Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại trang phục truyền thống mà chỉ cần nhìn cách phục sức của họ, chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Nếu người Nhật Bản có Kimono, người Hàn Quốc có Hanbok, người Trung Quốc có Sườn xám,… thì người Việt Nam lại hãnh diện khi mang trên mình chiếc Áo dài dân tộc. Theo dòng chảy của lịch sử, chiếc áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của xã hội. Thế nhưng, dẫu thay đổi thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.
Áo dài từ lâu vẫn luôn là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam. Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được vị thế như ngày hôm nay, áo dài đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử.
Ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, dựa trên những tài liệu, thông tin của những nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử… khoảng 3.000 năm trước, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà thướt tha, mềm mại, mỏng manh như cánh bướm bay trong gió đã xuất hiện trên những cổ vật như mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, trên thạp đồng Đào Thịnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, chiếc áo dài đã ra đời từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, xưng Vũ Vương (1739-1765) ở thế kỷ XVIII.
Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân (gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái). Áo tứ thân thích hợp cho người phụ nữ miền quê quanh năm cần cù bươn chải.
Với những phụ nữ thị thành không phải làm những công việc nặng nhọc, họ muốn có một kiểu áo dài được cách tân để giảm chế nét dân dã lao động và tôn thêm dáng dấp trang khuê các. Áo ngũ thân ra đời trong hoàn cảnh đó, với biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay được thu bé lại trở thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước. Áo ngũ thân che kín thân hình và không để hở áo lót.
Đến thế kỷ 18, chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa Trung Hoa, lối ăn mặc của người Việt Nam vẫn thường hay bắt chước lối của người phương Bắc. Đặc biệt dưới thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, do nhu cầu khẩn hoang, đón nhận hàng vạn người Minh Hương sang định cư lập nghiệp, mặc dù khi đó người Việt cũng có lối ăn mặc riêng. Trước làn sóng xâm nhập mới này, để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, năm 1744, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành.
Trong sắc dụ đó, người ta thấy lần đầu tiên sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam, như sau:
“Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép …”
Trích “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên”
Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.
Có thể nói, sắc dụ của Vũ Vương ban hành năm 1744 thực sự là một cuộc cải cách lớn của y phục Đàng Trong. Đây cũng là tiền đề để chiếc áo dài được phổ biến rộng rãi. Áo dài trở thành y phục của mọi lớp người trong xã hội, từ vua chúa, quan lại cho đến thường dân nam nữ. Đến thời vua Minh Mạng, nhà vua đã ra sắc lệnh thống nhất y phục Bắc Nam và áo dài chính thức trở thành quốc phục.
Đến đầu thế kỷ 20, người phụ nữ Việt vẫn còn chịu những khắt khe của xã hội phong kiến nên trang phục không tôn dáng. Áo lúc bấy giờ có dáng được may rộng, tay áo chít, phía trong họ còn mặc thêm một áo ngắn. Những định kiến của xã hội cũng khiến màu sắc trang phục bị hạn chế, áo thường là màu nhẹ nhàng, quần phải luôn là màu tối, tuyệt đối không được mặc quần trắng để tránh bị đánh giá là thiếu đứng đắn.
Ở thời điểm này, cách mặc áo dài của phụ nữ 2 miền Nam – Bắc cũng có sự khác biệt nhỏ. Phụ nữ miền Nam may cổ áo cao hơn và cài kín khi mặc, trang sức đeo ra bên ngoài. Trong khi đó ở miền Bắc, cổ áo được may thấp và mở rộng hơn để có thể khoe đồ trang sức đeo bên trong.
Còn chiếc áo dài dành cho nam có kết cấu cơ bản là cổ đứng, đằng sau được may bằng cách ghép hai mảnh vải dọc sống lưng. Tương tự như vậy, đằng trước cũng do 2 mảnh vải dọc ghép lại, ngoài ra còn có một mảnh thân ngắn ở lớp dưới của thân áo trước. Lớp trên với lớp dưới được kết nối với nhau bằng năm chiếc khuy từ cổ đến dưới cánh tay. Lúc này, áo dài nam còn được gọi là áo năm thân hay ngũ thân.
Ngoài ra, tuỳ theo tầng lớp xã hội mà áo dài nam được may theo chất liệu, kiểu dáng hoạ tiết khác nhau. Tuy nhiên, dù mang dáng dấp nào, chiếc áo dài đều toát lên vẻ thẳng thắn, cương trực và lịch sự thể hiện tâm hồn và cốt cách của người đàn ông. Đó là điều mà văn hoá dân được thể hiện qua trang phục.
Thập niên 1930 -1940 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam khi khái niệm “áo dài tân thời” ra đời, đồng thời chiếc quần trắng thường mặc ngày nay của nữ cũng bắt đầu xuất hiện.
Vào những năm đầu thập niên 30, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Pháp thành lập (nay là Trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội), họa sĩ Cát Tường cùng với nhóm Tự lực văn đoàn là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống với phương châm: “Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương ngoài phản chiếu ra cái trình độ, trí thức của một đất nước.
“Le Mur” là kiểu áo dài cách tân đầu tiên họa sĩ Cát Tường tung ra, được lấy cảm hứng hoàn toàn từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen… và đặc biệt những màu tối của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tươi sáng mặc kết hợp với quần trắng.
Chiếc áo này bị dư luận thời đó lên án mạnh mẽ, cho là không đứng đắn nên chỉ có giới nghệ sĩ phong cách tân thời mới dám mặc. 4 năm sau, năm 1934, sau khi họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo dài “Le Mur” theo cách riêng của ông là dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống, áo “Le Mur” của Cát Tường hoàn toàn biến mất.
Lê Phổ đã bỏ kiểu tay phồng, rồi may cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn… Kiểu áo dài của ông rất được đón nhận, đặc biệt tại Hội chợ Nữ công Đà Nẵng. Trong suốt gần 30 năm, kiểu áo dài đó không thay đổi nhiều ngoại trừ cổ áo, gấu áo, eo áo: lúc cao, lúc thấp, lúc hẹp, lúc rộng… lưng áo cũng thay đổi từ to bản luồn dải rút đổi sang lưng nhỏ, cài khuy rồi kéo khóa theo kiểu phương Tây.
Thế nhưng, khác với áo dài của nữ có sự phát triển quan trọng về kiểu dáng và vẫn giữ được tầm quan trọng của mình, áo dài nam lại trải qua nhiều thăng trầm hơn và mất dần đi vị thế của mình trong xã hội do sự du nhập của văn hoá phương Tây.
Thập niên 1940 -1950, đây là thời kỳ chiếc áo dài của nữ được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là đẹp nhất trong các giai đoạn phát triển lịch sử.
Các thợ máy lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người, sườn áo dài bắt đầu được may có eo, thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Áo mang nét thanh thoát mà vẫn tôn dáng người mặc.
Có thể nói, lúc này áo dài đã bắt đầu có những nét mới, cải tiến để phù hợp với dáng người mặc. Nhưng, những nét mới này được xem là sự bổ sung có chọn lọc để tôn thêm vẻ đẹp của người con gái Việt.
Một điều thú vị, chính trong khoảng thời gian này, sự biến đổi của chiếc áo dài còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý và văn hoá vùng miền. Vì vậy, áo dài tại Bắc – Trung – Nam cũng có những nét khác biệt. Ở miền Nam, tuy có khí hậu nóng nhưng phụ nữ miền Nam lại thích mặc áo có tông màu đậm. Còn ở miền Bắc, những người phụ nữ lại chọn cho mình màu sắc tươi tắn hơn và chất liệu cũng nhẹ nhàng hơn. Tại miền Trung, đặc biệt ở Huế do không khí trầm mặc ảnh hưởng bởi Cung đình xưa nên phụ nữ nơi đây thường chọn cho mình tông có phần lắng đọng như màu tím. Về cơ bản, giữa ba miền kiểu dáng và kết cấu không khác nhau, nhưng họ có thể mặc ngắn hơn một chút, dài hơn một chút, tà áo ôm hơn một chút. Điều này được quyết định bởi sự khác biệt về thói quen thẩm mỹ và môi trường sống của từng vùng.
Trái ngược với sự hưng thịnh của áo dài nữ, lúc này áo dài nam gần như bị lãng quên. Những chiếc áo dài thường ngày trước đây các cụ vẫn mặc đã mất dần. Hình ảnh những người đàn ông mặc áo dài hãn hữu lắm mới thấy trên đường phố.
Thập niên 1960 -1970, thời kỳ áo dài có nhiều sự biến đổi nhất.
Áo dài bắt đầu được may chít eo, cài khuy rất chặt, eo áo cắt cao lên, gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Nhưng cách may này có một nhược điểm lớn là các nếp nhăn rất dễ xuất hiện ở hai bên nách. Vì vậy, những năm 1960, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn đã đưa cách ráp tay raglan vào áo dài. Với cách ráp này, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách. Tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, cho phép tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt. Về màu sắc, lúc này áo dài màu trở thành thời thượng, trở thành biểu tượng cho phong cách trẻ trung năng động của những thiếu nữ hiện đại. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã được định hình.
Thập niên 1970- 1990, áo dài không thay đổi nhiều. Sự thay đổi chủ yếu chỉ nằm ở vạt áo dài hay ngắn hoặc cái biến một số kiểu cổ.
Vào thời đại ngày nay, xã hội phát triển và có sự giao lưu mạnh mẽ giữa các miền văn hoá khác nhau, chiếc áo dài nữ lại tiếp tục biến đổi. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài truyền thống nhưng có sự thay đổi về chất liệu và kỹ thuật may để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.
Về phần áo dài nam, tuy không còn giữ vai trò quốc phục nhưng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc hình ảnh chiếc áo dài ngũ thân vẫn hiện hữu. Ngày nay, áo dài nam vẫn xuất hiện trong các sự kiện quan trọng như các hoạt động nghệ thuật hay các sinh hoạt tín ngưỡng, điều này chứng tỏ dấu ấn quan trọng mà chiếc áo dài nam để lại trong lịch sử trang phục nước ta.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh con người Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu. Chúng ta, những thế hệ trẻ hãy tiếp tục giữ gìn và bảo tồn những giá trị nhân văn trong trang phục truyền thống để biết trân quý những giá trị mà ông cha để lại.
Sưu tầm