1) Đường phân ranh tạm thời về quân sự được ấn định vào nơi vĩ tuyến 17 (thuộc tỉnh Quảng Trị) từ đông sang tây như sau: Vàm sông Bến Hải (sông cửa Tùng) và dòngsông này mang tên Bảo Thanh chảy qua vùng núi đến tận làng Bo Ho Su kế đó đi sóng đôi với làng Bo Ho Su cho đến biên giới Lào Việt.
Ở bên này cũng như bên kia vĩ tuyến 17, mỗi bên phải lập một khu phi chiến cách xa đường phân ranh 5 cây số để dùng làm khu trái độn và tránh mọi sự lộn xộn có thể gây ra tái chiến,...
2) Nam Việt cũng như Bắc Việt cam kết không chấp thuận việc lập thêm những căn cứ quân sự mới (tỉ như Mỹ hay Trung Cộng) và không tham gia một tổ chức liên minh quân sự nào. Nhưng Pháp được duy trì binh sĩ ở Việt Nam nếu chính phủ quốc gia ở đây yêu cầu như vậy...
3) Trong thời hạn 2 năm chờ đợi tổ chức tổng tuyển cử, quốc gia nào được lòng dân bằng các cuộc cải cách sáng suốt và cấp tiến sẽ có hy vọng tồn tại.
4) Cho tới ngày đó, quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp tại Bắc Việt vẫn được Việt Minh bảo đảm.
5) Một ủy hội được đặt ra gọi là Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến gồm có đại diện Pháp, Việt Minh, Gia Nã Đại, Ấn Độ, Ba Lan và Việt Nam được lập ra để trông coi việc thi hành thỏa hiệp Genève, được đặt trụ sở tại Hà Nội và Sài Gòn cùng Bến Hải. Mọi việc khiếu nại của bên này hay bên kia đều do ủy hội phân xử.
Cho tới ngày nay là 1960, tình trạng Việt Nam cũng như Đức Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa thay đổi là vì hai khối Nga Mỹ chưa quyết định được cuộc tổng tuyển cử.
Trước hiệp định Genève và qua các biến cố đã kể ra ở các chương trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng Pháp hoàn toàn thất bại trên cả hai địa điểm chính trị và quân sự. Sự thất bại đó đưa Đông Dương tới một hiểm họa nguy vong đã do sự lỗi lầm liên tiếp của những chính phủ luôn luôn thay đổi, bất nhất và vô trách nhiệm đúng như lời tiên đoán của J. Decoux, nguyên toàn quyền Đông Dương trong thời Nhật thuộc ở cuốn A la barre de l'Indochine của ông.
Kết Luận
Qua giai đoạn thực thi, chính phủ Việt Cộng đã tiếp thu Bắc Việt vào cuối năm 1954, lập nên một chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân, và ở Nam vĩ tuyến 17, các cường quốc Tây-Minh đã ủng hộ ông Ngô Đình Diệm, một cựu chiến sĩ cách mạng quốc gia về nước cũng lập ra một chính phủ theo khuôn khổ và tinh thần dân chủ. Lúc này, một biến cố đặc biệt xảy ra: ngót một triệu đồng bào Bắc Vĩ tuyến không tán thành chế độ Cộng Sản đã di cư vào Nam.
Ông Ngô Đình Diệm có mặt ở Sài Gòn ngày 25-6-1954, lập xong nội các vào ngày 7-7-1955 và ông cho mở một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-10-1955. Sau việc này, ông vua thứ 13 của triều Nguyễn bị triệt hạ. Ngày 26-10-1955 chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố từ nay nước Việt Nam là một nước Cộng Hòa, theo Tổng Thống Chế.
Ngày 5-3-1956 Quốc Hội Việt Nam ra đời. Kể từ giai đoạn này trở đi, Việt Nam cắt đứt mọi liên hệ với thực dân và phong kiến, thành lập một quốc gia độc lập tại Đông Nam Á và có mặt trong đại gia đình Thế giới Tự do.
Chúng tôi xin ngừng lại nơi đây vì nguyên tắc viết sử không cho phép đi quá sâu vào những việc còn đang diễn tiến.
Việt Sử Toàn Thư