Kể từ đầu thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ đã trở thành phương tiện truyền thông dưới hình thức chữ viết dựa theo tiếng nói, để diễn đạt trong các sinh hoạt xã hội và đời sống tình cảm của mỗi con dân nước Việt. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) được coi là người có vai trò quan trọng nhất trong tiến trình cải tiến và hệ thống hóa một cách rất công phu chữ Quốc Ngữ như chúng ta đọc và viết ngày hôm nay qua hai quyển sách Từ điển “An Nam - Bồ Đào Nha - Latin” (còn gọi là Từ điển Việt - Bồ - La).
Đến ngày nay trải qua trên 300 năm, chữ Quốc Ngữ, tiếng Việt “truyền thống” đã trở nên vững vàng, mạch lạc và sinh động. Tiếng Việt đã thấm sâu vào đời sống và sự suy nghĩ của người dân Việt. Ẩn trong từng chữ là linh hồn của cả dân tộc Việt. Cái phần hồn đó được thể hiện qua cách xử dụng sáng tạo nơi người viết và tinh thần tìm hiểu chủ động nơi người đọc.
Tiếng Việt là tài sản chung của đất nước, của dân tộc Việt. Chúng không thuộc quyền sở hữu của một chính thể, một chế độ hay một phe phái chính trị nào. Theo dòng lịch sử, bất kỳ đảng phái, chính thể, chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi, nhưng ngôn ngữ và chữ viết thể hiện tinh hoa tiếng nói của một dân tộc sẽ tồn tại mãi, như học giả Phạm Quỳnh đã từng nhận xét “Tiếng Việt Còn, thì Nước Việt Còn.”
Do đó, chuyện “cải tiến chữ quốc ngữ” (như trong qui định của bộ giáo dục XHCN) là chuyện liên quan đến tất cả những người sử dụng nó, có nghĩa là ảnh hưởng tới hơn 90 triệu người dân Việt trong nước và 4 triệu dân Việt ở hải ngoại.
Văn hóa Việt Nam là cả một sự thừa kế tinh ròng từ thời Hồng Bàng, qua các thời đại huy hoàng của Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Từ các áng văn chương, lịch sử trác tuyệt của các cụ Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn. Rồi khi chữ Quốc Ngữ được phát minh, nó lại được chắp cánh thêm bởi Trương vĩnh Ký, Tản Đà, Nam Phong Tạp Chí, Hoàng Xuân Hãn, Tự Lực Văn Đoàn. Rồi khi “di cư” vào Miền Nam, nó lại được phong phú hoá, đa dạng hoá, văn chương hoá bởi các Nhóm Sáng Tạo, Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Phạm Thiên Thư, Phạm Duy…
Từ 1954-1975, khi đất nước chia đôi, miền nam Việt Nam đã nối tiếp truyền thống văn hóa dân tộc và dẫn đầu cả nước về phương diện ngôn ngữ và văn hóa, với sự liên tục hoàn chỉnh bởi các học giả trong những viện đại học, những viện nghiên cứu độc lập, những tổ chức văn hóa, ngôn ngữ, hằng chục tờ báo ngày độc lập, hằng trăm tập san, hằng ngàn tài liệu nghiên cứu...
Góp phần thêm vào văn chương Miền Nam lại có Đồ Chiểu, Bình Nguyên Lộc, Hồ Biểu Chánh rồi về ngôn ngữ triết học lại có các học giả như : Nguyễn Đăng Thục, Cao Văn Luận, Phạm Công Thiện, Trúc Thiên, Tuệ Sĩ, Trí Siêu. Về mặt ngôn ngữ ngoại giao, kinh tế, xã hội, hành chánh, y khoa, giáo dục thì có các bậc thầy như: Nguyễn Cao Hách, Đoàn Thêm, Vũ Văn Mẫu, Phạm Biểu Tâm…Tất cả đã kế thừa, đóng góp, lưu truyền và đúc kết cho sự hoàn thiện ngôn ngữ Việt Nam: Tiếng Việt truyền thống - linh hồn của dân tộc Việt. Và trên hết, nhờ vào nền tự do tư tưởng và ngôn luận.
Trong khi đó, ở miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cả nước sau năm 1975, văn hóa và ngôn ngữ đã phải thay đổi theo chiều hướng XHCN, với sự xuất hiện của nhiều ngôn từ và cú pháp mới, phát sinh từ nếp sống XHCN và ảnh hưởng Hoa Lục mà những người Việt hải ngoại khó cảm nhận được.
Theo yêu cầu của một số thân hữu, tôi đã tham khảo và xin đăng một số chữ mới tiêu biểu, góp nhặt từ tiếng Việt "mới” (hay tiếng Việt XHCN) từ chiến dịch “cải tiến chữ Quốc Ngữ“ để các bạn cùng phân tích và nhận định sự khác biệt về ý nghĩa của chúng, so với tiếng Việt "truyền thống”.
A. Đổi chữ
1. Đổi mẫu tự trong một chữ:
a) Y thành I:
Thí dụ như: thế kỉ (thế kỷ), thẩm mĩ (thẩm mỹ), kỉ luật (kỷ luật), lí lẽ (lý lẽ), Mĩ (Mỹ, Hoa Kỳ)… và “quy định” này đã để lại nhiều thiếu sót nghiêm trọng, đôi khi khiến người đọc phải lúng túng khi gặp những chữ có chứa mẫu tự “Y” nếu được thay thế bằng “I”, như “thủy tinh,” “Thanh Thúy,” “nguy cơ,” “huy hoàng,” “khuy áo”, “ý nghĩa”, “ỷ lại”, “kỹ lưỡng”…
b) C thành K:
“Đường cách mạng” viết thành ra là “Đường kách mệnh”, thay cho Bắc Cạn là Bắc Kạn (nhưng sao lại không viết là “Bắk Kạn” cho nó thống nhất với chữ Đắk Lắk?). Trong khi đó các chữ ùn tắc, lâm tặc, cát tặc, hiện thực, bực tức ... thì lại giữ y nguyên mẫu tự “C” truyền thống ở mẫu tự cuối cùng? khiến người đọc không khỏi hoang mang…
2. Đổi thứ tự của chữ kép:
Dùng chữ cũ với nghĩa cũ nhưng lại đảo ngược chữ một cách không cần thiết như: triển khai, đảm bảo (nhưng vẫn giữ “thư bảo đảm”?), kiếm tìm, lớp trưởng, xa xót, giản đơn, nhóm trưởng, chối từ (nhưng không thấy đổi chữ “le lói” thành “lói le”?).
3. Thay chữ cũ bằng chữ mới mà không cần biết có hợp lý hay hợp nghĩa không!?
a) Thay Chữ Nôm:
Lái xe (tài xế), hãy thử nói câu “Lái xe gặp lái xe rồi cùng nhau lái xe đi!, Tổ lái (Phi hành đoàn), lính Thủy đánh Bộ (TQLC), máy bay lên thẳng (trực thăng), tốp ca (hợp ca), đứng lớp (dạy học), lệch pha (không ăn khớp), phượt (du lịch?!), thủy thủ gái (nữ thủy thủ), múa đôi (khiêu vũ), đuối nước (chết đuối), mặt bằng (diện tích), kênh (băng tần, đài), lốp (bánh xe), thông thoáng (quang đãng), đắng lòng (đau lòng), tờ rơi (truyền đơn), ma túy đá (bạch phiến), phá án (khám phá các vụ án), sự cố (trở ngại, trục trặc), cơ trưởng (phi công trưởng), xe con (xe du lịch), giá mềm (giá rẻ), khâu (bộ phận, ngành), đường băng (phi đạo), cụm từ (nhóm chữ), thông thoáng (quang đãng), chất xám (trí tuệ), chế độ (quy chế), bài nói (diễn văn), cái đài (radio), kênh (băng tần), sơ tán (tản cư), tên lửa (hỏa tiễn), cứu hộ (cứu cấp), bóng đá (đá banh, túc cầu)…
Ngoài ra, còn những chữ nghe rất khiếm nhã như: xưởng đẻ (nhà bảo sinh), nhà ỉa (cầu tiêu), lính gái (nữ quân nhân), đái tháo đường (tiểu đường), ùn tắc (tắt nghẽn), nổi cộm (nổi bật), cầu lông (vũ cầu), chụp hình tự sướng (tự chụp hình), đầu ra, đầu vào (xuất lượng, nhập lương), kinh qua (trải qua), nắm bắt (nắm vững), ung bướu (ung thư), bí kíp (bí quyết), cục đường biển (cuộc hàng hải), cục đường sắt (cuộc hỏa xa), phần cứng, phần mềm (cương liệu, nhu liệu), cái nồi ngồi trên cái cốc (cafe phin)...
Thí dụ: "Giải phóng mặt bằng" (San bằng nhà cửa). Cả hai chữ "giải phóng" và "mặt bằng" ở đây đều vô nghĩa. Chữ "giải phóng" thường dùng cho người, như "giải phóng nô lệ" chứ không ai nói giải phóng nhà cửa hay giải phóng cây cối.
“Máy ủi mặt bằng” (máy ủi đất) – đã là “mặt bằng” rồi, thì còn ủi gì nữa?
b) Thay Chữ Hán-Việt:
Dùng những chữ khó hiểu một cách không cần thiết!
Đại trà (quy mô lớn), chất lượng (không phân biệt số lượng với phẩm chất), liên hệ (liên lạc), hồ hởi (phấn khởi), quan hệ (làm tình?), phi vụ (dịch vụ? nghe như một chuyến bay), Viện Da liễu (không có nghĩa gì cả), phát hiện (phát giác), nội hàm (bao gồm), sinh chứng (giấy khai sinh), khắc phục (chịu đựng), đề xuất (đề nghị), đột xuất (bất ngờ), phó tiến sĩ (cao học), triều cường (là nước đi lên; chỉ là một nửa của thủy triều. Thủy triều là “nước lên và nước xuống”), chuyên cơ (máy bay riêng của Tổng thống), nội thất (bàn ghế trong nhà), nội y (đồ lót, nhưng chữ "nội y" khiến người ta liên tưởng đến bác sĩ trong cung đình), quán triệt (hiểu rõ), quân hàm (cấp bực), đại táo, tiểu táo (nấu ăn chung, nấu ăn riêng), đột xuất (bất ngờ), kiệt xuất (xuất sắc), xuất khẩu (xuất cảng), xác minh (xác nhận), dự kiến (phỏng định), hạch toán (kế toán), học vị (bằng cấp), hộ chiếu (sổ thông hành), hậu cần (tiếp liệu).
Ngoại hình (hình dáng bên ngoài), đột tử (chết bất tử), bảo kê (bảo hiểm), cảnh báo (báo động), dự báo (tiên đoán), tuyến đường (đường), hiển thị (hiện ra), động thái (chuyển động), kinh điển (hay, đẹp), đột biến (chợt thay đổi), cá thể (một con), thể lực (sức lực), giáo án (bài soạn trước để dạy), tư duy (suy nghĩ), thư giãn (nghỉ ngơi), thuyết phục (rõ ràng, hợp lý), kiều hối (ngoại tệ), đáp án (bài giải), truy cập (vào trang thông tin điện tử). Chữ "truy" là truy nã, đuổi theo, tại sao xem tin tức lại là "đuổi theo"?
"Mặc định" (hiểu ngầm). Chữ khó hiểu quá! từ điển Việt và Hán-Việt đều không có chữ này!
Tranh thủ (cố gắng), đăng ký (ghi tên), quán triệt (hiểu rõ), đề xuất (đề nghị), bảo quản (che chở), "bổ túc bồi dưỡng" (ăn uống đầy đủ), "bổ túc văn hóa" (học thêm), miễn nhiệm (cách chức), bổ sung (thêm vào), bất cập (thiếu sót), khí tài (vật dụng chiến tranh), hải quan (quan thuế, chữ hải này không liên quan tới biển!), bức xúc (trăn trở), trí tuệ (kiến thức), động não (vận dụng trí óc), quyền lực (thế lực)…
Thí dụ: “Quen biết trở thành thứ quyền lực mà người ta có thể mang ra để thách thức luật pháp.” (VnExpress) Ở đây không phải là quyền lực mà là "thế lực". Quyền lực là sứ mạnh của người nắm quyền. Còn thế lực là sức mạnh dựa vào một người có quyền…chẳng hạn như người thân của người nắm quyền. Thí dụ: “Ông ta là người rất có thế lực vì là bố vợ của ông giám đốc công an tỉnh.”
B. Ghép chữ Hán-Việt và chữ Nôm:
Việc ghép chữ này đã khiến từ ngữ thêm nặng nề (đao to búa lớn) một cách không cần thiết.
Thí dụ: chữ "siêu": siêu sao, siêu mẫu, siêu rẻ, siêu bèo, siêu lạ, siêu nhanh, siêu mỏng, siêu kinh điển (?), đa mầu sắc, múa đôi, tăng tốc, cảng biển (hải cảng), bức xúc (dồn nén, bực tức), giải mã (giải thích), ngoại hình (dáng vẻ), cấp tính (dữ dội), trầm cảm (chán đời), sở hữu (có), trọng thị (coi trọng), giáo trình (chương trình giảng dạy), khẳng định (chứng tỏ), lý giải (giải thích), ẩm thực (ăn uống), đường cao tốc (xa lộ), lễ tân (tiếp tân), nghệ nhân (nghệ sĩ), nhân thân (người thân).
Thí dụ: “Việc xử lý xe quá tải vẫn còn nhiều bất cập” (nhiều thiếu sót)
“Diễn viên X đã khẳng định được tài năng của mình” (diễn viên X đã chứng tỏ được tài năng của mình). Khẳng định là xác định một cách mạnh mẽ một sự kiện, một lời tuyên bố. Còn tài năng thì phải chứng tỏ cho người ta thấy.
“Cơ cấu lại vốn” trong đó “cơ cấu” là Hán, “lại” và “vốn” là Nôm - Một sự ấp úng giữa tiếng Tầu và tiếng Việt, đưa tới hiện tượng ngôn ngữ lai căng.
“Kích cầu” (kích thích kinh tế, tiêu thụ) tự điển Việt Nam không có hai chữ kích cầu mà chỉ có: kích thích, kích hỏa, kích động như kích động nhạc.
Động thái (hành động) (chữ "động thái" là chữ ghép của "hành động" (action) và "thái độ" (behaviour), nhưng hai chữ này không liên quan nên chữ ghép này không có nghĩa.
Khác với hành động biểu lộ ra ngoài, có thể quan sát được, thì động cơ (động lực, motivation) tiềm tàng bên trong, là sức ngầm thúc đẩy hành động. Thí dụ: “Cảnh sát tạm thời chưa có hành động gì cho tới khi tìm ra động lực của vụ giết người”.
"Ăn mặc phản cảm" (ăn mặc hở hang, lố lăng), "phản biện" (ý kiến đối nghịch)
“Siêu sao chân dài”, “bánh đa siêu mỏng”, “máy siêu cao kỹ”, “tầu siêu tốc”, "quản lý" (sở hữu), "làm chủ" (nô lệ), "cải tạo" (tù khổ sai), tiến sĩ hữu nghị (tiến sĩ giấy), "trúng tuyển nghĩa vụ quân sư" (bị gọi đi quân dịch): đây là lối nói ngoa (hoa ngôn còn gọi là nói phét).
C. Dùng trực tiếp chữ ngoại quốc một cách không cần thiết
Teen (tuổi vị thành niên), hot (hot girl, hot boy), sốc (“shocked”), cờ-clip (clip), bờ-lốc (blog), phây (facebook), pa-nô (biển, tấm bảng), băng rôn (biểu ngữ), casino (sòng bạc), gu (sở thích), xả stress (làm bớt căng thẳng), ống tuýp (tube), lô-cốt (pháo đài), ô-tô (xe hơi), gym (phòng tập thể dục), logo (huy hiệu), stress (căng thẳng thần kinh), áp-phích (bích chương), lô-gích (luận lý), mô típ (đối tượng), boa (tiền tặng), vi rút (virus)…
Thí dụ: “Thử thách gu thẩm mỹ style mix trùng họa tiết” (trích báo trong nước). Ba đế quốc Tầu, Tây, Mỹ hiện diện trong một câu… không ai hiểu cả!
“Mô típ trong nghệ thuật kiến trúc” (trích báo trong nước).
D. Dùng chữ ngoại ngữ phiên âm:
Phiên âm tùy hứng không có quy luật gì cả, thí dụ như: Ốt-tra-lia (Australia), Ít-ra-en (Israel), Oa-sinh-tơn (Washington); Ác-Hen-ti-na (Argentina), Bo (pourboire, tips), Top (đứng hàng đầu), quá đát (outdated, quá hạn), Đixcua (discours, diễn văn), mít tinh (buổi họp)…
Ngoài ra, còn có những phiên âm tên riêng mà không kèm theo chữ gốc, như Sôvanh nước lớn (Chauvin: tên người lính “yêu nước” của Napoleon), Humphây, Xitavit, Xtôntenbe, Cạctơ, AiSânHao, Các Mác, Xíchtalin…
E. Dùng chữ lóng / chữ đường phố, của giới giang hồ
Rò rỉ (tiết lộ), ném đá (chỉ trích), ùn tắc (kẹt, nghẹt), dao kéo (giải phẫu), nhí (nhỏ bé, nhi đồng), gái (điếm), bèo (rẻ), cháy (hết), săm soi (tìm hiểu), dỏm (giả), chui (lén lút), phượt (du lịch), chảnh (làm tàng), giá trần (giá cao nhất), giá sàn (giá thấp nhất), đột biến (bất ngờ), khó cưỡng (hấp dẫn), đại gia (nhà giàu), đồ khủng (đồ mắc tiền), hàng độc (đồ quý), chân dài (sexy), máu (mê), phết (ra phết), chui (lén lút), hâm, tửng (khùng), quá tải (quá mức)…
Thí dụ: “cô ấy đẹp khó cưỡng” (chữ này gây hiểu lầm, vì khó cưỡng, nên có thể làm bậy?),
“giá vàng tăng đột biến” (tăng bất ngờ), ”đột biến” để chỉ một tình thế bỗng nhiên thay đổi, rẽ sang một hướng khác. Đột biến thường nói đến sự khủng hoảng. Còn “bất ngờ” chỉ là sự không dự liệu và tiên đoán trước. Thí dụ: “Cháu nó bất ngờ đổi ý kiến không làm cho hãng ấy nữa”.
F. Sai văn phạm
1) Dùng danh từ thành tĩnh từ
“Bản nhạc ấn tượng?!” (bản nhạc gây ấn tượng)
“Chị ta sống rất hoàn cảnh?!” (hoàn cảnh sống của chị ra sao?)
2) Danh từ thành động từ
“Hôm nay khả năng trời không mưa?!” (trời có thể không mưa) ,
“Tôi không cho anh em lên chức thì anh em tâm tư?!” (anh em thắc mắc)
3) Tĩnh từ thành động từ
“Anh cứ vô tư?!”, nói đúng là: “anh cứ tự nhiên”
"Tôi đã liên hệ cô Lan". Chữ "liên hệ" là tĩnh từ, không thể dùng làm động từ như trong câu này. Nói đúng tiếng Việt, ta phải nói: "Tôi đã liên lạc với cô Lan".
"Các anh phải lao động tốt". Chữ "lao động" là tĩnh từ, không thể dùng làm động từ. Cái sai văn phạm thứ hai của câu trên là "tốt" là tĩnh từ (như tánh tốt, phong tục tốt) nên cũng không thể dùng như trạng từ. Do đó, thay vì nói: "Các anh phải lao động tốt" thì phải nói: "Các anh phải làm việc giỏi".
“Các đồng chí khẩn trương lên!” (nhanh lên!)
4) Động từ thành danh từ
“Lãnh đạo đang sửa soạn cho đại hội đảng?!” (người ở cấp lãnh đạo...)
“Chảo chống dính” (chảo không dính) vì chữ chống là động từ, không thể dùng như danh từ.
“Thu nhập” (lợi tức) Thuế lợi tức trở thành thuế thu nhập, trong khi theo Từ Điển Việt Nam “thu nhập” là động từ, chỉ việc thu nhận tiền bạc chứ không phải số tiền kiếm được.
5) Trạng từ thành động từ
“Trời có khả năng mưa?!” (trời có thể mưa)
“Tranh thủ” (Lợi dụng/nhân cơ hội). Thí dụ:”Nhân cơ hội mỗi năm có một tháng nghỉ phép…” trở thành “tranh thủ mỗi năm có một tháng nghỉ phép…”tranh thủ “ở trong nước còn có nghĩa là “cố gắng” chẳng hạn như “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”.
6) Giới từ thành danh từ
“Trên bảo dưới không nghe!” (cấp trên bảo, cấp dưới không nghe)
7) Dùng thừa (dư) chữ
“Rau xanh” (rau nào chẳng xanh), cặp đôi (cặp là hai, đôi cũng là hai, như thế cặp đôi là bốn!), thể hình thể lực (sức vóc), phiên bản tiếng Việt (bản tiếng Việt, tự điển Tàu dịch “copy” là phiên bản), dự báo khí tượng thủy văn (dự báo thời tiết), kích cỡ lớn nhỏ (cỡ lớn, cỡ nhỏ - chữ "kích" đây dư thừa, không có nghĩa gì cả), đẩy nhanh tiến độ thi công (cố gắng).
Thí dụ: "Công nhân đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành kế hoạch" (Công nhân đang cố gắng để hoàn thành kế hoạch sớm)
8) Dùng chữ mất đầu:
Tuyển Việt Nam (Đội Tuyển Túc cầu Việt Nam), Cảng Hải Phòng (Hải cảng Hải Phòng), Hầm Thủ thiêm (đường hầm Thủ Thiêm), phí (lệ phí)…
“Bảo tàng” (Viện bảo tàng) Xin nhớ, viện bảo tàng là danh từ. Còn bảo tàng là động từ. Trong nước hiện có khuynh hướng “cắt cụt” tiếng Việt khiến nhiều danh từ trở nên vô nghĩa hoặc trùng với danh từ khác nhưng khác nghĩa.
“Viện” (bệnh viện)- xuất viện, nhập viện, nhưng có thể hiểu là viện bảo tàng, viện thẩm mỹ, viện dưỡng lão...
9) Dùng chữ mất đuôi:
Sư (sư đoàn), làm móng (làm móng tay), thoát Trung (thoát Trung Hoa hay thoát miền Trung?), căng (căng thẳng), trung học chuyên (trung học chuyên ngành), choáng (choáng váng), bang (tiểu bang), nhi (nhi đồng), trường học chuyên (trường học chuyên ngành)…
10- Dùng chữ không đúng nghĩa hay không rõ nghĩa:
Có rất nhiều chữ nhưng ở đây ta chỉ đưa ra một vài thí dụ điển hình:
"Bảo hành" (bảo đảm). Xe cộ, món đồ, máy móc được bảo đảm (warranty) chứ không phải bảo hành vì “hành” nghĩa là làm, làm gì ở đây mới được chứ?
"Bồi dưỡng kiến thức" (trau dồi kiến thức) chữ “bồi dưỡng” chỉ dùng cho ăn uống để lấy sức.
"Hải quan" (quan thuế), chữ "hải" ở đây không có nghĩa , vì không có gì liên quan đến biển trong này cả!
"Nón bảo hiểm" (mũ an toàn), chữ "bảo hiểm" (insurance) dùng không đúng nghĩa trong câu này.
"Nghiệp dư" (đi làm thêm), thật ra, nghiệp dư theo đúng nghĩa là nghề tay trái.
Diễu hành (diễn hành), chữ "diễu" nghe như làm trò hề ở ngoài đường!
"Lao động" (Công nhân). Rồi "chủ nhân" trở thành "người sử dụng lao động". Thí dụ: “Xí nghiệp A có 2000 lao động.” Trong khi từ điển tiếng Việt trong nước định nghĩa "lao động" là “Sự khó nhọc đem ra để làm việc như giới lao động”. Mâu thuẫn ở chỗ dùng không đúng chữ !
"Miễn nhiệm" (Cách chức, bãi chức, cất chức).
Người ta chỉ nói "mãn nhiệm kỳ" (hết nhiệm kỳ) chứ không ai nói "miễn nhiệm". "Miễn" có nghĩa là “không” hay “không phải”. Thí dụ: Miễn thuế là không phải đóng thuế, "miễn nhiệm" có thể gây hiểu lầm là miễn trừ trách nhiệm cho ai đó.
"Thông tin" (tin tức), chữ “thông tin” là loan truyền tin tức. Còn những gì liên quan đến một cá nhân thì gọi là “dữ kiện” hay “chi tiết” chứ không phải “thông tin”.
"Tiếp đón trọng thị" (tiếp đón long trọng) Chữ “thị” là coi, nhìn. Trọng thị là coi trọng. Một buổi lễ không thể là “coi trọng” mà phải là “long trọng” hoặc “trọng thể”.
"Ấn tượng" (đáng nhớ), chữ "ấn tượng" dùng để chỉ một biến cố, bất chợt tác động mạnh tới cảm xúc, nhưng không có hiệu quả lâu dài. Nhưng chữ này đã bị lạm dụng một cách phổ biến trong tiếng Việt XHCN, thí dụ "Vẻ đẹp ấn tượng của cô ấy”sẽ là nghịch tai, vì vẻ đẹp không phải là một hiện tượng bất chợt, mà là một trạng thái tồn tại lâu bền.
"Hoành tráng" (trong tiếng Việt truyền thống, có chữ "hoàng tráng" có nghĩa là nguy nga, tráng lệ) do bị lạm dụng bừa bãi, chữ "hoành tráng" bị tước dần ý nghĩa trầm trồ khen tặng; thay vào đó là một âm hưởng xấu với ngụ ý dè bỉu một sự khoe khoang hợm hĩnh, thí dụ “bữa tiệc hoành tráng”, “hoành tráng trong chiếc váy đầm” (quảng cáo thương mại).
“Tư liệu” (tài liệu) tài liệu lưu trữ tại thư viện cho mọi người tham khảo, còn tư liệu, là các dữ kiện hay trích đoạn được tham khảo theo mục đích riêng.
“phòng chống ung thư” nói chính xác là “phòng ngừa ung thư” .
“Tôi đội nón để chống nắng”. Nói đúng là “Tôi đội nón để tránh nắng”, "chống bão" (tránh bão).
“Vấn nạn” (vấn đề) - vấn đề là những khó khăn, trở ngại mà ta phải đương đầu. Còn vấn nạn là một vấn đề mà trong quyền hạn của mình, là không giải quyết được. Chữ vấn nạn rất phổ biến trong báo chí (có thể giải thích bằng thực trạng XHCN) lúc đầu nó mang ý nghĩa chất vấn để chờ câu trả lời (thí dụ như tệ nạn xã hội), nhưng sau nhiều lần báo động mà giới hữu trách vẫn không giải quyết, thì vấn đề trở thành vấn nạn.
“Có khả năng”(có thể) thí dụ “A có khả năng trả đũa B” thì không rõ là “A có đủ sức mạnh/khả năng để trả đũa B” hay là “A có thể (possible, may) sẽ trả đũa B”. Chữ “khả năng” (capable) là năng lực của một người. Thí dụ: "Ông ta không có khả năng làm việc".
“Điều tiết” (điều khiển) chữ “điều tiết” là điều chỉnh sao cho vừa, như cách ăn uống, mắt, làm việc v.v. Điều tiết không hề có nghĩa là điều khiển, vì vậy, nói “điều tiết giao thông” là không đúng, nên nói "điều khiển giao thông"
“Nâng cấp” (nâng giá trị lên) nhưng nói “nâng cấp đường xá” thì không đúng, mà phải nói là “tu bổ đường xá”.
“Chất lượng” (phẩm chất) cần phân biệt phẩm (quality, phẩm chất) và lượng (quantity, số lượng). Thí dụ: "Số lượng thì nhiều nhưng phẩm chất không bao nhiêu".
Một củ khoai lang ngon, ta nói “củ khoai ngon”, người trong nước nói “củ khoai chất lượng”!.
“Đối xử nhân văn” (đối xử có tình người) theo từ điển Tiếng Việt trong nước xuất bản sau 1975 thì nhân văn là văn minh loài người, hoàn toàn không có nghĩa là nhân đạo.
“Chuyển giới” (đổi giống) Giống là giống đực, giống cái. Còn giới là giới hạn, sự ngăn cấm (giới luật, biên giới), không ai nói “giới đực, giới cái”.
“Các yêu cầu của một nền kinh tế bền vững” nên sửa lại chính xác hơn: “Các điều kiện của một nền kinh tế bền vững”.
“Tài khoản” (Trương mục) Nhưng dường như họ không phân biệt, “trương mục” là một cái túi vô hình trong ngân hàng để ta bỏ tiền vào, trong khi “tài khoản” là số tiền nằm trong đó; tài khoản còn là số tiền dành cho một khoản chi/thu trong ngân sách.
“Kinh tế” (Tiết kiệm, rẻ) thay vì nói“mua cái này rẻ/tiết kiệm được tiền” lại nói “mua cái này kinh tế lắm”.
“Đặc sản” (thổ sản) Xin nhớ cho thổ sản khác đặc sản. Thổ sản là chỉ nơi đó mới có. Còn đặc sản thì chỗ nào cũng có. Thí dụ “nhãn Hưng Yên” là thổ sản của Hưng Yên mà nơi khác không có. Trong nhãn Hưng Yên có thể có nhiều đặc sản/đặc biệt, chẳng hạn nhãn có hột, nhãn không hột…
“Công nghệ” (kỹ nghệ) Xin nhớ công nghệ là kỹ nghệ chế tạo máy móc. Còn kỹ nghệ là chế tạo, sản xuất lớn theo khoa học. Chẳng hạn kỹ nghệ sản xuất rượu bia, kỹ nghệ sản xuất xe hơi….Miền Nam trước đây có Trường Kỹ Sư Công Nghệ để đào tạo kỹ sư chế tạo máy móc.
“Văn hóa” (lề thói, thói quen, cách thức, cố tật). Thí dụ: Văn hóa đái bậy, ỉa bậy, văn hóa nhận phong bì của bác sĩ, văn hóa du côn, văn hóa tham nhũng, văn hóa chửi thề, văn hóa nói dối, văn hóa ẩm thực, văn hóa khinh bỉ…trong khi "văn hóa" là cái gì tốt đẹp nhất biểu tượng của một dân tộc.
“Thu phí” (Lệ phí, phí tổn) thí dụ: thu phí qua cầu. Thậm chí bán vé xe buýt (xe chuyên chở công cộng) cũng gọi là "thu phí"!. Tiếng Việt truyền thống gọi là: sở phí, học phí, lệ phí, kinh phí, chi phí, chiến phí…
“Xử lý phải có địa chỉ rõ ràng” nghe khó hiểu, nói đúng là: "Muốn trừng trị, trừng phạt phải biết sai phạm ở chỗ nào".
"Không tưởng" (không thể tưởng tượng được). Tiếng Việt XHCN không phân biệt được sự khác nhau giữa "không thể tưởng tượng được" (unimaginable) và "không tưởng" (impossible). "Không thể tưởng tượng được" là sự kiện đã xảy ra nhưng ngoài dự đoán, ước đoán của mình. Thí dụ: “Thật không thể tưởng tượng được Đức đã thắng Ba Tây 7-1 ”. Còn "không tưởng" (hão huyền) là chuyện không bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra. Thí dụ: “Trung Quốc mơ chiếm hết Biển Đông, khống chế Á Châu rồi đánh gục Mỹ. Đúng là chuyện hão huyền, không tưởng.”
"Khu vực chăm sóc tích cực" (Khu vực chăm sóc bệnh nhân nguy kịch/khu vực chăm sóc đặc biệt) (critical care, intensive care). Chăm sóc bệnh nhân mà cũng có tích cực và tiêu cực nữa sao?
"Giá trần, giá sàn hàng không" (VietnamPlus) (Giá vé máy bay mức cao nhất và thấp nhất). Chỉ có vé máy bay chứ làm gì có "vé hàng không"? Hàng không là ngành vân chuyển bằng máy bay. Ngoài ra, “giá trần” làm cho người ta liên tưởng tới giá trần, hành trần để ăn phở.
“Từ” (chữ) thí dụ bài viết có 500 chữ, chữ “từ” không đứng một mình, mà được ghép với chữ khác, như “từ ngữ“, “từ tốn”, “từ bi”, “từ tâm”, “từ khi”, “từ bao giờ?” …
“Nói chung” là câu mở đầu của 90% người Việt trong nước (đáng lẽ là câu cuối bài). Có một truyện ngắn mở đầu bằng một câu buồn cười: “Nói chung, tôi không có cha mẹ”!
11) Đánh dấu không đúng:
Các chữ có hai nguyên âm liền như “hoá, xoè, khoẻ, thuỷ, suý, thaỷ”, nên sửa lại cho đúng, bằng cách đánh dấu trên nguyên âm giữa như sau: “hóa, xòe, khỏe, thủy, súy, thảy…
Chữ nghĩa không chỉ giữ vai trò thuần túy trong thông tin hay truyền đạt, mà còn ảnh hưởng tới những sinh hoạt giáo dục và xã hội. Khi chọn được những chữ diễn tả chính xác thì mình sẽ có cái nhìn trung thực và khách quan về thực chất của một vấn đề, nhờ đó, phát triển khả năng ứng xử thích nghi trước đời sống không ngừng thay đổi.
Tiếng Việt truyền thống, là nơi lưu giữ linh hồn, tinh hoa, bản sắc, và tình yêu dân tộc thắm thiết của chúng ta. Bảo tồn tiếng Việt – do đó là một sứ mạng cao cả của những người may mắn được hưởng tự do tư tưởng và ngôn luận. Chính ta phải tránh những cái sai lầm đã nêu trên, để duy trì được nét tinh hoa của dân tộc qua tiếng Việt truyền thống. Quảng bá sách báo, tư tưởng truyền thống Việt Nam và thế giới nhân bản, cho con em học tiếng Việt nơi trường lớp Việt Nam và đóng góp cho các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đó là một hành động thể hiện lòng yêu nước trong tầm tay của chúng ta.
Kim Trang
Tài liệu tham khảo:
https://caybut2.blogspot.com/2016/11/anh-dau-tieng-viet-truoc-va-sau-1975.html
http://www.tiengnoiluongtri.com/2017/01/09/dao-van-binh-ngon-ngu/
http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/197-bao-ton-tieng-viet-va-van-hoa-dan-toc.html
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-hai-ngoai-va-no-luc-bao-ton-van-hoa-dan-toc/4824081.html
Rất hay Trang ơi , nhưng chữ hoành tráng thời của chúng ta trước năm 75 không có chữ này , và không ý nghĩa gì , chúng ta có chữ hoàng tráng ( nguy Nga tráng lệ ) ,bi tráng , hùng tráng , nhưng không có chữ hoành tráng này . Còn chữ Công nghệ là gì , nếu là kỹ nghệ thì là hãng xưởng , công nghiệp , còn Technology thì là kỹ thuật , nhiều người dịch cho là công nghệ , cuối cùng không hiểu gì hết lối dùng chữ sau này . Với lại em hãy dùng từ ngữ, chữ viết , ngôn ngữ, lối viết , lối hành văn ngày xưa của chúng ta học cho dễ hiểu . Thay cách dùng chữ đối xử, cư xử, thái độ, phong Cách dễ hiểu hơn là mấy chữ ứng xử , động thái , quan ngại , chị thật tình không hiểu.