top of page
Khi tầu không ghé bến Hilo

Sáng hôm qua, khi hai đứa vừa đi bộ lên gần tới đỉnh đồi của con đường làng thì thấy John, người có hơn trăm cây ổi xá lị trên miếng đất sau nhà, ngừng xe lại và nói với giọng nghiêm trọng chứ không tươi cười như mọi khi, “Ông bà nên đi nhanh về nhà vì mới có báo động hỏa tiễn xuyên lục địa đang nhắm tới đây.” Tôi tưởng ông ta đùa nên cũng đùa lại, “Để tôi về kiếm cái bàn nào đó để trú”. Ông John nghiêm mặt nói là điều này thật, không phải đùa.

Trên đường về, tôi hỏi Adam là người dân ở đảo Oahu (gần Bắc Hàn hơn) và mình ở đây có bao nhiêu phút để tìm chỗ trú ẩn? Adam đoán là khoảng trên dưới 20 phút. Tuy nhiên chàng không nghĩ báo động thật vì có thể vì hệ thống báo động đang dùng đã qúa lỗi thời, từ thời Chiến Tranh Lạnh. Tuy chưa biết thật hư, tôi cũng thầm đọc kinh Ăn Năn Tội, phòng xa nếu Chúa gọi. Khi về tới nhà, quả thật trên màn ảnh của hai cái cell phones đều có câu Emergency alert: Extreme. Ballistic missile threat in bound to HI. Seek immediate shelter. This is not a drill. Tôi nhủ thầm, “Tới lúc thấy được những hàng chữ này thì mọi sự đều bình thường, chứ nếu thực sự hỏa tiễn đã rớt vô đảo thì có sự gì tồn tại được!”

Tạ ơn Chúa, sự báo động ngày hôm qua chỉ là một sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, tôi nghĩ xa hơn và tự hỏi: chuyện gì sẽ xẩy ra nếu hỏa tiễn đã được bắn đi từ Bình Nhưỡng? Tương tự như câu hỏi “chuyện gì sẽ xẩy ra” khi lần kia, lúc tạt qua quầy rau củ tại Cost-U-Less, tôi ngạc nhiên vì thấy trống trơn trống địa. Đi tới cuối quầy, tôi thấy có một tờ giấy ghi vội với hàng chữ viết tay: “Vì việc chuyên chở đang có vấn đề, chúng tôi sẽ có rau, củ cung cấp cho qúy vị vào Thứ Sáu tuần sau.”

Ở bên Big Island đã gần ba năm tôi hay nghe người ta nói câu “khi tầu không cập bến” để diễn tả một viễn ảnh khi vì lý do gì đó, hoặc vì nhân công bến tầu đình công hay vì thiên tai mà mọi hàng hóa, thực phẩm hay những vật gia dụng đều hết nhẵn vì tầu đã tạm thời không ghé bến. Sống ở trên đảo, phần lớn ai cũng nghĩ đến thực trạng khi những chuyến tầu hay máy bay vẫn đều đặn cập bến Hilo hay Kona để cung cấp mọi thứ cần dùng, đã tạm ngừng ghé bến. Câu nói này nhắc nhở người sống trên đảo về tinh thần đoàn kết, tự túc tự cường để chuẩn bị cho tình trạng tầu không cập bến, dù ngắn hạn hay dài hạn. Tôi tự hỏi trong bao lâu thì sự ổn định xã hội sẽ biến mất vì nhu yếu phẩm không còn?

Vì là một quần đảo, Hawaii lệ thuộc gần như mọi sự từ đất liền, trừ một vài loại hoa mầu như dứa, cà phê, khoai tím, rau thơm, rau sàlách, cà chua, gừng, cà tím, bí bầu, rau muống, rau cải xanh và vài loại trái cây miền nhiệt đới như chuối, đu đủ, măng cụt, avocado, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm …., ngoài sữa tươi, thịt bò, thịt heo và trứng gà được cung cấp bởi nông gia địạ phương. Gần như những vật dụng nhỏ nhặt như cây tăm, cái đinh hay những gia dụng trong nhà, cho đến đồ phụ tùng xe hơi, vật liệu xây cất … hay những thứ không thể không có như viên thuốc Aspirine, tiểu đường, cao máu, hay những giọt xăng trong xe … đều được chuyển đến từ đất liền, có lẽ từ Lompoc, California (2358 dặm) hay từ King Cove, Alaska (2238 dặm) để đời sống thường nhật của người dân hải đảo được trơn tru.

Tưởng tượng một tháng hay hay hai tháng tầu cung cấp xăng không đến. Tất cả mọi xe hơi, xe gắn máy, xe vận tải, xe ủi đất, xe cắt cỏ … tất cả các máy móc chạy bằng xăng sẽ phải nằm ụ một chỗ, cho nhện giăng tơ, hay cho các bà nội trợ dùng làm chỗ … phơi quần áo.

Khi không có xăng để chạy, người ta sẽ phải đi bộ. Những ai ở gần thành phố có thể đi bộ đến tiệm để mua đồ dùng, mua thức ăn, mua nước uống. Còn những kẻ ở xa phố thị như hai đứa tôi, đi bộ xuống phố có thể mất cả hai, ba tiếng. Khi các tiệm, các siêu thị không còn hàng để bán, vì tầu đã ngừng cập bến, đồ tươi như rau cải, trái cây táo, nho, lê, những loại rau củ không thể trồng ở trên Đảo Lớn sẽ dần dần khan hiếm và biến mất trên những quầy hàng. Đồ dùng hằng ngày như giấy vệ sinh, kem đánh răng, xà phòng tắm, xà phòng giặt, bàn chải đánh răng, xà phòng gội đầu … sẽ không còn nữa. Người ta có thể xin hàng xóm chia sẻ, nhưng những lúc “gạo châu củi quế” mới thấy được sự rộng rãi thực sự của người. Tôi rộng rãi với tha nhân khi tôi có dư, có nhiều. Tuy nhiên, khi tôi trông thấy một tương lai bi quan, không có nguồn tiếp tế, khi tầu không ghé bến, tôi sẽ phải thủ thân trước cho mình và cho gia đình mình. Đó là điều đương nhiên, xin bạn thông cảm.

Nhìn quanh căn phòng thuê nhỏ hẹp này, tôi thấy những gì sẽ “ra đi” trước tiên? Tất cả mọi máy móc dùng điện, vì điện được phát ra từ xăng dầu: hai cái PC, hai cái smartphones, 27 cái bóng đèn, cái TV, tủ lạnh, microwave, máy xay sinh tố, bàn chải đánh răng bằng điện. Trong phòng giặt thì máy giặt, máy sấy coi như không dùng được vì điện đã bị cúp từ lâu. Sau điện là nước. Nước được dẫn tới cũng qua điện. Mà điện bị cúp vì xăng không có thì nước từ ống dẫn đến sẽ cũng coi như là một tiện nghi của đời sống huy hoàng vàng son cũ.

Khi hai nhu cầu căn bản bị mất thì con người sống thế nào? Thiếu điện thì người ta có thể dùng đèn dầu, đèn pin hay đèn cầy. Nhưng đèn pin cũng có lúc hết pin. Đèn cầy dùng mãi cũng có lúc hết. Đèn dầu cũng phải xếp vào một góc vì … dầu cạn. Ở trên đồi, chúng tôi may mắn có mưa nhiều hơn ở dưới phố. Có lẽ chàng và ông chủ nhà sẽ nghĩ cách nào đó để hứng nước mưa. Trên đỉnh đồi, nơi nước và điện từ thành phố đã không kéo tới thì John và Christine, vợ chồng chủ nhà trên này phải có hồ hứng nước mưa, và dùng máy phát điện. Họ không phải lo việc thiếu nước, trừ những tháng hạn hán, phải đặt mua nước từ dưới phố, để người ta đưa lên từ những xe có bồn nước di động. Tuy nhiên, máy phát điện sẽ phải dẹp vào một bên, vì không còn xăng để chạy.

Tuy nhiên, không phải khi tầu không cập bến là mọi sự đều xấu, nếu chỉ tạm thời vài tuần hay vài tháng. Khi không có điện, người ta có nhiều thì giờ để nhìn ra thiên nhiên để nghe tiếng chim hót, tiếng dế và ếch kêu ban ngày khi mặt trời vừa lên hay ban đêm khi mặt trời sắp đi ngủ. Người ta mới có giờ ra vườn dọn cỏ dại, trồng rau, trồng khoai … Người ta mới có giờ “talk story”. Thư viện sẽ đông người đến đọc sách, vì điện không còn để mà dùng computer hay cell phone. Cha mẹ con cái sẽ gần gũi, chia sẻ với nhau thường xuyên hơn. Hiện giờ, computer hay cell phone chiếm gần hết thì giờ của nhau.

Đó là vấn đề điện nước. Vấn đề lương thực sẽ ra sao? Trên Đảo lớn, phần trăm dân có ruộng vườn để trồng trọt rất nhỏ. Phần lớn là gừng và khoai lang tím. Khi tầu thủy và tầu bay không chở nguồn cung cấp đến cho TARGET, Wal-Mart, Longs Drugs thì những nguồn lương thực chánh như gạo, mì, sữa cho trẻ em và thuốc men cho người bệnh, thì đời sống hằng ngày của gần 200,000 cư dân sẽ bị khủng hoảng trầm trọng, trừ những ngư phủ hay những thợ săn heo rừng. Họ có thể trao đổi với những ai có ngô khoai để cầm cự qua ngày.

Các cụ lớn tuổi lệ thuộc vào thuốc men hằng ngày sẽ ra sao? Một viên thuốc cao máu, tiểu đường, không thể không có mỗi ngày. Thiếu thuốc thì làm sao kéo dài sự sống? Mới nghĩ tới đây tôi thấy lạnh người. Tôi tưởng tượng khi người ta vì đói sẽ không còn văn minh, tiến bộ, nhường nhịn hay chia sẻ nữa. Mạnh ai nấy dùng sức mạnh của mình hay của vũ khí mình có để đem ra áp đảo tha nhân để có một thứ cần thiết cho mình hay cho gia đình. Tiền bạc hay thẻ tín dụng sẽ trở thành những tờ giấy, những mảnh nhựa vô dụng. Những ai đã từng bỏ tiền mua dự trữ đồ hộp trong bao nhiêu năm, phòng khi hữu sự, có thể sẽ mất mạng vì những viên đạn hay lưỡi dao của người hàng xóm, trước đây là người bạn tốt bụng.

Khi không còn những đồ dùng thường ngày, con người sẽ thấy thiếu thốn đến đâu. Ngày trước, giặt quần áo chỉ tốn vài phút bỏ quần áo dơ vào máy. Giờ phụ nữ phải “kín” nước từ hồ lên, rồi giặt bằng tay. Sà-phòng dần dần không còn. Chỉ còn nhờ vào những viên đá nhẵn thín để chà bụi bẩn. Sà-phòng rửa bát hết nhẵn. Lấy gì rửa bát?

Tôi chợt nghĩ về các người thân bên Cali. Nếu tầu không còn cập bến vì lý do gì đó, thì ngoài nhu yếu phẩm đã hết, sự liên lạc sẽ hoàn toàn bị cắt đứt. Bao lâu mới nhìn thấy mặt người thân yêu?

Khổng thị Thanh-Hương

bottom of page