Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy và Sự Hy Sinh Oanh Liệt của Nguyễn Thái Học và 12 Tử Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng
“Máu chảy thành sông, Xương chất thành núi!.. Với những con người bất tử đền nợ nước.” ——— Kỷ Niệm 89 Năm Ngày Tang Yên Báy (17/6/1930 - 17/6/2019) Trong lịch sử cận đại của Việt Nam, giai đoạn đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, có một đảng cách mạng ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị Pháp xâm lược đặt ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam, đời sống dân chúng bị bóc lột,cùng cực lầm than. Đứng trước thảm trạng đen tối của dân tộc, những chàng trai trí thức trẻ yêu nước, thấm nhuần tinh thần quốc gia dân tộc và ảnh hưởng tư tưởng tự do dân chủ tây phương như cuộc cách mạng nước Pháp 1789, đặc biệt là cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) do nhà yêu nước Tôn Dật Tiên lãnh đạo. Đảng cách mạng đã được khai sinh từ trong lòng dân tộc, hy sinh vì dân tộc và dựa vào sức mạnh dân tộc mà chiến đấu, đảng cách mạng được khai sinh vào đêm 24, rạng ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại làng Thể Giáo Hà Nội có tên là “Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Rồi đúng như phương châm của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đề ra, vì nước hy sinh, vì dân quên mình, như lời thuật lại trong tác phẩm: Nguyễn Thái Học của nhà cách mạng Nhượng Tống xuất bản năm 1945. Nhượng Tống là người đồng thành lập ĐẢNG là một nhà báo, soạn giả, nhà tư tưởng, nhà cách mạng, là một người bạn, một đồng chí của Nguyễn Thái Học đã viết về người lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa long trời lỡ đất với câu nói được khắc ghi vào lịch sử tại Hội Nghị Võng La khi đảng quyết định tổng khởi nghĩa: “Chết đi để cả thế giới biết được cái dân tộc này còn sống, chết đi để lại cái gương hy sinh cho đời sau nối bước: Không thành công, thì thành nhân“. Tổng khởi nghĩa đã được nổ ra đầu tiên tại đồn binh Yên Báy vào lúc 2 giờ khuya ngày 9, rạng ngày 10-2-1930, từ Yên Báy, Lâm Thao, Hưng Hoá, đánh bom cầu Long Biên, ném bom Hà Nội, đánh Đáp Cầu, Phả Lại, tấn công đồn binh Kiến An, đánh Phủ Dực, Vĩnh Hảo, Thái Bình… tại khắp các tỉnh Bắc Kỳ, lực lượng cách mạng quân gồm: Học sinh, sinh viên, viên chức, giáo viên và binh lính người Việt trong quân đội Pháp.Vì quân cách mạng VNQDĐ phát khởi tiếng súng đầu tiên tấn công bằng vũ trang quy mô có sự tham gia của binh lính người Việt tại đồn binh Yên Báy thuộc Đội Quan Binh Thứ III của Pháp tại Bắc Kỳ, giao tranh kịch liệt đã xảy ra giữa quân cách mạng VNQDĐ với quân đội thực dân Pháp, khiến cho thực dân một phen khiếp vía tỉnh giấc mộng An Nam. Nên Thực Dân Pháp gọi cuộc Tổng Khởi Nghĩa 10/02/1930 của VNQDĐ là “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy”. Vì sao? Rất là logic vi nó nổ ra đầu tiên đánh đồn bin Yên Báy thuộc đạo quan binh thứ 3 của Pháp…và Yên Báy vào lúc đó trên bản đồ ghi lại Báy là “y dài”. Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy thất bại, chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp, truy lùng bắt bớ khắp mọi nơi. Thêm vào trước đó, vào tháng 12,1929 xảy ra vụ án ám sát tên trùm mộ phu Ba-Danh, tên này chuyên dụ dỗ hay bắt cóc dân đem làm phu lấy lợi. Sở mật thám Bắc Việt được một nội ứng phản đảng tên Bùi Tiên Mai chỉ điểm, và bắt giam 227 đảng viên VNQDĐ, nhưng không bắt được hai lãnh tụ đảng lúc đó là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, chủ tịch Ban Hành pháp VNQDĐ nhiệm kỳ 3.
Sau khi Bùi Tiên Mai nhận diện và đối chứng với những đồng chí tại các phiên tòa Hội đồng Đề hình, ban ám sát VNQDĐ tổ chức giết người này vì tội phản đảng và quên lời thề trước bàn thờ tổ quốc. Trên đường hành thích, sự việc bị đổ bể và một đảng viên bị chết, một bị tù cấm cố 10 năm. Hai đảng viên khác, Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Ngọc, khi bị bắt do mật thám tra tấn dã man đã khai báo và chỉ điểm cho Pháp mọi đường đi nước bước của các yếu nhân lãnh đạo của VNQDĐ. Ban ám sát VNQDĐ cũng tổ chức giết hai người này, tuy thành công nhưng thêm một số đảng viên bị bắt và hành hình qua các vụ ám sát này.
Để xử các tù nhân chính trị này, Toàn quyền Pháp Pasquier quyết định không giao cho Biện lý cuộc, nhưng ký nghị định thành lập một Hội đồng Đề hình (Commission criminelle) để tuyên án và xử tội. Hội đồng này trả tự do cho 149 người và kết án 78 người từ 2 đến 15 năm tù tại các tỉnh thượng du Bắc Việt hoặc lưu đày ra Côn Đảo, và mỗi người bị cộng thêm một án 5 năm biệt xứ (interdiction de séjour). Theo Giáo sư Phạm Cao Dương “Câu chuyện bắt đầu ở Yên Báy, một buổi sáng còn mờ sương và chỉ trong một buổi sáng của ngày 17 tháng 6 năm 1930. Không phải chỉ có một người mà là mười ba người, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã liên tiếp theo nhau, bị người Pháp đưa lên máy chém. Tất cả đã xảy ra trong vẻn vẹn 30 phút, từ 5 giờ đến 5 giờ 30. Đây quả thiệt không còn là cuộc thi hành một bản án nữa mà là một cuộc tàn sát tập thể nhằm dằn mặt toàn thể người dân Việt Nam sau cuộc khởi nghĩa thất bại của đảng này trước đó. Chưa hết, tiếp theo hàng chục người khác cũng bị án tử hình và lên máy chém ở Nhà Pha Hỏa Lò, ở Hải Dương, ở Phú Thọ… và cuộc tàn phá Cổ Am bằng máy bay và hàng trăm người khác bị bỏ ngục hay đưa đi đầy.
Rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị chung thân khổ sai, một số tự sát và bị hành hình như:
- Ngày 11 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu đập đầu tự sát trong ngục thất ở Hưng Hóa.
- Ngày 8 tháng 3 năm 1930, Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng bị xử chém tại Yên Báy.
- Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Báy.
- Ngày 18 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thị Giang dùng súng tự sát ở gốc cây đề làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên nay là tỉnh Vĩnh Phúc.
- Ngày 7 tháng 9 năm 1930, Đỗ Thị Tâm nuốt giải yếm tự sát trong ngục thất ở Hà Nội.
- Ngày 22 tháng 11 năm 1930, Nguyễn Văn Toại và 4 đồng chí bị xử chém tại Phú Thọ.
- Tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, hay Đặng Trần Nghiệp, tức Ký Con, và 6 đồng chí là Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Văn Khuê bị xử chém tại trước cổng nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội.
- Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo, Trần Nhật Đồng và một số đồng chí bị xử chém tại Hải Dương.
- Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Lê Hữu Cảnh bị hành hình trước cổng ngục thất Hỏa Lò Hà Nội.
- Năm 1936, Nguyễn Đức Trạch tức Sư Trạch, tự sát tại ngục thất ở Guyane thuộc Pháp.
Trong lịch sử cách mạng giành độc lập cho đất nước và dân tộc Việt Nam, không một đảng nào đã phải gánh chịu những hy sinh lớn lao, đầy nghiệt ngã và đau thương như vậy.”
Không có giấy bút nào có thể kê khai rõ ràng, đầy đủ về những sự hy sinh xương máu của Quốc Dân đồng bào trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy đến nay đã trải qua bao thế hệ, với qua bao biến cố lịch sử thăng trầm của đất nước.Tinh thần Yên Báy bất diệt, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Cho dù Việt Nam dưới bất cứ thể chế chính trị, tôn giáo tín ngưỡng, sắc tộc màu da, ngôn ngữ quốc tịch, biên giới lãnh thổ. Bó đuốc Yên Báy vẫn được thắp sáng ngời theo từng chặng đường lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguồn:
-Diễn đàn Sách xưa (Tinh thần Yên Báy bất diệt)
-Gs. Phạm Cao Dương (Kỷ Niệm 89 Năm Ngày Tang Yên Báy)
Nhắc lại lịch sử năm xưa. Thanks Ad
Bài hay lắm , Thanks Admin đã post