Đây là đầu đề của một bài liên ngâm thể thơ thất ngôn bát cú do 8 người tiếp tục ứng khẩu (mỗi người một câu) trong bữa tiệc tiễn Xuân Diệu. Số là sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Hà Nội, Xuân Diệu nhận quyết định đi nhậm chức tham tá thương chính tại Mỹ Tho. Các bạn văn trong Tự Lực Văn Đoàn bàn nhau tổ chức tiệc tiễn đưa. Bài Bát tiên quá... chén như sau:
Bỗng dưng thi sĩ hoá Tây đoan
Nửa mặt nhà thơ, nửa mặt quan
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ
Nỗi tình ly biệt ý khôn toan
Giờ đây xin nhớ phen bùi ngọt
Chốc nữa đừng quên cảnh tóp chan
Ví thử anh em đều xuất cả
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn!
Người mở đầu là Hoàng Đạo. Sau đó lần lượt đến Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng và cuối cùng là Xuân Diệu. Đây là một bài thất ngôn bát cú đúng niêm luật, đối rất chỉnh, ý tứ độc đáo, quán xuyến, đều tay, chứng tỏ các tác giả sành thơ Đường. Ngay từ đầu câu, Hoàng Đạo đã dùng từ “Tây đoan” thay cho từ tham tá thương chính, mở ra không khí trào lộng trong khẩu khí. Tú Mỡ, ở câu thứ 6, dùng từ lái: “tóp chan” tức là “chát tom” một lối dùng từ sở trường của nhà thơ trào phúng. Qua câu này, người đọc biết thêm: sau bữa tiệc, 8 vị còn kéo nhau đi hát cô đầu.
Đến khi ứng khẩu xong, Tú Mỡ đề nghị đặt cho bài thơ một cái “tít” và chính Tú Mỡ chủ động xướng: Bát tiên quá... chén. Mọi người reo lên tán thành. Cái tít này nhại lại một tích cũ: Bát tiên quá hải. Tương truyền đời Nguyên (Trung Quốc) có 8 vị tiên: Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quài, Tào Quốc Cữu, Lã Đồng Tân, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô thường ngao du sơn thuỷ. Về sau các hoạ sĩ thường vẽ tranh tứ bình, mỗi bức vẽ hai vị tiên cưỡi hạc, phượng hoàng bay qua biển. Tranh đề là Bát tiên quá hải. Nhà thơ Tú Mỡ rất dí dỏm, đã nhại lại thành Bát tiên quá... chén !. Cũng vì quá chén mà ở câu kết thúc, Xuân Diệu đã viết:
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn!
Có ý ám chỉ bài thơ này cũng loại thơ gàn của 8 ông tiên say...
Gần đây, vài tác giả viết báo có kể lại giai thoại này nhưng không nêu được đầu đề bài thơ, không biết tác giả từng câu thơ (chỉ đoán câu thứ 6 là của Tú Mỡ); có tác giả lại nói Xuân Diệu đứng ra tổ chức bữa tiệc... Người viết bài này năm 1984, trong một lần đến nhà Xuân Diệu trao đổi về một đề tài ngôn ngữ thơ, nhân lúc vui chuyện, đã được Xuân Diệu kể lại giai thoại trên. Vậy xin chép lại để bổ sung... cho giai thoại đầy đủ hơn.
Tác giả bài viết: Hồ Cơ