top of page

Nỗi buồn ở tạm

Ngày mai là đúng hai năm chúng tôi ở bên Đảo Lớn. Ngày tháng qua nhanh khi người ta bận rộn. Ngày tháng như nhựa đường, như dung nham khi người ta dư thì giờ, hay khi người ta trông ngóng một điều gì.

Mấy tuần nay, không biết có phải vì sự thao thức chưa mua được nhà, hay tại vì sự liên lạc với gia đình tạm gián đoạn vì phôn cần sửa, tâm trạng tôi rối bời như mớ bòng bong? Đứng không yên, ngồi không yên. Cơ thể bất an. Tâm thần bất ổn. Vậy mà có lúc tôi ngồi chết trân, ngắm những giọt mưa khéo nhau trở lại biển, sau khi được vẩy bởi một chiếc cọ khổng lồ sũng nước từ trên không. Có lúc tôi lắng nghe cặp chim nhồng cãi nhau, đứa đứng trên cột điện, đứa đi đủng đỉnh dưới mặt lộ. Lâu lâu con này ngoái đầu về hướng con kia rồi “ngoé” lên vài tiếng. Y như loài người, khi bực nhau!Lúc khác tôi ngồi thừ nhìn tôi trên vách, nhìn bóng của mình lò dò theo ánh nắng trên tường. Tôi nhìn tôi trên vách vì buồn tình, không có gì làm. Nói không có gì làm cũng hơi oan. Tình nguyện ở viện dưỡng lão hai ngày trong tuần; lấy lớp học ngôn ngữ Hạ Uy Di; tập thể dục; đi bộ lên xuống con đường làng; phụ dẹp cây, nhổ cỏ với dân trong vùng; làm phụ giáo; tham dự những sinh hoạt văn hóa với các bạn mới; đọc sách; viết tạp ghi kể chuyện đời mình; dịch bài vở; săn sóc vườn rau…. Bận rộn như thế, vì cớ gì tâm thần bất định?

Tôi biết rồi. Sự thấp thỏm, lo âu là do tình trạng bấp bênh về vụ nhà cửa của hai đứa chúng tôi. Coi hơn 30 căn nhà trong hơn 700 ngày mà vẫn chưa tìm được căn nhà ưng ý. Điều này như những muỗng dấm, múi chanh rưới vào tâm hồn tôi đang sốn sang, bứt rứt. Tôi bực bội qúa chừng. Bỗng dưng tôi có ý tưởng lạ lùng là tôi đang bị đi đầy trên hoang đảo! Bám vào ý tưởng này tôi mong thoát ra khỏi hoang đảo tù túng. Càng nghĩ mình đang bị đi đầy tôi càng muốn thoát ly và cảm thấy mình như là một bụi hoa bị Albezia, một loại cây đem sang từ Nam Dương 100 năm về trước, lấn dần lấn dần, hút hết dưỡng khí, khiến tôi nghẹt thở.

Nhìn những chiếc du thuyền đậu nơi bến tầu và những chiếc phi cơ lên xuống trên nền trời tôi ao ước đi xa một thời gian. Tâm hồn tôi lúc này rát như phải bỏng. Qúa nhậy cảm từ một lời nói đùa của chàng, từ một bất cẩn của tài xế trên đường, từ tiếng máy cưa của chủ nhà. Tội nghiệp chồng tôi. Anh tìm đủ mọi cách để đưa vợ mình ra khỏi chốn ngục tù giam lỏng trong tưởng tượng. Nói cho cùng, tôi mới về thăm nhà hôm tháng 10. Chưa đủ lâu để mang chứng tù túng trên hải đảo. Chỉ vì chưa mua được nhà cho nên tâm thần tôi bồn chồn khi thức, và lúc ngủ thì bị quấy rầy bởi những giấc mơ liên quan đến địa ốc!

Hôm qua tôi hỏi chàng, nếu không mua được nhà thì mình tính sao? Không đợi chàng trả lời tôi hỏi thêm, “Nếu không mua được nhà, anh định đi qua xứ nào làm ăn?” Câu hỏi nào cũng khó trả lời như con nít hỏi sao chim hót mà không sủa như chó, hay như khi ông bà già hỏi, “tại sao mày không thương thằng có bằng cấp, có cha có mẹ mà mày đi thương cái thằng cha căng chú kiết?” Chưa nghe chàng trả lời, tôi thêm, lần này không phải là câu hỏi mà là một lời góp ý, “Hay là tạm dẹp chuyện mua nhà, hai đứa đi du lịch khắp nơi trên thế giới một thời gian?” Những câu hỏi này tới hôm nay cũng chưa có câu trả lời.

Thánh Kinh Chủ Nhật tuần này có nhắc tới lời Chúa Giêsu (Mt 6, 24-34) …. “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao?” Nghe được lời trấn an của Chúa, tâm hồn tôi yên ổn. Chỉ được vài phút, lo âu lại kéo đến. Thật là hư đốn. Đức tin tôi đâu? Có lẽ nó nhỏ hơn hạt cải? Bao nhiêu lần tôi nói, “Tôi không lo, vì đã phó thác cho Chúa rồi.” Thế mà, tại sao vài tuần nay, tôi cuống cuồng hỏi Adam mỗi ngày, khi chàng lên những websites đã đánh dấu để coi nhà bán, “Có gì mới không?” hay “Có căn nào mình mua được không?” và chỉ nhận được những cái lắc đầu thất vọng.

Ước gì tôi có trái cầu pha lê để biết việc mua nhà sẽ ra sao? Nói vậy chứ tôi không dám. Có trái cầu thấy được tương lai thì ngoài việc thấy được chuyện nhà cửa, tôi còn thấy được mọi sự, cho mình, cho chủ nhà, cho hàng xóm, cho bà con, thân nhân trong nước, ngoài nước, cho thế gian…. Thôi, tôi phải tự nhắc nhở mình là một thụ tạo bất lực, nên phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, và phải tin là Người cho phép mọi sự xẩy ra cho mình, dù tốt hay không.

Gõ tới đây tôi nghe ông chủ nhà vừa bật máy cưa tay. Không thể lầm lẫn vì tiếng kêu “è è” chói ta của nó. Tôi đứng lên đóng hai cửa sổ phòng lại và coi ông này tính làm gì vào buổi chiều Chủ Nhật. Hóa ra ông Ken đang cưa cái cây Tecoma, một cây nở bông mầu hồng, tím nhạt và vàng, vào cuối Xuân, vào Hạ, rất đẹp. Tôi than trời. Adam nói nếu tôi muốn cứu mạng Tecoma thì phải chạy ra lè lẹ ra để cản. Tôi nói, “Trễ rồi. Ông ta đã cưa qúa nửa một bên rồi. Hơn nữa, cây của người ta, người ta muốn giữ hay muốn cưa là quyền của họ. Nói cũng bằng thừa.” Ông này đã từng cưa phăng mấy cây vải, cây nhãn nổi tiếng ngon nhất vùng hồi năm ngoái.

Tôi dòm Ken cưa cây mà ngậm ngùi. Chỉ trong vòng chưa tới năm phút, cây Tecoma cao hơn 10 thước đã ngã xõng xoài xuống đất. Tecoma nghĩ gì khi bất chợt có vật chi bén nhọn cắt phạm vô thân mình? Cây cảm thấy thế nào khi bất thình lình bị chới với trong khoảng không trước khi ngã xấp mặt xuống mặt cỏ ấm, làm bạn bất đắc dĩ với những cành tre đã bị đốt, bị cưa tuần trước? Những cánh hoa đài các Tecoma có bao giờ nghiêng mình xuống những cọng cỏ đơn sơ, thế mà giờ đây phải kề sát mặt với cỏ. Tôi nhìn những tia mạt cưa như những giọt nước mắt của cây bay tung toé trong gió mà thương cảm. Những cánh hoa Tecoma mới mấy phút trước đây còn hớn hở lung lay trong gió, bỗng dưng chết lịm. Không báo trước hay một lời xin lỗi!

Cái nhà ông Ken này! Nhớ lại năm ngoái ông ta có cho hay là sẽ chặt mấy cái cây vì không còn thấy nhiều biển xanh. Tôi tưởng chỉ chặt cái lũ tre thôi, ai ngờ…. Tecoma đã làm gì nên tội! Trong mảnh đất ba mẫu này có năm cây hoa Tecoma. Một cây mọc sát bên gara có hoa vàng, đã bị đốn từ nửa năm về trước. Cây vừa bị chặt bữa nay nở hoa hồng. Còn ba cây nữa, bao giờ thì tới số? Sẵn trớn, ông chủ nhà leo lên lưng đồi, cưa đi một cây vải mấy tháng trước đây còn nặng chĩu trái. Cây này nằm cùng khu với những bụi tre bị thiêu hủy tuần rồi!

Chao ơi, nhằm lúc tâm hồn tôi nát như tương tầu mà lại thấy những hình ảnh này. Tôi không cầm được nước mắt. Dấu đi sự yếu lòng, tôi trở lại cái PC, nhìn chăm chăm vào màn hình mà đầu óc thì xót cho cây. Adam hay được thì mắc cở chết!

Hy vọng tâm trạng như ai phủ một tấm màn mầu chì trong tâm hồn tôi chỉ là tạm thời. Ngày mai trời lại sáng. Trong khi chờ đợi, tôi cố gắng dõi mắt tìm cầu vồng mà hy vọng. Mong vài tuần nữa, mấy đứa em họ sang chơi sẽ có gì làm, vì vườn cô em có hơn 100 cây cacao, cần hái trái, tỉa cây. Thực ra, không phải là tôi không có gì làm. Tôi có dư việc làm qua ngày. Vấn đề của tôi là sự thiếu ổn định của đời sống hai năm qua. Biết đến bao giờ chúng tôi mới có một nơi cho riêng mình? Nghĩ tới lúc đi chọn lựa mầu sơn, mầu gạch cho phòng tắm, cho bếp, đi sắm sửa đồ dùng trong nhà, tôi thấy nôn nao, lạc quan. Hai đứa sẽ bận rộn coi báo, lên craiglist coi ai muốn bán tống bán tháo đồ đạc để trở về đất liền; kiếm mua vài cây ăn trái cho tôi, cây nutmeg, dừa thân đỏ cho chàng để trồng quanh nhà; lựa rau nào trồng trong vườn, hoa nào làm hàng rào cho “túp lều lý tưởng” của hai đứa.

Sự gì trên đời cũng có thời điểm của nó. Đông đến sau khi lá đổi mầu. Xuân sang khi các nụ đâm chồi, khi giá lạnh qua đi. Tôi cũng thế. Phải kiên nhẫn chờ đợi. Đừng để tinh thần xuống qúa thấp khi chưa làm chủ được căn nhà trong mộng.

Khổng thị Thanh-Hương

bottom of page