top of page
kim hang.jpg
HoaTigon.png

Hoa Tigon Ngày Xưa

Huynh thi Kim Hang
tigo.png

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”

Thời gian trôi qua, tôi không nhớ rõ lúc nào là lần cuối cùng tôi nghe bài hát Hai Sắc Hoa Tigôn. Lời bài nhạc phổ từ một bài thơ tình nổi tiếng viết về một cuộc tình tan vỡ.

Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! – Tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường…

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tâm bóng “một người”.

Người đặt bài thơ chắc có một nỗi buồn u uẩn, nên làm một bài thơ để nhắn nhủ với người cũ tình xưa chăng? Người tuy xa nhưng lòng vẫn nhớ, tình yêu vẫn còn nhưng giờ chỉ là kỷ niệm một thời yêu tha thiết. Phải chăng vì lễ giáo, sự phong kiến của ngày xưa nên tác giả dấu tên chỉ có bút hiệu TTKH.

Đối với tôi, hoa Tigôn là một huyền thoại. Giống như câu chuyện cổ tích về cuộc đời ba chìm bảy nổi của tôi. Hoa gợi nhớ cho tôi biết bao kỷ niệm thời con gái, thời vô tư thích dung dăng dạo khắp phố phường, thời tôi là học trò áo trắng dưới ngôi trường Regina Pacis thân thương bên con đường Tú Xương hiền hoà thơ mộng, bên đứa bạn thân mà cứ mỗi chiều tan học hai đứa thong thả đạp hai chiếc xe mini Lucia đi từ đầu đường đến cuối đường Tú Xương rồi vòng lại, chỉ là muốn ngắm những ngôi biệt thự có dàn hoa giấy rực rỡ, dàn hoa Tigon mong manh chi chút những nụ màu hồng. Rồi có hôm hai đứa chúng tôi hứng chí hái lén hoa Tigon để đầy hai giỏ xe xong cười khúc khích, hớn hở chạy bay về. Ôi thật dễ thương làm sao...

Những nhánh hoa Tigon được tôi đem về chưng trong một chiếc bình thủy tinh trong suốt, vài nhánh hoa rũ tự nhiên trên bàn, đẹp như một bức tranh tĩnh vật ngắm hoài không chán mắt. 
- Ô hay! Sao lại đem hoa dại ngoài đường vào chưng trong nhà thế?

Đó là tiếng người mẹ kế của tôi vừa về đến nhà. Bà tỏ vẻ khó chịu khi thấy bình hoa Tigon được bày trên bàn phòng khách. Tôi lật đật thanh minh và giải thích một cách vụng về và ngây ngô là hoa đây không phải hoa dại, mà hoa được trồng trước cổng hàng rào của ngôi biệt thự. Bà vẫn không vui, trầm ngâm và bắt đầu kể cho tôi nghe về câu chuyện hoa Tigon của gia đình bà.

Chuyện là như thế này:
Bà có một người chị họ, rất thích hoa Tigon. Mê hoa đến nỗi bà chị họ dùng hoa này để trang trí khắp nơi trong lễ cưới của mình. Thoạt trông rất đẹp, rất lãng mạng và thơ mộng khiến mọi người tấm tắc khen. Thế nhưng chuyện không chỉ dừng lại ở đây, mà gần 10 năm sau, gia đình người chị họ qua định cư bên Pháp, sau đó một thời gian họ ly hôn, thảm thương hơn là người chồng đó đã tự sát bằng một viên đạn xuyên qua đầu. Một thảm cảnh đau lòng và kết tội là nhánh hoa Tigon năm xưa là điềm gỡ cho một đám cưới chứa đầy hoa tim vỡ.

Nghe câu chuyện đó xong, tôi và bà mẹ kế im lặng trong đôi phút. Mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ riêng... Sau giây phút đó, tôi lẳng lặng đem bình hoa ra cho vào bịch rác. Kể từ đó, cho dù hàng ngày tôi và nhỏ bạn vẫn đạp xe đi ngang ngắm dàn hoa đong đưa trước gió, nhưng hai đứa không dám hái đem về loài hoa mang tên tim vỡ.

 

Riêng tôi, tôi vẫn thích nghe bài hát phổ nhạc này, vẫn một mình ngân nga nho nhỏ... Và phải chăng chỉ thế thôi mà cuộc đời tôi “bảy nổi lênh đênh”. Rồi “cuộc tình tàn... cuộc tình vắng bóng anh”, để hiện tại cánh hoa lẻ bạn vẫn ngày ngày chờ đợi.

Những ngày tháng sau 75.
Sau cái ngày đổi chủ, đổi đời. Nhóm 4 đứa chúng tôi tan tác xa nhau. Đứa thì đổi trường, người thì di tản... Chỉ còn tôi bám trụ ở trường RP với nỗi buồn man mác. Biết là có hợp có tan nhưng đâu nghĩ nó đến đột ngột. Kẻ ở người đi, bám víu nhau cũng có hạn ...


“Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.”


Đó là thơ Nguyễn Bính, còn tôi thì
“Kẻ ở trong sân kẻ cổng trường
Tôi giục bạn về ba bốn bận
Bạn hiền nhoè mắt lệ rưng rưng”

Thời cuộc đẩy đưa, tôi cũng có những người bạn mới, nhưng tôi vẫn muốn đi ngang qua căn nhà hoa Tigon ngày trước, chỉ để nhìn và xót xa thay cảnh cũ tiêu điều với những khuôn mặt “hai nút”. Buồn tình thì ghé thăm nhỏ bạn ngày xưa, kể cho nhỏ đó nghe về sự đổi thay của dàn hoa Tim Vỡ. Hai đứa chỉ biết im lặng và thấy lòng trống trải, cảm giác hụt hẫng như là mình là người lữ khách, bến bờ nào sẽ dung dưỡng tuổi thanh xuân...


Năm 1977, trường Regina Pacis giải thể học trò lớp 11 và 12 đươc chuyển qua trường Marie Curie. Nơi đây tôi lại trùng phùng với bạn, niềm vui ùa về vì chúng tôi lại có dịp đạp xe đi dạo chung con đường Tú Xương đầy kỷ niệm. Có điều là tiếng cười rộn rã đã mất, tuổi thơ ngây dường như đã đi qua, chúng tôi thường im lặng, trong cái lặng yên đó thì chúng tôi vẫn hiểu tâm tư mỗi người nghĩ về điều gì trong cuộc sống hiện tại

Năm 79, thời điểm nóng bỏng của các cuộc vượt biển, nghe là có câu “cột đèn biết đi nó cũng đi”, và nhỏ bạn thân đó cuối cùng cũng lặng lẽ xa tôi, để tôi một mình cô đơn với nỗi sầu gặm nhấm cho số phận nổi trôi. Tôi lại một mình một xe đi lại những con đường xưa, một mình thơ thẩn trước cổng trường bao thay đổi, cây phượng vĩ vẫn đỏ rực góc sân trường, chỉ thiếu dáng những chiếc áo dài trắng tinh khôi, mộc mạc. Còn giàn hoa Tigon cổng nhà ai vẫn xum xuê không cắt tỉa, thế nhưng vẫn có 1 người nhìn, chỉ là thiếu 1 cái nhìn của cô học trò xa đất nước ...
Không biết bạn còn nhớ kỷ niệm học trò của chúng mình không nhỉ? Có còn cảm xúc yêu loài hoa tim vỡ, hay chỉ mỗi mình tôi mãi vẫn thủy chung?
......


Bạn có bao giờ đã trải qua những mất mát chưa? Đã có bao giờ ký ức lãng quên do chấn thương hay do tâm lý không? Đôi khi tôi tự hỏi “Tôi là ai?”, “Tôi từ đâu đến?”, “Mẹ tôi, Cha tôi, Người là ai?”

Có ai ngờ rằng ở cái tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận” này ký ức bỗng dần trở lại với tôi. Tôi nhớ lại khoảng thời gian sung sướng sống ở Pháp, qua “Dòng sông xanh Danube”, hình ảnh đôi bạn niên thiếu chơi với nhau mơ màng hiện về trong trí nhớ. Những trận đòn, những câu mắng nhiếc, những lời dặn dò ân cần của ai đó... Tôi chợt nhớ lại rõ ràng. Nhớ lại để đi tìm, đi tìm một quá khứ. Đi tìm những cánh hoa vỡ ngày xưa.

 

Trách ai yêu cánh "ti-gôn" ấy,
Để mãi đơn côi, một nỗi sầu.

Htkh

VT dịch 

bottom of page