Đời sống vật chất của ông cha chúng ta trong thời cổ xưa dĩ nhiên là khó khăn, chật vật hết sức. Sử sách tới nay chưa có sự kê cứu rõ rệt về vấn đề này vì đây là một vấn đề thuộc về thuở tiền sử và khuyết sử.
Ta có thể căn cứ vào câu "Ăn lông ở lỗ" để hình dung đại khái đời sống của người thượng cổ khi còn man dã. Dân tộc nào trên thế giới buổi nguyên thủy đều cũng vậy. Họ đã sống như bầy thú, trú ngụ trong các hang hốc. Họ lấy lá che thân, làm lều, túp trên các cành cây. Ăn thì ăn sống, nuốt thì nuốt tươi khi chưa biết dùng lửa. Hằng ngày rủ nhau săn bắn hoặc chài lưới, để tìm ra thực phẩm. Cuộc sống luôn luôn phải di chuyển vì chưa tìm ra được nhiều khả năng kinh tế (khi chưa có nghề giồng cây, giồng lúa, chế tạo các dụng cụ) và chống với Thiên Nhiên tàn bạo. Tâm hồn lúc nào cũng bị hoảng hốt vì mọi vật (động vật hay cả bất động vật) đều có thể là thù nghịch của họ. Họ cảm thấy mình là những sinh vật nhỏ mọn, yếu đuối vật vờ giữa cái vũ trụ mênh mông, bát ngát đầy huyền bí. Dòng thác đổ, cành cây rơi, cơn lốc thổi, tảng đá lăn, cơn sóng gầm, tiếng thú thét, hết thảy đều là những thứ ngày đêm khủng bố, ám ảnh họ. Họ cho đấy là sự hờn giận của các hung thần. Không có ý niệm về các hiện tượng trong trời đất và vạn vật, vả lại không có cách gì đối phó, thảng hoặc có đối phó thì cũng vẫn e sợ nên họ phải tôn thờ mọi vật, bởi trong đầu óc người cổ xưa, mọi vật đều có linh hồn và linh cảm, có thể sinh họa hay tác phúc. Vì vậy tục bái vật và thuyết đa thần đã chi phối họ rất mạnh mẽ. Với thuyết đa thần người ta tin có Thần Sấm Sét (thần thiên lôi), Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sông, Thần Đất, Thần Nước, Thần Núi v.v... có lẽ bởi các vị thần này có thể có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Với tục bái vật, người ta thờ cây đa, cây đề, ông bình vôi, hổ, rắn, cho rằng các thứ đó đều có quan hệ mật thiết đến đời sống của mình, cai quản mình trực tiếp hay gián tiếp. Những phong tục và dị đoan đó đến ngày nay cũng hãy còn lác đác ở các thôn quê Việt Nam, cũng như ở nhiều bộ lạc da đen (châu Phi, châu Mỹ hay châu Á).
Thời gian trôi qua, người cổ của chúng ta mỗi ngày một tiến rồi một ngày kia biết lặn lội trong những khoảng ruộng bùn lầy, tưới những giọt mồ hôi xuống đất cứng để sinh sống. Bấy giờ chưa có gia súc, chưa có dụng cụ tinh xảo, họ trần lực lấy sức tay chân tranh đấu với Thiên nhiên. Họ đẽo đá làm thành những lưỡi cuốc nhọn để sới đất khô và đập cho nhỏ chờ lúc nước sông tràn vào ruộng, ruộng sẽ có bùn ngầu cho họ gieo giống. Họ biết tháo nước ra vào để khỏi nạn úng thủy hay thiếu nước. Gần bể về mùa hanh, họ biết dùng mực nước thủy triều lên xuống ở các ngành sông để lấy nước vào ruộng. Nhờ vậy ngay thời bấy giờ tại Trung châu Bắc Việt đẵ có nơi làm ruộng được cả hai mùa. Sau này sum họp với người Tàu họ biết dùng lưỡi cày sắt và trâu bò.
Vào thời cổ miền Trung châu Bắc Việt đâu có ruộng lớn như ngày nay. Đầm lầy, gò đống còn rải rác khắp nơi vì chưa khai thác, nhiều đồ nông nghiệp còn manh nha. Ngoài bờ biển và các cửa sông lau sậy cùng cây sú mọc đầy, rừng cây um tùm ở các đồi núi. Người cổ ở thưa thớt tại các thung lũng và các miền ruộng hợp thành từng làng, từng xóm. Năm bẩy chục nóc nhà tranh, vách đất quây tụ im lìm sau những lũy tre cao ngất. Ngoài làng là những cánh đồng, không có đồn trại, thành thị, phố phường gì hết.
Sông Nhị Hà bấy giờ là mạch máu chính nếu ta ví vùng Trung châu là cái thân. Con sông nầy đã bồi đắp nên mảnh đồng bằng hằng năm, bằng những lớp phù sa trở qua các thác ghềnh từ miền núi Vân Nam đem về nuôi nấng trang điểm đứa con nuông.
Sóng bể Đông hãy còn rào rạt ở ngoài đồng bãi thuộc tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An bây giờ. Hai chục thế kỷ qua, chỗ đất liền tiến rộng ra miền nước mặn được hàng trăm cây số mở rộng Trung châu thêm được mấy tỉnh. (Đại để hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn cách đây trên dưới 100 năm còn là vùng biển rồi bỗng hiện lên nhiều làng mạc sầm uất như do một phép lạ).
Đây là lời Lưu An về đời Hán đã am hiểu tình trạng dân tộc chúng ta khi nền đô hộ của Bắc phương đã thành hình trên đất Giao chỉ.
Ngay thuở đó, về chính trị dân ta đã lập thành nước (do họ Hồng Bàng) theo thể chế phong kiến. Trong mỗi nóc nhà đã có chế độ gia tộc, gia trưởng. Ngoài làng mạc có chế độ tù trưởng, lạc hầu, lạc tướng v.v...
Sau này nhờ cuộc xúc tiếp với văn hóa Bắc phương, kỹ thuật canh tác được cải thiện, sức người được sức trâu bò hỗ trợ, nông nghiệp trở nên phát đạt. Nhân khẩu bắt đầu tăng gia, trí não mỗi ngày thêm cứng rắn trước Thiên Nhiên và vạn vật, đời sống hoạt động và dồi dào trông thấy.
Những ngày mùa đông tháng giá qua, xuân về đầm ấm, cây cỏ xanh tươi lại dưới ánh mặt trời, tinh thần của con người như bị kích thích do cái vui, cái tươi, cái linh động của vạn vật. Người có cảm tưởng trong khoảng thời gian này vị chúa tể thế gian đến với họ, gần gũi để thi ân, thi đức. Họ cũng vui theo cái vui của vạn vật. Họ khởi các công việc đồng áng nhưng ung dung thong thả rồi mở hội hè đình đám để làm vui từ già đến trẻ.
Trai gái hợp nhau xúng xính áo quần trên những ngọn đồi rộng hay bên các lũy tre xanh, hoặc giữa nơi đình trung điếm sở, hoặc rún rẩy trên các cây đu, hoặc tung còn, đánh phết, hoặc cất lên nhũng câu hát đúm để ca ngợi cái tuổi trẻ đầy hứa hẹn mơ mộng, hoặc hy vọng những chuyện lứa đôi đằm thắm, hoặc mừng buổi thanh bình, thịnh trị. Đây là những điệu ca, những bài thơ mô tả cái đời sống mộc mạc, thuần phác hoàn toàn có tính cách bình dân giữa những buổi sáng huy hoàng của ngày xuân hay giữa những đêm trăng trong, bên cạnh ngọn cỏ lá cây qua những đôi mắt thắm của các cô thôn nữ luôn luôn mỉm cười để hé hàm răng đen nhức.
Rồi sau tiết Xuân có những cuộc vui công cộng, trai gái trưởng thành quen biết nhau, yêu nhau đính ước việc gia thất. Người con trai đem trầu cau đến xin bố mẹ người con gái rồi mới được cưới. Đám cưới là một dịp làng xóm, hương thôn vui chơi ăn uống, nhai trầu nói chuyện. Trầu cau là một món cần trong sự xã giao vậy.
Về trầu cau có một chuyện cổ tích rất là cảm động lâm ly: Vào thời thượng cổ hai anh em nhà họ Cao thương yêu một người con gái; Người anh lấy được cô gái đó khiến người em đau đớn tuyệt vọng bỏ ra đi. Rồi người anh đi tìm em, vợ đi tìm chồng, rút cục ba người vì thương nhau trong cái nghĩa anh em chồng vợ quá thiết tha mà chết cả. kẻ hóa ra hòn đá vôi, kẻ hóa ra cây cau, kẻ thành cây trầu quấn quít lấy nhau. Người ta đem nhai quả cau và lá trầu cùng vôi (của hòn đá) thì thấy thành một chất đỏ tươi, vị đậm đà, phải chăng là cả mối tình thương yêu chân thật, nồng thắm? Trai gái lấy nhau, bè bạn kết giao đều lấy miếng trầu gây tình thân mật, thật là có ý nghĩa vô cùng.
Về việc hôn nhân của người Việt chúng ta xưa kia thì lập gia đình chẳng phải là để cùng mưu cuộc sống mà thôi. Hôn nhân còn có ý nghĩa vì người chết hay người sẽ chết nữa. Lấy nhau, người Việt có lẽ nghĩ trước hết đến vấn đề sinh con đẻ cái để có người lo việc khói hương cho tổ tiên và cả cho mình sau này nữa. Không người kế tự, đó là một sự đau đớn, nhục nhã hết sức cho người Việt, và đấy cũng là môt căn nguyên của chủ nghĩa đa thê ngoài ảnh hưởng của chế độ phong kiến. Người Việt tin rằng người chết nhưng linh hồn còn phảng phất ở chốn nhân gian do sự luyến tiếc con cháu, thì con cháu lo việc thờ cúng để tỏ lòng thương nhớ và cung kính người quá cố. Một lẽ nữa là sự mong mỏi người chết phù hộ cho kẻ sống, mối tin tưởng ở hầu khắp các tầng lớp dân tộc chúng ta từ xưa đến nay.
Người chết, vào thời thượng cổ, xác còn phải quàn ở trong nhà. Người nhà đục gỗ làm áo quan, hàng ngày dâng cơm nước thờ phụng như khi còn sống (phong tục này các đồng bào thiểu số nhất là dân Mường, Thổ vẫn còn giữ đến bây giờ). Lúc đem chôn cũng phải chôn theo đồ ăn, thức đựng cho linh hồn khỏi phải thiếu thốn (tục đốt vàng mã đã do quan niệm này, bây giờ gần mất hẳn).
Trước khi Khổng Giáo tràn qua và có ảnh hưởng nhiều vào văn hóa của chúng ta, chúng ta còn tập tục này nữa: nếu trong một nhà người anh chết đi thì người em út phải lấy chị dâu để cáng đáng mọi việc thay anh và trông nom các cháu. Các nhà chép sử cho rằng tục này phát sinh vì lý do kinh tế, tức là không muốn người đàn bà trẻ tái giá đem của cải và con cái của bên chồng đi. Phong tục này còn đến cuối đời Hán vẫn còn và có lẽ đã bị bãi bỏ trong thời Nhậm Diên, Sĩ Nhiếp và Tích Quang là những người có nhiệm vụ du nhập văn hóa Trung Quốc vào đất này và thủ tiêu những tập tục của dân bản thổ.
Buổi nguyên thủy người Việt sống theo chế độ bộ lạc tức là sống trong tình trạng dã man. Đời sống lại không có phong tục và đạo đức như trên đây đã nói rõ, và sự xúc tiếp giữa các bộ lạc đã xây dựng trên sức mạnh tàn bạo. Các bộ lạc yếu phải tòng phục các bộ lạc mạnh, do đó chế độ phong kiến ra đời cho tới sau này họ Hồng Bàng, một bộ lạc mạnh nhất xuất đầu lộ diện ngự trị tất cả các bộ lạc khác (xin coi dưới đây cội rễ của họ Hồng Bàng).
Về y phục, người thượng cổ khi chưa biết dệt vải, may áo đã sống trần truồng, rét mướt thì lấy lá hay vỏ cây che thân. Sau này có nghề dệt mới biết đóng khố, quấn khăn, mặc quần áo. Người bình dân khi xưa lúc ở nhà chỉ đóng cái khố và mặc cái áo ngắn. Đàn bà mặc thêm cái váy. Có lẽ từ giai đoạn người Việt biết đóng khố, biết làm nhà cửa, biết dùng đồ kim khí là khi đã có tiếp xúc với các dị tộc, nhất là người Hán văn minh hơn họ. Tuy vậy y phục của họ rất là đơn giản do xứ ta thuộc vùng nhiệt đới, nóng nhiều rét ít. Ngày nay người ta tìm thấy trên mặt các trống đồng, các tảng đá hình người ở trên, đóng khố, đầu đội mũ bằng lông chim. Có thể đây là những di tích về hình ảnh người Việt Nam cổ. Còn khi người Trung Hoa sang chinh phục chúng ta, bấy giờ sự ăn vận mới bắt đầu tề chỉnh và đồng thời nông nghiệp của ta trở nên thịnh đạt. Ta biết búi tóc hay quấn khăn, mặc áo khép về tay phải hay mở ở giữa. Y phục của người Mường, Thổ ngày nay có lẽ là y phục của ông cha chúng ta thuở xưa.
Phần đông hạng bình dân cắt tóc ngắn để tiện làm lụng, chỉ có đàn bà và các nhà quý phái mới để tóc dài cũng do ý muốn làm dáng và để phân biệt giai cấp. Họ bện tóc quấn quanh đầu hay búi thành một búi tóc to ở sau gáy, ngoài bịt một chiếc khăn màu nhỏ để giữ cho chặt.
Họ không biết đi giày, guốc. Giày, nón là sau khi có người Tàu đem sang, ta mới có. Tính thích trang điểm, họ đeo đầy cổ và chân tay những vòng bằng đồng, xương hổ phách hay đồi mồi.
Đối với khách lạ, dân Việt rất tử tế ân cần. Họ ưa mời ăn uống, coi khách như người trong nhà. Lệ tiếp khách bao giờ cũng có cơi trầu, chén nước, đôi bên vừa nói chuyện vừa ăn trầu. Cũng vì tính hay ăn trầu nên họ có tục nhuộm răng. Điều này có lợi là răng được bền chặt thêm và nếu giữ gìn răng cứ đen nhánh mãi.
Bàn về phong tục của dân ta, chúng tôi phải nghĩ tới bài khảo luận về văn hóa Đông Dương (Les civilisations de l'Indochine) của ông G. Coedès. Nhà khảo cổ này đã nhận thấy ở dân tộc chúng ta không phải chỉ có những phong tục thuần túy "Trung Quốc" mà từ vua chúa đến dân thứ của ta hầu hết đều theo cả; ở nơi chúng ta còn có những phong tục trong gia đình, ngoài làng mạc như những việc thờ thần ở đình, miếu khác hẳn Trung Quốc. Những phong tục này có trước khi người Tàu qua đây, và tồn tại đến ngày nay mặc dầu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên mảnh đất này khá mạnh. Ông Coedes ngờ rằng trước khi văn học Trung Quốc du nhập vào đây (đầu thế kỷ thứ hai trước Thiên Chúa) người Việt Nam chúng ta đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Nam Á (Austro Asiatique) nên mới có những phong tục riêng biệt này. (Đáng chú ý có nhiều phong tục của Tàu trên đất Việt mà chính người Tàu cận lai không còn giữ nữa).
Nhận xét này được nhiều học giả hiện đại cho là đúng vì văn hóa Ấn Độ đã đặt dấu vết và ảnh hưởng ở miền Nam Á (nói chung) và miền Nam Đông Dương (nói riêng) trước khi người Trung Quốc có mặt ở Bắc Việt ít nhất trên một thế kỷ, tức là vào khoảng thế kỷ thứ nhất theo Thiên chúa kỷ nguyên. Ngoài ra người Giao Chỉ đến Bắc Việt lại không phải là những người đầu tiên. Ông cha chúng ta đi dần xuống đây xua đuổi người thổ trước là giống Anh-đô-nê-giêng, hợp chủng với những phần tử còn lại nên đã có những phong tục khác Tàu đến nay đã thành những đặc điểm của chúng ta.
Tóm lại, có thể rằng chúng ta đã có thâu nhập một mớ phong tục thuộc văn hóa Nam Á nữa. Rồi văn hóa Trung Quốc hợp với một phần văn hóa Nam Á đã tạo nên nhiều cá tính quốc gia của người Việt Nam chúng ta ngày nay.
Việt Sử Toàn Thư