Một trong những mối lo âu lớn nhất về sức khỏe của người cao niên là té ngã, mà sự kiện này thường liên quan đến việc mất thăng bằng. Thật ra, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy người ta bắt đầu có trở ngại về thăng bằng ngay từ khi bước vào khoảng tuổi 40. Bạn càng về già, cơ thể và khả năng giác quan càng yếu đi, và tất cả những yếu tố đó đều góp phần tạo nên sự kém thăng bằng. Tại Nhật Bản, hơn 7.000 người chết mỗi năm vì té ngã, vượt quá số người chết vì tai nạn giao thông.
Trong bài này, chúng ta sẽ khảo sát chi tiết nguyên nhân gây ra té ngã và lý do tại sao chúng ta mất thăng bằng lúc tuổi cao.
A. Trắc nghiệm thăng bằng bằng cách đứng một chân:
Bạn có thể lượng định khả năng giữ thăng bằng của mình tốt cỡ nào bằng cách đo lường thời gian bạn có thể đứng bằng một chân.
Bảng chỉ dẫn sau đây cho thấy thời gian thăng bằng trung bình dựa theo nhóm tuổi được ghi nhận qua cuộc nghiên cứu tại Viện Y Tế Nhật Bản.
Thời gian trung bình khi mắt mở: 20-39 tuổi: 110 giây 40-49 tuổi: 64 giây 50-59 tuổi: 36 giây 60-69 tuổi: 25 giây
Thời gian trung bình với mắt nhắm lại: 20-39 tuổi: 12 giây 40-49 tuổi: 7 giây 50-59 tuổi: 5 giây 60-69 tuổi: Ngắn hơn 3 giây
Nếu thời gian giữ thăng bằng của bạn ở dưới mức trung bình, có nghĩa là bạn sẽ có nguy cơ té ngã cao, hoặc dễ bị tai nạn trợt chân và vấp té.
Trong cuộc nghiên cứu trên, nữ giới có khuynh hướng dễ mất thăng bằng nhiều hơn nam giới nhưng con số sai biệt khá ít (1% – 2%). Bằng chứng từ cuộc nghiên cứu cho thấy có một sự sút giảm bất thình lình đáng kể liên quan đến khả năng giữ thăng bằng ở lứa tuổi trung niên (từ 40 tuổi trở lên).
Xin lưu ý là các con số nêu trên chỉ là số trung bình. Thực tế cho thấy có những người đứng một chân mà giữ được thăng bằng lâu hơn nhiều, và cũng có những người chỉ có thể giữ thăng bằng trong thời gian ngắn hơn nhiều, bất kể tuổi tác và phái tính. Lý do tại sao có sự khác biệt sẽ được giải thích ở phần cuối bài này.
B. Lòng bàn chân có giác quan cảm nhân:
Làn da khắp châu thân của bạn có nhiều giác quan cảm nhận đáng kể, gọi là pressure sensors hoặc mechanoreceptors. Một vài chổ có ít giác quan cảm nhận, trong lúc các chỗ khác lại có hàng ngàn, thí dụ như lòng bàn chân của bạn. Giác quan trong lòng bàn chân cung cấp tín hiệu cho não bộ nhằm giúp cơ thể được thăng bằng.
Khi tuổi bạn lớn dần, giác quan của bạn sẽ bị yếu đi và lòng bàn chân sẽ mất cảm giác. Nhưng cũng còn có những yếu tố khác làm cho giác quan bị yếu đi.
C. Sự tuần hoàn của máu có thể ảnh hưởng đến giác quan cảm nhận:
Trong cuộc nghiên cứu, những người tham dự hầu như gặp nguy cơ té ngã gấp đôi gây ra bởi sự tuần hoàn kém của máu. Trường hợp này cũng giống như bạn nhúng chân vào nước đá khoảng 3 phút. Vì nhiệt độ lạnh, giác quan trong lòng bàn chân bắt đầu mất cảm giác.
D. Hãy chú ý lúc bước tới trước:
Nếu bàn chân bước đi của bạn chạm phải vật gì, thân hình bạn sẽ mất thăng bằng làm cho bạn vấp té.
Chẳng qua, đây chỉ là vấn đề hợp lý bình thường để nhắc nhở bạn luôn luôn chú ý vào đường đi và nhìn chỗ mình đang đi. Hãy nhớ những câu ngạn ngữ như “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “Ngăn ngừa một chút đáng giá bằng cả tháng chữa trị”, “Hãy nhìn kỹ trước khi nhảy vọt tới” (“Prevention is better than cure”, “An ounce of prevention is worth a pound of cure”, “Look before you leap“) v.v…
Nhưng lơ đãng không phải là vấn đề duy nhất. Sau đây là hai lý do chính để giải thích tại sao bạn bị té nhào trong lúc đang bước.
1. Bàn chân bước tới chúi xuống phía dưới: Nếu bàn chân chúi xuống phía dưới trong lúc bước, bạn rất dễ bị té ngã. Để tránh trường hợp này, các ngón chân trước của bạn nên hướng lên trên theo như trong hình vẽ.
2. Bước đi của bạn giống như quả lắc đồng hồ: Chiều cao của bước đi có thể gia tăng nguy cơ té ngã một cách đáng kể. Để ngăn ngừa trường hợp này, bàn chân bước tới của bạn phải cao hỏng mặt đất (ít nhất 5 cm) trong lúc đầu gối được nhấc cao theo như hình vẽ.
Thật ra, tất cả giác quan cảm nhận (mechanoreceptors) của bạn nằm đều ở khắp cơ thể, cũng như lòng bàn chân của bạn gửi đi các tín hiệu tới não bộ bao gồm luôn cả các sự co thắt của bắp thịt và các khớp ở mắt cá chân. Khi tín hiệu này không được chuyển đủ tới não bộ (là trường hợp xảy ra khi bạn lớn tuổi), thì sự chuyển động sẽ yếu đi hoặc sẽ kém hiệu quả khiến cho bạn khó giữ bàn chân cao hỏng lên khỏi mặt đất.
E. Làm thế nào để khỏi bị té (fall), vấp té (trip), hay trợt chân (slip)?
Ngoài những điểm đã trình bày ở trên, bạn nên lưu ý thêm một vài điều sau đây:
1. Giữ cho nhà cửa sạch sẽ: Thật vậy, có rất nhiều thứ quăng vứt bừa bãi trong nhà khiến bạn có thể vấp té, trợt chân. Bạn hãy luôn luôn ghi nhớ dọn dẹp, cất giữ các vật dụng và đồ đạc không cần thiết ở nơi thích hợp (garage, nhà kho), kể cả một tờ báo đã đọc xong, cái remote control, những quần áo thay ra vứt trên sàn nhà hay tấm thảm…
2. Làm thư giãn bàn chân và mắt cá chân: Bạn có thể nghĩ rằng, so với các bộ phận khác trên cơ thể, bàn chân không cần luyện tập hoặc làm thư giãn. Nhưng thật ra, tập thư giãn bàn chân có thể giúp cho bàn chân của bạn duy trì thế thăng bằng.
3. Giữ cho nhà cửa được ấm và có đủ ánh sáng: Không khí lạnh lẽp khiến cho các bắp thịt cũng bị lạnh và giác quan cảm nhận không còn bén nhạy và mức độ đáp ứng đối với tín hiệu kém đi. Nhiệt độ giảm cũng sẽ làm cho các bắp thịt không còn mạnh và kém co dãn, gây ra tai nạn. Vậy bạn nên luôn luôn giữ cho nhà cửa được ấm, mặc quần áo và giày dép thích hợp, nhất là vào mùa Đông. Và sau hết, bởi vì hầu hết các trường hợp té ngã thường xảy ra trong nhà, cho nên bạn cũng cần kiểm soát để nhà cửa có đủ ánh sáng.
Nguồn: Dr. Junji Takano: “Increased Risk of Fall Accident Begins at Age 40”