: Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn - Hồng Vân
https://www.youtube.com/watch?v=7IyboszR_II