Tấm chăn bông đời
Khi hồi tưởng lại chuyện xưa, có người ví như giở lại cuốn sách chất chứa những chương buồn vui của đoạn đường đời đã đi qua. Riêng tôi, khi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trong qúa khứ, tôi xem như ngắm lại những mảnh vải ráp nối đủ mầu, đủ sắc của tấm chăn bông đời tôi. Có miếng thêu bằng những mũi kim giản dị, như nụ hoa dại ngoài đồng. Có mảnh chằng chịt chi chít lằn dọc, lằn ngang hỗn độn, rối rắm như mê lộ. Có mảnh tô điểm bởi những bông hoa xinh xắn kết bằng ren trắng, ren ngà. Có mảnh tan tác, chỉ tuyền một mầu đen. Dù đường đời có thênh thang hạnh phúc hay khúc khuỷu quanh co, tấm chăn này là chứng tích đời tôi. Nâng niu trân trọng ký ức của riêng mình, tôi cất vào ngăn tủ tiềm thức, để dành. Lâu lâu đem ra mân mê từng ô vải, lần về những thời thăm thẳm xa xưa. Đôi khi âm thanh và hình ảnh rõ mồn một như giọt mưa rơi lộp bộp xuống cành tre, cành trúc tảng sáng hôm nay.
Tôi nhớ rồi. Mảnh vuông mầu hồng thêu chỉ trắng/xanh này nhắc tới hồi tôi lên 10, lúc gia đình dọn từ Sàigòn ra Huế, ngụ trên đường Nguyễn Trường Tộ, gần nhà thờ Phủ Cam. Dù chỉ sống tại nơi này chưa tới một năm, tôi đã trải qua một phần thời thơ ấu với bao kỷ niệm êm đềm khó quên. Những buổi trưa trốn ngủ, theo các anh chị họ và vài đứa hàng xóm ra bờ sông coi ngư phủ mới đi lưới về hoặc chơi trốn tìm, nhẩy dây và đặc biệt chia phe, dùng giây thun và cọng Phượng bắn nhau chí chóe. Bắn nhau bằng cọng Phượng với giây thun chưa thỏa, có đứa còn bầy trò ngâm cọng Phượng với nước tiểu thì phe địch mới thấm đòn, đau hơn. Cũng may nhờ chưa nhóc tì nào là xạ thủ bắn ná giây thung bách phát bách trúng, chỉ lâu lâu mới có đứa bị trúng đạn, khóc như ri, da bầm mầu tím, coi thấy mà ghê! Lúc đó trận đánh phải giải tán tức thì, vì có sự can thiệp bất đắc dĩ của người lớn. Suốt thời gian này, tôi may mắn ít khi lãnh đạn Phượng Vỹ tẩm nước “độc.”
Trong đám có một đứa lớn nhất, tên Trúc, em chị Ty, tuổi chừng 13, 14, được cả đám coi như đầu đảng. Tên này bầy têu nhiều trò mới khiến tụi tôi phục lăn, nghe lời nó răm rắp. Một hôm, vì đạn dược góp nhặt được từ dưới gốc cây Phượng đã không còn dai, hết hiệu lực. Hơn nữa, vì đã bắn nhau chán chê đến cứng cả tay, hò hét khản cả tiếng, thằng Trúc hỏi chúng tôi là có đứa nào biết bơi? Phần đông là dân từ Sàigòn dọn ra, có mấy đứa được ra hồ tắm công cộng để học bơi? Cả nguyên đám bẽn lẽn lắc đầu. Tên đầu đảng bầy là chỉ cần cho chuồn chuồn cắn rốn một lần thì sẽ biết bơi ngay lập tức. Dù cho đứa nào sợ Hà Bá nhất cũng sẽ bơi như nhái!
Thế là cả đám trẻ con, trong đó có các anh chị họ, mấy đứa hàng xóm, hai đứa em kế và tôi theo thằng Trúc kéo nhau tới xưởng gạch gần cư xá chúng tôi cư ngụ để bắt chuồn chuồn. Cả trăm con chuồn chuồn bay là đà trên những hàng gạch đang được phơi dưới nắng Hè. Nói thì dễ. Làm mới khó. Chúng tôi, mạnh đứa nào đứa nấy nhắm một con làm mục tiêu rồi lò dò theo sau. Ba ngón tay co vô, chỉ chừa ngón trỏ và ngón cái chụm lại trong tư thế sẵn sàng, theo sát con côn trùng bốn cánh, như bị nó thôi miên, hớp hồn. Chuồn chuồn coi nhỏ xíu mà sao qúa khôn lanh. Có lẽ chúng có mắt sau đuôi như máy bay trực thăng có đèn phía sau? Vì bao nhiêu lần đến gần, tôi vẫn bắt hụt. Phải lâu lắm tôi mới tóm được một con. Có lẽ con này đã lão cho nên lãng tai, không nghe được bước chân tôi rón rén tới gần? Thằng Trúc còn tinh quái, biểu tụi tôi phải bắt cho được chuồn chuồn voi, vì chuồn chuồn kim miệng qúa nhỏ, không ép-phê, phải cắn nhiều lần mới bơi được. “Chuồn chuồn voi chỉ cần chích một lần là bơi được,” thằng Trúc tài lanh. Thế là cả đám nhóc cứ nhè chuồn chuồn voi mà rượt!
Con chuồn chuồn bị tôi tóm đuôi không chịu nằm im giữa hai ngón tay tôi mà vùng vẫy hung lắm. Nó cong cái thân mình chỉ nhỉnh hơn cây tăm lại, rồi ngoái ngược đầu ra phía sau tấn công hai ngón tay đang nắm nó làm tù nhân. Phải uyển chuyển lắm tôi mới không bị nó cắn. Tìm được một chỗ an toàn, tôi ngồi xuống, vén áo, dơ cái rốn hơi sâu ra, rồi lấy hết can đảm dí cái đầu nó vào rốn của mình, trống ngực đập loạn xạ. Tay thì dí mà mắt thì nhắm chặt, vì tôi là cái đứa rất sợ đau, nhát hơn cáy. Nhưng vì muốn biết bơi nên phải đánh liều! Ngay lập tức, con chuồn chuồn duỗi thẳng người, quên béng hai ngón tay đã từng nắm cái đuôi của nó trong mấy phút vừa qua, nhắm vào “cứ điểm” mà … cắn. Cắn lia, cắn lịa. Cắn cho đã để trả thù. Tôi la oai oái, buông vội hai ngón tay ra. Tù nhân tí hon có cánh óng ánh thoát thân thật nhanh. Tôi nhìn xuống cái rốn vô tội của mình, đang ửng đỏ, nhưng vẫn hớn hở chạy khoe đã đạt mục đích! Giờ nghĩ lại cũng buồn cười. Nhờ nghe lời xúi dại của tên đảng trưởng mà tôi có kinh nghiệm được chuồn chuồn cắn rốn. Sau hơn 50 năm tôi vẫn chưa biết bơi, dù đã thử tập bơi vài lần.
Cũng trong thời gian này, tôi mượn được cuốn Lộc Đỉnh Ký của chị người làm. Sau khi đọc qua vài chương, tôi mê mẩn, tò mò muốn biết kết cuộc. Dù bố cấm đọc tiểu thuyết, tôi cứ chạy xuống nhà bếp để đọc lén vài trang, giấu cuốn sách dưới chiếu của chị Hai rồi chạy lên. Hành tung của con bé 10 tuổi làm sao qua mắt được người lớn? Mẹ tôi biết được, đét cho mấy cái chổi lông gà!
Ô vải vuông mầu xanh ngọc thạch đưa tôi về căn nhà ở trên đường Chi Lăng, Phú Nhuận, kế bên hẻm Chu Mạnh Trinh. Năm đó tôi khoảng 18, 19. Giáng Sinh năm ấy bồ của cô bạn thân đang học Dược rủ hai đứa đi Bal do các sinh viên Dược Khoa tổ chức. Tôi xin phép mẹ, mẹ bằng lòng. Mốt gấm nổi và tóc bới kiểu boucles anglaises rất thịnh hành cho nên nhỏ bạn T.B và tôi đi mua gấm đặt may áo dài. Mấy tiếng đồng hồ trước giờ đi Bal, hai đứa rủ nhau đi chải tóc. Đêm hôm đó, tôi quên cả giờ về theo lời đã hứa với mẹ! Vừa hé cánh cửa sắt để lách vào, tôi nghe tiếng của mẹ trong bóng tối, “Sao mẹ bảo về lúc nửa đêm mà giờ mới về? Qùy xuống!” Giật mình như xét đánh ngang tai, tôi đánh rơi đôi giầy cao gót xuống sàn nhà và lật đật vén áo dài qùy xuống cái rụp. Biết là mình về trễ, nhưng tôi không ngờ bà gìa vẫn còn thức để đợi cửa nữa! Gối thì qùy, hai tay thì bận rộn dữ lắm. Vì tóc chải lọn có cả chục kẹp tăm lẫn keo xịt tóc làm nặng đầu, tôi chớp nhoáng gỡ từng chiếc kẹp. Những lọn tóc dài cuộn từ sáng được thả lỏng, lăn từ từ xuống vai, xuống cổ. Vài phút sau khi ra lệnh “Qùy xuống” bà gìa đưa ra lời tha bổng, “Cho con đứng dậy. Từ nay không được về trễ nữa nghe chưa?” Tôi dạ một tiếng rồi đứng lên, lột tiếp những áo, những quần, những bông tai và vòng đeo cổ. Trong đầu hình ảnh những chàng dược sĩ tương lai vẫn còn lẩn quẩn đó đây. Hôm nọ nhắc lại chuyện xưa, tôi hỏi mẹ còn nhớ? Mẹ tôi cười khanh khách bên kia đầu giây, “Mẹ nhớ chứ sao không!”
Còn miếng mảnh tan tác một mầu đen này? Đây là thời gian M. và tôi đang chuẩn bị “đôi ngã chia ly.” Còn ô này, mầu sắc còn rất mới?
Năm ngoái, khi về thăm nhà lần đầu, sau sáu tháng dọn sang Đảo Lớn, tôi lấy xe đò Hoàng lên San Jose thăm bà con và lái xe về với một cô em họ. Vì về tới nhà cô em qúa khuya, tôi nghỉ lại đêm đó. Sáng hôm sau, thức giấc mà em vẫn chưa dậy. Tôi đổi ý, không muốn đợi em đưa ra bến xe lửa mà muốn về ngay.
Khi đi bộ ra tới đường cái, tôi thấy một nhân viên tiệm 7-Eleven đang chuẩn bị, dù chưa tới giờ mở cửa. Tôi gõ cửa hỏi hướng nào về Orange County. Người này chỉ sang bên kia đường, “Xe buýt đi tới bến xe lửa để đi về OC ở phía đó.” Theo lời chỉ dẫn, tôi xách hành lý băng qua đường. Giở ví ra để lấy sẵn tiền trả cho cuốc xe, tôi mới khám phá ra là trong ví không có lấy một xu! Hoảng hốt tôi suy nghĩ, “Nếu đi bộ trở lại để lấy ít tiền mặt từ ATM thì sẽ trễ xe buýt.” Không muốn trễ xe, tôi bấm gan quay sang hỏi hai ông bà người Phi Luật Tân đang ngồi đợi, “Xin lỗi ông bà, đây là lần đầu tiên tôi xin tiền người lạ. Tôi mới biết là trong ví tôi không còn một đồng nào, và vì nếu đi ngược về phía tiệm kia để lấy tiền từ máy ATM thì tôi sẽ trễ xe buýt. Ông bà có thể nào cho tôi hai đồng?” Ngạc nhiên làm sao, cả hai lắc đầu trả lời là họ không có tiền. Sững sờ, tôi cũng lịch sự nói lời cám ơn. Thất vọng vì đã mang tiếng xin tiền người lạ mà chẳng được gì, tôi ngượng ngùng, không biết nói gì hơn. Thọc tay vào túi quần, tôi suy nghĩ, “xe buýt không nhận thẻ tín dụng. Mình phải đi ngược trở lại để lấy tiền ra từ máy ATM và chịu trễ chuyến xe sắp tới thôi!” Bỗng dưng tay tôi chạm phải vật gì. Lôi ra thì tôi thấy một tờ 10 đồng và vài đồng lẻ. Dưới đáy túi còn có một lô tiền cắc nữa! Thở phào, tôi mới nhớ ra là tối hôm qua, khi lái về từ Oakland, hai chị em đã ghé mua cà rem và vài món ăn vặt. Tôi đã dúi tiền thối vào túi quần thay vì bỏ vào ví. Hí hửng tôi giơ nắm tiền mới khám phá được ra khoe với hai ông bà này. Họ nhìn tôi, dửng dưng không nói lời nào.
Mãi gần một giờ đồng hồ sau xe buýt mới tới nơi. Tại bến xe lửa và khi đang đợi chuyến tầu của mình thì từ xa tiến tới một thanh niên, trong tay cầm một chiếc vé cũ kỹ. Anh chàng hỏi là tôi có 10 đồng cho anh ta vì lỡ chuyến xe lửa sáng sớm. Vé buổi chiều đắt hơn 10 đồng, mà anh ta đã hết tiền. Dù biết người này không thực sự cần tiền mua vé xe lửa vì nếu mới mua thì vé đã không nhìn cũ nhàu như thế, tôi vẫn mở ví lấy 10 đồng đưa cho anh ta, vì nghĩ đến cảnh ngộ của mình ban sáng, không quên kể lại kinh nghiệm của mình. Anh chàng nhìn tôi sượng trân, không biết nói gì, ngoài hai chữ cám ơn rồi bỏ đi.
Cuộc đời mỗi người, khi nhìn lại, dù như một cuốn sách đầy ngập cảnh lên xe xuống ngựa, hoặc như một tấm chăn bông kết bởi hằng trăm mảnh vải rực rỡ hay u tối thì cũng trôi qua nhanh – qúa nhanh! Mọi sự bay vùn vụt như gió. Mới ngày nào, tôi chỉ là một đứa bé cả tin, đuổi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi. Nay, bao nhiêu xuân, hạ, thu đông đã đi qua. Khi nghĩ lại những kỷ niệm vui, tôi vẫn không khỏi mỉm cười. Nghĩ cho cùng, đời người làm sao không có những giây phút hân hoan? Đây là những những chương sách đầy ắp niềm vui, là những mảnh vải ngũ sắc tô điểm tấm chăn bông đời. Như ánh thái dương xuất hiện sau một đêm dài dông bão, những kỷ niệm êm đềm làm dịu đi những nhọc nhằn chông gai, rối rắm như mớ bòng bong của cuộc đời. Nhờ thế mà cuộc đời vẫn đẹp!
Khổng thị Thanh-Hương