Trong lịch sử tồn tại, dinh thự đã rất nhiều lần đổi chủ thay tên qua những thăng trầm của đất nước. Dinh được xử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như Bảo Tàng, Dinh Thống đốc, Dinh Khâm Sai, Dinh Tổng Trấn, Dinh Thủ Tướng…
Tên gọi Dinh Gia Long có từ năm 1954, do Quốc trưởng Bảo Đại đặt.
Lịch Sử: Dinh được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux với mục đích sử dụng làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Toà nhà được xây dựng trên một khu đất rộng gần 2 ha, tọa lạc tại số 65 Gia Long, thuộc quận 1, Sài Gòn; bao bọc bởi các con đường Gia Long, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Công Lý. Gồm hai tầng với một tòa nhà chính và hai dãy nhà ngang, thiết kế theo phong cách cổ điển – phục hưng, kết hợp Âu – Á.
Kiến Trúc Thiết kế ban đầu ở hai bên cửa chính tòa nhà có hai cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp tượng trưng cho nền Thương Mại. Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel cho phá bỏ hai tượng này để xây dựng một mái hiên.
Mặt tiền tòa nhà được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn…
Nhiều họa tiết đắp nổi khác là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hi Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới.
Nội thất của dinh thự rất tráng lệ với những chùm đèn pha lê, hốc tranh tường, các trụ cột, gờ trần phong cách cổ điển sang trọng.
Giữa sảnh chính của tòa nhà là một cầu thang gỗ uốn cong về hai bên để dẫn lên tầng hai.
Dinh Gia Long qua các thời Kỳ
A. Thời Pháp Thuộc Năm 1890, sau khi hoàn tất công trình xây dựng toà nhà, Phó Toàn Quyền Đông Dương Henri Eloi Danel (chức vụ cao cấp của quan chức cai trị thuộc địa Pháp, đứng đầu trong Liên bang Đông Dương) đã lấy dùng làm tư dinh. Gọi là dinh Phó soái.
Từ năm 1892 đến năm 1911, đã có thêm tất cả 14 vị Phó Toàn Quyền khác (trong số 14 vị này có một số vị đảm nhiệm chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh Gia Long.
B. Thời chiến tranh thế giới thứ hai
- Từ năm 1912, chính phủ Pháp bỏ chức vụ Phó Toàn Quyền Ðông Dương và thay bằng chức vụ Thống Ðốc Nam Kỳ. - Từ 1912 cho đến ngày 9-3-1945 (khi quân Nhật đảo chánh, lật đổ chính quyền Pháp) đã có thêm tất cả 16 vị Thống Ðốc Nam Kỳ sống và làm việc trong Dinh Gia Long. Gọi là Dinh Thống Đốc. - Năm 1945, dinh Thống đốc nhiều lần đổi chủ. Sau khi Nhật tiến hành đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3, Thống đốc người Pháp Ernest Thimothée Hoeffel bị bắt; Thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda xử dụng tòa nhà làm dinh thự. - Ngày 14 tháng 8, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ. Lúc này, Nguyễn Văn Sâm được vua Bảo Đại đề cử làm khâm sai Nam Kỳ, đại diện triều đình Huế ở miền Nam sau khi Liên bang Đông Dương của Pháp bị Đế quốc Nhật Bản đảo chánh tước quyền.
- Ngày 25 tháng 8, Việt Minh giành được chính quyền, bắt giam Khâm sai Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý văn phòng phủ khâm sai Hồ Văn Ngà tại dinh khâm sai. Sau đó, dinh trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. - Ngày 10 tháng 9, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam Bộ phải dời về dinh Đốc lý. - Ngày 5 tháng 10, dinh được tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque, tức tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp, dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Sau khi Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu chọn dinh Norodom (sau là dinh Độc Lập) làm Phủ Cao ủy, thì dinh lại trở thành nơi làm việc của tướng Leclerc, với danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.
C. Thời Nam Kỳ Quốc và Quốc gia Việt Nam Nam Kỳ Tự trị là một chính quyền tồn tại từ 1946 đến 1948, về danh nghĩa quản lý lãnh thổ Nam Kỳ (Nam Bộ) Việt Nam.
Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc.
Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập và dinh này chuyển thành Dinh Tổng Trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền xử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.
D. Dinh Gia Long thời Việt Nam Cộng hòa
Sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954. Dinh được Quốc trưởng Bảo Đại đặt cho tên mới là dinh Gia Long. Con đường La Grandìere trước mặt cũng được đổi tên thành đường Gia Long.
Sau cuộc trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại năm 1955, Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây và ở đây cho đến ngày bị đảo chính lật đổ vào tháng 11 năm 1963.
Trong thời gian 1964–1965, dinh được dùng làm dinh Quốc trưởng. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, khi dinh Độc Lập mới được xây lại xong, tòa nhà này được dùng làm trụ sở của Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau năm 1975
Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.
Tổng hợp từ nguồn Wikipedia, vnxuavanay