Trận Đệ nhị Thế chiến bùng nổ là lúc Việt Nam cũng như nhiều quốc gia bị trị bước sang những giai đoạn mới của lịch sử. Phong trào Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đông Dương Cộng Sản Đảng mặc dầu bị đế quốc Pháp đàn áp từ năm 1930 vẫn ngấm ngầm hoạt động. Cách mạng Việt Nam bấy lâu thu nanh dấu vuốt sửa soạn nắm thời cơ, thì thời cơ ấy bắt đầu tới giữa lúc tiếng súng đại bác của Phát xít Đức nổ trên bờ sông Rhein, phi cơ Nhật oanh tạc các căn cứ Đồng Minh ngoài bờ bể Thái Bình. Tuy mất liên lạc với chính quốc, chính phủ Đông Pháp, kinh nghiệm từ cuộc đại chiến đầu tiên, đã bắt các quốc sự phạm đem đi an trí ở các nơi như trên đã nói, vậy mà nhiều cuộc bạo động vẫn tung ra ngay sau đó.
Ở Nam bộ, Lê Hồng Phong cùng vợ là Nguyễn Thị Minh Khai hô hào dân chúng khởi nghĩa. Ở Đô Lương, ông đội Cung chỉ huy bảo an binh chiếm đồn. Phục quốc quân do cụ Trần Trung Lập theo quân đội Nhật về hoạt động ở Lạng Sơn. Tình thế trở nên rối ren hơn bao giờ hết. Dân chúng đau khổ vô cùng vì cái nạn nộp thóc cho Nhật dùng, cho chính phủ Đông Pháp dự trữ để chờ sự đổ bộ của quân đội Đồng minh. Một phần lớn ruộng đất bị trưng dụng để trồng thầu dầu, đay, gai hầu cung ứng cho kỹ nghệ chiến tranh Nhật. Quan lại được dịp bóp nặn, dân chúng vô cùng điêu đứng, từ nơi thôn quê cùng tận đến chốn thị thành, dường như tới mức không thể chịu đựng được nữa. Thêm vào đó, một nạn đói không tiền khoáng hậu, khốc liệt quá sức tưởng tượng đã diễn ra: ngót hai triệu người chết la liệt khắp các bờ bến, ven đường, xó chợ, suốt từ miền Trung ra tới miền Bắc. Ngoài Bắc phần bị hại nhiều nhất. Cảnh ngộ bi đát đến như vậy đã thúc dục mọi người đứng dậy tìm sinh lộ cho cuộc sống bế tắc, đầy kinh khủng.
Từ 1940 đến 1945, máu bắt đầu chảy, tang tóc mịt mù khắp bầu trời Việt Nam. Lòng người Việt đang sôi nổi căm hờn gần hóa điên, hóa dại thì sáng ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật đánh úp đế quốc Pháp tại Đông Dương. Sau 24 tiếng đồng hồ, bộ máy cai trị của chế độ cũ bị xụp đổ, và trên các nẻo đường, người Nhật dán đầy những bản tuyên cáo kết liễu chính quyền của Pháp và tung ra khẩu hiệu "Châu Á của người Á". Cái chiêu bài đó quả rất dễ nghe khi mà người da vàng đã quá chán chường cuộc tình duyên bất đắc dĩ với người da trắng suốt 80 năm ròng. Từ kẻ bình dân đến người trí thức, tất cả đều hướng về phía lá cờ mặt trời đỏ. Nhưng với một số người sành chính trị, người ta hiểu thế nào là chủ nghĩa Đại Đông Á trên đất Trung Hoa với hơn 450 triệu người Hán trước đó không lâu. Tất nhiên bộ máy chính quyền phải sang tay người Việt cho danh chính ngôn thuận, miễn là ở hậu trường sân khấu, người Nhật đóng vai chỉ đạo. Hệ thống chính trị do tay người Pháp xây dựng suốt 80 năm thế là một phút tan tành. Các quan lại xưa nay vỗ ngực tuyên bố trung thành với nước Pháp bấy giờ lặng lẽ rút lui.
Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời được hoan nghênh nhiệt liệt từ Bắc vào Nam thay thế cho Nội các Phạm Quỳnh cáo chung tại Huế. Thành phần của nội các gồm có những vị sau đây:
1- Trần Trọng Kim: Thủ Tướng
2- Trần Đình Nam: Bộ Trưởng bộ Nội Vụ
3- Trần Văn Chương: Bộ Trưởng bộ Ngoại Giao
4- Vũ Văn Hiền: Bộ Trưởng bộ Tài Chánh
5- Hồ Tá Khanh: Bộ Trưởng bộ Kinh Tế
6- Nguyễn Hữu Thí: Bộ Trưởng bộ Tiếp Tế
7- Hoàng Xuân Hãn: Bộ Trưởng bộ Giáo Dục & Mỹ Thuật
8- Trịnh Đình Thảo: Bộ Trưởng bộ Tư Pháp
9- Lưu Văn Lang: Bộ Trưởng bộ Công Chánh & Giao Thông
10- Vũ Ngọc Anh: Bộ Trưởng bộ Y tế & Cứu Tế
11- Phan Anh: Bộ Trưởng bộ Thanh Niên
A- Hai việc cần thiết tức khắc để biểu dương nền độc lập của một quốc gia là quốc kỳ và quốc ca. Chính phủ mới liền làm cờ quẻ ly màu vàng đỏ giữa, thay cờ long tinh là dấu hiệu của thời lệ thuộc. Bài "Tiếng Gọi Thanh Niên" của sinh viên trường đại học Hà Nội được dùng làm quốc ca thay bài "Đăng Đàn Cung" ủy mị và hủ bại.
B- Việc giáo dục cũng phải canh tân. Ông Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu ngay một chương trình mới bằng tiếng Việt dùng làm căn bản trong mọi việc, từ giáo dục đến các công văn, từ lệnh.
C- Ông Trần Đình Nam ra lệnh tẩy uế guồng máy hành chánh khắp ba kỳ. Một số tham quan, lại nhũng bị triệu hồi và nhiều nhân sĩ có uy tín trong dân chúng được mời làm việc nước. Ở ngoài Bắc, bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Đốc Lý thành phố Hà Nội. Ông liền cho hạ tượng Paul Bert và các tượng đồng trong các phố Hà Nội không ngoài mục đích xóa hết vết tích của thời đế quốc.
D- Ông Phan Anh diễn thuyết ở Hà Nội, cổ võ dân chúng hưởng ứng với phong trào mới. Ông nêu lên một chương trình cải tổ thanh niên, vạch con đường phụng sự quốc gia để lo tiến hóa về ba phương diện: Đức dục, Trí dục, Thể dục mong có những phần tử hăng hái và có đầy đủ khả năng. Ông lập ra hai ngành thanh niên: Thanh Niên Tiền Tuyến và Thanh Niên Tiền Phong. Buổi diễn thuyết của ông trước nhà hát lớn làm sôi nổi lòng ái quốc của mọi người, nhất là các bạn trẻ.
Các vị bộ trưởng khác cũng đều tỏ nhiều thiện chí trong nhiệm vụ của mình, nên nội các do học giả họ Trần lĩnh đạo đã được nhiều cảm tình và tín nhiệm của quần chúng. Các đảng phái quốc gia đối với cuộc biến chuyển chính trị này và nội các Trần Trọng Kim có vẻ dè dặt, nhất là đối với người Nhật, tuy vẫn có sự giao thiệp công khai với họ. Riêng có Mặt Trận Việt Minh là hoạt động hơn cả. Họ tuyên truyền ầm ĩ trong dân chúng, ám sát một số mật thám của chính phủ Pháp và tung ra khẩu hiệu "Đánh Nhật, đuổi Pháp". Giữa lúc này, dân chúng Việt Nam đã bắt đầu đánh nhiều dấu hỏi về cái độc lập mà Nhật vừa trao cho họ trước sự lủng củng giữa chính phủ Trần và Đại bản doanh Thiên Hoàng sau khi đã xảy ra một vài việc bất đồng ý kiến.
Dù sao, nội các Trần Trọng Kim ra đời vào buổi đầu đã là một luồng gió mát thổi vào lòng của hai mươi triệu đồng bào Việt Nam. Nó đem lại một nguồn hy vọng mới cho một dân tộc đã chịu bao nhiêu điều tai hại vì cuộc Đệ nhị Thế chiến gây nên: bao nhiêu tang tóc, bao nhiêu cuộc phá sản, bao nhiêu thảm họa vô nghĩa, vô lý, do các cuộc oanh tạc của Đồng minh trên đất ta, lại còn do sự tranh giành Nhật-Pháp trên các địa điểm quân sự và chính trị.
Người Việt đối xử với người Pháp như thế nào khi chính quyền của Pháp đã đổ? Trừ ở một hai thành phố lớn như ở Hà Nội, Hải Phòng, có một vài sự cướp bóc, giết người mà Pháp kiều là nạn nhân bởi bọn lưu manh, người Việt không hề lợi dụng cái thế cùng của người Pháp để gây những phong trào quá khích hoặc tịch thu tài sản của họ. Cử chỉ quân tử đó đã làm cảm động rất nhiều người Pháp và có lẽ họ đã âm thầm hối hận vềcác lỗi lầm ở quá khứ.
Từ khi ra đời cho đến khi giải tán để nhường vai trò lịch sử cho mặt trận Việt Minh xuất hiện ngày 15 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội, nội các Trần Trọng Kim chỉ đứng được 4 tháng, nếu không làm được nhiều việc vĩ đại nhưng ít nhất phải nhận nội các này đã tỏ ra có nhiều thiện chí, tuy nhiên xét về năng lực, ta thấy nội các này chỉ có thể thích hợp cho thời bình, do đó ta không lấy làm lạ khi thấy nó lùi bước nhanh chóng trước sự tiến triển mau lẹ của cao trào Cách mạng năm 1945.
Nhật đầu hàng Đồng Minh vào ngày 13 tháng 8 năm 1945 sau khi bom nguyên tử của Hoa Kỳ dội xuống hai đô thành lớn là Trường Kỳ và Quảng Đảo định đoạt rõ rệt cuộc hơn thua.
Lúc này, tại Bắc Việt hai lực lượng Cách mạng tranh nhau cướp chính quyền. Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, một mặt trận quốc gia gồm có nhiều đảng phái và quan trọng hơn cả là Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Xã của các ông Nhượng Tống, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Tiếu,... và Mặt Trận Việt Minh do các lãnh tụ Đông Dương Cộng Sản Đảng là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp điều khiển. Dân chúng hướng cả về các lực lượng, và trong khi Việt Nam là cái nhà bỏ ngỏ, dĩ nhiên ai vào trước thì người ấy làm chủ. Việt Minh có nhiều kỹ thuật cách mạng và thủ đoạn sâu sắc, đã đi bước trước sau khi tổ chức được nhiều cuộc biểu tình cổ động quần chúng từ ngày 15 tháng 8 năm 1945 đến ngày 19 tháng 8 năm 1945, nắm được hậu thuẫn của các tầng lớp quần chúng.
Ngày 25 tháng 8, vua Bảo Đại thoái vị, chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán và một chính phủ lâm thời do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch, ra mắt quốc dân ngày 2 tháng 9. Vài tuần sau, quân đội Trung Hoa lấy danh nghĩa, tiếp phòng quân của Đồng Minh sang giải giáp và hồi hương quân đội Nhật, chiếm đóng từ Bắc Việt vào đến vĩ tuyến 16 (Tourane). Cũng trong dịp này, quân đội hoàng gia Anh Ấn đổ bộ ở Nam Việt. Đó là cả một sự khó khăn cho chính phủ Hồ Chí Minh vì quân đội Trung Hoa khi ấy đã giúp nhiều cho các yếu nhân Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam) trở về nước và ra mặt ủng hộ các đảng phái quốc gia. Cuộc xung đột giữa hai ông Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần rất kịch liệt, bằng báo chí, bằng những cuộc xô sát đẫm máu, ... Quân đội Trung Hoa giúp VNQĐD, chiếm cứ nhiều tỉnh ở Bắc Việt đã từng nhiều phen làm nao núng Mặt Trận Việt Minh. Sau này, tướng Tiêu Văn đứng ra hòa giải đôi bên để lập một chính phủ Quốc gia Liên hiệp, trong đó có ông Nguyễn Hải Thần được cử làm phó chủ tịch, Nguyễn Tường Tam làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Trương Đình Tri làm Bộ Trưởng Y Tế, Chu Bá Phương coi Bộ Kinh Tế. Trong quốc hội, VNQĐD (kể cả Đồng Minh Hội) giữ 70 ghế. Nhưng đây chỉ là một cuộc họp bất đắc dĩ về phía Việt Minh để Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 thành hình. Ông Nguyễn Hải Thần cùng một số lãnh tụ quốc gia lại phải rút sang Tàu vì không đồng ý với tinh thần Hiệp định kể trên.
Xin coi đây nội dung của Hiệp định 6-3-1946:
A- Nước Pháp nhìn nhận nước Việt Nam là một nước tự do đứng trong khuôn khổ Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp.
B- Sự sáp nhập Nam Việt vào Việt Nam sẽ do một cuộc trưng cầu dân ý định đoạt.
C- Việt Nam có quân đội riêng, nhưng quân Pháp được quyền chiếm cứ trong kỳ hạn 5 năm. Mỗi năm, số quân đội Pháp phải rút bớt 1/5. Số quân đội Việt Nam không quá 10.000 người.
D- Nước Việt Nam có tài chánh riêng, nhưng phải chịu quan thuế chung và đồng bạc do ngân hàng Đông Dương phát hành sẽ được thông dụng như trước.
E- Nước Việt Nam có quyền đặt lãnh sự tại mấy nước lân cận.
G- Nước Việt Nam có quyền tiếp nhận lãnh sự của mấy nước lân cận.
Ký tên
Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh, Saiteny
Ngay sau việc ký kết Sơ ước 6-3-1946 Việt Minh liền dốc toàn lực tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng hết sức tàn nhẫn ở khắp mọi nơi, còn Pháp quân được Việt Minh tuyên truyền là Pháp mới, Pháp dân chủ đàng hoàng từ Hải Phòng kéo lên Hà Nội trước sự bỡ ngỡ của dân chúng thủ đô.
Ngày 24 tháng 4, lại có cuộc hội nghị Đà Lạt để hai bên đi sâu vào cuộc đàm phán. Hai tuần lễ sau (ngày 11 tháng 5 năm 1946) hội nghị này bế mạc vì không thể dung
hòa lập trường của nhau khi đi vào chi tiết của những vấn đề chính. Trong lúc này, phái đoàn Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Pháp. Ông Hồ Chí Minh tuy không dự vào cuộc bàn cải nhưng gián tiếp điều động phái đoàn ở Fontainebleau. Ngày 14 tháng 8, phái đoàn này rũ áo đứng dậy sau một tuần lễ tranh đấu gay go. Lập trường của Pháp bấy giờ là thiết lập Liên Bang Đông Dương, chế độ này có thể kiềm chế sự phát triển mọi khả năng dân tộc của các nước hội viên về chính trị, kinh tế cũng như ngoại giao và đối với Liên Bang Đông Dương, Pháp giữ vai trò chủ tịch và nắm giữ mọi ưu thế.
Phái đoàn về nước. Ông Hồ Chí Minh ở lại Pháp để thu xếp công việc một lần nữa. Ngày 14 tháng 9 năm 1946, ông ký với Marius Moutet một tạm ước, trong đó có sự xác định của bang giao đã ghi trên hiệp định 6-3 và còn thỏa thuận với nhau sẽ mở cuộc đàm phán đầy đủ hơn vào tháng giêng năm sau (1947). Nhưng đến 8 giờ tối ngày 19 tháng 12 năm 1946 thì cuộc giao thiệp Việt Pháp đã nhường lời cho chiến xa, phi cơ và đại bác.
Việt Sử Toàn Thư