T h ă m T r ạ i P h o n g D i L i n h
Cao nguyên Di Linh trải dài từ chân đèo Bảo Lộc đến đèo Prenn. Cảnh trí rất đẹp với đồi núi chập chùng hoang dã, bạt ngàn hàng cà phê lá xanh hoa trắng, những con đèo ẻo lả uốn lượn quanh co, và điều ít ai ngờ nhất là trong không gian hữu tình đó ngay dưới chân đồi có một tấm bảng “Trung tâm điều trị phong Di Linh”, nơi dung nạp những người có số phận bất hạnh mang chứng bệnh phong cùi. Ngôi làng đặc biệt ấy đã tồn tại gần một thế kỷ, nằm yên bình lặng lẽ trong núi, chỉ cách thị trấn Di Linh một thung lũng trồng lúa nước, chừng 500m theo đường chim bay nhưng lại là một thế giới khác hoàn toàn với những bon chen, sôi động ngoài kia...
Leo lên con dốc khoảng 200m là đến nhà điều trị. Kim Ánh tiếc là không gặp được sơ Josephine Mai Thị Mậu vì thời gian sau này sơ Josephine lo bên Gia Hiệp. Sau khi tự giới thiệu mình là cựu học sinh Regina Pacis thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, thuộc Ban Thiện Nguyện Nhóm Lửa thì Sơ Lan mừng và vui vẻ dẫn Ánh đi một vòng tham quan trại Phong. Đầu tiên đến thăm mộ và nhà tưởng niệm Cha Gioan Casaigne, theo chúc thư của ngài cho biết: “Tôi đã thấy họ trần truồng, la hét, đói khát, tuyệt vọng. Tôi đã thấy những vết thương của họ lúc nhúc ruồi trong những túp lều dơ bẩn…”. Để từ đó ngài nỗ lực quyết tâm thành lập làng phong cùi tại cao nguyên Di Linh vào năm 1927, xây dựng một nơi cho những người bị bệnh phong cùi có chỗ trú ngụ và chữa trị.
“Dừng chân đứng lại, trời non nước.
Một mảnh tình riêng, ta với ta”
Mượn hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan để nói lên tâm trạng của người bạn thiện nguyện viên này khi nhìn thấy một ngã rẻ khác biệt trong cuộc sống hàng ngày, khi nhìn thấy những bệnh nhân ở đây mang đầy chứng tích của căn bịnh ngặt nghèo, khi nhìn thấy những bàn tay nhân ái của các sơ chăm lo săn sóc cho họ mà không màng những vết thương đang lở loét, chảy mủ và máu... Một mảnh tình riêng chất chứa biết bao điều muốn nói của mỗi người.
Thật xót xa khi nhìn những khuôn mặt biến dạng vì bị vi khuẩn ăn mòn, tay chân co quắp hoặc rụng hết hoặc cụt một phần, vi trùng ăn lên các dây thần kinh trên mặt làm cho miệng méo, mắt không nhắm được, mũi thì sập cái sống mũi…
Ánh đứng nhìn Sơ Lan, vị nữ tu trẻ đẹp, đầy lòng bác ái đang băng bó vết thương cho một cụ ông trên 80 tuổi. Cụ vừa bị bịnh phong, vừa bị bịnh gút, vết thương bị lở và chảy máu... cụ đau đớn kêu “Đừng đụng tôi...đừng đụng tôi”. Sao lại bất hạnh thế này... Kim Ánh nói thầm và hai hàng nước mắt tuôn rơi và rơi mãi, bức xúc vì nỗi đau thân xác lẫn tinh thần của một kiếp người và khóc vì xúc động ngưỡng phục trước sự hy sinh của vị nữ tu hiến thân phục vụ ở một ngọn đồi hoang dã nơi rừng thiêng nước độc, thiếu tiện nghi.
Cấu trúc nơi đây khác với thành phố, phòng là nhà. Mỗi nhà riêng biệt, gia đình thì ở chung nhà, độc thân thì vài người sống chung một nhà với nhau. Có một gia đình hai vợ chồng già... Sơ Lan nói “Đấy, hai vợ chồng mà chỉ có một chân” căn bịnh đã lấy đi ba cái chân của hai người, lại mất đi hết ngón tay... Họ vẫn sống, lành bịnh, không bịnh và đang bịnh cũng sống chung một nhà, đùm bọc nhau mà sống cho hết quãng đời.
Thương nhất là những em nhỏ đến tuổi đến trường, xin vào cũng phải trình là các em không bị bịnh phong. Được vào học trong trường thì lại bị các bạn trong lớp trêu chọc là “thằng cùi, con cùi”. Các em lại bị tâm lý, tủi thân và khóc... xã hội vẫn khó chấp nhận và vẫn phân biệt những người từ trại phong ra, đi kiếm việc làm bên ngoài cũng khó.
Khi Ánh đến hỏi thăm một cụ, ông nhìn Ánh mà khóc. Khóc vì nhớ con mình, đứa con trai được Sơ Mậu cho ăn học thành bác sĩ, trở về nơi đây để phục vụ lại người bị phong. Không ngờ số phận nghiệt ngã để cậu mắc chứng bệnh ung thư. Người cha bịnh phong này đau đớn tâm cang, ông ước chi gánh bịnh cho đứa con trai mình, chịu giảm tuổi thọ để con mình được sống.
Nước mắt lại rơi...