(Thầy Phạm Văn Quảng)
Lời giới thiệu:
Một câu chuyện thật sống động về cuộc sống miền Bắc Việt Nam trong thời bình, cách đây 70 năm ròng rã, và đặc biệt mang nhiều ấn tượng sâu đậm trong đời của thế hệ những người miền Bắc trước thời di cư 1954. Đọc câu chuyện mà mình có thể mang mán hình dung ra bối cảnh của núi rừng mênh mông, đầy bí ẩn mà con người thật nhỏ bé, phải dùng hết sức lực và trí tuệ của mình, để tranh đấu cho sự sống còn của gia tộc và nòi giống mình.
Câu chuyện Bõ Tất không chỉ là một chuyện riêng của một cá nhân hay gia đình nữa, mà là
câu chuyện của những thế hệ Việt-Nam thời tiền chiến, trải qua dòng lịch sử, với bao cuộc đấu tranh giữa thiên nhiên và con người. Đó là một cuộc đấu tranh đòi hỏi thật nhiều nổ lực, rất gian khổ để
sinh tồn. Bõ Tất đã xuất hiện trong đời Thầy như một anh hùng trong truyền thuyết lịch sử, có thể chiếu thành phim như Tarzan, và dĩ nhiên còn sống động hơn thế nữa!
Hy vọng truyền kỳ Bõ Tất sẽ được nhiều người chiêm ngưỡng và thưởng thức như một tác phẩm văn chương trong kho tàng văn học quí giá cho thế hệ trẻ Việt ngày nay.
Kim Trang
Tôi gặp Bõ Tất lần đầu năm 1946 khi gia đình chúng tôi tản cư ra khỏi Hà Nội về trú ngụ tại thôn Diên Lâm (Đồng Chám), huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phú). Khi đó tôi mới lên 9 tuổi. Tôi đã được sống với Bõ Tất trong 4 năm từ 1946 đến 1950 tại thôn Diên Lâm, vùng trung du Bắc Việt và vùng chân núi Tam Đảo với nương sắn, rừng gồi, rừng tre, sương lam và nhà sàn nương chiều. Bõ Tất đã thực sự là người thầy học của tôi. Bõ đã dạy tôi nhiều điều mà đến nay thực sự tôi mới hiểu chút ít. Bõ Tất là gia nhân của ông ngoại tôi từ lâu. Bõ vừa là vệ sĩ của ông ngoại tôi - một vị quan có ruộng ấp tại chân núi Tam Đảo, ấp Đồng Bùa - vừa là người liên lạc thu thóc cho ông ngoại tôi từ những tá điền là người thiểu số ở chân núi Tam Đảo.
Bài Học Của Lý Thường Kiệt
Chỉ có Bõ Tất là người được những người “Trại” tin và vâng lời. Tôi được biết trước 1946 Bõ Tất vẫn thường vào Ấp lấy sừng hươu và xương hổ về nấu cao cho ông bà ngoại tôi, và thỉnh thoảng mua về mật gấu, quế, sâm, nhung và những vị thuốc bắc. Ngoài ra Bõ cũng giúp các bác tôi buôn trà, sơn và những sản phẩm mạn ngược về miền xuôi từ Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Tôi được nghe kể lại Bõ Tất đã vào núi thu mua đủ mấy bộ xương cọp, làm chòi bên bờ suối canh ngâm xương cọp và xương bú dù để nấu cao hổ cốt và cao bú dù (cao khỉ).
Tôi được nghe kể rằng người miền núi rất dị đoan, không chịu làm nhà trên mảnh đất cao sát chân núi vùng rừng sim vì họ sợ ma. Họ đã làm những nhà sàn trên một số đất ruộng và trồng rau, cây ăn trái, thực sự chỉ là lý do an toàn vì vùng chân núi Tam Đảo ngay thời 1946-1950 vẫn có hổ. Các bác tôi muốn “đuổi” những tá điền lên khoảng đất trống chân núi để có thêm đất ruộng, nhưng luôn gặp sự phản kháng của dân trại. Riêng Bõ Tất là luôn bênh vực người dân Trại và nêu lên những khó khăn, quan tâm và tín ngưỡng của họ để bảo đảm họ có cuộc sống tạm đủ và trung thành với chủ ấp. Bõ đã từng xin cho người Trại khỏi phải đóng tô trong những năm đói kém và còn chở gạo, thóc và muối vào Ấp đổi cho dân Trại lấy thịt rừng và măng. Lớn lên tôi mới hiểu rõ vai trò trung gian vô cùng khó khăn của Bõ Tất giữa chủ Ấp miền xuôi và tá điền miền ngược.
Bài học của Lý Thường Kiệt đã dạy cho chúng ta suốt bao năm trong lịch sử chống ngoại xâm là phải có được sự trung thành của đồng bào thiểu số miền ngược. Nếu không họ sẽ bị người Tầu mua chuộc và dân ta sẽ mất đất và có thể bị hoại ngoại xâm nguy hại đến an ninh của đồng bào miền xuôi và sự tồn vong của đất nước.
Bõ Tất đã là người thực hiện sứ mạng khó này từ ấp Đồng Bùa đến cây số 11 cây số 13 chân núi Tam Đảo, Bõ đã có tai mắt báo cáo để kịp thời can thiệp cứu người cho một số trường hợp người miền xuôi khỏi bị “trôi sông” hay “ếm ngải” vì những hành vi bất xứng, tai ác và ngạo mạn của họ.
Mưu Sinh Thoát Hiểm
Năm 1948 chiến trận lan đến trung du Vĩnh Phúc Yên, Lính Tây Lê Dương, Sénégalais có khi đi càn dọc theo con kênh lên đến thôn Thứa Thượng rất gần thôn Diên Lâm nơi chúng tôi trú ngụ, cùng với những chiếc máy bay spitfire, hellcat chúi mũi bắn đạn 12 ly xuống vùng Việt Trì, suốt những khu chợ đông dân từ huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch và ngay cả vùng núi Tam Đảo. Bõ Tất đã hướng dẫn gia đình chúng tôi tản cư vào Đồng Bùa ở ngay tại hai căn nhà sát nhau dựng trên khu rừng sim trước sự thán phục của người Trại. Từ hai căn nhà này bọn trẻ con chúng tôi gồm mấy anh em họ tôi, anh ruột tôi và tôi đã thường thấy hươu nai chạy ra sân phơi lúa và nghe tiếng hổ gầm à uôm từ trong núi. Chúng tôi đã cùng Bõ Tất cạo sừng hươu, trông nồi cao Ban Long, ưu tiên hớt bát bọt và dùng bàn chân ngồi tán thuốc bắc bằng thuyền tán. Bõ đã kể cho chúng tôi nghe nhiều truyện như hổ về bắt chó trong gầm giường, hổ ngồi rình bên hông nhà bị chủ nhà vô tình chọc gậy vào lưng giật mình phóng vào rừng.
Bõ Tất đã dạy cho lũ trẻ chúng tôi một số quy luật nếu không muốn bị “thư ếm”:
1)Không được xem đàn bà con gái chạy tắm suối tại khu suối phía dưới Đền Cả dành cho phụ nữ vào sáng sớm và trước khi mặt trời lặn.
2)Vào nhà người ta không được ăn trộm, sờ mó vào vật dụng của người Trại vì có “ma só”. Cần gì về xin tiền mua, ngay cả không được lấy sản phẩm nông trại hay sản phẩm đường rừng như sừng hươu, da thú, đá quý dù họ có gọi cho.
3)Không được phá hại hay làm dơ bẩn tượng thờ của họ ở trong rừng vì đó là những nơi tôn nghiêm.
4)Không được đụng vào tên nỏ của họ vì là “tên tẩm thuốc độc”. Những điều cấm kỵ khác chúng tôi không biết. Sau này tôi hiểu những điều cấm kỵ này rất hợp lý và những chuyện thầy mo, thư ếm chỉ là cách sử dụng hóa chất, vi trùng bí mật của họ mà thôi. Những hình ảnh các thiếu nữ Trại rất xinh đẹp, áo chàm, váy chàm, đeo gùi và đeo dao rừng trong vỏ gỗ mà chúng tôi thực sự nhìn thấy thì quả thật vô cùng quý giá khi nghe lại “sơn nữ ơi”, “áo chàm về quẩy lúa trên vai” v . v...
Chúng tôi chơi đùa trèo cây hái me rừng, uống nước suối, câu cá mương, hái ổi rừng sim rừng, bẫy chim bẫy thú, tắm suối, thổi cơm lam (gạo nhồi ống bương) nướng dừa nhồi gạo nếp, nướng cắc kè, nướng cá, nướng rắn ăn với nhau. Bọn trẻ cũng có khi ủ thuốc lá với mật ong quấn hút, sau bị ho nên bị cấm tiệt. Thời gian đó, chúng tôi quên cả chiến tranh vì còn nhỏ tuổi chỉ biết nghịch ngợm, phá phách trong rừng. Có lần chúng tôi đã được qua làng Mấu, làng Mạ nghe Phạm Duy, Thái Thanh, Thái Hằng hát khi đoàn nghệ sĩ thời kháng chiến ghé qua.
Bõ Tất dạy chúng tôi nhiều cách thoát hiểm và mưu sinh sống. Bõ cho thợ rèn đánh mấy con dao găm bằng nhíp xe hơi và cho bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một con dao găm có chuôi bằng đạn 12 ly 7 với đầy đủ bao da và thắt lưng. Bõ dạy chúng tôi đánh rắn bằng roi mây - không được đánh rắn trắng leo trong nhà vì là rắn bắt chuột - cách phân biệt rắn độc và rắn thường, cách chữa rắn cắn, những cách cấp cứu, cứu thương dùng nẹp tre, những thứ lá nào dùng nhai đắp vết thương, cà rốt lá mơ tam thể (lá thối địch) cỏ sữa, lá ổi, chữa kiết lỵ tiêu chảy. Bõ dạy chúng tôi “cắn đầu trăn, nhìn mắt cọp” để thoát hiểm, và “đốt râu cọp, chôn đầu rắn” để đừng làm hại người khác và khỏi bị rắn báo thù. Ban đêm không được nhìn mắt con khản (quỷ lùn – tarsier) lâu vì sẽ bị ám ảnh phát điên. Một lần đi bắt cua tôi thọc tay vào hang sâu bờ ruộng bỗng nắm phải “đầu rắn” bèn nhớ lời Bõ Tất dặn nắm chặt lôi ra, sắp sửa quăng ra xa thì thấy là con ếch bèn lấy dây buộc chặt treo cạnh giỏ bắt cua. Bõ Tất dạy chúng tôi câu cá diếc phao bềnh bằng run đỏ chuồng lợn, cách câu cá trê ban đêm, làm bẫy cò ke và bẫy chuột bằng ba thanh tre. Sau này về miền suôi tôi chỉ còn nhớ cái bẫy chuột bằng tre theo phương pháp đòn bẩy rất giản dị của người dân quê trước kia có hình dạng như minh họa bên dưới.
Bõ cũng dạy chúng tôi cách làm cung tên và bắn nỏ . Nhờ chiếc nỏ và cái bẫy chuột gọn hơn gang tay và một miếng ván, chúng tôi đã bắn và bẫy đủ thứ chim chuột rắn gà rừng. Bõ cũng dạy chúng tôi cách nằm cạnh bờ suối chỉ để hở nửa mặt, ngậm cành lá che mũi thở bằng miệng để ngụy trang trong trường hợp bất ngờ Tây càn đến. Bõ bảo chúng tôi muốn mạnh khỏe thì hãy thở sâu tới gót chân và tập cái ngón chân út. Hồi đó chúng tôi còn trẻ ngây thơ chỉ biết cúi xuống xoa nắn ngón chân út mà không biết rằng Bõ đã dạy cho chúng tôi nguyên tắc của việc tập luyện hoàn chỉnh.
Rất may những ngày chạy nhảy trong rừng chúng tôi chỉ bị gai đâm, té ngã bị thương nhẹ, sứt đầu gối, chảy máu, u đầu. Những lần bị đau mắt đỏ ké chỉ cần Bõ cho một chút mật gấu bằng nửa hạt gạo mài ra nhỏ vào mắt là khỏi ngay. Các anh tôi thích dùng súng cao su (ná thun) với túi đạn đất sét viên tròn. Riêng tôi được Bõ Tất cho một cái nỏ cỡ nhỏ, cũng đủ để biết cách sau này làm lấy nỏ bắn chuột. Nhờ Bõ Tất chúng tôi đã có một thời niên thiếu vô cùng vui thú với những kinh nghiệm và hình ảnh cụ thể để hiểu và đọc những truyện Tầu để của, những truyện “Vàng và Máu” của Thế Lữ, “Thần Hổ”, “Ai Hát Giữa Rừng Khuya” của Tchuya và “Hoa Vông Vang” của Đỗ Tốn và biết rằng “cũng may chúng tôi còn có một chút gió đồi!”
Bảo Tồn Thiên Nhiên
Bõ Tất dạy chúng tôi nhiều điều bảo tồn thiên nhiên. Bõ cấm chúng tôi không được chặt cây, bắn thú bắn chim bừa bãi. Bõ cấm chúng tôi không được bắn công và trĩ vì đó là những loài chim quí hiếm. Cho nên khi nghe tiếng công tố hộ trong rừng, chúng tôi chỉ mò đến xem công múa mà thôi. Bõ dặn được xem công múa trong rừng là có phước. Bõ nói con hổ chỉ giết hươu nai vừa đủ ăn. Chỉ có con người ác độc là giết hại bừa bãi. Phải nhớ câu “tiền rừng bạc bể”. Săn bắt để tồn tại là luật của thiên nhiên nhưng không được tham lam. Người thiểu số có lời nguyền là kẻ nào sát hại muông thú bừa bãi, tàn phá rừng cây, thì dòng họ con cái kẻ đó mấy đời sẽ bị báo oán không ngóc đầu lên được, sẽ bị cùi hủi và những thứ bệnh không có thuốc chữa. Người thiểu số có tên nỏ và súng hỏa mai, nếu họ muốn, chỉ vài tháng là giết hết muông thú trong núi Tam Đảo; nhưng họ tin vào lời nguyền đó và chỉ săn bắn vừa đủ vì còn để cho con cháu họ có cái ăn.
Tầu để của trên núi Tam Đảo
Một hôm Bõ Tất hướng dẫn Ba tôi và lũ chúng tôi mấy đứa con trai leo lên thăm ngôi chùa đã bỏ hoang lưng chừng triền núi Tam Đảo. Vượt qua những cánh rừng, hai, ba con suối, chúng tôi theo đường mòn vén cây leo dốc. Lưng chừng dốc, chúng tôi nghe có thú hộc hộc sột soạt bên bụi cây ở gần. Chúng tôi dừng lại. Ba tôi hờm sẵn súng săn sẵn sàng. Còn chúng tôi sờ tay vào đốc dao găm đeo bên người. Bõ Tất đứng im chỉ cười nói đó là con gấu chó nó chạy rồi. Chúng tôi cũng không biết sao Bõ Tất biết đó là con gấu chó. Qua dốc đến triền núi cỏ xanh bằng phẳng như thung lũng nhiều hoa đẹp, tôi thấy vài con hươu tung mình qua đám cỏ. Bõ Tất nói vùng nào có hươu là có cọp, nhưng đi đông không sợ. Cậu nào sợ đừng đi sau cùng. Thế là bọn trẻ hè nhau la hét chạy trước! Sau hai lần leo dốc vào rừng trên cao, chúng tôi đến một khoảng đất trống và một ngôi chùa cổ dưới bóng cây cổ thụ.
Bõ đưa chúng tôi đến xem hai hố đất phía trước chùa. Bên cạnh hai hố đất này còn đầy những mảnh sành màu sắc rất đẹp. Bõ kể lại sau khi bị quân Tây Sơn đuổi về Tầu, một vị tướng Tầu đã chôn hai lọ lộc bình lớn đầy vàng ngọc tại đây. Khoảng năm 1940, con cháu của vị tướng này đã dùng bản đồ kho tàng sang nước ta giả làm khách thương mãi võ Sơn Đông buôn bán sơn và ngà voi sừng tê suốt dọc Phú Thọ. Vĩnh Yên, Tam Đảo. Một ngày kia đoàn khách Tầu này trú ngụ tại Đồng Bùa, đem tặng cho bản làng nhiều quà quí lụa gấm và thuê hai thanh niên người Trại lên ngôi chùa cổ thẳng từ Đồng Bùa lên. Vài ngày sau không thấy hai thanh niên đó trở về, tù trưởng cho người lên núi tìm chỉ thấy hai hố sâu trước chùa và mảnh sành thống sứ đã vỡ nát. Bõ Tất kể lại là hai người dẫn đường đã bị giết mất xác. Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt di tích Tầu để của sang Việt Nam lấy đem về trên triền núi Tam Đảo.
Thi bắn cung và đấu vật
Năm 1946 khi chúng tôi tản cư về thôn Diên Lâm thì tục lệ thi bắn cung ngày Tết đã không còn nữa. Chỉ còn tục lệ thi đấu vật. Một vài thanh niên tỉnh từ Hà Nội có trình độ Judo chưa cao đã bị các đô vật thôn Diên Lâm cho đo đất dễ dàng, nằm ngửa vỗ vào bụng ba cái. Thuở đó người dân quê đã tiếp đón dân thành thị rất nồng hậu. Họ chưa bị nhồi sọ đấu tranh giai cấp!
Trước tòa miếu cổ trên một khoảng đồi bằng phẳng là sân thi đấu vật với dân làng quần áo mới, những cô thôn nữ yếm thắm, áo tứ thân thắt lưng màu xanh thiên lý, đeo sà tích, và nhiều trẻ còn đeo vuốt cọp bọc bạc để tránh tà khí. Trong tiếng trống và dưới cây nêu, cuộc thi đấu vật kéo dài suốt buổi sáng Mồng Ba Tết. Mồng Một, Mồng Hai người dân đi lễ chùa, lễ đình và ở nhà. Mồng Bốn thì thổi cơm, dệt vải và gia chánh. Mồng Năm dân làng ra tế Đình. Tục truyền Thành Hoàng của đình làng thôn Diên Lâm là một tùy tướng của vua Quang Trung nổi tiếng về tài bắn cung. Rất tiếc hồi đó tôi còn nhỏ không nhớ tên của vị tướng này. Nghe nói cây cung thật để ở Đình làng đã bị giới quan lại đem dâng cho người Pháp, sau đó để tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, không biết nay có còn không. Cây cung tôi thấy để thờ trong hậu cung của Đình làng chỉ là cây cung giả tượng trưng.
Nghệ thuật bắn cung luyện võ đã bị người Pháp cấm hẳn. Bõ Tất kể lại cho chúng tôi nghe đại khái những cung thủ thắng những giải rất lớn gồm nửa con lợn, rượu vải lụa, gạo nếp, bánh dầy bánh chưng, mứt, dư thừa để thết đãi gia đình và khách đến chúc mừng ngày Tết. Ngoài ra còn có đoàn bắn nỏ gồm đồng bào thiểu số từ chân núi Tam Đảo tới thi tài. Đám thiếu nhi được dự thi nhặt tên để huấn luyện chạy nhanh tinh mắt, luyện tập thân thể tiếp nối ông cha trong việc phòng vệ thôn xóm chống cướp và chống ngoại xâm. Chính những tục lệ bắn cung, luyện võ, đấu vật này đã luôn cung cấp những chiến binh chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước.
Ngày Tết Nguyên Đán tại thôn Diên Lâm vùng trung du Bắc Việt thật đầy đủ với người dân “đánh đụng” lợn, cây nêu, thi thổi cơm, thi dệt vải, thi gói bánh chưng, bánh dầy. Trong ngày Tết người nghèo cũng có thể làm công sửa soạn Tết cho nhà giầu nên cũng có đủ phần thịt và bánh chưng ăn Tết. Trong cách “đánh đụng” - tức là cùng nhau góp phần để mổ heo - trẻ con nhà nuôi heo luôn có phần là cái đuôi và cái bong bóng để thổi thành bóng bay bỏ ké vào nồi nước lèo rồi lấy ra cắt nhỏ, nhai như trẻ nhai kẹo cao su ngày nay.
Chiến Sĩ Vô Danh
Bõ Tất là vệ sĩ của ông ngoại tôi khi người còn sống và sau này là “gia nhân” của các bác tôi. Chúng tôi phải gọi là Bõ nhưng phải xưng cháu. Bõ vẫn giữ lễ và tôn ti trật tự, gọi chúng tôi là “các cậu”. Trong những đêm trăng và thỉnh thoảng vào sáng sớm, tôi thường thấy Bõ luyện võ như múa với những thế đánh và đá nghe tiếng gió bay phực phực. Ba tôi bảo Bõ giỏi cả về Thiếu Lâm và Thái Cực Quyền. Bõ có toa thuốc quý ngâm rượu để luyện võ và túi bùa do đồng bào thiểu số tặng cho đeo trong người phòng ngừa sâu bọ đỉa vắt, không thể cho người khác dùng. Bõ nói rắn rết bò cạp ngửi mùi bùa này cũng phải sợ tránh xa.
Bây giờ tôi hiểu là “bùa” này chỉ là một loại thuốc tán insect repellant cực mạnh; những người không có công lực thâm hậu và thiện tâm, nếu không biết cách giải độc, lạm dụng nó để sát hại sinh vật trong thiên nhiên sẽ bị dị ứng ngộ độc hay bị nguy hiểm khi đương đầu với rết độc rắn độc mà không thể tự vệ. Bõ có con dao quý trong vỏ gỗ dùng để chẻ sừng hươu nấu cao Ban Long. Sau này khi xem những phim Độc Thủ Kiếm Vương của Vương Vũ, tôi mới biết là chúng tôi một lần kia đã từng lấy trộm cây “cương đao” này của Bõ Tất đem đi chặt tre làm diều và Bõ đã mách Ba tôi và cả bọn bị nọc ra đét đít. Từ đó không đứa nào dám đụng đến “con dao chặt sừng" của Bõ Tất nữa.
Chúng tôi còn nhỏ chỉ loáng thoáng nghe lai lịch của Bõ tất. Bõ đi làm cách mạng bị Tây bắt. Ông Ngoại tôi làm quan được mật thư nên can thiệp cứu Bõ và gia đình Bõ khỏi đi tù Sơn La. Từ đó Bõ Tất trở thành gia nhân của ông ngoại tôi, trông Ấp Đồng Bùa tại chân núi Tam Đảo. Bõ đã từng đi khắp vùng thượng du và trung du bắc Việt và Bõ đã kể nhiều địa danh và tục lệ của đồng bào thiểu số. Đại khái chúng tôi được biết là không nên đụng vào đồ dùng của đồng bào thiểu số như tên, nỏ, dao, mác, gùi và dao đốc kiếm – để ngăn ngừa lấy trộm và để tìm ra thủ phạm dễ dàng. Riêng họ có toa thuốc xoa tay nên không bị dị ứng.
Sau lần chúng tôi bị đét đít vì nghịch “cương đao” của Bõ, Bõ đã kể cho chúng tôi nghe một vài giai thoại về những người bạn của Bõ. Trong số đó có một người giỏi võ giang hồ. Chỉ với một cây dao găm chiều dài hơn một gang tay cột ở bắp chân, người này đã từng oai trấn vùng thượng du với những thế võ hiểm độc và con dao găm tẩm độc mà mọi người phải kiêng nể. Bõ kể rằng người đó thường biểu diễn bằng cách dùng một con dao nhỏ, cắt cánh tay cho máu chảy xuôi xuống cánh tay rồi dùng con dao găm tẩm độc chấm vào đầu dòng máu phía dưới. Lập tức dòng máu đen sậm lại và trở ngược lên vết thương, ông chỉ việc quẹt ngang dòng máu khi sắp tới sát vết thương. Bõ nói Tây đã ra lệnh bắt ông ta nhiều lần nhưng vô ích, ông đã biệt tích giang hồ.
Lời nhắn nhủ
Tôi đã nghe lén được chuyện Bõ Tất tâm sự với Ba tôi khi Ba tôi sửa soạn cho gia đình “dinh tê” bỏ kháng chiến về Hà Nội. Bõ khuyên Ba tôi không nên lên mạn ngược nữa, về là hơn, không ở được. Bõ chỉ nói Bõ thấy rõ. Trước khi chúng tôi về thành, nhân dịp cùng đi vào ấp Đồng Bùa chân núi Tam Đảo lần cuối cùng, Bõ đã nói với chúng tôi là các cậu còn trẻ yêu nước rất dễ bị lợi dụng. Đại khái phải được lòng dân mới có chính nghĩa, đừng nên bóc lột người dân nghèo. Khi đó chúng tôi còn trẻ không biết Bõ Tất thuộc thành phần đảng phái nào và cũng không hề có ý thức chính trị để tìm hiểu về những hoạt động trong quá khứ của Bõ Tất. Từ 1950 khi rời vùng trung du Bắc Việt về Hà Nội, chúng tôi không gặp lại Bõ Tất nữa. Chúng tôi đã may mắn di cư vào Nam năm 1954, và may mắn thoát khỏi chế độ cộng sản để định tư tại Hoa Kỳ ngay cả nhiều năm sau biến cố 1975. Bõ Tất đã cho chúng tôi gạch nối trong lịch sử và văn chương. Chúng tôi đã thấy lại hình ảnh Bõ Tất trong rất nhiều sách vở, tiểu thuyết, trong thực tế và huyền thoại.
Phạm văn Quảng
(B.A George Peabody College for Teachers, M.S. in Education, S. Illinois University,
Giáo sư Anh Văn Petrus Ký, Hội Việt Mỹ, ĐH Sư Phạm, ĐH Tổng Hợp Saigon)
" hình ảnh Bõ Tất trong rất nhiều sách vở, tiểu thuyết, trong thực tế và huyền thoại."
Google search mà khg thấy? hihi
Hay lắm!