Chinh Phụ Ngâm (征婦吟) bằng Hán văn của tác giả Đặng Trần Côn (1705-1745) viết theo lối “trường đoản cú” đã được diễn nôm (dịch sang Việt văn) bằng thể thơ “song thất lục bát” một cách thần kỳ. Tuy nhiên cho đến nay, giữa hai danh tài Đoàn Thị Điểm (1705-1749) và Phan Huy Ích (1751-1822), ai là người đích thực đã hoàn tất công trình diễn nôm này vẫn chưa ngã ngũ.
ƯU THẾ CỦA DỊCH PHẨM
Tuy là dịch phẩm từ một nguyên tác bằng chữ Hán, ta có thể nói không ngoa rằng bản Chinh Phụ Ngâm diễn nôm (tự hậu viết tắtCPNdn) là một tuyệt tác văn chương Việt Nam. Được chuyển ngữ siêu việt với nhiều yếu tố sáng tác sang tiếng Việt qua lối viết chữ nôm, CPNdn đã làm lu mờ danh tiếng nguyên tác viết bằng chữ Hán của tác giả Đặng Trần Côn, cũng được coi là một thi khúc thượng đẳng mà chủ đề là những lời than vãn của một thiếu phụ có chồng đi chinh chiến lâu ngày chưa về.
Ưu thế của CPNdn thực dễ hiểu, vì người diễn nôm đã dùng tiếng Việt cho người Việt đọc, với tất cả tinh túy của tiếng Việt. Có lẽ chẳng mấy ai bất đồng ý kiến với nhận định rằng thi ca chỉ có thể thực sự được tận hưởng qua ngôn ngữ mẹ đẻ của người thưởng lãm. Ưu thế này lại được tăng thêm bởi thể thơ song thất lục bát “mang âm hưởng quen thuộc của ca dao dân tộc, dễ đi sâu vào tâm hồn, vào cảm quan thẩm mỹ của đại chúng”[1] cộng với “cái giọng buồn buồn đều đặn như khêu gợi mong nhớ xa xôi có thể xem là rất thích hợp để diễn tả tâm hồn chinh phụ.”[2]
Thật vậy, tuy chữ Hán khi phát âm kiểu HánViệt có nhiều từ vựng quen biết, nó vẫn là một “ngoại ngữ”– chẳng khác gì Anh ngữ đối với ta. Để minh chứng điều đó, ta chỉ cần lần lượt đọc lên một đoạn nguyên tác bằng Hán ngữ (từ câu 136 tới câu 141) của tác giả Đặng Trần Côn, phần dịch của học giả Huỳnh Sanh Thông sang Anh ngữ,[3]và phần chuyển sang Việt ngữ trongCPNdn :
Hán ngữ (Đặng Trần Côn)
憶昔与君相別時 Ức tích dữ quân tương biệt thì,
柳條猶未囀黄鸝 Liễu điều do vị chuyển hoàng ly.
問君何日归 Vấn quân : Hà nhật quy?
君約杜鹃啼 Quân ước : Đỗ quyên đề.
杜鹃已逐黄鸝老 Đỗ quyên dĩ trục hoàng ly lão,
青柳楼前語意鴯 Thanh liễu lâu tiền ngữ ý nhi.
Anh ngữ (Huỳnh Sanh Thông)
No orioles yet on willows – you set out
and promised you’d come back when cuckoos sang.
Cuckoos have followed orioles grown old –
before the house some swallows chirp and peep.
Việt ngữ (diễn nôm)
Thuở lâm hành, oanh chưa dạn liễu,
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.
Trong phần còn lại của bài, người viết sẽ nhận diện và kiểm điểm các yếu tố có lẽ đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công thần kỳ của người đã chuyển nguyên tác Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Hán của tác giả Đặng Trần Côn sang tiếng Việt. Nỗ lực lượng giá các yếu tố quan trọng ấy sẽ tập trung vào từ tuyển pháp (cách lựa chọn từ ngữ) và tu từ pháp (cách sử dụng các biện pháp tu từ) qua một phối cảnh ngữ học.
TỪ TUYỂN PHÁP (DICTION) [4]
Dịch giả có khả năng bỏ qua điển tích Hán mà vẫn giữ được ý chính của đoạn thơ chữ Hán. Trong buổi thảo luận (giữa người viết bài và nhà biên khảo Nguyễn Bá Triệu năm 2000 tại Dallas)[5] về tài năng chuyển ngữ của dịch giả, chúng tôi có nhắc đến đoạn thơ dịch từ câu (068) đến (071) – trong đó một điển tích cầu kỳ liên hệ đến khúc hát Mạch Thượng Tang, đến nàng La Phu xinh đẹp đang đứng hái dâu, và đến ông vua Triệu Vương đa tình – đã được khéo léo bỏ qua bằng cách thay nó với câu chuyển nôm (069) gọn gàng và êm ái :
Tương cố bất tương kiến 相顧不相見
(068) Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thanh thanh mạch thượng tang青青陌上桑
(069) Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Mạch thượng tang, mạch thượng tang! 陌上桑陌上桑
(070) Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Thiếp ý, quân tâm, thùy đoản tràng? 妾意君心谁短长
(071) Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Cũng trong chiều hướng Việt hóa tối đa trong thơ dịch, người diễn nôm không đả động đến chữ兮“hề” (một trợ ngữ từ có nghĩa là “vậy” hoặc“chứ”) đầy rẫy trong nguyên tác. Trong thí dụ dưới đây, hai câu Hán văn đều có chữ “hề” trong đó, nhưng dịch giả đã tránh né hai trợ ngữ từ “rất Hán” ấy khi diễn nôm :
Vọng vân khứ hề ! lang biệt thiếp = (051) Dấu chàng theo lớp mây đưa
Vọng sơn phụ hề ! thiếp tư lang = (052) Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà
Dịch giả có biệt tài sử dụng từ ngữ Việt chính xác cho mỗi văn cảnh (literary context) để “dịch” cùng một từ ngữ Hán, thí dụ như trong trường hợp từ kép điệp âm Hán văn “du du” (viết là攸攸và悠悠) được “dịch” thành ba từ điệp ngữ (reduplicants) “thăm thẳm” /“dặc dặc” /“đau đáu” cho ba văn cảnh khác nhau :
Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân 攸攸彼苍兮谁造因
(003) Xanh kia thăm thẳm từng trên,
(004) vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Tống quân khứ hề, tâm du du 送君去兮心悠悠
(027) Đưa chàng, lòng dặc dặc buồn
Ức quân du du hề, tứ hà khuy 憶君悠悠兮思何窺
(249) Nỗi chàng đau đáu nào xong
Dịch giả cũng thường sử dụng các điệp ngữ đối xứng trong hai câu thơ nối tiếp nhau, khiến ý nghĩa của chúng được nhấn mạnh và nâng cao :
(368) Lòng hứa quốc thắm son ngắt ngắt
(369) Sức tí dân dường sắt trơ trơ
(401) Sẽ rót vơi lần lần đòi chén
(402) Sẽ ca dần ren rén từng liên
TU TỪ PHÁP (RHETORIC)
Các biện pháp tu từ (rhetorical devices) sử dụng nhiều trong CPNdn được trình bầy dưới đây qua phối cảnh ngữ học (linguistic perspective) với lý giải và thí dụ đi cùng. Ta sẽ thấy các biện pháp tu từ này –mặc dù một số trong đó có tính cách ước lệ (conventionalized) – được dịch giả sử dụng hết sức ngoạn mục :
justify;text-justify:inter-ideograph;mso-line-height-alt:15.6pt'>
Biền ngẫu (semantic and syntactic parallelism) là một biện pháp tu từ rất phổ cập trong thi ca Hán và Việt cổ điển. Biện pháp nàylấy “đối” (trong hình thức cũng như trong nội dung) làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối. Trong CPNdn, đa số các cặp câu thơ bẩy chữ (song thất) phản ánh lối văn biền ngẫu. Ký hiệu“< >” dưới đây đọc là “ đối với” :
(53-54) [Chàng thì đi] [cõi xa mưa gió] < > [Thiếp thì về] [buồng cũ chiếu chăn]
(97-98) [Hồn tử sĩ] [gió] [ù ù] [thổi] < > [Mặt chinh phu] [trăng] [rõi rõi] [soi]
Liên hoàn (enjambment) là thể thơ trong đó nhóm chữ cuối câu trên được nhắc lại thành nhóm chữ đầu câu dưới, mục đích để tiếp nối ý nghĩ chưa hết ở cuối câu trên :
(142-143) Gốc hoa tàn đã trải rêu xanh / Rêu xanh mấy lớp chung quanh
(146-147) Bức rèm thưa lần giải bóng dương / Bóng dương mấy buổi xuyên ngang
Ví von (simile) là biện pháp tu từ thường được sử dụng để so sánh, với hiệu lực làm câu thơ thêm sinh động qua những hình ảnh ngoạn mục :
(039-040) Áo chàng đỏ tựa ráng pha / Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
(022) Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Tương phản (contrast) có mục đích làm cho câu thơ thêm hiệu quả diễn đạt. Ký hiệu “ > < ” dưới đây đọc là “tương phản” :
(53-54) [Chàng thì đi] [cõi xa] [mưa gió] > < [Thiếp thì về] [buồng cũ] [chiếu chăn]
(177-178) [Trải mấy xuân] [tin đi tin lại] > < [Đến xuân này] [tin hãy vắng không]
Biểu tượng (metaphor) là biện pháp thay tên một sự vật bằng tên một sự vật khác, với mục đích tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt ý thơ :
(136) Thuở lâm hành, oanh chưa dạn liễu,
(137) Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
(138) Nay quyên đã giục oanh già,
(139) Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.
Theo văn cảnh của bốn câu thơ trên (để nói về thời điểm trong năm) thì chim oanh là biểu tượng cho mùa xuân, chim quyên cho mùa hạ, và chim én (ý nhi)[6] cho mùa thu. Ba loại chim này đồng thời cũng được nhân cách hóa (personified).
Đảo ngữ (inversion) là biện pháp tu từ cho đảo lộn vị thế xuất hiện thông thường trong một câu, tức là [chủ từ +động từ +túc từ] thành ra [túc từ + chủ từ + động từ] với mục đích nhấn mạnh ý diễn tả. Trong hai câu thơ dưới đây, chủ từ là “gió ” và “trăng”; động từ là “thổi ù ù” và “soi dõi dõi”; và túc từ là “hồn tử sĩ” và “mặt chinh phu”:
(97)“Hồn tử sĩ /gió / ù ù thổi” là đảo ngữ của câu với vị thế xuất hiện thông thường:“Gió/thổi ù ù / hồn tử sĩ”
(98)“Mặt chinh phu / trăng / dõi dõi soi” là đảo ngữ của câu với vị thế xuất hiện thông thường : “Trăng / soi dõi dõi /mặt chinh phu”
Điệp ngữ (repetition) là biện pháp tu từ cho lặp lại một từ ngữ, một nhóm chữ, hay cả câu để làm nổi bật ý và gây cảm xúc mạnh :
(254) Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi
(255) Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề
(225) Hoa giải nguyệt, nguyệt êm một tấm
(226) Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,
(227) Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
(228) Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau
Khuếch đại (hyperbole) là biện pháp có mục đích nhấn mạnh ý qua ngôn từ thậm xưng vượt quá xa sự thực :
(216) Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
(203) Khắc giờ đằng đẵng như niên
Cấu trúc đề // thuyết (topic // comment structure) rất phổ cập trong ngữ pháp Việt Nam. Trong cấu trúc này, yếu tố“đề” bắt đầu câu với một đề tài, theo sau là yếu tố“thuyết” để giải thích đề tài ấy. Biện pháp tu từ này làm cho lời thơ dễ hiểu, tựa như “tiếng Việt nói” (spoken Vietnamese) lúc bình thường :
(353) Kìa loài sâu (đề) // đôi đầu cùng sánh (thuyết)
(354) Nọ loài chim (đề) // chắp cánh cùng bay (thuyết)
(357) Ấy loài vật (đề) // tình duyên còn thế (thuyết)
(358) Sao kiếp người (đề) // nỡ để đấy đây (thuyết)
Câu hỏi tu từ (rhetorical question) là câu hỏi trống không – vì tác giả cố tình không cung cấp câu trả lời cho nó – cốt để gợi lên các nỗi băn khoăn, xót xa, trăn trở cho người đọc :
(99) Chinh phu tử sĩ mấy người ?
(100) Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn ?
TÂM TƯ NGƯỜI VIẾT
Qua những nhận xét về cách lựa chọn quyền biến phi thường những từ ngữ phù hợp tối đa cho mỗi văn cảnh, và cách sử dụng xuất chúng các biện pháp tu từ nêu trên, người viết tự thấy mình chẳng quá lời chút nào khi nói rằng Chinh Phụ Ngâm diễn nôm là một công trình dịch thuật đã đạt tới mức thần kỳ. Dịch giả đã để lại cho hậu thế một tuyệt tác làm cho người đọc dễ nghĩ đến câu “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều. CƯỚC CHÚ [1] Lê Hữu Mục và Phạm Thị Nhung (2001): Tiếng Nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc. [2] Hà Như Chi (1951): Việt Nam Thi Văn Giảng Luận Toàn Tập. [3] Huỳnh Sanh Thông (1996): An Anthology of Vietnamese Poems. [4] Để phần nào giúp các độc giả sinh trưởng tại hải ngoại dễ theo dõi bài viết hơn, mỗi từ ngữ chuyên môn về văn học Việt sẽ có một từ ngữ tiếng Anh tương đương về ý nghĩa đi kèm. [5] Đàm Trung Pháp (2000): “Giới Thiệu Chinh Phụ Ngâm Tập Chú”của nhà biên khảo Nguyễn Bá Triệu.
[6] Tự Điển Hán-Việt Nguyễn Quốc Hùng: “Ý nhi 意而–Tên một loài chim, có thuyết bảo là chim yến.” || Tự Điển Hán-Việt Thiều Chửu: “Ý nhi tức chim én.”
Nguồn Viện Việt-Học