Một buổi hầu rồi một buổi ngơi, Đâu còn nhớ chữ “viễn phương lai”. Mới sang chừng ấy ngơi chừng ấy, Sang nữa thì ngơi biết mấy đời.
* Cao Bá Quát hồi dạy học, từ xa đến thăm bạn cũ hiện đang làm chức tri huyện. Viên huyện này tính đã bắt đầu hợm hĩnh, cho lính ra trả lời là “quan đang ngơi”, thực ra là hắn vẫn thức mà không muốn tiếp ông bạn hàn vi. Cao Bá Quát nhân đó làm bài này tỏ ý bất bình, đưa người lính cầm vào cho viên tri huyện rồi bỏ đi.
Theo Việt Nam ca trù biên khảo, viên quan huyện không biết là ai, khi xem thơ mới biết là Cao Bá Quát, liền sai lính ra mời vào, nhưng Cao Bá Quát đã đi rồi.
Câu đối dán nơi nhà dạy học
Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng
II Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi
* Phủ lỵ Quốc Oai, Sơn Tây, nơi cuối cùng của vua quan nhà Nguyễn đã thải ông ra khỏi viện hàn lâm của triều đình Huế, cho đi làm chức giáo thụ. Ông đến bước đường cùng lại quay về nghề gõ đầu dăm ba đứa trẻ kiếm sống, sau bao năm lận đận, mang hoài bão cống hiến tài năng cho dân cho nước. Hai câu đối được viết trong thời gian này.
Đắp voi
Khen ai khéo khéo đắp đôi voi, Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi. Chỉ có cái kia… sao chẳng thấy? Hay là thầy lý bớt đi rồi?
* Cao Bá Quát thời tuổi trẻ rất thích làm người ta buồn cười (Thiếu niên dư tối giải nhân di). Làng ông bỏ tiền quyên góp giao cho lý trưởng đắp lại đôi voi phục trước cửa đình đã bị hư hoại. Lý trưởng nhân dịp này bớt xới đi nên đôi voi đắp xấu hơn trước nhiều. Ông đến xem thấy thế bèn nhặt gạch non đề lên tường đình bài thơ này.
Giai nhân bài 1
Trót yêu hoa nên gian díu với tình. Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh, Rầu rĩ bấy xuân về, oanh nhớ. Phong lưu tài tử đa xuân tứ, Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư. Nước sông Tương một dải nông sờ, Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi! Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi! Chữ chung tình biết nói cùng ai? Trót vì gắn bó một hai!
* Tiêu đề bài này có bản chép là Tự tình, hay Giai nhân nan tái đắc. Văn đàn bảo giám chép tác giả bài này là Dương Khuê.
Giai nhân bài 2
Tài tử với giai nhân là nợ sẵn, Giải cấu nan chữ ẫy nghĩa là sao? Trải xưa nay chừng đã xiết bao, Kìa tan hợp, nọ khứ lưu, đâu dám chắc. Giai nhân khứ khứ hành hành sắc, Tài tử triêu triêu mộ mộ tình. Ủa kìa ai: như mây tuôn như nước chảy, như gió mát, như trăng thanh. Lơ lửng khéo trêu mình chi mãi mãi. Trời đất có san đi mà sẻ lại, Hội tương phùng còn lắm lúc về sau. Yêu nhau xin nhớ lời nhau.
May rủi
Một rủi một may là máy tạo, Dù khôn dù dại cũng bia trần. Việc đã rồi nghĩ lắm lại thêm đần, Liếc gươm trí cắt giặc phiền từ đó. Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ, Ngồi rù uống rượu với con chơi. Mô phạm dăm ba đứa mũi chưa chùi, Tiêu khiển mấy cô đào mới nỏi. Ngoài tai ấy tha hồ ai gọi, Rằng ngựa trâu vâng cũng ngựa trâu. Nào đâu đã hẳn hơn đâu.
Nghĩ tiếc cho ai
Giá đã nên nhất tiếu khuynh thành. Thương cho tài mà lại tiếc cho tình, Chen chúc kiếp phù sinh chi mãi tá! Ngã diệc tri phi ninh tác ngã, Nhân vô bất thị thả khan nhân. Trường thị phi trót đã chen chân, Thôi đã biết chuyện xa gần là thế thế. Thoi thấm thoát bóng dâu vừa xế, Mới ngày nào mái tóc chấm ngang vai. Cuộc đời nghĩ tiếc cho ai!
* Tương truyền cô đào ở Bắc Ninh là nàng hầu của ông Nguyễn Văn Khái, một vị quan đương thời. Nhân tiệc cưới này, mến tài thơ ông Quát, có mời lại dự tiệc rượu. Trong tiệc vui, ông Khái bảo ông làm một bài hát để đào nương ca. Ông làm bài này tặng cô đào.
Nguồn: Cao Bá Quát toàn tập – tập 1, Trung tâm Nghiên cứu quốc học