top of page

Thứ tha có dễ?

Hai ngàn năm trước, Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu tha lỗi cho người bẩy lần là tối đa? Chúa trả lời là phải tha 77 lần. Đối với Thiên Chúa, tha thứ không có giới hạn, nếu người ta thống hối. Tôi cố gắng theo lời Người dạy. Những lần bị oan ức không giải tỏa được hay những lần trái tim rướm máu vì bị phản bội, tôi đều tha thứ. Nhưng hiện tại có một điều quá khó với tôi.

Mấy ngày nay, sau khi đọc bài “Nước mắt, nước biển và thuyền nhân Việt” của Trần Mộng Tú, tâm hồn tôi dậy sóng. Tôi chẩy nước mắt, xót thương cho những người đàn ông đã chết bất ngờ trong đau đớn tủi hận vì không bảo vệ được người thân yêu của mình. Lòng tôi quặn đau thương cảm cho những người đàn bà con gái bị những tên ngư phủ Thái Lan, vì thú tính đã biến thành những tên thảo khấu bất lương trên biển cả. Tôi hình dung sự lo sợ kinh hoàng của những thân gái đối diện với sự hung bạo của qủy đội lớp người. Rồi tôi trách mình ghê gớm.

Tôi trách mình đã để con tim ngủ yên trong những năm tháng vừa qua. Tôi trách lòng mình đã qúa hải hà, quên đi rằng trong những năm cuối của thế kỷ trước, tôi không hề mua những chai nước mắm, hũ tương, gói bún, từ cái xứ đã không xử theo đúng luật những tên ngư phủ biến thành hải tặc, giết đàn ông, hãm hiếp và bắt cóc phụ nữ của quê tôi đem đi bán tại những nhà chứa. Tôi trách mình đã không nhớ là mình đã không hề đặt chân vào nhà hàng chuyên nấu món Thái hay dính dáng đến bất cứ điều gì liên quan đến quốc gia có tiếng là từ bi nhân ái này.

Rồi thời gian trôi qua, có thể vì bản tính mau quên hay vì cố gắng theo lời dạy dỗ của Thầy Chí Thánh, tôi cùng với bao ngàn, vạn người Việt Nam khác lại mua những sản phẩm đông lạnh, những hũ tương, hũ chao, những gói bún, những gói bánh tráng khô từ xứ Xiêm La Chùa Tháp, lại bắt đầu rủ nhau đi ăn “đồ Thái”. Du lịch Thái Lan là chuyện bình thường.

Gần đây nhất, từ ngày tình nguyện nhổ cỏ, làm vườn cho một ngôi trường bỏ hoang tôi có dịp bầu bạn với một nhóm phụ nữ người Thái. Nhóm này khoảng sáu, bẩy người, tuổi từ trên dưới 20 tới 60, phần đông đã có gia đình, chí thú làm ăn. Một điều lạ là không ai có chồng người Thái mà họ toàn lập gia đình với đàn ông Mỹ da trắng.

Chúng tôi trở thành bạn, dù không thân. Mỗi tháng gặp nhau nơi sân trường này, chúng tôi vừa nhổ cỏ vừa trao đổi chuyện nấu nướng, chuyện làm ăn, chuyện con cái. Tuyệt nhiên, không ai đả động đến chính trị hay tôn giáo. Những ai không nhổ cỏ, khiêng cây hay chạy máy tỉa hay cắt cỏ thì phụ trách phần ẩm thực. Những bữa ăn trưa họ mang tới, đã nấu sẵn từ nhà như bún thịt, bún cá, mì hay cơm xào với rau và đậu hũ rất ngon miệng. Bên cạnh một nồi nước dùng nghi ngút khói là một khay rau muống kèm với giá sống, rau thơm. Ngoài ra, bao giờ mọi người cũng được mời một ly trà Thái giải khát sau ba, bốn tiếng làm việc ngoài trời.

Bài tạp ghi của Trần Mộng Tú ghi lại chuyến đi tìm kiếm những ngôi mộ của những thuyền nhân đã bỏ thây trên một đại dương mang tên Thái Bình đã khơi lại trong tôi những ác cảm đã nằm sâu trong tiềm thức mấy chục năm qua. Chỉ trong vòng đôi ngày, những gì tôi đã quên về một loài qủy đội lốt người, chỉ sống cách quê hương tôi 809 cây số theo đường chim bay, đã sống dậy mãnh liệt. Những tên qủy giết người không gớm tay này không thua gì nhóm qủy đỏ cầm quyền nơi quê hương đã mất. Những tên qủy này, trước khi ra khơi, chúng cư xử mẫu mực như những người cha, người ông, người chú hay người bác đáng kính, như bất cứ các gia đình bình thường nào khác. Những xác người hồn qủy này ác độc hơn dã thú, vì hùm beo lang sói chỉ cấu xé ăn thịt lẫn nhau hay ăn thịt người vì nhu cầu thể chất. Lũ qủy đội lốt người này giết người vì lòng tham, vì sự dâm dục của loài thú hai chân. Lũ qủy đội lốt người này không từ nan một hàng động nào khi thú tính, qủy tính đã làm mờ mắt, trở thành sắt đá trước những lời van xin, những giọt nước mắt, những tiếng kêu thất thanh ai oán vang lên tới trời cao từ những người nữ, có em mới 11.

Khi tìm đường trốn thoát khỏi đám qủy đỏ thứ thiệt tại quê nhà, hàng ngàn người dân tôi đã bị đám người chài lưới đội lốp cướp biển đập bằng búa, đâm bằng mác, bằng dao, liệng xuống biển khi vẫn còn đang thoi thóp, trong khi những người vợ, người chị, người em của họ hãm, bị hiếp tập thể nhiều lần. Những người dân tôi không biết là trên đường hải hành trốn qủy đỏ, họ sẽ chạm mặt với loài qủy đội lớp người!

Từ khi đọc được bài tạp ghi về chuyến đi trở về trại Tỵ Nạn Songkla, bãi Tha Sala, đảo Koh Kra, Bidong của Trần Mộng Tú, lòng tôi mất bình an. Tôi tự hỏi phải đối xử với những người đàn bà Thái tôi quen gần hai năm nay ra sao. Tôi có hai lựa chọn: một là từ chối không đến tình nguyện tại ngôi trường này nữa, để không nhìn họ rồi nhớ lại những tội ác tầy trời cha ông họ đã làm. Hai là tiếp tục tình nguyện và coi như quên những gì đã xẩy ra trong qúa khứ, coi như một chương sách đã sang trang, phải bắt chước Chúa của tôi, tha thứ cho người vì Chúa tôi đã tha thứ cho tôi bao nhiêu vạn lần.

Nghĩ thế nhưng có làm được? Chủ nhật tuần sau là chủ nhật thứ hai của mỗi tháng. Tôi có nên trả lời là vì bận để không đến đó nhìn mặt những người đàn bà Thái. Tôi sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy họ, trong lòng lại dấy lên những tư tưởng chua cay không gột được? Tôi có nên hỏi họ, “Các bà có cha, có bác, có chú làm nghề đánh cá trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước?” Nếu họ trả lời “Có” thì tôi phải đối xử thế nào? Nếu họ trả lời “Không” thì tôi có chấp nhận và tin họ nói thật hay không?

Hai ngàn năm sau tôi hỏi Chúa, “Chúa ơi, con phải làm gì với đối với những tên ngư phủ đóng vai hải tặc trên biển Thái Bình 30 năm về trước? Con phải làm gì đối với những hậu duệ của chúng, giờ đây con đang quen? Con phải làm gì khi Chúa dậy con bác ái, vị tha?”

Nếu Chúa bảo tôi phải tha cho họ. Tôi có nghe lời hay lại nại cớ sẽ tha nếu những kẻ làm lỗi đền tội trước công lý? Tôi có mong một điều vô tưởng không khi ao ước một ngày kia sẽ có một tòa án lập ra để lùng bắt những tên ngư phủ đội lốt hải tặc? Tôi có mơ mộng hão huyền khi mong mọi người, trong và ngoài nước tôi tẩy chay hàng hóa Thái Lan, tẩy chay nhà hàng Thái, tẩy chay du lịch Thái?

Khổng thị Thanh-Hương

bottom of page