Gothenburg, thành phố lớn thứ hai Thụy Điển tuyên bố, đã chấm dứt mối quan hệ “chị em” với Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong suốt 34 năm vừa qua. Đồng thời, Thụy Điển đã đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử và trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu xóa bỏ các Học viện này.
Trong cao trào thế giới bắt đầu phát động truy cứu trách nhiệm và yêu cầu ĐCSTQ bồi thường vì che giấu đại dịch Vũ Hán, Thụy Điển cũng thể hiện động thái đối đầu toàn diện với chính quyền Bắc Kinh. Được biết, Gothenburg đã ký một thỏa thuận “thành phố chị em” với Thượng Hải vào năm 1986.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, virus ĐCSTQ đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu đã gây ra những tổn thất nặng nề cho thế giới, mà nguyên nhân là sự che giấu của chính quyền Bắc Kinh. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, các quốc gia trên thế giới đã nhìn rõ hơn nữa sự nguy hiểm của chế độ độc tài ĐCSTQ.
Theo tờ Dagens Nyheter (Thụy Điển), Chủ tịch Hội đồng thành phố Gothenburg, Axel Josefson khi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đã nói, Gothenburg không “giao lưu” với Thượng Hải thường xuyên, xét tới bối cảnh hiện tại, thì không cần phải gia hạn thỏa thuận này.
Đảng Dân chủ Thụy Điển đã chỉ ra vào năm 2019 rằng, cho đến khi ĐCSTQ thực hiện những thay đổi lớn về nhân quyền và dân chủ, Gothenburg sẽ không tiếp tục ký các thỏa thuận “thành phố chị em”. Ngoài ra, Ủy viên hội đồng thành phố Gothenburg, Jorgen Fogelklou khi đó nhấn mạnh, ĐCSTQ có chấp nhận hay không thì lại là một câu chuyện khác.
Về vấn đề này, ngoại giới nhận định, quyết định của Gothenburg về việc đoạn tuyệt quan hệ “thành phố chị em” với Thượng Hải là do chế độ độc tài của ĐCSTQ không thể “dung hòa” được với hệ tư tưởng dân chủ Thụy Điển, và sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Thụy Điển đã đe dọa an ninh quốc gia của Thụy Điển.
Báo cáo thường niên mới nhất của Thụy Điển đã chỉ rõ, ĐCSTQ là quốc gia “nguy hại” nhất đối với lợi ích của Thụy Điển. Được biết, ĐCSTQ tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự thông qua gián điệp mạng, tổ chức này cũng sử dụng tình báo để đánh cắp công nghệ nghiên cứu, đồng thời còn công khai phá hoại nền dân chủ và nhân quyền của Thụy Điển.
Về vụ việc Quế Dân Hải gây ra sự bất mãn trong chính phủ và phe đối lập Thụy Điển, vào tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thụy Điển đã trao Giải thưởng Tukhovsky cho Quế Dân Hải – một chủ nhà sách, người Thụy Điển gốc Hồng Kông. Đồng thời, đã khen ngợi ông vì đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong xuất bản. Trước sự việc này, chính quyền Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa.
Csaba Bene Perlenberg, một chuyên mục trên tờ Svenska Aftonbladet viết, ĐCSTQ là một vấn đề chính trị rắc rối đối với Thụy Điển, hơn nữa còn gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia cho quốc gia này.
Trong những năm gần đây, Thụy Điển đã bắt đầu cảnh giác trước mối đe dọa từ ĐCSTQ. Ngoài ra, Thụy Điển gần đây đã đóng cửa các Học viện Khổng Tử còn lại, kể cả các trường học tiếng Trung có mối quan hệ hợp tác với Học viện này. Điều này khiến Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên thuộc châu Âu xóa bỏ chương trình hợp tác giáo dục với ĐCSTQ.
Năm 2005, ĐCSTQ đã mở Học viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu tại Đại học Stockholm, Thụy Điển. Cả Học viện Khổng Tử và các trường học tiếng Trung, đều được tài trợ và cung cấp tài liệu giảng dạy bởi các cơ quan của chính quyền Bắc Kinh, những trường học này được ngoại giới coi là tổ chức gián điệp để Bắc Kinh tiến hành thâm nhập vào các nước phương Tây có sức mạnh “yếu”.
Trên thực tế, nhiều năm trước, quan hệ giữa Thụy Điển và ĐCSTQ bắt đầu trở nên căng thẳng. Theo tờ Times (Anh) vào ngày 21/04, Đại học Stockholm ở Thụy Điển đã tuyên bố vào đầu năm 2015 rằng, họ sẽ không gia hạn thỏa thuận hợp tác của Viện Khổng Tử và thỏa thuận này sẽ kết thúc vào cuối tháng 6 năm nay.
Hiện tại, virus ĐCSTQ đã lan rộng khắp thế giới và gây ra thảm họa toàn cầu. Tính cho đến nay Thụy Điển đã có hơn 20.000 người đã bị nhiễm và hàng ngàn người đã mất mạng. Trước tình hình này, truyền thông Thụy Điển chỉ trích, Bắc Kinh đã che giấu dịch bệnh và lừa dối để trốn tránh trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Thụy Điển, Carl Bildt trong một bài báo vào ngày 26/03 đã lên án việc che giấu dịch bệnh của ĐCSTQ, ông nói rằng “virus ĐCSTQ đã đem lại một mối đe dọa chưa từng có đối với thế giới”.
Tỉnh New Brunswick của Canada vừa công bố kế hoạch đóng cửa các học viện Khổng Tử của Trung Quốc tại các trường học của mình.
Theo CBC News, việc đóng cửa các học viện này sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là đóng cửa các học viện Khổng Tử tại 18 trường vào cuối tháng này và giai đoạn 2 là đóng cửa các học viện Khổng tử tại các trường còn lại vào năm 2022.
Theo chính quyền Trung Quốc, học viện Khổng Tử được thành lập tại các nước trên thế giới là để quảng bá văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, các học viện này được cho là một phần trong chính sách của Bắc Kinh để tuyên truyền hệ tư tưởng của mình ra thế giới. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều cơ sở giáo dục ở Canada, Hoa Kỳ, Úc và Châu Âu đã đóng cửa các học viện Khổng Tử này.
Giám đốc Sở giáo dục tỉnh New Brunswick, ông Dominic Cardy nói trong một cuộc phỏng vấn với CBC rằng các học viện Khổng Tử thực ra là tuyên truyền “một chiều” của chính quyền Trung Quốc, mục đích là đưa ra một cái nhìn tích cực về đất nước Trung Quốc cho các sinh viên.
“Công việc của các học viện Khổng Tử này là tạo ra bộ mặt vui vẻ, thân thiện cho một chính phủ đã gây ra nhiều cái chết hơn bất kỳ chính phủ nào khác trong lịch sử nhân loại. Và tôi không nghĩ đó là điều phù hợp khi chúng ta mở cửa cho một chính phủ như vậy trong hệ thống giáo dục được coi là phương tiện truyền tải giá trị của chúng ta đến với thế hệ tiếp theo”, ông Dominic Cardy phát biểu.
Ông Cardy cũng nói với CBC rằng ông đã nhận được khiếu nại từ 5 sinh viên cho biết một số chủ đề nhạy cảm về Trung Quốc đã bị cấm thảo luận tại các chương trình giảng dạy của viện.
Sở giáo dục tỉnh New Brunswick hiện đã quyết định kết thúc chương trình dạy của các học viện Khổng Tử tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, cũng như các khóa học về văn hóa Trung Quốc tại các trường trung học. Tuy nhiên, các khóa học về ngôn ngữ Trung Quốc sẽ tiếp tục cho đến năm 2022 do thời hạn trong các hợp đồng.
Ở Canada trong những năm gần đây, các học viện Khổng Tử đã bị hội đồng trường Toronto, Đại học McMaster và Đại học Sherbrooke từ chối không cho giảng dạy.
Vào năm 2014, hiệp hội giáo viên đại học Canada đã kêu gọi tất cả các trường đại học và cao đẳng chấm dứt quan hệ với các học viện Khổng Tử vì cho rằng nó “được trợ cấp và giám sát bởi chính quyền Trung Quốc”.
(Theo Epoch Times 25/4/2020)