Chán ăn là định nghĩa chỉ tình trạng không có cảm giác thèm ăn, ngoài ra còn do chán ăn tâm thần, đây là một rối loạn ăn uống mà lượng thức ăn đưa vào cơ thể một người ít hơn đáng kể những gì cần thiết để cơ thể.
Thực tế thăm khám dinh dưỡng cho người cao tuổi tại một số bệnh viện cho thấy, rất nhiều người lo lắng hoang mang vì ăn gì cũng không ngon, “nhìn gì cũng không thèm”. Nhóm người này khiến con cái lo lắng cho tình trạng sức khỏe của đấng sinh thành.
Các nghiên cứu dinh dưỡng lâm sàng cho thấy hơn 40% người cao tuổi mắc chứng ăn không ngon, tình trạng này làm thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể như protein, lysin, kẽm, kali, magiê... Sự thiếu hụt dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể suy nhược, gầy yếu, trí nhớ giảm sút. Dinh dưỡng kém cũng khiến chức năng cơ bắp của người lớn tuổi suy yếu, giảm khối lượng xương, rối loạn chức năng miễn dịch, thiếu máu, giảm chức năng nhận thức, làm chậm lành vết thương, chậm phục hồi sau phẫu thuật và cuối cùng là tăng tỷ lệ tử vong. Ở Mỹ, 78% ca tử vong do chán ăn xảy ra ở người cao tuổi, còn ở Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng của người già do biếng ăn cũng thường xuyên được báo động.
Nhìn gì cũng không thèm ăn
Không thèm ăn, nhìn gì cũng ngán chính là biểu hiện của chứng chán ăn ở người già. Các nghiên cứu dinh dưỡng cơ bản cho thấy, có nhiều lý do khiến người cao tuổi chán ăn, nhưng chủ yếu là do các chức năng trong cơ thể suy giảm, khứu giác, vị giác cũng không còn nhạy như người trẻ, ngoài ra một số người còn mắc một số chứng bệnh về dạ dày, tim mạch, hoặc răng không còn khỏe. Số khác còn dùng những loại thuốc điều trị bệnh như thuốc ngủ, thuốc chống đau nhức khiến giảm thèm ăn.
Người cao tuổi còn chán ăn do mắc một số bệnh mạn tính kéo dài hoặc sống đơn thân, hoàn cảnh khó khăn, không có hoặc ít có sự quan tâm của gia đình, thiếu thốn kinh tế gây nên buồn phiền, lo lắng, mệt mỏi gây chán ăn, thậm chí bỏ bữa. Chán ăn ở người cao tuổi còn có thể gặp ở một số người bị trầm cảm, một dạng bệnh tâm thần, người bệnh không quan tâm, không để ý đến các hiện tượng xung quanh mình, trong đó có việc ăn, uống. Tình trạng biếng ăn kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Khắc phục chứng chán ăn ở người già
Điều đầu tiên cần làm là xác định chính xác nguyên nhân gây chán ăn. Cần đưa người cao tuổi đến gặp bác sĩ khám và trò chuyện để tìm nguyên nhân, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ là người đưa ra hướng khắc phục. Sau khi thăm khám, tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có mỗi cách tư vấn khác nhau.
Nhóm người chán ăn do trầm cảm nên được khám bệnh đúng chuyên khoa tâm thần, bởi vì người chán ăn do bệnh tâm thần luôn khẳng định là họ không cần sự giúp đỡ dù trong thực tế họ rất cần. Việc điều trị càng sớm bao nhiêu sẽ càng giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe trở lại bấy nhiêu.
Với người chán ăn do yếu răng, yếu cơ nhai, dạ dày yếu, nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, không nên ăn quá no, không ăn nhiều mỡ động vật, không nên ăn các loại da. Nên ăn nhiều rau xanh, không hoặc hạn chế ăn thịt đỏ và nên ăn thịt trắng.Thực đơn mỗi tuần nên có cá thay vì cứ mãi ăn thịt bởi cá dễ tiêu hóa và lại có nhiều chất dinh dưỡng.Thức ăn cũng cần phải nấu nóng, không nên để nguội tạo cảm giác khó ăn.
Cũng cần lưu ý đến việc làm giảm chứng khô miệng ở người lớn tuổi bằng cách khuyến khích người cao tuổi uống nhiều nước mỗi ngày và uống nước sau mỗi bữa ăn.Uống nước thường xuyên là biện pháp rất quan trọng phòng nhiễm khuẩn tiết niệu, táo bón và tăng cường sức khỏe.Khi chế biến thức ăn cũng tránh chế biến quá khô, cần thêm nước sốt vào thực phẩm để làm ẩm thức ăn và hạn chế khô miệng.Nên tìm người nấu ăn tại nhà để luôn có bữa ăn tươi và nóng sốt.
Nên tăng cường ngũ cốc, ăn trái cây, rau, bổ sung canxi từ các sản phẩm sữa để tránh loãng xương và phòng nguy cơ gãy xương khi té ngã, các loại hạt để tránh táo bón và protein để tái tạo tế bào.
Khó nhất là những người không thèm ăn do tác dụng phụ của thuốc. Những người này nói riêng và người cao tuổi nói chung rất cần sự quan tâm, động viên chăm sóc và thấu hiểu từ phía con cháu. Sự động viên và quan tâm sẽ giúp người cao tuổi có niềm động lực để ngồi vào mâm cơm ăn cùng mọi người. Con cái cũng nên tạo điều kiện cho bố mẹ có được cơ hội ăn uống cùng những bạn bè có tuổi để bố mẹ có được niềm vui và vì thế sẽ ăn ngon miệng hơn.
BS. NGUYỄN QUỐC DUY