Theo Chương trình Quốc gia Hướng dẫn Vấn đề Cholesterol của chính phủ Hoa Kỳ (National Cholesterol Education Program), khoảng 52 triệu người Mỹ có mỡ cao trong máu, và cần ăn một thực phẩm giúp hạ thấp lượng mỡ trong máu. Tính ra, cứ mỗi 1% chất cholesterol giảm đi trong máu, ta sẽ giảm được đến 2% nguy cơ bị chết vì nhồi cơ tim cấp tính (myocardial infarction, gọi nôm na là “heart attack“).
Việc ăn kiêng đạt kết quả hay không, tùy vào lượng chất mỡ bão hòa (saturated fat, nhiều trong mỡ động vật) và lượng chất cholesterol ta ăn vào mỗi ngày, cùng sự kiên tâm của chính ta. Kiêng được vài ngày, rồi ăn uống buông thả cho đã, lòng nhủ lòng “lo gì, ngày mai kiêng lại đã muộn đâu”, thì hỏng. Nguồn thực phẩm ta dùng cũng nên cung cấp nhiều chất sợi hòa tan (soluble fiber) và các sinh tố chống oxýt-hóa (antioxydant vitamins).
Trong đậu nành (soybeans), có rất ít chất mỡ bão hòa, lại nhiều chất sợi hòa tan, nên đậu nành rất tốt cho chúng ta, giúp cơ thể ta tránh các bệnh tim mạch.
Đề nghị của Cơ quan Quản trị Thực phẩm Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dựa vào kết quả của 38 khảo cứu, trên hơn 700 người. Các khảo cứu cho thấy, dùng đậu nành đều, trung bình, cholesterol sẽ giảm 9.3%, cholesterol “xấu” (LDL) giảm 12.9%, và mỡ triglycerides giảm 10.5%. Với cholesterol “tốt” (HDL), đậu nành không ảnh hưởng mấy, không làm tăng thêm được bao nhiêu.
Theo một khảo cứu, dùng 25 g đậu nành mỗi ngày, cũng đủ tốt để hạ thấp cholesterol.
Ngoài ra, người có lượng cholesterol trong máu càng cao, dùng đậu nành, cholesterol càng giảm nhiều, và kết quả đạt được ở người lớn lẫn trẻ con giống nhau.
TÁC DỤNG CỦA ĐẬU NÀNH
Tác dụng làm hạ chất cholesterol của đậu nành đến nay chưa được hiểu rõ.
Đậu nành chứa các chất amino acids, globulins, isoflavones, soy fiber, phytic acid, saponins, trypsin inhibitors, và linoneic acid. Có thể chất nào trong đậu nành cũng tốt cho sức khỏe, chẳng hạn chất linoneic acid được xem có tính chống thất nhịp (antiarrhymic effect), giúp tim đập đều hòa; chất genistein(thuộc nhóm isoflavones có trong đậu nành) có thể ngăn máu đông bất thường trong các mạch máu, v.v… Nhiều chuyên viên nghiên cứu đặt giả thuyết đậu nành làm mật tiết ra nhiều hơn, thay đổi lượng các kích thích tố trong cơ thể, hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến sự biến dưỡng của chất cholesterol trong gan.
Tất nhiên, sẽ cần thêm nhiều khảo cứu để xác định vai trò của đậu nành đối với cơ thể con người chúng ta. Song, cơ chế tác dụng thực sự của đậu nành có lẽ rất phức tạp và bao gồm cả những yếu tố kể trên. Hiện tại, vì chưa rõ đích xác chất nào trong đậu nành mang lại lợi ích cho sức khỏe, chúng ta nên dùng nguyên đậu nành dưới dạng thực phẩm.
Cơ quan Kiểm soát Thực và Dược phẩm (FDA) khuyên ta chớ nên dùng những sản phẩm chế thành thuốc viên, quảng cáo lấy từ đậu nành để làm hạ cholesterol (như những viên thuốc chứa chất isoflavonebán tự do bên ngoài). Tốt nhất, dùng chính nguồn đậu nành trong thực phẩm.
Mặc dầu kết quả các khảo cứu chỉ cho thấy đậu nành có tính làm giảm cholesterol, nhưng ôi thôi, tin đồn lưu truyền khắp nơi rằng đậu nành mang nhiều tính tốt khác nữa: nào nó giúp phụ nữ đã mãn kinh bớt thấy nóng mặt (hot flashes), những phụ nữ còn kinh không còn buồn phiền, nóng nảy vì những triệu chứng khó chịu trước khi kinh ra (gây do premenstrual syndrome, gọi tắt PMS); nào là nó chận đứng bệnh xốp xương (osteoporosis), lại còn làm giảm nguy cơ bị vài loại bệnh ung thư… Nghe thì cười thôi (lịch sự cho người nói vui lòng), song chúng ta chỉ nên tin rằng đậu nành, dùng đều và đủ, quả làm hạ cholesteroltrong những trường hợp bệnh cao cholesterol nhẹ, chưa cần dùng đến thuốc. Còn với những bệnh quan trọng khác, như xốp xương, ung thư, v.v., bạn chớ nên tự ngừa và chữa bằng đậu nành, nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.
Ở Á Đông, tuy không có mấy tài liệu nói đến dược tính của đậu nành, cho biết dùng nó thực sự tốt cho sức khỏe ở những điểm nào, và dùng nhiều có nguy hiểm không, nhưng đậu nành đã là một dạng thực phẩm được ưa chuộng từ ngàn xưa, ít ra cũng 4.000 năm. Người Nhật, hàng ngày mỗi người họ dùng đến 10-50 grams đậu nành (so ra, trung bình, một người Mỹ chỉ dùng 1-3 grams mỗi ngày). Từ lâu, nó được pha làm sữa cho trẻ em, và dùng phụ thêm cho những người lớn, vì bệnh tật không thể ăn một thực phẩm bình thường. Các vị chay trường, không ăn thịt (vegetarians), nhiều lực sĩ mỗi ngày cũng tiêu thụ rất nhiều đậu nành.
Y học Tây phương gần đây quan ngại đậu nành chứa hoạt chất isoflavones, mang đặc tính giống chất kích thích tố nữ estrogen, nên nếu dùng về lâu về dài ở những người phụ nữ đã mãn kinh, có thể làm tăng triển vọng bị ung thư vú. Quan ngại vậy thôi, điều này cũng chưa chứng minh được. Song cẩn thận vẫn hơn, nên người ta khuyên các phụ nữ dễ có nguy cơ bị ung thư vú, chẳng hạn như người có mẹ hoặc chị đã bị ung thư vú, không nên dùng quá nhiều đậu nành; dùng vừa phải thì được.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức