Tiếng Việt rất phong phú về âm, vần và thanh. Vì vậy, khi mượn bộ chữ Latin để ký âm tiếng Việt, các nhà truyền giáo đã phải sáng tạo những chữ viết khác nhau để phản ánh cho đúng giọng nói, cũng như để phân biệt các âm gần giống nhau, nhưng khác nghĩa. Công trình này là một tài sản quý báu vô vàn cho dân tộc Việt Nam mà chúng ta đang thừa kế.
Hệ thống chữ viết này xây dựng trên một nguyên tắc then chốt: nói sao, viết vậy. Nếu phát âm đúng thì sẽ viết đúng chánh tả. Cái khó ở đây là người Bắc, Trung và Nam lại phát âm không giống nhau! Cũng do có quá nhiều tiếng có âm rất gần giống nhau, mà hầu hết các tranh cãi về chánh tả tiếng Việt đều xuất phát từ nguyên tắc này.
Theo đề nghị của một số bạn bè, tôi sẽ đưa ra một số thí dụ về những nhầm lẫn thông thường trong tiếng Việt hàng ngày, để chúng ta có thể viết cho đúng chánh tả.
Phân biệt chữ X và S:
X xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (xuề xoà, xoay xở, xoành xoạch, xuềnh xoàng, xinh xắn…), S chỉ xuất hiện trong một số ít các âm tiết có âm đệm như: soát, soạt, soạn, soạng, suất.
- X và S không cùng xuất hiện trong một chữ láy.
– Chữ láy có phụ âm đầu S: Sạch sẽ, sụt sịt, sửng sốt, sù sì, so sánh, sinh sôi, sáng sủa, san sát, sặc sỡ,…
– Chữ láy có phụ âm đầu X: Xót xa, xù xì, xấu xa, xì xào, xao xác, xinh xắn, xao xuyến, xào xạc, xa xôi, xấp xỉ, xa xỉ,…
– Chữ ghép có phụ âm S đi với X: Xứ sở, sản xuất, xuất sắc, xác suất, xoay sở, xổ số, sâu xa, soi xét,…
- Chữ liên quan đến tên các thức ăn, cây cối hay dụng cụ thường viết với X. Ví dụ như: Xôi, lạp xưởng, xúc xích, xà xíu, xí muội, cái xoong, cái xiên nướng thịt, cái xẻng, cái xuồng, cây xoan, trái xoài…
Chữ X thường được láy âm với các âm đầu khác Ví dụ như: xì xào, bờm xờm, lao xao, lòa xòa, liêu xiêu, loăn xoăn, liểng xiểng, lộn xộn, lì xì, xoi mói, xích mích…
Hầu hết các danh từ còn lại viết với S. Chặng hạn như: Ông sư, bà sãi, cây sen, cây sim, cây sồi, cây sung, cái sọt, sợi dây, sao, sương giá, sông, suối, sấm, sét…
Chúng ta thử lược qua một ít âm “e” trong tiếng láy/tiếng đệm trong tiếng Việt như: -Mát mẻ, mới mẻ, đẹp đẻ, gọn ghẻ, bắt bẻ, san sẻ, lẻ tẻ…
“Chia xẻ” hay “chia sẻ”
Chúng ta hãy thử tìm hiểu chữ “chia sẻ” và “chia xẻ”, một chữ thông dụng đã gây nhiều thắc mắc, bây giờ chúng ta hãy cùng nhau phân tích:
Trong chữ “chia sẻ”, chữ “sẻ” không phải là tiếng láy, tiếng đệm; vì tiếng láy hay đệm có nguyên tắc cấu tạo cùng vần với chữ trước nó.
Phân tích: trong chữ “chia sẻ”, chữ “sẻ” không “cùng phụ âm” (ch) với “chia”, nó cũng không “cùng vần” (ví dụ: hấp tấp, mỏng manh, chơi vơi, tiu nghỉu,…), nó cũng không “điệp âm” (như: lâng lâng, khăng khăng, tơi bời,…)
Vì thế, “chia sẻ” cũng không phải là chữ ghép, vì chữ “sẻ” ở đây không có nghĩa. Chữ "sẻ" thường dùng cho tên của loài chim: "chim sẻ".
-Trong chữ “chia xẻ”, chữ “xẻ” có nghĩa là = chẻ ra, bổ ra, cắt ra, phân ra… để chia đôi hoặc chia hai!
Do đó, hai chữ “chia xẻ” là chữ ghép đúng nghĩa. Ví dụ: chia vui, xẻ buồn; chia xẻ ngọt bùi.
Sau đây, mời các bạn xem lại:
- Tự Điển Việt – Hoa –Pháp (Eugène Gouin) “Chia xẻ”: partager, couper, fendre” (Không có chữ “chia sẻ”)
- Tự Điển Pháp Việt từ điển (Đào Đăng Vỹ) -1961 “Chia xẻ”: partager // division. (Không có chữ “chia sẻ”)
- Tự Điển Vietnamese English student’s Dictionary (Nguyễn Đình Hòa) -1967 “Chia xẻ: to share (with) (Không có chữ “chia sẻ”)
Như vậy, tự điển Việt Nam trước 1975, không có chữ “chia sẻ”, mà chỉ có chữ “chia xẻ”!
"Xử dụng" hay "Sử dụng"
Trước hết, “xử” (viết với X) là một từ khá thông dụng trong tiếng Việt, có nghĩa là “phân xử, xét xử, khu xử, xử trí, xử thế…”
“sử” có nghĩa là “sai khiến, , dùng vào một việc gì.”
Theo cách phân tích này, chúng tôi thấy không thể viết “sử dụng” vì ở đây không hàm nghĩa “sai khiến” như trong câu “sử nhân dĩ dục” — lấy lòng ham muốn để sai khiến con người — hoặc “sử dân dĩ thời” — dựa theo thời vụ mà sai khiến dân chúng.
Chữ “xử” ở đây chỉ đơn thuần mang nghĩa “thu xếp”, “sắp đặt”, “vận dụng”… những thứ gì đang có trong tay mà thôi, nên ta phải viết là “xử dụng” thì mới đúng nghĩa.
Mặc dù hiện nay rất nhiều người viết “sử dụng”, chúng ta vẫn thấy cần sửa lại cho đúng nghĩa là “xử dụng”.
Sau đây là một số ví dụ về chữ S và X (phát âm gần giống nhau (theo miền bắc)) dễ lẫn lộn:
Sa: sa chân, sa ngã, đất sa bồi, sa đà, sa lầy, sa sút, chim sa, mỡ sa, cây sa kê, Sa Đéc, sa đọa, sa mạc, sa sả, sa thải, sa trường.
Xa: xa quê hương, xa lộ, xa hoa, xa cách, xa giá, xa lạ, xa lánh, xa rời, xa tắp, xa vời vợi, xa xa, xa xăm, xa xỉ phẩm, xa xưa, xa lơ xa lắc, xa nhà
Sà: bay sà xuống, sà vào Xà: xà nhà, xà niểng, xà (rắn), xà beng, xà ích, xà cừ, xà lỏn, xà mâu, xà phòng (xà bông), xà rông.
Sả: sả ớt, sả thịt, suôn sả, chim sả (loại chim bói cá) Xả: xả hơi, xả láng, xả thân, xả buồm, lăn xả, nhảy xả, xán xả, xả đồ giặt, mưa xối xả, xong xả, xả kỷ (bố thí), xả mạng, hỉ xả, xả đoản.
Sã: suồng sã, chim sã cánh, cánh tay sã xuống, chơi sòng sã (ròng rã)
Xã: xã hội, xã luận, xã thuyết, xã giao, xã tắc, xã trưởng, thôn xã.
Sách: sách giáo khoa, sách nhiễu, sách lược. Xách: xách giỏ, (đầy một) xách, (nói) xách mé.
Nói tóm lại, cách sửa lỗi tốt nhất là hiểu nghĩa của chữ, rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc nhiều và viết nhiều để quen sử dụng và viết đúng chính tả.
Lẫn lộn chữ R với D và GI:
Người miền Bắc không phân biệt R với D và GI trong phát âm nên thường lẫn lộn chúng trong chữ viết.
Những chữ láy điệp âm mô phỏng tiếng tượng thanh hay tượng hình thường bắt đầu bằng chữ R chẳng hạn như: Rì rào, rả rích, răng rắc, rầm rập, róc rách, rúc rích, rỉ rả, run rẩy, rung rinh, rón rén, rập rình, rạo rực, rần rật, rực rỡ, rừng rực, roi rói, rạng rỡ…
GI thường không kết hợp với âm ghép, chỉ có D mới kết hợp với các vần này.
Chẳng hạn như: Dọa nạt, hậu duệ, kiểm duyệt, duy trì, duy nhất…
R được láy âm với B và C là những hình thức mà D không có.
Ví dụ như: Bịn rịn, bủn rủn, bứt rứt, bối rối, co ro, cập rập…
Một số ví dụ về chữ V, D và GI (phát âm gần giống nhau): Da: da cóc, da dẻ, da bánh mật, da đồi mồi, da liễu, da ngựa bọc thây, da diết.
Gia: không đi một mình, mà luôn đi kèm chữ khác (gia đình, gia cư, gia bảo, gia cảnh, gia giáo, gia huấn, gia phả, gia chánh, gia dụng, gia nhập, sui gia)
Va: va chạm, vi va vi vút, va li, va vấp
Dát: dát vàng, dát bạc, dáo dát (nhìn). Giác: giác quan, giác ngộ, phát giác, cảnh giác, tê giác, cảm giác.
Vác: khiêng vác, xốc vác, vác súng, vác mặt, một vác lưới
Dan: dan díu, dan nắng. Gian: gian dối, ăn gian, kẻ gian, gian ác, gian hiểm, gian dâm, gian nhà, không gian, trần gian, gian khổ, gian nguy, gian truân.
Van: van lơn, kêu van, xin van, van vái Dang: dang dở, đứng dang ra
Giang: quá giang, giỏi giang, giang sơn, Tiền giang.
Vang: vang dội, vang lừng, tiếng vang, vẻ vang, rượu vang, vênh vang.
Dông (chạy), Giông (giông tố)
Dấu (dấu vết), Giấu (cất đi)
Lẫn lộn L và N:
Đây là lỗi khá phổ biến ở miền bắc nói chung. Ta nên ghi nhớ những trường hợp thông thường sau đây:
- L có thể đứng trước âm đệm như oa, oă, uâ, oe, uê, uy., còn N thì không.
Ví dụ như: lòa xòa, cái loa, loắt choắt, loăn quăn, luẩn quẩn, lý luận, quần loe, lóe sáng, luyến tiếc, luyện tập, lũy thừa, liên lụy… Có một ngoại lệ: noãn nghĩa là trứng chỉ dùng trong hai chữ noãn cầu và noãn sào.
N (nếu đi đầu) thường được kèm theo âm láy cùng vần (no nê, nợ nần, nao núng, nôn nao, nảy nở, nung nấu)
L có thể ghép với nhiều phụ âm khác (lệt bệt, la cà, lờ đờ, lò dò, lạnh lùng, lóc nhóc, lanh chanh, lắp bắp, loay hoay, lăng nhăng)
Lẫn lộn CH và TR:
- Những chữ chỉ đồ vật trong nhà, chỉ tên các loại quả, chỉ tên các món ăn, chỉ tên các hoạt động, chỉ quan hệ giữa những người trong gia đình và những chữ mang ý nghĩa phủ định thường có âm đầu ch.
Ví dụ: chăn, chiếu, chai, chén, chổi, chum, chạn, chõng, chảo, ... chuối, chanh, chôm chôm, cháo, chè, chạy, chặt, chắn, chẻ, ... cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt, chẳng, chưa, chớ, chả, ...
Những chữ mang dấu nặng và dấu huyền thường đi với TR.
– TR đi với dấu nặng: Trịnh trọng, trị giá, trụy lạc, trục lợi, trụ sở, vũ trụ, thổ trạch, trạm xá, hỗ trợ, triệu phú, trận mạc…
– TR đi với dấu huyền: Truyền thống, từ trường, trần thế, trù bị, trùng hợp, phong trào, lập trường, trầm tích, trừng trị…
CH luôn đứng đầu các tiếng có vần âm đệm (oa, oă, oe, uê).
Ví dụ: sáng choang, áo choàng, choáng váng, chập choạng, loắt choắt, chích choè, chí chéo, chuệch choạc, chuếnh choáng…
Âm láy: Cả CH và TR đều có âm láy và thường đi kèm với nhau như:
- CH: chông chênh, chen chúc, chăm chỉ, chân chất, chập chững, chòng chành, chập chùng…
- TR: tròn trĩnh, trùng trục, trăn trở, trơ tráo, trăn trối…
- CH được láy âm với các phụ âm khác ở vị trí đứng trước hoặc đứng sau.
Ví dụ như: Chơi bời, chèo bẻo, cheo leo, chìm lỉm, chi li, chói lọi, chểnh mảng, chào mào, chộn rộn, choáng váng, chờn vờn, chót vót, chơi vơi, chênh vênh, chạng vạng, loắt choắt, lau chau, lanh chanh, lã chã, loạng choạng, lởm chởm, loai choai…
- TR không được láy âm với các phụ âm khác, trừ bốn ngoại lệ: trọc lóc, trụi lủi, trót lọt, trẹt lét…
Những chữ nghe giống nhau, nhưng hoàn toàn khác nghĩa: Tra: lắp vào (tra cán dao), tên một loài cá. Tra còn có nghĩa là khảo xét (tra cứu, tra khảo, tra tự điển), điều tra.
Chác: kiếm chác, đổi chác, Chát: vị chát, rượu chát, tiếng kêu chát chúa Trác: trác tuyệt, trác táng, bị tổ trác Trát: phết vào (trát bùn, trát vách) Trát còn có nghĩa là tờ công văn (trát tòa)
Lẫn lộn HOA, OA, QUA:
Hoa: hoa quả, hoa mắt, hoa hậu, hoa liễu, có hoa tay, tóc hoa râm, quỳnh hoa Oa: oa trữ, khóc oa oa Qua: tiếng xưng hô với nhau, qua đường, qua cầu, qua bữa, qua quýt, qua lại, qua loa, qua mặt, qua ngày đoạn tháng, qua sông phải lụy đò, tai qua nạn khỏi Hòa: hòa vốn, xử hòa, hòa tan, hòa bình, hòa lạc, hòa giải, hòa thượng
Quà: món quà tặng, quà bánh Òa: khóc òa
Ngoài ra, còn những chữ thông dụng hàng ngày mà chúng ta vẫn khó tránh sự nhầm lẫn khi xử dụng chúng, sau đây là những ví dụ:
“Giả Thuyết” và “Giả Thiết”
"Giả thuyết" là một luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng nào đó và tạm được chấp nhận tuy chưa được kiểm chứng.
"Giả thiết" là điều cho trước trong một định lý hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận để giải bài toán.
Như vậy, cả hai chữ đều đúng, nhưng có nghĩa khác nhau.
“Độc giả” hay “đọc giả”
"Độc giả" là chữ Hán Việt, "độc" nghĩa là "đọc" hay "học" và "giả" nghĩa là "người". Chữ "độc giả" có nghĩa là "người đọc".
"Đọc giả" gồm "đọc" là một chữ Việt ghép với chữ Hán Việt "giả" là một sự kết hợp không hợp lý. Như vậy, "độc giả" mới là chữ đúng.
“Chín mùi” hay “chín muồi”
"chín muồi" là (quả cây) rất chín, đạt đến độ ngon nhất.
"chín mùi” không có nghĩa gì cả.
Như vậy, "chín muồi" mới là chữ đúng.
“Nhậm chức” hay “nhận chức”
Theo nghĩa Hán Việt, "nhậm" là gánh vác nhiệm vụ; "chức" là chức trách, bổn phận. "Nhậm chức" là giữ chức vụ, gánh vác, đảm đương chức vụ được giao cho.
Trong khi đó, chữ "nhận chức" là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó.
Do đó, chữ đúng là "nhậm chức".
“Chẩn đoán” hay “chuẩn đoán”
"Chẩn đoán": chữ "chẩn" có nghĩa là xác định, phân biệt dựa theo những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; "đoán" có nghĩa là dựa vào cái có sẵn, đã thấy, đã biết để tìm cách suy ra điều có thể xảy ra.
Như vậy, "chẩn đoán" có nghĩa là xác định bệnh, dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm Ví dụ: Chẩn đoán bệnh có đúng, thì điều trị mới có hiệu quả.
Trong khi đó, chữ "chuẩn" trong từ "chuẩn đoán" chỉ có nghĩa là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, rồi hướng theo đó mà làm.
Vì vậy, "chẩn đoán" mới là chữ đúng.
Kim Trang
Tham khảo: thegioichu.com,123Doc.com, Kenh14.com, soha.com
Giờ mới rõ là nước ta khg có một Hàn Lâm Viện. hic hic
Chúng ta tìm tòi, gom góp những từ ngữ để góp phần vào việc bảo tồn ngôn ngữ Việt Nam, một công việc phải nói là rất phức tạp. Bởi chữ quốc ngữ phát triển vào đầu thế kỷ 20 mà vẫn chưa có một hệ thống hoàn chỉnh, rõ ràng trong tiêu chuẩn từ cách viết đến nghĩa của chữ. Và quan trọng nhất là nước ta chưa có được một Hàn Lâm Viện để đối chiếu cái sai, cái đúng. Chỉ là học từ Thầy, Thầy dạy sao nghe vậy. Và không phải thầy nào cũng như nhau... Bây giờ nói “đúng hay sai” thì đó chỉ là ý kiến mà không có chứng cứ từ Hàn Lâm Viện. Ngay cả các cụ như Tạ Quang Khôi, Hoàng Hải Thủy, Vũ Hối, Vi Khuê, Lê thị Ý, Uyên Thao... vẫn tránh không trả lời rõ là X hay S.... Cho nên, đọc được chữ nào, hiểu rõ chữ đó. Ai muốn theo cứ theo, vui vẻ cả làng và tránh đụng chạm.
Chữ Chia Xẻ chúng tôi học trước năm 75 là X không là S , chữ San sẻ là danh từ là sự cho biếu , và cùng đồng nghĩa với chia xẻ , nhưng vì sau chữ San không thể dùng trước chữ X ( ngoại lệ) nên phải dùng chữ sẻ là chữ S thành chữ San Sẻ < ngoại lệ > , và chữ Xử dụng là X không là S , sau khi chế độ VNCH tan rã , thì nền giáo dục cũng mất dần , khi Nguyễn T Dũng làm thủ tướng viết tiếng Việt sai thì hệ thống giáo dục chính tả hoàn toàn sai . Người trên viết sai , người dưới không dám sửa lỗi chính tả họ , thì sao , hệ thống giáo dục suy đồi , tiếng Việt tiếng Mẹ đẻ mà ghi sai thì còn nói làm gì nữa , dấu ? dấu ~ sai bét. Không hiểu thấu đáo nghĩa thì chữ viết sai là vậy , với lại nếu có học trước nền giáo dục từ 1955- 1975 thì hoặc may ra viết chữ tiếng Việt Quốc Ngữ hy vọng đúng chính tả.
Trong chữ "Chia xẻ", có chữ "chia" và chữ "xẻ", 2 chữ này có cùng nghĩa, nên "chia xẻ" là chữ ghép đúng nghĩa, theo tự điển tiếng Việt "truyền thống".
Còn trong chữ "chia sẻ", chữ "sẻ" không phải là tiếng đệm (không cùng vần điệu), cũng không phải là chữ ghép (vì "sẻ" không cùng phụ âm "ch" với "chia"), nên chữ "chia sẻ" không có nghĩa.
Chữ "sẻ" chỉ có thể là chữ đệm trong "san sẻ" mà thôi (vì cùng vần điệu, tương tự như chữ "mẻ" trong "mới mẻ" vậy).
Chữ "chia sẻ" là chữ mới trong tiếng Việt XHCN (sau 1975), chứ không tồn tại trong tiếng Việt "truyền thống"!
Nói đến cặp từ này, không ít bạn khẳng định “chia sẻ” mới là từ đúng bởi mọi người đã sử dụng rất thường xuyên, rất ít gặp từ “chia xẻ”. Nhưng bạn có biết, hai từ này đều được sử dụng, mặc dù nghĩa của chúng có phần khác nhau.
Từ “chia sẻ”, “chia” có nghĩa là làm nhỏ ra thành từng phần từ một chỉnh thể; “sẻ” là chia bớt, lấy ra một phần. Do đó, “chia sẻ” có nghĩa là cùng chia với nhau để cùng hưởng, hoặc cùng chịu. (ví dụ: Chia cơm sẻ áo, chia sẻ buồn vui). “Chia xẻ” – “chia” vẫn có nghĩa là làm nhỏ ra thành từng phần từ một chỉnh thể, trong khi đó “xẻ” nghĩa là chia, bổ, cắt cho rời ra theo chiều dọc, không để dính liền nhau, hay nghĩa là đào cái gì cho thông, thoát (Ví Dụ: xẻ rãnh thoát nước).
nguon dichthuatnhanhhanoi
Mình dùng CHIA XẺ :-)
"Chia ngọt sẻ bùi tình cố cựu Chia năm xẻ bảy mộng công hầu "
CHIA SẺ một thứ gì thì thứ đó vẫn còn nguyên, còn nếu mình CHIA XẺ nó thì nó bị chia ra thành những phần nhỏ hơn.
Thí-dụ: CHIA SẺ một cảm nghĩ thì cái cảm nghĩ đó vẫn nguyên vẹn, không mất mát; CHIA XẺ một trái cam thì dĩ nhiên phải cắt trái cam ra từng miếng nhỏ... Cho nên CHIA SẺ mới là chữ đúng.