LUẬT SƯ DƯỚI CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HOÀ ĐƯỢC ĐÀO TẠO NHƯ THẾ NÀO ? (Bài chia sẽ từ một thân hữu nguyên là luật sư trước năm 1975)
Nhân trước đây có nhân vật tự xưng Luật Sư Toà Thượng Thẫm Saigon kiêm vũ sư ( chưa bao giờ tác chiến), mình xin trình làng lời của Luật Sư thực thụ Nguyễn Vạn Bình về quá trình để trở thành một luật sư của Việt Nam trước 1975, thằng nào còn nổ bậy như thượng sĩ thành đại tá vì nghĩ rằng không ai biết thì shut up đi nhé!
TÌM HIỂU NGHỀ LUẬT SƯ DƯỚI THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA
Dù rằng ngành Luật giúp cho các sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong nhiều lãnh vực như: ngoại giao, ngân hàng, kinh tế, hành chánh, thương mãi, thẩm phán v.v. nhưng có thể nói nghề luật sư là ước vọng của hầu hết các sinh viên Luật dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Bài viết sau đây, chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho các đồng môn và quí độc giả biết sơ qua về nghề luật sư dưới thời VNCH.
Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 có hai Luật Sư Đoàn: Luật sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Huế quản hạt kéo dài từ Quảng Trị đến Nha Trang. Luật sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Sàigòn có quản hạt kéo dài từ Phan Thiết đến Cà Mau.
Theo Luật số 1/62 ngày 8-1-1962 được ban hành bởi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ấn định qui chế Luật Sư và tổ chức Luật Sư Đòan như sau:
I- LUẬT SƯ TẬP SỰ: Muốn được ghi danh vào Danh Biểu Luật Sư Tập Sự, các đương sự cần hội đủ các điều kiện: - Có quốc tịch VN - Đủ 21 tuổi kể từ ngày nộp đơn - Có Cử Nhân Luật do đại học VN cấp hay văn bằng cử nhân Luật tương đương của ngoại quốc được Bộ Quốc Gia Giáo Dục công nhận. - Không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá. - Không hành xử một nghề nào bất khả kiêm nhiệm với nghề luật sư. - Được văn phòng của một luật sư thiệt thọ nhận làm tập sự.
Mỗi luật sư thiệt thọ chỉ nhận được 2 luật sư tập sự, trừ khi được Hội Đồng Luật Sư cho phép có thể nhận được 4 luật sư tập sự.
Trước khi hành nghề, luật sư tập sự phải tuyên thệ tại Tòa Thượng Thẩm trước sự chứng kiến của vị Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm. Lời thề như sau: "Tôi thề với tư cách luật sư không nói hay công bố điều gì trái luật pháp, thuần phong mỹ tục, an toàn quốc gia và an ninh công cộng. Không bao giờ xử sự thiếu tôn kính đối với tòa án và nhà cầm quyền."
Luật sư tập sự có nhiệm vụ: - Phải chuyên cần tham dự các hoạt động nghề nghiệp dưới sự điều khiển của vị Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn - Thực tập các qui tắc và tập quán truyền thống của nghề nghiệp - Chuyên cần đến dự các phiên tòa - Chuyên cần làm việc tại văn phòng luật sư thiệt thọ
Sau thời hạn tập sự 3 năm, luật sư tập sự phải qua một kỳ thi để trở thành luật thiệt thọ. Luật sư tập sự chỉ có quyền dự thi tối đa 3 lần, mỗi năm 1 lần. Nếu rớt cả 3 lần thì bị loại ra khỏi nghề luật sư .
Thể thức thi gồm phần thi viết và phần thi vấn đáp. 1) Phần thi viết, thí sinh phải lập lý đoán một vụ kiện về Hộ (đề thi do ông Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm đưa ra).
2) Nếu đậu thi viết, thí sinh sẽ qua phần thi vấn đáp: * Về Hình Luật do vị Hội Thẩm Tòa Thượng Thẩm hỏi. * Về Hộ do ông Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm hỏi. * Về Luật Trước Bạ do Giám Đốc Nha Trước Bạ hỏi. * Sau cùng là về trách nhiệm và đạo đức của nghề Luật sư do vị Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn nêu ra.
Sau khi thi đậu phần vấn đáp, thí sinh sẽ dự thi phần biện hộ về Hình .Các thí sinh sẽ bốc thăm một vụ Hình đã được xử trước đây. Mỗi thí sinh được 15 phút nghiên cứu hồ sơ và sau đó lên biện hộ trước thành phần Ban Giám Khảo gồm có vị Chánh Nhất, hai vị Hội Thẩm và Thủ Lãnh Luật sư Đoàn.
II- LUẬT SƯ THIỆT THỌ: Muốn được ghi danh vào Danh Biểu Luật Sư Thiệt Thọ, thí sinh cần hội đủ những điều kiện sau đây: - Có quốc tịch VN - Đủ 24 tuổi - Có văn bằng cử nhân Luật do đại học VN cấp hay văn bằng cử nhân Luật tương đương do ngoại quốc cấp được Bộ Giáo Dục công nhận - Có hạnh kiểm tốt và không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá - Trúng tuyển kỳ thi mãn hạn luật sư tập sự - Được miễn thời gian 3 năm tập sự dành cho những vị giáo sư Luật có thời gian dạy học liên tục 3 năm. Các thẩm phán ngạch tư pháp và hành chánh đã giữ chức vụ tại các tòa án tư pháp và hành chánh hay tại Bộ tư Pháp trong thời hạn 3 năm. Nếu các thẩm phán, giáo sư, giảng sư , giảng viên không có đủ thâm niên 3 năm thì phải tập sự thêm một thời hạn để có đủ 3 năm thâm niên. - Phải cư ngụ trong quản hạt của Tòa Thượng Thẩm. - Không được kiêm nhiệm với mọi chức vụ tư pháp hay hành chánh. Tuy nhiên, luật sư có thể kiêm nhiệm chức vụ giáo sư, giãng sư hay giãng viên tại các đại học. - Mỗi luật sư thiệt thọ chỉ được mở một văn phòng trong quản hạt Tòa Thượng Thẩm.
III- HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ : Hội Đồng Luật Sư là một tổ chức do đại hội gồm các Luật sư Thiệt Thọ bầu ra vào tháng 3 mỗi năm để quản trị Luật sư Đoàn. Thành phần Hội Đồng Luật Sư gồm có: Vị Thủ Lãnh là chủ tịch Hội Đồng. 21 Hội Viên Thiệt Thọ và 13 Hội Viên Dự Khuyết. Chỉ những luật sư đã có 10 năm thâm niên kể từ ngày tuyên thệ mới được bầu làm Thủ Lãnh. Các luật sư thiệt thọ có ít nhất 3 năm thâm niên mới được bầu vào Hội Viên Thiệt Thọ và Hội Viên Dự Khuyết. Được biết gần thời gian trước năm 1975, Luật Sư Đòan Sàigòn có các vị thủ lãnh: luật sư Hồ Tri Châu, luật sư Nguyễn Ngọc San, luật sư Trần Văn Tốt và sau cùng là luật sư Trần Văn Tuyên.
IV- NGHĨA VỤ TỔNG QUÁT Các luật sư tập sư hay thiệt thọ ngoài khà năng chuyên môn về luật pháp, còn cần thêm những đức tính căn bản sau
1- Độc Lập: Không lệ thuộc ai, không bị chính quyền hay tòa án chỉ huy, không hành động vì quyền lội cá nhân để giúp cho công lý được điều hành tốt đẹp 2- Ngay Thật: Phải ngay thật trong tư tưởng, lời nói và trung trực trong hành động hầu đạt được sự tín nhiệm của các thân chủ, bạn đồng nghiệp và của tòa án 3- Bất vụ Lợi: Luật sư không lấy nghề làm chủ đích để làm tiền hay làm giàu mà để phụng sự cho một lý tưởng là quyền bào chữa và phục vụ cho công lý.
Ngoài ra, các luật sư cũng còn cần giữ sự thân thiện , tương kính giữa các đồng nghiệp, sự kính trọng với các thẩm phán và giữ kín những điều bí mật không làm thịệt hại đến quyền lợi của các thân chủ .
V- KỶ LUẬT: Các luật sư có thể bị trừng phạt bằng những biện pháp kỷ luật của Hội Đồng Luật Sư khi vi phạm những nguyên tắc hành nghề hoặc theo lời yêu cầu của Chưởng Lý hay theo đơn khiếu nại được gởi đến Hội Đồng Luật Sư. Hoặc khi luật sư vi phạm lời tuyên thệ bằng lời nói hay bút tự trước Tòa có thể bị Tòa án đang thọ lý xử phạt ngay chiếu khởi tố trạng của Công Tố Viện. Hoặc khi luật sư tiết lộ bí mật sự thẩm cứu như việc cho những người khác hay biết những chi tiết trong hồ sơ công bố tài liệu, văn kiện, thơ từ liên quan đến việc điều tra đang tiến hành.
Sau khi thụ lý, Hội Đồng Luật Sư sẽ ủy nhiệm một nhân viên mở cuộc điều tra, nghe nhân chứng nếu cần và làm phúc trình cho Hội Đồng. Sau đó, Hội Đồng sẽ quyết định đình cứu hay truy tố. Nếu Hội Đồng Luật Sư quyết định truy tố, Hội Đồng sẽ nói rõ những hành vi khiển trách và định ngày cho luật sư bị khiển trách ra trước Hội Đồng Kỷ Luật.
Nếu luật sư bị đưa ra Hội Đồng Kỷ Luật là một lụật sư tập sự thì Hội Đồng Kỷ Luật sẽ được tăng cường thêm hai luật sư tập sự chọn theo thứ tự thâm niên ghi trên danh sách .
Khi Hội Đồng Luật Sư thụ lý một việc do sự can thiệp của Chưởng Lý mà không quyết định trong thời hạn hai tháng đối với luật sư bị trách cứ có mặt hay sáu tháng đối với luật sư bị trách cứ vắng mặt kể từ khi nhận được lời yêu cầu, thì ông Chưởng Lý có thể đưa nội vụ ra trước tòa thượng thẩm. Tòa nầy dùng quyền di thẩm mà xét xử .
Những khoản trừng phạt về kỷ luật là : - Cảnh cáo - Khiển trách - Đình chỉ hành nghề hay tập sự không quá một năm hay gạch tên trên Danh Biểu Luật Sư Đoàn. Việc trừng phạt kỷ luật của luật sư vẫn không làm trở ngại đến quyền của công tố viện hay của dân sự nguyên cáo khi cho rằng có lý do chính đáng để truy tố một luật sư trước tòa án để xin trừng phạt các hành vi phạm pháp về tiểu hình hay đại hình của luật sư đó.
LS Nguyễn Vạn Bình