"Quand un peuple, pour des raisons quelconques a mis le pied sur le territoire d'un autre peuple, il n'a que trois partis à preder: exterminer le peuple vaincu, réduire au servage honteux ou l'associer à ses destinées."
Paul Bert
Khi một dân tộc vì một lẽ nào đó đã đặt chân lên lãnh thổ của một dân tộc khác thì chỉ có ba việc: Tiêu diệt kẻ bại, nô lệ hóa họ một cách nhục nhã, hoặc đồng hóa họ theo mình.
1- Nguyên nhân của việc Pháp xâm lăng Việt Nam
Từ đời Tự Đức nước Việt Nam đi dần tới chỗ ngã ba của lịch sử. Nước Việt Nam độc lập từ thế kỷ thứ X, sau ba thế kỷ nội chiến (1527) nguyên lực quốc gia bị hao mòn thì Tây Phương với một nền văn minh mới, một nguồn sinh lực dồi dào đã tràn sang Á Châu làm đảo lộn tình thế của hầu khắp các quốc gia. Vì kém hèn, cuối thế kỷ XIX chúng ta rơi vào vòng lệ thuộc của người da trắng. Nếu xét sự tiến triển của phong trào thực dân và đế quốc của Tây Phương khởi từ thế kỷ XV, cuộc chạy đua mãnh liệt để giành nhau thị trường cùng đất đai từ thế kỷ sau liên miên và ráo riết cho đến cuối thế kỷ XIX, việc đánh cướp lấy đất của người Việt như thế là quá muộn. Ngoài ra, biến cố có ảnh hưởng tai hại nhất cho Việt Nam là sự thất bại chính trị và quân sự của Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX sau trận chiến tranh nha phiến. Lần lần nhà Thanh ký các Nam Kinh Điều Ước, Trung-Mỹ, Trung-Pháp Điều Ước ký ngày 3-7-1844, 23-10-1884.
Mười năm sau nữa Pháp mới cương quyết xâm chiếm Việt Nam. Một mặt Pháp bấy giờ đã có hoàn cảnh thuận tiện để xuất binh, mặt khác Pháp cho rằng nếu quân đội Pháp không gấp bước vào Việt Nam, có thể Anh sẽ đến Việt Nam trước. Thêm vào đó, một nguyên nhân nữa là chuyện nước Tàu vốn là "thiên triều" đối với Việt Nam còn bại trận thì Việt Nam nước nhỏ dân thưa dại gì mà chẳng thôn tính. Nếu như trong khoảng thời gian Pháp còn lúng túng với nội bộ cùng với liệt cường, vua chúa Việt Nam sớm có một chính sách đối ngoại khôn khéo, am hiểu thuật phú quốc cường binh thì chúng ta đâu phải viết những trang quốc sử bằng máu và nước mắt vào hạ bán thế kỷ XIX. Tiếng súng của trung tướng Rigault de Gnouilly và đại tá Lapierre vào mùa thu năm Đinh Vị (1847), tiếc thay, chưa đủ là một cảnh cáo cho cái triều đình hôn ám của vua Thiệu Trị.
2- Đặc phái viên Pháp De Montigny đến Việt Nam
De Montigny là lãnh sự Pháp ở Thượng Hải, tháng 11-1855 được đặc ủy từ Pháp sang Đông Nam Á bằng đủ mọi cách để thết lập các cơ sở chính trị và thương mại cho nước Pháp. Bấy giờ Pháp nhắm vào Tiêm La, Cao Miên và Việt Nam. Dĩ nhiên Việt Nam được chú trọng hơn cả.
Sau khi nhân danh hoàng đế Nã Phá Luân đệ tam ký xong với triều đình Tiêm La một hiệp ước chấp thuận cho Pháp được vào tự do buôn bán, giảng đạo, nghiên cứu khoa học, đặt đại diện ngoại giao, mua các bất động sản, De Montigny qua Cao Miên vào tháng 10-1856. Tại đây sứ giả Pháp cũng có một công tác tương tự nhưng bị Tiêm ngăn trở bởi Tiêm vẫn muốn giành độc quyền ảnh hưởng chính trị tại xứ Chùa Tháp (còn nếu Tiêm ký gấp với Pháp chỉ là kéo Pháp về phe mình cho có uy thế để khỏi bị Anh hiếp chế). Bị người Tiêm để ý, quốc vương Miên không dám ra mặt thân Pháp, rồi giám mục Michel chỉ mới thu xếp được một bức thư, trong đó vua Nặc Ông Tôn gửi Napoléon đệ tam xin Pháp che chở nước Mên. Tóm lại, với Cao Mên, De Montigny thâu lượm được gì.
Cuối tháng 10 ông tới Tourane bằng tàu Le Marceau. Đến trước tàu của viên đặc ủy này là chiếc Catinat vào ngày 16-9-1856. Thuyền trưởng của tàu Catinat là Le Lieur nói cho các quan Việt Nam ở Tourane biết có một bức thư đệ lên nhà vua do đặc ủy của Pháp mang đến. Và chỉ vài ngày nữa viên đặc ủy sẽ có mặt ở đây. Quan ta tiếp thư và bảo Le Lieur chờ hồi âm. Nhưng bức thư của De Montigny được mở ra coi rồi lại đem trả lại trên bãi biển. Le Lieur liền tuyên bố rằng việc quăng bức thư của nước Pháp trên bãi biển là cả một sự nhục mạ, và như vậy Việt Nam đã tuyên chiến với Pháp. Mấy ngày sau viên thuyền trưởng này thấy quân đội ở các hải đồn có phần hoạt động khác thường liền cho đổ bộ 50 tên lính và bắn vài phát đại bác vào đồn chính của ta. Đội quân đổ bộ của Pháp hạ được cổng đồn, quân ta bỏ chạy và bị bắt khoảng 40 người. Pháp hạ được thành Đà Nẵng, thu được 45 khẩu đại bác và một số thuốc súng rất lớn.
Hôm sau quan ta trở lại điều đình, Le Lieur bảo phải đợi viên đặc ủy tới vì ông này mới đủ thẩm quyền nói chuyện với nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng De Montigny không lên Đà Nẵng mà đi thẳng qua Hồng Kông. Đến ngày 23-1-1957 De Montigny mới trở lại. Hai bên nói chuyện, De Montigny đưa ra việc xin tự do buôn bán, đặt lãnh sự ở Huế, đặt một thương điếm ở Tourane và việc truyền giáo. Triều đình Huế đều từ chối hết.
Cuộc thương thuyết thất bại. Trước khi rút lui De Montigny đã để lại cho sứ thần của vua Tự Đức một văn kiện nói rằng ông ta sẽ phải đệ trình với hoàng đế nước Pháp rằng vua Việt Nam đã khước từ ký kết với nước Pháp một hiệp ước trên những căn bản và hình thức đã được các nước văn minh công nhận, và nếu vua Việt Nam cứ giết đạo, cứ ngược đãi người Pháp, nếu nước Pháp phải trừng phạt thì đó là tại triều đình Việt Nam. Kết quả của những sự lôi thôi trên đây là các việc giết đạo càng mạnh, càng gay gắt hơn bao giờ hết. Khắp trong nước, chỗ nào cũng có những vụ giết giáo dân, đốt nhà giáo dân và giáo đường. Một giám mục Tây Ban Nha là Diaz bị bắt và bị chém vào ngày 20-7-1857 tại Bắc Kỳ. Tin này bay về Paris, các nơi chính quyền nhao nhao lên tiếng, đòi phải đem quân lực sang đối phó thẳng tay với Việt Nam. Giám mục Pellerin và Huc được cử qua Việt Nam xét tình trạng của việc truyền giáo để về trần thuật tỉ mỉ các việc xảy ra. Rồi ngày 4-11-1857 trung tướng Rigault de Genouilly đang coi căn cứ hải quân Pháp ở Viễn Đông được lệnh mở ngay một cuộc thị uy mãnh liệt tại các vùng duyên hải Việt Nam. Nhưng bấy giờ nước Pháp đang đánh nhau với nhà Thanh, nên ngày 31-8 năm sau tất cả hạm đội Pháp gồm 14 chiến thuyền và một tàu Tây Ban Nha mới kéo xuống được bờ biển Việt Nam. Ngày 1-9 Pháp gửi tối hậu thư cho các nhà cầm quyền ở Tourane, buộc phải nộp hết cả đồn ải và định giờ cho quan Việt Nam trả lời. Quá thời hạn, Pháp nổi súng, Việt Nam chống lại, nhưng nửa giờ sau bên Việt Nam ngừng bắn.
Chỉ hai hôm cửa Đông và cửa Tây thành Đà Nẵng bị Pháp uy hiếp nặng nề, triều đình Huế cử Đào Trí và Trần Hoằng là tổng đốc Nam-Ngãi ra chống cự. Hai ông tới Đà Nẵng thì hai đồn An Hải và Tồn Hải đã thất thủ. Hữu quân Lê Đình Lý làm đô thống ra sau để tiếp ứng cho quân Nam Ngãi với một bộ đội 2000 người. Quân của Lý xô xát kịch liệt với quân Pháp ở Cẩm Lệ. Lý bị đạn được mấy hôm thì chết. Trước sức mạnh của Pháp, triều đình lại cử luôn Nguyễn Tri Phương làm đô thống và Chu Phúc Minh làm đề đốc hợp lại tăng cường cho lực lượng của Đào Trí. Rồi Nguyễn Tri Phương lập đồn Liên Trì, đắp lũy từ Hải Châu đến Phúc Ninh, cố ngăn bước tiến của Pháp-Tây. Rigult de Genouilly thấy quân Việt ở đây dồi dào tinh thần chiến đấu, lại có người cho tin 10000 quân Việt sắp từ Huế kéo vào nên ngừng lại. Và y cũng ngần ngại một phần nữa vì không thuộc đường giao thông từ Đà Nẵng ra Huế về mặt bộ. Bấy giờ là mùa Đông, tiến quân bằng hải đạo thì ngược gió, binh đội lại bị dịch tả. Viên trung tướng này còn thất vọng thêm ở chỗ không thấy có giáo dân nổi lên hưởng ứng nên đã kỳ kèo giám mục Pellerin vì trước đây giám mục đã đoan quyết như vậy. Lúc này giám mục cũng theo quân đội và có mặt trên chiếc tàu Némésis. Giám mục vừa xấu hổ, vừa tức giận nên bỏ về ở nhà tu Pinang tại Mã Lai. Còn Rigault de Genouilly thấy không thể vượt ra Huế được liền chú mục về Nam Kỳ rồi cương quyết để đại tá Toyon ở lại Đà Nẵng.
Rigault de Genouilly đã rất thực tế: Nam Kỳ là xứ giàu, nhiều thóc gạo, lại xa chủ lực quân của triều đình Huế, đánh dễ và có nhiều nguồn lợi. Tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1859) lên quân nhổ neo kéo và Nam Kỳ. Kể từ giờ phút này đất nước Đồng Nai lâm vào khói lửa. Còn người thay R. de Genouilly là đô đốc Page, đến Đà Nẵng vào 19-10- 1859. Vào ngày 18 tháng sau Page cho hai pháo thuyền "Némésis" và "Phlégéton" ra khơi lần theo bờ biển bắn phá hết các hải đồn của Việt Nam.Việt quân chống trả ở đây rắt hăng nhưng pháo đội của Pháp-Tây ở các chiến hạm bắn lên đã hủy diệt được mọi cơ cấu bố phòng của Việt Nam. Tuy thắng trận mà Liên quân vẫn rút lui vào ngày 23-3-1860 để sang tăng cường cho quân đội của hải quân trung tướng Charner đi đánh Tàu (Lúc này liên quân Anh-Pháp đang giao tranh với quân nhà Thanh tại Hoàng Hải).
Page sang Việt Nam với huấn lệnh ký một hòa ước với triều đình Huế, có mục đích xin bãi việc cấm đạo, giết đạo cùng đặt ba lãnh sự quán ở ba hải cảng tại Việt Nam và một đại diện ngoại giao bên nhà vua Tự Đức. Họ không đòi bồi khoản chiến tranh và nhượng đất chi hết cũng như với triều đình Mãn Thanh trước đây (1842-1847); và triều Mãn đã nhận các điều kiện này. Triều đình Huế không tỏ ý kiến nào về vấn đề này, chỉxin gửi người sang ngoại giao với Pháp đình mà thôi. Pháp cho rằng Việt Nam có ý kéo dài cuộc thương thuyết để cho họ chán rồi họ phải đi. Do đó Page đã đoạn tuyệt cuộc giao thiệp và tiến đánh phía Bắc Tourane. Thiếu tá Dupré-Déroulède bị đạn chết trong trận này trên chiếc tàu Némésis.
3- Việt Nam mất ba tỉnh miền Đông
Ngày 2-2-1859 Rigault de Genouilly đem 2000 quân vào tấn công Nam Kỳ. Ngày 9-2 quân Pháp tới sông Đồng Nai và tàu lớn cũng vào được bến.
Miền Nam Việt khác hẳn miền Trung. Đây là vùng đồng bằng, nhiều sông lớn, sông con chạy ngoằn ngoèo ra biển. Có những chi lưu ăn vào sông Cửu Long, lại có những sông nhỏ nối vào sông Đồng Nai. Hạm đội của Pháp bắn tan các hải đồn từ Vũng Tàu đến cửa Cần Giờ luôn trong hai ngày 10 và 11-2-1859, rồi ngược dòng sông mà tiến vào Gài Gòn. Các cơ cấu phòng thủ hai bên bờ sông của Việt Nam đều bị phá hủy tan tành. Ngày 15-2 họ tới Nhà Bè trước phòng tuyến phía Nam Sài Gòn và ngay chiều hôm đó họ đã hạ được một đồn binh của Việt Nam trong nhiều đồn binh khác. Ngày 16-2 họ tiến lên Tân Thuận Đông để vào sông Sài Gòn. Ngày 17-2 thiếu tá Jauréguberry, Dupré-Déroulède, đại úy Lacour trên pháo thuyền Avalanche đi thị sát ở tại phía Bắc thành Sài Gòn cách đồn phía Nam 1800 thước (thành này do Olvier dựng lên xưa kia và được xây lại vào năm 1837, một lũy bao bọc bên ngoài dài tới 1475 thước, trong có rừng và vườn cây xum xê, rậm rạp, nhà cửa san sát từ mé bờ sông cạnh Gia Định). Liên quân Pháp-Tây đổ bộ đánh mặt Đông Nam thành này. Ngày 18-2 Pháp pháo kích kịch liệt hơn. Quân Pháp vẫn tiến mặc dầu quân Nam trong thành bắn ra rất dữ dội. Các mặt khác do đại tá Lanzarotte, trung tá Raybaud chỉ huy cũng gây nên một tình thế khẩn trương cho quân Nam. Trọn ngày đầu, quân Pháp chưa rõ lực lượng của Việt Nam nên vừa đánh vừa nghe ngóng. Qua hôm sau, nhờ sự thám xét của Jaureguiberry và sự chỉ dẫn của giáo sĩ Lefèbvre, quân Pháp đã hiểu rõ tình thế thành Gia Định.
Rạng ngày 19-2 Pháp dốc hết lực lượng thủy bộ vào việc đánh thành. Tàu Phlégèton, Primauguel, El, Cano khạc đạn ầm ầm, thành Gia Định đổ dần từng quãng. Quân Phá vượt lũy, ném lựu đạn rồn bắc thang nhảy vào thành. Tổng đốc Võ Duy Ninh đích thân chỉ huy trên thành, hò hét ba quân không ngớt.
Rồi thành bị vỡ, Võ Duy Ninh tự tận. Liên quân Pháp-Tây vào thành lấy được 200 đại bác, 85000 cân thuốc súng, còn binh khí và thóc gạo nhiều vô kể, đốt hàng tháng chưa hết.
Đánh xong Gia Định trung tướng Rigault de Genouilly lại mở cuộc hòa giải nhưng triều đình Huế có ý loanh quanh rồi De Genouilly trở ra đánh Đà Nẵng phen nữa trước khi về Pháp nghỉ. Xét ra, từ Đà Nẵng đến Gia Định hai phen Việt Pháp đánh nhau và hai phen bàn việc giải hòa nhưng triều đình Huế đã bỏ mất cơ hội. Rồi giữa Trung Quốc và Pháp lại tái chiến. Page được lệnh bỏ Tourane hợp với thủy sư đô đốc Charner để qua Tàu chỉ để một số quân đủ giữ các địa điểm đã chiếm đóng được ở Sài Gòn (700 quân Pháp và vài trăm quân Tây Ban Nha đặt dưới quyền của hải quân đại úy d'Ariès và đại tá Palanca).
Từ tháng 3-1860 đến tháng 2-1861 nhóm quân nhỏ này bị 12.000 quân Nam bao vây. Tướng chỉ huy của Việt Nam bấy giờ là kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương. Lúc này Liên quân giữ một chiến tuyến từ Sài Gòn vào Chợ Lớn và 4 đồn giữa hai thị trấn này. Đó là đồn Cây Mai, Tân Kiểng, O Ma và chùa Berber. Đồn phía Nam của họ chỉ có 200 lính mà thôi. Đây là một chiến tuyến đường vòng để liên lạc với các căn cứ, vậy mà bên liên quân cầm cự suốt được một năm.
Trong đêm 3, rạng này 4 tháng 7-1860 quân Nam tấn công ồ ạt vào đồn Tân Kiểng nhưng thất bại và bị đẩy lui.
Ngày 24-10-1860 Trung Quốc và Pháp ký hiệp ước bãi binh thì toàn thể bộ đội của Pháp ở Tàu lại trở về Nam Việt (70 chiến hạm vừa để chuyên chở vừa để chiến đấu, 3500 lính, 17 đội thủy quân lục chiến, 2 tiểu đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn lính Tàu mộ ở Quảng Đông và Tourane, 12 đại đội thủy quân trọng pháo v.v...).
Ngày 24-1-1861 họ lên đường và ngày 7-2 đến Sài Gòn. Sau mấy ngày nghỉ ngơi và để chỉnh đốn lại hàng ngũ, đô đốc Charner cho đánh chiến tuyến Kỳ Hòa: Lục quân đánh thành phá lũy, thủy quân thì do sông cái, sông con chặn đường rút lui của quân Nam không cho tháo về Biên Hòa.
Cuộc xô xát của hai quân rất là kịch liệt. Pháp mất 300 quân nhưng ta bại, phải rút ra ngoài các vùng đồng ruộng. Họ tung ra một đạo quân lưu động đuổi quân ta tới Trảng Bàng. Pháo thuyền La Dragonne của họ tiến vào Tây Ninh. Sử gia Pháp P. Cultru cho rằng: "Nếu muốn, chắc chắn Liên quân bấy giờ có thể lấy được cả lục tỉnh Nam Việt thuở ấy...".
Sau cuộc đại thắng này, Charner cử trung úy Lespès sang Cao Mên nói cho vua xứ Chùa Tháp hay rằng nước Pháp đã chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa và muốn có tình hòa hảo với vương quốc Mên. Vua Mên gửi một sứ bộ sang chúc mừng Liên quân thắng trận. Đây là lần đầu có cuộc ngoại giao giữa Pháp và Cao Mên.
Rồi Charner xua quân tiến dánh Mỹ Tho. Quân Nam phục kích Liên quân ở nhiều nơi. Charner phải cho đi nghiên cứu các sông ngòi, từ ngày 1 đến 3-4-1861 thiếu tá Bourdais tấn công Mỹ Tho, phá được nhiều đồn ải nhưng rồi viên tướng này bị bắn chết trên pháo hạm số 18. Đại úy Quilo lên thay và ngày 12-4 đến được Mỹ Tho. Quân ta lúc này rút cả về phía Bắc Biên Hòa. Bấy giờ Nguyễn Bá Nghi được thay kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương bị thương tại đồn Kỳ Hòa (tức Chí Hòa) phải ra Phan Rí dưỡng bịnh. Lúc Mỹ Tho bị chiếm thì Nguyễn Bá Nghi đến Biên Hòa với sứ mạng tiếp tục công cuộc chống Pháp. Thấy quân mình quá sút kém mà quân Pháp lại hùng dũng, có nhiều tàu và súng đồng lợi hại rõ rệt, Nghi liền gửi thư xin giải hòa với đô đốc Charner (không sách nào nói rõ việc nghị hòa này là do mệnh lệnh của ai). Charner nhận lời và đưa ra 12 điều kiện (xem Nam Bộ Chiến Sử, trang 93-94).
Rồi từ vua đến triều thần, hết thảy không tán thành yêu sách của Pháp. Dĩ nhiên đôi bên lại tiếp tục đối phó với nhau bằng súng đạn.
Pháp liền thiết lập các cơ quan hành chánh, buổi đầu do những người Pháp đảm nhiệm, nhưng sau cũng phải dùng người Việt làm các chức phủ, huyện. Charner về Pháp ngày 29-11-1861. Đô đốc Bonard kế tiếp việc chinh phục và cai trị các vùng chiếm đóng. Vào khoảng đầu năm 1852. Pháp hoàng coi như đã hoàn thành việc chiếm Nam Việt để làm đất đứng ở Viễn Đông. Từ giai đoạn này trở đi họ bắt tay vào việc mở mang thương mại, nông nghiệp và kỹ nghệ ở đây. Có vài điều đáng chú ý: Trước con mắt người Pháp, nước Việt bấy giờ có một tổ chức xã hội rất dân chủ. Các hương chức bầu ra các chức quyền ở thị trấn (!), công chức và quan lại chỉ thuộc nhà vua mà thôi, nghĩa là không chịu thuộc quyền của quý tộc như ở Âu Châu.
Nước ta cũng không có giai cấp. Quan ta chỉ biết có nhà vua. Họ không theo Pháp nên Pháp không lôi cuốn được họ. Tất nhiên Pháp chỉ còn nước vơ bậy bạ những phần tử lưu manh, vong bản ra làm tay sai cho mình mà thôi. Rồi Pháp phải phàn nàn rằng bọn này chẳng làm nổi việc gì đáng kể vì họ không có uy tín lại dốt nát.
4- Phản ứng của triều đình Huế
Từ tháng 6-1861 đến cuối năm này, chiến tranh lan rộng từ Gò Công, Cần Giuộc, Thủ Dầu Một, Tây Ninh và Trảng Bàng. Vua Tự Đức thông cáo cho nhân dân biết rằng triều đình sẽ thưởng tiền bạc, phẩm tước cho ai giết được giặc Pháp.
Bonard tung ra ba đạo quân đánh Biên Hòa (tháng Chạp 1861 - tháng 1-1862) rồi Biên Hòa và Bà Rịa bị thất thủ. Chiếm đến đâu Pháp đặt người cai trị đến đấy, thâu thuế má (30-1-1862), đặt đường giây thép từ Sài Gòn qua Chợ Lớn, Biên Hòa, Bà Rịa và Vũng Tàu, lập nhà thương, nhà in, nhà thờ, phủ thống đốc. Việc kiến trúc các cơ sở bấy giờ rất là sơ sài. Pháp mộ người Nam ta vào các bộ đội trú phòng (lính khố xanh) để đóng giữ Gò Công, Gò Giao, Cái Bè v.v...
Trong lúc này ông Quản Định phát động phong trào kháng Pháp, lấy Gò Công làm tổng hành dinh. Kháng chiến quân được nhân dân ủng hộ rất mạnh, và một số quan người Việt ở Vĩnh Long cũng dự vào việc kháng chiến nên ngày 20-3-1862 Bonard phải đem 1000 lính và 11 chiếc tàu chiến xuống đánh miền này. Ngày 22 cuộc xung đột diễn ra. Vĩnh Long bị chiếm vào buổi tối và ngày 23 Bonard vào thành.
Tháng 4 có cuộc giao tranh ở Mỹ Tho. Liên quân cũng lấy được tỉnh này dễ dàng. Nhưng Liên quân đang hoạt động tại Vĩnh Long, Mỹ Tho thì ở Chợ Lớn họ bị quân kháng chiến đốt phá và có vụ người Tàu giúp việc ở câu lạc bộ hải quân bỏ thuốc độc vào thức ăn của các tướng tá Pháp. Cơ đồ dường như khó khăn, lúng túng thì triều đình Huế yêu cầu thiếu tá Simon đang tuần hành dọc theo Đông Hải tháng 5 năm ấy, báo về súy phủ Sài Gòn rằng Huế muốn mở cuộc điều đình. Bonard cho Simon trở ra Tourane gặp đại diện Nam triều để đưa điều kiện nghị hòa, hẹn 3 ngày phải điều đình xong và nộp trước 10 vạn quan tiền (1000 000 quan bấy giờ).
Ngày thứ ba, chiếc Hải Bằng có 40 chiếc thuyền nhỏ tháp tùng đi theo tàu Forbin của Pháp vào Sài Gòn đưa sứ bộ do Phan Thanh Giản và quan Binh Bộ Thị Lang Lâm Đức Hiệp cầm đầu. Tàu của ta có 23 khẩu đại bác cở thường đã han rỉ, quân lính ăn mặc rách rưới, lôi thôi đã làm trò cười cho lính Pháp. Nhưng người Pháp đã phải khâm phụ ông Phan Thanh Giản về sự thông minh và cử chỉ chững chạc.
Ngày 5-6-1862 hiệp ước thành hình. Đôi bên cùng thỏa thuận các điều khoản dưới đây:
1) Triều đình Việt Nam nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp (Gia Định, Biên Hòa và Định Tường).
2) Triều đình Việt Nam chịu khoản bồi thường chiến tranh cho Pháp-Tây là 4 triệu quan, phải trả hết trong vòng 10 năm.
3) Pháp-Tây trả lại cho triều đình Việt Nam tỉnh Vĩnh Long khi nào trật tự ở đây được vãn hồi.
Sử gia Cultru đạt câu hỏi ở đây: Tại sao Việt Nam lại chịu nhường tỉnh Gia Định cho Pháp? Nơi này là sinh quán của mẹ vua Tự Đức và là kho thóc của miền Trung.
Rồi sử gia này tự trả lời: "Nam triều đã không còn sức kháng chiến nữa. Lại thêm Bắc Kỳ đang rối loạn do đảng Lê Duy Phụng tự xưng là con cháu nhà Lê. Phụng đã liên lạc với Bonard để xin cộng tác nhưng bấy giờ Bonard chưa nghĩ đến việc thôn tính miền Bắc, bởi Bonard cho rằng miền này sẽ dành cho Tây Ban Nha.
Xét ra nếu Pháp tiếp tay cho Lê Phụng, có thể miền Bắc cũng mất nốt, do đó mà các nhà cầm quyền ở Huế đã vội vã ký với Sài Gòn cho xong, vì hòa với Sài Gòn mới có cơ cứu vãn Bắc Hà, vả chăng giữa hai kẻ địch, Pháp vẫn nguy hiểm hơn".
Quả vậy, yên với Pháp xong, vua Tự Đức liền tung hết quân lực ra Bắc, bắt được Phụng và đem ra lăng trì (là tội phân thây xé xác). Bàn cho kỹ thì vụ loạn Lê Phụng đã giúp cho Pháp rất nhiều vì nó đưa triều đình Huế vào cái thảm cảnh nhà cháy hai đầu, nếu không, chưa dễ gì có cuộc nghị hòa mau lẹ và có lợi cho Pháp như vậy. Nhưng tới nay người ta ngờ rằng biết đâu chẳng có bàn tay sai bí mật của Pháp trong các vụ loạn ở xứ Bắc.
5- Phong trào Nam Kỳ kháng Pháp
Triều đình Việt Nam hòa với Pháp nhưng nhân dân Việt Nam không thể tán thành việc hòa giải này. Đó là ý kiến ông Quản Định (tức Trương Định), người đã chiếm Gò Công và lôi cuốn đồng bào Nam Việt vào cuộc bài Pháp, trước cũng như sau việc nhượng ba tỉnh miền Đông.
Ông Quản Định trước đây chỉ là một võ quan cấp chánh quản, nhưng là con người có khí tiết và có nhiều nhiệt huyết đối với thời cuộc bấy giờ. Sau Hòa Ước 5-6 ông tăng cường quân sự, xây đồn lũy kiên cố hơn nên đô đốc Bonard phải mang toàn lực thủy bộ vây để đánh lấy Gò Công.
Rồi ta với Pháp lại điều đình, nhưng hai bên có chỗ bất đồng: Ta đòi Pháp trả lại ngay Vĩnh Long, nếu không Hòa Ước 5-6 sẽ không thể duyệt y trong một năm. Bonard trả lời không có hạn định thời gian nào cả và Huế phải bắt Quản Định giải giáp gấp mới được trả lại Vĩnh Long. Pháp bấy giờ vừa được thêm viện quân ở Thiên Tân về, cuộc ngoại giao vì đó đi dần đến chỗ tan vỡ. Nguyên do thứ hai: Ngày 2-12-1862 Huế vừa nộp xong một số tiền về bồi khoản chiến tranh cho Pháp thì hôm sau có lời yêu cầu xét lại hòa ước và xin bãi bỏ việc nhượng ba tỉnh miền Đông. Pháp đòi nội một tháng triều đình Huế phải duyệt y hòa ước.
Ngày 16-2 Việt-Pháp lại nói chuyện bằng súng đạn. Sài Gòn, Biên Hòa lại tơi bời trong khói lửa. Các đồn binh của Pháp lại bị quân ta tấn công. Mỹ Tho, Bà Rịa lần lượt cũng xảy ra nhiều cuộc xung đột.
Vào tháng hai năm sau (1863) quân của ông Quản Định bị bao vây ráo riết ở Gò Công. Trong lúc này thì đại úy Tricault, ủy viên ở bộ hải quân ở Pháp sang, mang theo chữ ký của Pháp Hoàng đã duyệt y Hòa Ước 5-6; đồng thời thủy sư đô đốc De la Grandière sang tạm quyền cho Bonard.
Bonard muốn cụ thể hóa thành tích của mình, đòi Huế phải duyệt y ngay Hòa Ước 5-6 và dọa nếu triều đình do dự sẽ gây loạn ở miền Bắc. Lời hăm dọa này có kết quả. Rồi ngày 2-4-1863, Bonard kéo một phái bộ ngoại giao gồm cả đại diện Pháp lẫn Tây Ban Nha ra Huế.
Ngày 5-4-1863 họ được tiếp đón long trọng ở cửa Hàn. Năm hôm sau sứ bộ ra tới kinh đô (đi bằng võng) và ngày 14-4 hai bên Việt-Pháp làm lễ trao đổi văn kiện.
Ngày 19 Bonard rời Huế về Sài Gòn và ngày 30 tháng ấy ông ta về nghỉ ở Pháp và chết vào năm 1867.
Năm 1863 triều đình Huế lại cử Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Khắc Đồng với một đoàn tùy tùng 63 người mang đủ gạo nước vào Sài Gòn để nhờ tàu Pháp qua Paris. Phái đoàn này đi từ ngày 4-6 và tới Âu Châu vào tháng 9-1863. P. Cultru nói rằng:
"Họ đến đất Pháp vừa đúng lúc Pháp đình bắt đầu chán với các cuộc viễn chinh. Dư luận Pháp cho rằng các cuộc viễn chinh chỉ làm hao tổn tiền tài và sinh mạng".
Tuy vậy vẫn có một số nhân vật chủ trương lấy đất Nam Việt làm thị trường và thuộc địa. Báo chí Pháp cũng bàn tán xôn xao về vụ phái đoàn Việt qua điều đình để chuộc lại ba tỉnh miền Đông.
Sau một tháng có mặt trên đất Pháp, phái đoàn mới được sự tiếp kiến chính thức. Trong dịp này, Pháp Hoàng đã nói một câu rất dõng dạc: "Nước Pháp rất khoan hồng với mọi quốc gia và sẵn sàng bảo vệ các dân tộc hèn yếu nhưng rất nghiêm khắc với những ai ngăn trở bước đi của nước Pháp". Nhưng viên thông ngôn là ông Aubaret vì không thạo tiếng Việt Nam đã dịch ra "phải biết sợ nước Pháp". Rồi người ta cho phái đoàn hay Pháp đình sẽ trả lời triều đình Huế trong vòng một năm. Tóm lại việc sửa đổi Hòa Ước 1862 có thể nói là vẫn loanh quanh, chưa ngã ngũ bề nào.
Phái đoàn Phan Thanh Giản về nước rồi, chính giới Pháp bàn chỉ nên giữ lấy Sài Gòn, Chợ Lớn và Vũng Tàu cùng một giải đất hẹp theo dọc sông Đồng Nai với sự bảo hộ sáu tỉnh Nam Kỳ, xét rằng việc trực trị ở đây sẽ gặp nhiều điều phiền toái về mọi mặt. Aubaret là trung úy hải quân của thủy sư đô đốc Bonard, một nhân viên đã dự cuộc đàm phán về Hòa Ước 5-6-1862 đã viết nhiều sách truyện về Nam Việt, đưa ra nhiều ý kiến và đã được chính giới tán thành. Do đó mới có việc lập một chế độ chiếm hữu thâu hẹp. Việc này tuy được chấp thuận nhưng còn giữ bí mật. Rồi Aubaret được cử làm lãnh sự ở Vọng Các và sẽ là công sứ Pháp ở Huế để đề nghị với vua Tự Đức các dự định do ông ta tạo tác nên.
Tháng Chạp năm 1863 ông Aubaret lên đường. Khi đô đốc De la Grandière được biết việc này, ông ta hết sức phản đối (trước khi đến Nam việt De la Grandière lại là người không tán thành lập thuộc địa ở Nam Kỳ). Theo De la Grandière, dầu nước Pháp thâu hẹp phạm vi chiếm đóng ở xứ này thì việc chi tiêu và sự khó khăn cũng sẽ không giảm đi phần nào. Chính giới Pháp gồm nhiều quan chức và quân nhân có đầu óc thực dân nhao nhao phản đối dự án sửa đổi Hòa Ước 1862 của Aubaret, cho rằng xứ này giàu có, dân chúng cần cù, thuần thục, việc buôn bán rất phát đạt v.v... Việc phản đối này làm cho Pháp Hoàng xúc động rồi người ta gửi chỉ thị mới cho Aubaret. Năm 1864 ông này đến Sài Gòn. Giới thực dân đã đón tiếp ông một cách lạnh nhạt. Tháng 5 ông tới Huế với dự thảo hòa ước đem theo. Đôi bên mở cuộc đàm phán. Aubaret ký thuận về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông vào ngày 15-7-1864, nhưng hiệp ước mới phải trình về Pháp đình để lấy sự phê chuẩn của nhà vua.
6- Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây
Trong khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, thấy Cao Mên cũng là một quốc gia lạc hậu, lại còn yếu hèn hơn Việt Nam vừa lấy ngoại giao, chính trị để đặt chế độ bảo hộ ở xứ Chùa Tháp. Pháp cũng mất khá nhiều thì giờ với xứ này vì những vụ lộn xộn trong nội bộ hoàng gia và sự lấn áp của chính quyền Tiêm La. Lại thêm cuộc dấy quân của nhà cách mạng Pu Cam Bo xuất thân ở chốn thiền môn nhưng không đành lòng nhìn "Bạch họa" tràn qua nước mình. Nhưng cuộc quật khởi của Pu Cam Bo chẳng được tổ chức chu đáo và có đủ sức mạnh nên nhà chiến sĩ này nhiều phen phải thất bại, sau bị bọn đồng bào vong bản bắt và giết vào tháng 7-1857 để lấy công với Pháp.
Từ giai đoạn này Pháp được rảnh tay để nghĩ đến chuyện chiếm đoạt nốt ba tỉnh miền Tây của chúng ta. Về phía triều đình Huế đã thấy rõ manh tâm của người da trắng nói chung, của người Pháp nói riêng trên khắp các lãnh thổ Á Châu. Sau khi mất ba tỉnh miền Đông liền chuẩn bị quân sự để đối phó với người Pháp, vì biết rằng họ còn đi xa hơn nữa. Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển có tờ mật trình người Pháp có thể tiến binh đánh Vĩnh Long, và tương lai của An Giang, Hà Tiên rất là bấp bênh. Bấy giờ là năm 1866, tức là năm Tự Đức 19, đô đốc De la Grandière vừa ở Pháp trở qua, liền phái trung úy hải quân Paulin Vial đến Huế xin sửa lại Hòa Ước 1862 và chiếm lãnh nốt ba tỉnh miền Tây, lấy cớ là miền này rối loạn và quan quân của ta không giữ nổi trật tự.
Triều đình Huế yêu cầu súy phủ Sài Gòn chờ đợi đại diện của mình vào thương lượng. De la Grandière thuận theo thì vài tuần sau cụ Phan Thanh Giản đến. Theo P. Cultru, tác giả Histoire de la Cochinchine francaise des (origines à 1883) cụ Phan chỉ nói đến chuyện Pu Cam Bo đang hoạt động ở Hà Tiên không có dính líu đến các quan lại Việt Nam ở Vĩnh Long như để kéo dài và khỏi phải giải quyết việc ba tỉnh miền Tây và điều này sẽ làm cho người Pháp quên đi hay chán nản.
Tháng 2, vào ngày 14 năm 1867 De la Grandière cho trung úy Monet de la Marek ra Huế đòi tiền bồi thường chiến tranh chưa được triều đình ta thanh toán đúng kỳ hẹn. Quan lại của ta từ chối và tuyên bố rõ cả việc không chịu nhượng ba tỉnh miền Tây.
Theo Nam Bộ Chiến Sử trang 161 của Nguyễn Bảo Hóa, bấy giờ tại Pháp đình Nã Phá Luân đệ tam thấy trong các triều thân phái thì chủ hòa, phái thì chủ chiến, lấy làm hoang mang về vấn đề Việt Nam nên đầu năm 1867 nhà vua phái trung tướng De Varannes sang Nam Kỳ điều tra tình hình. Rồi phái đoàn De Varannes về Pháp, sau đó có lệnh xâm lăng ba tỉnh thuộc vùng Hậu Giang của chúng ta.
Lúc này De la Grandière đã sửa soạn xong chiến sự miền Tây (sắp đặt lệnh hành quân, việc bố phòng các vị trí hiện hữu, tuyển mộ người cho bộ máy hành chính mới, lấy lính bản xứ để đưa đến các vùng sắp chiếm đóng v.v...).
Ngày 17 và 18-6 quân Pháp lên đường gồm 1.000 người Âu Châu và 4.000 lính tập.
Ngày 20 De la Grandière có mặt trong trận đánh Vĩnh Long119. Hạm đội của Pháp gồm có các pháo thuyền "Mitraille, Bourdais, Alom Frah, Espignole, Glaive, Fanconneau, Hallebarde, Arc" và một đoàn tàu vận tải. Nhờ có sa mù của buổi sớm mai, đoàn tàu chiến của Pháp tiến đến đậu trước thành Vĩnh Long mà bên ta không hay chi hết. Rồi họ đổ bộ, binh sĩ chĩa súng vào thành. Quá bảy giờ sáng thành bị vây hoàn toàn, ta mới biết!
Bộ tham mưu Pháp phái Legrand de la Liraye đem một tối hậu thư vào thành buộc quan ta phải nhượng Vĩnh Long, An Giang (Châu Đốc) và Hà Tiên. Quá hai giờ sau Pháp sẽ công phá thành.
Cụ Phan cùng án sát Võ Doãn Thanh hết sức lúng túng, xin hội kiến với De la Grandière và xin khoan hạn để hỏi ý kiến triều đình vì biết rằng không thể đối phó nổi bằng quân sự với Pháp. Nhưng cuộc hội kiến vô kết quả. Hai người trở ra về thì thành đã bị mất. Hôm ấy là ngày 20-6-1867. Giữa lúc tuyệt vọng này, vị kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây lại được tin báo: An Giang và Hà Tiên cũng vừa đổi chủ.
Cụ Phan bắt đầu tuyệt thực. Cụ khuyên các con đừng hợp tác với Pháp và mai táng mình ở quê nhà là làng Bảo Thạnh (Bến Tre). Sau 7 ngày cụ vẫn chưa chết, phải uống thuốc độc mới mất. Trước khi đặt chén vào môi, cụ mặc triều phục day mặt về phương Bắc lạy vọng 5 lạy. Ngày tuẫn tiết của cụ là ngày 7-8-1867. Cụ thọ đúng 71 tuổi. Vua Tự Đức hay tin, rất giận về việc thất thủ miền Tây, liền cho lột hết chức tước của cụ và đục bỏ tên cụ ở bia tiến sĩ.
7- Những cuộc kháng Pháp ở Nam Kỳ
Giữa khi tình thế Nam Kỳ nghiêng ngửa trước những cuộc xâm lăng như vũ bảo của quân Pháp, mặc dầu điều kiện chiến đấu rất eo hẹp, hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng mười phần đến chín, Nam Kỳ vẫn hăng hái trổi dậy.
Tại Biên Hòa, Mỹ Tho, Tân An có Thái Văn Nhíp và ông Quản Sư khởi nghĩa dưới khẩu hiệu "Dân chúng tự vệ". Tại Vĩnh Long, một số quan lại nhóm phong trào "Cần Vương", sau này có Phan Tôn và Phan Liêm là con cụ Phan Thanh Giản gia nhập. Tại Ba Động, Trà Vinh có Nguyễn Xuân Phụng phất cờ "Bình Tây sát tả"; rồi một thời trên khắp lãnh thổ lục tỉnh Nam Kỳ, cuộc cách mạng phản Đế tràn ngập khiến người Pháp tuy binh hùng tướng mạnh, vũ khí lợi hại phải xoay trở cực nhọc vô cùng liên miên tới hai chục năm ròng. Đó là lời thú nhận của Le Myre de Vilers, viên toàn quyền dân chính đầu tiên ở Nam Kỳ.
Về các anh hùng, nghĩa sĩ để lại ngày nay những thành tích oanh liệt trong lịch sử kháng Pháp miền Nam, chúng ta không thể quên ngoài ông Trương Định, tức Quản Định đã nói đến, các ông Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Võ Duy Dương, tức Thiên Hộ Dương v.v... Hòa Ước 5-6-1862 thành hình thì nộ khí của đồng bào ở đây bốc ngút trời xanh, mặc đầu triều đình đã chịu chính thức chấm dứt chiến tranh với địch.
Lòng ái quốc của nhân dân đã có phen làm lay chuyển cả đám người chủ hòa ở Huế. Do đó có khi triều đình lột chức của ông Trương Định và trái lại cũng có khi ngầm giúp các cuộc khởi nghĩa làm cho súy phủ Sài Gòn bực tức vô cùng. Ông Nguyễn trung Trực là chiến sĩ cách mạng đồng thời với ông Trương Định chỉ huy nhiều trận du kích, phục kích từ Tân An qua Rạch Giá. Một lần giữa ban ngày, cùng 150 chiến hữu ông bày mưu xông vào đốt chiến thuyền Espérande do trung tướng Parfait điều khiển vào ngày 11-2-1861 tại rạch Vàm Cỏ bên làng Nhật Tảo. Đồng bào miền Nam còn lưu võ công táo bạo này trong hai câu:
Hỏa hồng Nhật tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần
Trường chiến đấu của ông đã mở rộng sang cả Thủ Thừa, Thuộc Nhiêu, Bến Lức, Phước Lý, Long Thành, Tân Uyên, liên lạc cả với quân triều, thanh thế vang dậy khiến Pháp phải treo giải để bắt ông. Từ năm 1862 đến 1868 Pháp ráo riết đánh gò Công, Tây Ninh, Bà Rịa, ông yếu thế phải lui về Hòn Chông, Kiên Giang rồi bị bắt. Ông không chịu hàng nên bị tử hình vào ngày 27-10 năm ấy.
Ông Thủ Khoa Huân lãnh đạo phong trào "Dân chúng tự vệ" ở nhiều miền Hậu giang như Mỹ Tho, Rạch Gầm, Cai Lậy. Nhiều kẻ Việt gian đã bị ông thẳng tay trừng trị trong những công tác phục vụ ngoại nhân ở các lãnh vực hành chính và quân sự. Tháng 6-1863, thua trận ở Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho), ông chạy qua Châu Đốc, đã có khi triều đình bắt giam do chính sách bất nhất của nhà vua và các đại thần. Ông bị đem nộp cho Pháp. Vào năm 1864, ông phải đày sang đảo Reunion, sau được ân xá.
Năm 1875 Pháp hoàn toàn cuộc xâm chiếm Nam Kỳ, ông lại khởi nghĩa lần nữa. Sau bị bắt và bị hành hình ở Cai Lậy vào ngày 15-4 năm Ất Hợi (1875). Nhân sĩ Trung-Nam-Bắc có nhiều thơ chữ Hán ca ngợi chí khí của ông, trong đó có bài dịch của tác giả khuyết danh như sau:
Ruổi dong vó ngựa báo thù chung
Binh bại cho nên mạng mới cùng
Tiết nghĩa vẫn lưu vùng vũ trụ
Hơn thua xá kể với anh hùng
Nổi xung mất vía quân Hồ Lỗ
Quyết thác không hàng rạng núi sông
Thọ thủy ngày rày pha máu đỏ
Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.
Đồng bào Nam Kỳ ngày nay cũng thường nhắc đến ông Võ Duy Dương, tức Lãnh Dương là người khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười. Thấy ông giàu lòng ái quốc, triều đình phong cho ông chức lãnh binh vào ngày 22-7-1865. Ông đã có phen được một số lính Tagals, tức lính Lê Dương và một người Pháp tên là Linguet hâm mộ nghĩa cử của ông mà theo giúp. Ông tấn công binh đội của thủy sư đô đốc Roze ở Cái Bè, Mỹ Trà (Sa Đéc), Mỹ Quý, chọc thủng phòng tuyến của Pháp do các tướng Roubet, Paris de la Bollardière, Passebox thiết lập. Bọn này phải chia quân làm ba đạo đổ bộ vào Đồng Tháp ngày 16-4-1865. Ở đây ông chỉ có 350 binh sĩ mà đánh quân Pháp chết cùng bị thương rất nhiều dưới những trận mưa đạn. Sau ông bị bịnh mà chết, phong trào "Dân chúng tự vệ" cũng mờ theo bóng người nghĩa sĩ.
Ngoài những vị anh hùng hữu danh kể trên còn biết bao nhiêu anh hùng vô danh mà lịch sử ngày nay không tìm ra được dấu vết, chứng tỏ rằng cho tới sau này (1945), cuộc đô hộ của Pháp tuy dài được trên 80 năm, nhưng các chính phủ thực dân đã không hẳn được ăn ngon ngủ kỹ.
Việt Sử Toàn Thư
Suốt thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam, ông Diệm, ông Thiệu, bộ sậu VNCH không hề hó hé với Pháp ngày nào. Trốn biệt. Chỉ giỏi tiếp tay đi đánh đồng bào, khôn nhà dại chợ mà không biết nhục. Không một nước nào chấp nhận phản bội, kể cả Mỹ. Cứ nhìn ông Diệm là thấy.