Những cảnh đời quạnh hiu
Khi biết chàng và tôi muốn dành ra một phần thời gian, sức lực và tài năng hạn hẹp của mình để làm việc tình nguyện bên Hilo này, Ken, người chủ nhà hiện làm cho Hilo Medical Center (HMC) cho hay là Viện Dưỡng Lão trực thuộc HMC luôn luôn cần người giúp. Ken mang về cho chúng tôi vài tờ đơn rồi đề nghị sẽ nộp dùm cho khi điền xong. Sau khi suy nghĩ, chàng và tôi quyết định thử tình nguyện tại Viện Dưỡng Lão một năm. Thắm thoát hai đứa đã đóng góp hơn 800 giờ. Mỗi Thứ Ba và Thứ Năm, từ 7:30 đến 11:30 giờ sáng, chúng tôi tới đó trang trí phòng ăn chính của Viện Dưỡng Lão theo những ngày lễ lớn.
Khoảng bốn tháng trước, vì không còn nhiều nhân viên như trước, bà trưởng phòng tên Alexa nhờ tôi lên thăm bẩy bệnh nhân nằm trên tầng lầu thứ ba của nhà thương. Đây là những trường hợp bác sĩ đã bó tay. Chưa biết trả lời ra sao, tôi ngỏ ý muốn theo Judith, một nhân viên của Alexa, thăm thử vài lần những người mà tôi gọi là “đang nằm bên đường Thiên Lý,” vì ngày tháng trên đường đời đang rút ngắn.
Hôm đó Judith chỉ đưa tôi ghé thăm bốn người. Tôi không muốn hỏi ba người kia nằm đâu vì lòng đã qúa thương cảm cho bốn bệnh nhân này. Người thứ nhất là một thanh niên, tuổi khó đoán. So sánh với hình treo trên tường và người thanh niên nằm trên giường thì người trong hình và người ngoài đời khác nhau một trời một vực. Một coi trẻ trung, cường tráng, cặp mắt sáng đầy hy vọng trong buổi lễ ra trường Trung Học, đứng kế một phụ nữ mà tôi đoán là mẹ của cậu ta. Còn người thanh niên nằm trên giường thì miệng chẩy dãi liên tục, đôi mắt lúc nhắm nghiền, lúc trợn ngược, khi nằm yên, lúc vặn mình vặn mẩy. Gương mặt khi ngủ có khi bình thản, có khi nhăn nhúm và cái miệng méo xệch như đang chịu vô vàn đau đớn. Máy móc chằng chịt giây nhợ nơi đầu giường. Người thanh niên nắm trong tay hai chiếc khăn nhỏ. Tôi không hiểu để làm gì? Tôi hỏi thăm điều gì đã xẩy ra thì biết được là một lần kia, trong một buổi tiệc, ai đó đã vì tư thù hay ác ý đã bỏ antifreeze vào ly bia của người này. Nỗi lòng người mẹ anh ta đau đớn đến đâu khi thấy mọi dự định toan tính của cuộc đời con mình trong giây phút đã nát tan như cuốn lịch bị ai liệng vào chiếc bình nước cường toan nghiệt ngã.
Dù không còn hiểu biết, bệnh nhân này vẫn còn nghe được. Vì thế TV bao giờ cũng bật, âm thanh vừa đủ cho người này nghe. Alexa nhờ tôi mỗi tuần lên thăm thì “nói chuyện” với anh ta. Tôi không ngăn được bồi hồi khi trở lại thăm người này một mình, hai tuần kế đó. Chỉ vì một thìa chất độc mà tương lai tươi sáng của anh ta đã bất ngờ tối xập như ngọn đèn bị tắt phụp bởi một trận cuồng phong. Phải vài lần sau tôi mới đỡ cảm xúc, dù không khỏi chùng lòng mỗi lần vào thăm.
Kế đó là phòng của một người đàn ông trung niên. Nhìn như lớn tuổi hơn người thanh niên kế bên ít nhất một con giáp. Nơi thực quản của người này có gắn một ống to bằng đầu ngón tay cái. Ông này hay ngủ khi tôi đi qua cho nên tôi chưa có dịp chào hỏi. Một hôm tôi thấy ông đang mở mắt nhìn lên trần nhà. Tôi hỏi bà y tá trưởng là tôi có thể vào thăm ông này. Tôi ngỡ tình trạng của ông giống chàng thanh niên nằm kế phòng bên, nên tôi hỏi là ông ta có nghe được hay không. Bà y tá trưởng gật đầu, “Có chứ, ông ta có thể trả lời Có hay Không.” Thế có nghĩa là tôi không phải độc thoại như với người thanh niên bên cạnh. Khi nghe tôi hỏi “Hello, May I come in?” đôi mắt ông ta chớp chớp như đang cố gắng vận dụng tàn lực để trả lời “Có hay Không” thì một cô y đi vào phòng, như chuẩn bị xem xét gì đó cho ông ta. Thế là tôi mất cơ hội làm quen.
Đi tiếp tới phòng kế bên tôi thấy một người đàn bà nằm trên giường, nơi thực quản cũng gắn một ống như ông ở phòng bên cạnh. Bà này nằm đó, mắt cũng nhìn lên trần nhà. Chiếc TV trên tường đang chiếu một phim xưa. Tôi gõ cửa. Nghe tiếng gõ cửa người đàn bà hướng mắt về phía cửa như dò hỏi, cặp mắt buồn không tả được. Mái tóc muối tiêu cắt ngắn trên gương mặt vuông vuông. Tôi tự giới thiệu và xin vào thăm. Bà gật đầu. Đứng đó nói vu vơ vài câu tôi hứa trở lại lần sau.
Rời phòng này, tôi đi vòng trở lại phía bên kia dãy hành lang. Đây là phòng của một người đàn bà, tuổi có lẽ ngoài 65. Bà D. cũng không nói được nhiều vì khí quản cũng bị cắt một lỗ để giúp cho việc hô hấp. Bà đang ngồi đọc sách, và ngẩng lên khi nghe tiếng gõ cửa. Sau khi biết tôi muốn ghé thăm, bà gật đầu.
Thế là từ đó mỗi Thứ Năm tôi đi lên lầu ba của nhà thương Hilo để thăm bốn người này. Mấy lần đầu, tôi đứng xớ rớ nói vài câu rồi hết ý. Tuần kế đó tôi rủ chàng của tôi đi cùng. Tôi có ý kiến là chàng nên mang theo một cuốn sách để đọc cho họ nghe. Tác giả cuốn sách chàng lựa là một bác sĩ thú y người Anh tên James Herriot. Ông kể về những giai thoại đã chữa khỏi cho những con gà, vịt, chó, mèo, bò, ngựa … trong vùng.
Một hôm, sau khi nghe xong một chương sách, bà D. nhìn hai đứa chúng tôi rồi khó khăn lắm mới thốt ra được vài chữ “ông bà thật đẹp đôi.” Sau vài lập đi lập lại, chúng tôi mới biết được ý bà muốn khâu cho tôi một cái váy! Tôi ghé Walmart mua một yard vải cô-tông mầu sắc rực rỡ. Khi cho Alexa biết về ý định của bà D., Alexa khuyên tôi phải hỏi ý y tá trưởng. Khi nghe thấy chuyện khâu vá, bà y tá trưởng lắc đầu quầy quậy, “Không được! Không được!” Tôi hỏi tại sao. Bà quan tâm là bà D. có thể làm rơi kim, lỡ kim ghim vào người bà ấy thì khốn. Tôi chưa biết trả lời ra sao, thì bà y tá trưởng cho biết là nếu tôi ngồi “canh” bà D. khâu thì được. Tôi suy nghĩ lung lắm. Mọi khi tôi chỉ ghé thăm năm phút là tối đa. Giờ, nếu tôi ngồi đó canh bà D. khâu thì tôi sẽ phải ngồi bao lâu? Ít nhất 30 phút hay 45 phút! Nghĩ tới nghĩ lui, tôi bằng lòng ngồi canh bà D. khâu váy cho mình.
Khi thấy xấp vải, cái kéo, cuộn chỉ trắng và cái kim, mắt bà D. sáng rực như trẻ con được qùa Giáng Sinh. Cầm xấp vải trong tay, bà mân mê một lát rồi thốt lên “đẹp qúa.” Bà ra dấu cho tôi tiến tới gần rồi ướm xấp vải vào người tôi, rồi đưa kéo cắt bớt chiều dài. Mọi động tác của bà từ tốn chậm chạp như một khúc phim quay chậm. Bà bắt đầu khâu. Chao ơi, khi ngồi nhìn bà bệnh nhân gần đất xa trời chăm chú vào từng đường kim, mũi chỉ tôi xúc động qúa đỗi. Bà D. dường như quên hết muộn phiền lo lắng hay sự cô đơn trống vắng, xa gia đình, xa bạn hữu. Phải chăng bà đang đưa tâm trí ngược về qúa khứ, ở tuổi mới lớn, khi bắt đầu học thêu thùa may vá? Hay bà đang nghĩ đây là lần cuối cùng trong đời bà chạm tới cây kim, khúc vải? Dù cho tâm tưởng bà đang ở trong căn phòng của nhà thương hay lưu lạc đâu đó trong cõi tạm, nét mặt bà D. coi bằng an chi lạ.
Không muốn bà thấy sự thương cảm đang dâng trào, tôi đứng lên, tiến tới cửa sổ nhìn lên trời, coi mây bay lãng đãng rồi cúi nhìn vô số những cánh hoa đỏ Anthurium, hình dáng như qủa tim đang núp mình dưới bóng mát của những bụi Hapu’u. Khi trở lại chỗ ngồi tôi thấy bà B. vẫn chăm chú khâu, không để ý gì đến sự vắng mặt của mình.
Khúc chỉ đầu tiên để khâu dọc bên hông váy đã hết. Bà với tay lấy cuộn chỉ nằm bên bờ giường, kéo một khúc ngắn, rồi từ từ dùng cái kéo để cắt chỉ. Xong xuôi, bà đặt đầu sợi chỉ vô miệng, thấm cho ướt rồi xỏ chỉ vào kim. Khi sợi chỉ đã đi qua lỗ kim, bà từ từ kéo hai đầu chỉ gập một, rồi dùng ngón tay vo lại để thắt nút. Tôi quan sát cách cột gút của bà với đầy thích thú. Bà D. không quấn chỉ một lần như tôi đã làm theo cách mẹ dậy, mà quấn ba, bốn lần. Cái gút của bà D. to bằng hột mè, bằng mắt con ruồi! Tôi khám phá ra là cách gút của bà D. này khác hẳn cách gút của người VN mình. Đây có phải là một sự khác biệt, trong bao nhiêu khác biệt của hai nền văn hóa Việt/Hạ Uy Di? Khi hết chỉ lần thứ hai (bà D. dùng chỉ rất ngắn,) thì bà làm rơi cái kim. Tôi công nhận bà y tá trưởng đã trông xa thấy rộng, biết trước là bà D. sẽ làm rớt kim. Mắt tôi bám sát theo cái kim như nam châm, cho tới khi nó nằm im một chỗ, không xa hai bàn chân của bà D. bao xa. Cây kim này rơi xuống sàn nhà thương mà không gây ra một tiếng động nào, như ở trong một đoạn phim câm. Tôi cúi xuống nhặt kim và đưa cho bà. Bà D. cầm lấy rồi ngượng ngùng nói lời cám ơn. Ngồi một lát, tôi muốn bà tạm ngừng, “Mình sẽ tiếp tục tuần sau.” Bà D. không phản đối, gấp khúc vải đang khâu dở dang rồi đưa cho tôi. Tôi nói bà cứ giữ vải lại. Tôi chỉ cần đem kim và kéo về.
Tuần sau, tôi trở lại, bà D. đã đợi tôi từ bao giờ. Có lẽ việc khâu cái váy này là một sinh hoạt hào hứng nhất trong một ngày như mọi ngày bình thường của bà. Cái hộp giấy để khúc vải khâu dở dang đã nằm ngay đầu giường, gần nơi ghế bà ngồi. Như tuần trước, tôi đưa bà cái kim đã xỏ chỉ. Bà tiếp tục khâu từ chỗ đã đang khâu dở dang. Gần 45 phút sau bà D. mới khâu xong đường bên hông. Bà “đặt hàng” cho tuần sau: cần kim gài đầu (để khâu gấu cho thẳng,) giây thun và kim băng (để luồn giây thun.) Bà D. còn muốn tôi đem cho bà một cái kéo zích zắc để “chỉ đừng bị tưa khi giặt.” Tôi không có loại kéo này và không muốn bỏ tiền mua kéo để dùng có một lần. Tôi cho bà biết là sẽ giặt với mặt vải để phía ngoài để tránh bị tưa, rồi hứa tuần sau đem cho bà các thứ bà cần. Tiếc thay, tôi không giữ được lời hứa, vì phải phụ với chàng trang trí sớm cho ngày Lễ Halloween, vì chuẩn bị về Cali thăm nhà.
Ba tuần sau, tôi trở lại và mang các thứ bà D. dặn lên lầu ba. Khi thấy tôi, bà D. cười thật là tươi, ngoắc tôi tới gần. Bà với tay, mở chiếc hộp giấy, hân hoan đưa cho tôi chiếc váy đã khâu xong. Ngạc nhiên vì tôi không nghĩ bà D. có thể nhờ ai ngồi “canh” bà khâu cho xong chiếc váy, khi tôi vắng mặt. Tôi cầm chiếc váy, ướm vào người rồi nói cám ơn. Bà gật đầu “Không có chi.” Tôi đem chiếc váy về giặt rồi phơi khô. Định Thứ Năm tuần sau sẽ mặc cho bà coi.
Thứ Năm đến. Tôi lấy chiếc váy ra mặc. Chiếc váy thì vừa bụng nhưng khi thử bước vài bước tôi bỗng dưng giống như một phụ nữ Nhật xúnh xính trong bộ đồ kimono! Chiếc váy bà D. đo dài qúa đầu gối, lại không được xẻ hai bên cho nên đã hạn chế sự di chuyển của tôi một cách trầm trọng. Đã lỡ hứa là sẽ mặc cho bà xem, tôi không có cách gì hơn là phải cắt váy bớt đi vài phân để có thể đi tới đi lui tự nhiên! Nhìn đồng hồ, chỉ còn 15 phút là hai đứa phải ra khỏi nhà. Tôi quyết định phải hành động thật lẹ. Chạy xuống bếp lấy cái kéo duy nhất tôi đem theo từ Cali, tôi gấp cái váy lại và cắt phăng đi gần một gang tay, rồi cắm đầu cắm cổ khâu.
Đứng trước phòng bà D. tôi gõ cửa để xin vào thăm như thường lệ. Bà D. ngẩng lên và ra dấu cho tôi đến gần rồi gật gù ra điều ưng ý lắm. Bà cố nói chầm chậm “Bà mặc váy này đẹp qúa!” Tôi chỉ lo bà thắc mắc về chiều dài của váy. Cũng may, bà D. không hề hỏi tôi điều này. Có thể bà không nhớ nó dài hay ngắn. Hay bà nhớ mà bà không muốn hỏi?
Khi quyết định thăm những người có số ngày trên dương gian rất ngắn vì có thể rời cõi tạm bất cứ lúc nào, tôi không ngờ có được một món qùa làm từ đôi tay một trong những bệnh nhân này. Tôi cảm động vô cùng. Giáng Sinh sắp đến, tôi có thể khâu tặng một món qùa cho bà D, như đã khâu cho chính mình một cái quần pajama, như trong lần nói chuyện với một cô bạn ở Virgina. Lần đó, từ khi bắt đầu cho tới khi chào tạm biệt, tôi đã cắt, khâu hai bề mặt và trái, lên gấu, kể cả luồn giây thung cái quần.
Khổng thị Thanh-Hương