Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, hoặc Thứ Lễ.
Thứ Lễ nói lái thành Thế Lữ: Người khách phiêu du qua trần thế.
Ông dùng bút hiệu Lê Ta, và cả Lê Tây khi viết văn vui (bài Lê Tây viết cho Lê Ta, Ngày Nay,số 169 trang 15) . Các tên của ông lập thành một vế câu đối, không ai đối nổi:
“ Thế Lữ mừng xuân hai thứ lễ : Một quả lê tây, một quẩy lê ta.”
Thế Lữ sinh ngày 6 tháng 10 năm 1907, tại Thái Hà Ấp, Hà Nội. Bố là Nguyễn Thuận, làm xếp ga đường sắt, người làng Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh, nay là Gia Lâm, Hà Nội.
Mẹ quê Nam Định, theo đạo Thiên chúa, lúc trẻ đi buôn tơ, vượt phép gia đình lấy ông xếp ga. Sau về Hải Phòng làm nghề thuốc chữa bệnh trẻ con gia truyền, là bà Lang Thụ (Thụ là
tên con trai lớn). Khi Thế Lữ còn nhỏ, bà nội bắt về Lạng Sơn làm con nuôi vợ cả của bố để mong bà cả chóng có con. Suốt mười năm tuổi thơ, buồn nhớ mẹ ở xa và bố đi vắng quanh năm, chú bé Lễ đã sống thấm đẫm không khí rừng núi tỉnh Lạng, đầy cảm giác nhớ và sợ. Tám tuổi học chữ nho, sợ đòn đi trốn, bị trói gánh về trường, nên càng sợ. Đến năm mười tuổi, anh chú Lễ bị bệnh mất. Mẹ chú bầy mưu đánh tháo mang về Hải Phòng, từ đó mới được sống với mẹ. Mẹ đưa lên nhà thờ làm “của lễ”, vì là con thứ, nên gọi là Thứ Lễ.
Thế Lữ bắt đầu đi học trường bảo hộ Pháp Việt, đến năm thứ ba trung học thì xin nghỉ.
Năm 17 tuổi, lập gia đình với cô Nguyễn thị Khương, 19 tuổi, người tỉnh Hà Nam, do mẹ hỏi
cưới cho. (Ông bà được ba trai, một gái. Con trai đầu là Nguyễn Đình Nghi, sau này được ông hướng dẫn, bồi đắp đã trở thành một đạo diễn xuất sắc.) Thế Lữ là một người con rất có hiếu, trong thời gian làm việc ở Hà Nội, tháng tháng đều về Hải Phòng thăm nom mẹ và vợ con.
Năm 1928-1932 học bàng thính tự do trường Mỹ thuật Hà Nội, một năm thì bỏ. Quen nhiều bạn, chia sẻ nhau sách vở, văn chương... lập thành một salon văn chương nhỏ. Ông về lại Hải Phòng quyết chí luyện tập viết văn và dịch sách. Vì bị bệnh lao, ông đi nghỉ dưỡng sức ở
vùng quê Hải Phòng và Đồ Sơn. Thời gian này viết Vàng và Màu và làm những bài thơ đầu
tiên. Bắt đầu có bài đăng báo, sách xuất bản.
Năm 1932 khỏi bệnh lao, về Hà Nội làm nhà in, ông gửi truyện ngắn, thơ đến báo Phong Hóa, bài nào cũng được đăng. Thơ Thế Lữ bừng sáng rực rỡ với phong cách hoàn toàn khác lạ, từ ngôn từ tới giai điệu, từ ý tưởng tới cách chọn lọc chữ.
Nhất Linh công nhận chất sáng tạo mới của ông trong: “Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới” trên báo Phong Hóa số 54, 1933.
Thế Lữ ra nhập toà soạn Phong Hoá, trở thành thành viên sáng lập Tự Lực Văn Đoàn 1933, do Nhất Linh lãnh đạo. Ông hoạt động hăng hái hết lòng cùng các bạn đồng sự trên hai báo Phong Hoá Ngày Nay tới khi báo bị Pháp đóng cửa 1940.
Thời kỳ 1934-1937, sau khi Mấy Vần Thơ ra đời, ông được người đương thời coi như người dẫn đầu xây dựng nền thơ mới, đó là lúc thơ ông được ưa chuộng hơn hết.
Ông là người tiên phong trong việc xây dựng nền thơ mới, những câu thơ của ông còn mãi trong lòng người yêu thơ như:
...Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu! (Hổ Nhớ Rừng)
hay: Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang...(Giây Phút Trạnh Lòng)
hay Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên (Lời Than Thở Của Nàng Mỹ Thuật)
Những tiêu mục Tin Thơ, Tin Văn Vắn... của ông, là những bài phê bình thơ, dậy cách làm thơ, thưởng thức thơ được thanh niên đón đọc sôi nổi.
Ngoài ra, những truyện đường rừng, truyện kinh dị, truyện trinh thám ... của ông cũng rất được hâm mộ vì chúng đột nhiên cùng ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam không báo trước.
Thế Lữ còn là một người làm báo tài hoa. Với bút hiệu Lê Ta, (Lễ =Lê ngã, với chữ nho ngã = Ta, một cách đùa với luật chiết tự, phân tích chữ), ông viết phóng sự, bút chiến, văn vui...rất thu hút, như loạt bài Lê Ta Làm Báo, Lê Ta Xuống Hải Phòng.
Khi nền móng thơ mới thiết lập xong, rực rỡ hơn bao giờ hết với hàng loạt thi sĩ đầy tài năng: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ... mà nhiều thi nhân đã được chính ông khám phá và giới thiệu. Thế Lữ quay sang kịch nói, tuy vẫn viết, vẫn làm báo Ngày Nay. Là một nghệ sĩ say mê kịch, đầy tài năng, tự học trước một thể loại hoàn toàn mới, ông đã trở thành một diễn viên kỳ đặc (kỳ lạ và đặc biệt), một nhà dàn cảnh (đạo diễn) xuất sắc đầu tiên. Ông muốn xây dựng nền kịch nói riêng của Việt Nam. Vì sân khấu bao giờ cũng là bộ mặt văn hoá của một nước. Đó là lúc ông tìm thấy nơi dừng lại, sau bao nhiêu tìm kiếm, khám phá, xây dựng, rồi để lại con đường cho người đi sau: Có lẽ chỉ nơi sân khấu đầy biến đổi, những màn kịch phù du, như thật như ảo... là phù hợp với tâm hồn vô trụ, lúc nào cũng đi tìm cái mới của ông.
1937 Thế Lữ dàn cảnh, huấn luyện diễn viên cho ban kịch Tinh Hoa của Đoàn Phú Tứ.
1938 Tại Hà Nội, kết bạn cùng cô giáo Song Kim Phạm thị Nghĩa, một người say mê và giỏi thiên bẩm về kịch, để phụng sự sân khấu nghệ thuật.
1940 Báo Ngày Nay bị Pháp đóng cửa.
1942 Lập ban kịch Thế Lữ, rất thành công, nhưng phải rã cánh vì những đòi hỏi của thực dân Pháp lúc đó.
1943 Lập ban kịch Anh Vũ cùng Vũ Đức Diên. Ông phụ trách dàn cảnh và diễn kịch.
1945-1946 Lưu diễn miền Trung, tới Quy Nhơn vì chiến tranh quay về Bắc.
1947 Tham gia kháng chiến chống Pháp, viết kịch, dựng vở diễn liên tục.
1957 Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tới khi nghỉ hưu.
1977 Thế Lữ trở về sum họp với gia đình vợ con tại Thành phố Hồ Chí Minh tới khi mất ngày 3-6-1989, hưởng thọ 82 tuổi.
Tác phẩm của Thế Lữ một phần lớn đã được Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành trước và sau
1945:
- Ba hồi kinh dị,
- Bên Đường Thiên Lôi,
- Con quỷ truyền kiếp (truyện dịch),
- Đòn hẹn, 1963
- Gió Trăng Ngàn, tái bản 1957
- Gói Thuốc Lá, 1963
- Lê Phong Phóng Viên, 1963.
- Mai Hương và Lê Phong, 1962.
- Mấy Vần Thơ, 1956.
- Trại Bồ Tùng Linh,
- Thoa (trong Giai Phẩm Đời Nay1944)
- Vàng và Máu,1932, 1967.
Những truyện nhi đồng trong loại Sách Hồng, gồm có:
- Cuộc đời ly kỳ và gian nan của Rô-bin-sơn. dịch truyện của Daniel Defoe. 1944 (4
tập)
- Hai thứ khôn, 1940.
- Sau 1945 có: Tay Đại Bợm, và nhiều truyện ngắn, sách dịch, kịch bản.
Nguồn Viện Việt Học