Saigon 1967 - Ai tạc tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, bên bờ sông Saigon ?
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là danh tướng thời nhà Trần, có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, người được xem là Thánh tổ Hải Quân. Ông được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh và gọi là Đức Thánh Trần.
Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương do điêu khắc gia Phạm Thông tạc năm 1967.
Ông đã thổi hồn vào tượng dựa theo truyền thuyết sau:
Năm 1288, một lần xuất quân đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng, voi chiến của Trần Quốc Tuấn bị sa lầy bên bờ sông Hóa. Mọi người tìm đủ cách kéo voi lên nhưng không được. Trần Quốc Tuấn đành nuốt nước mắt bỏ voi lại. Voi ứa nước mắt nhìn chủ tướng, rống lên thảm thiết rồi từ từ chìm vào lòng đất. Tiếc thương voi chiến, Hưng Đạo Đại Vương phẫn khích tuốt gươm chỉ xuống dòng sông, hét lên thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này nữa !”.
Câu nói bất hủ ấy vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay thể hiện ý chí, tinh thần đánh giặc ngoại xâm...
Nhắc đến điêu khắc gia Phạm Thông, ai cũng nghĩ ngay đến bức tượng Trần Hưng Đạo để đời, nằm ở công trường Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, sát bờ sông Sài Gòn. Ít người để ý một chi tiết rằng tượng đài các anh hùng dân tộc ở Việt Nam khá nhiều: Quang Trung, Lê Lợi, Hai Bà Trưng…, nhưng ở những tỉnh thành khác nhau thì lại có hình tượng khác nhau của vị các anh hùng đó.
Chỉ riêng có tượng Trần Hưng Đạo thì ở ba thành phố lớn là Sài Gòn, Vũng Tàu và Qui Nhơn đều dùng chung một mẫu tượng của Phạm Thông. Hơn thế nữa, hình như mọi người Việt từ Nam chí Bắc đều mặc định rằng đó là hình tượng tiêu biểu của một trong những chiến binh lỗi lạc nhất của dân tộc, đã hơn một lần đại phá quân Mông Cổ hùng mạnh vào đời Trần.
Trong thập niên 80, khi cả nước tìm đường đào thoát, thì chắc ai cũngnhớ câu chuyện tiếu lâm về một người Sài Gòn khổ quá, đi hỏi ý kiến Phật, Chúa, rồi ra tượng Đức Thánh Trần hỏi phải làm gì, thì ngài chỉ xuống sông, có ý rằng… phải vượt biên thôi! Ngày nay, những người yêu nước trong và ngoài Việt Nam hiện đang sục sôi trước việc Trung Quốc chiếm đọat Hoàng Sa, Trường Sa, dành chủ quyền biển Đông. Hẳn có nhiều người ngậm ngùi nghĩ đến anh linh của Đức Thánh Trần. Hình ảnh của Ngài uy nghi chỉ tay xuống dòng sông Bạch Đằng - thề rằng nếu không phá xong giặc thì quyết không về trên dòng sông này nữa - liệu có cứu được đất nước khỏi đại họa phương bắc? " ...Tượng đài hoàn tất năm 1967 .Ông Phạm Thông - Tác giả tượng đài Trần Hưng Đạo qua đời tại Hoa Kỳ.
Điêu khắc gia, nhà báo và một người anh đáng kính, Phạm Thông, ông cũng là người tạc ra tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ nằm trên đường Bellaire thành phố Houston Texas.
Anh Phạm Thông kể bức tượng người lính Cộng Hòa linh thiêng và “có hồn” thực sự. Ngày cuối cùng khi anh tạc xong bức tượng, khoảng 05 giờ sáng, con chó nhà anh ra sân đứng trước bức tượng sủa dữ dội và liên tục như thấy có người lạ vào nhà. Anh phải ra xem có gì xảy ra, nhưng không hề thấy có ai cả. Anh rùng mình, đứng trước bức tượng khấn rằng các linh hồn tử sĩ có về đây thì xin phù hộ cho anh thực hiện dự án này tốt đẹp. Anh cũng là một người lính, dù chưa bao giờ ra trận, nhưng cũng muốn đóng góp xương máu của mình để vinh danh những đồng đội đã khuất. Con chó sau đó hết sủa ngay! Rồi khi đem bức tượng đặt lên bệ ở vị trí shopping, anh đang dùng cưa tay để cắt cụt một đoạn sắt dư, thì lơ đễnh để tự cưa đứt mất một đốt ngón tay đeo nhẫn! Anh nghiệm lại rằng chắc tại do lời khấn của mình “…muốn đóng góp xương máu…”. Ngày bức tượng người lính Việt đặt lên vị trí (bức tượng người lính Mỹ lên vị trí sau đó), mọi người có mặt đều không cầm được nước mắt, vì có một cái gì đó thiêng liêng, không thể diễn tả được!
Trải qua hơn 50 năm tồn tại, bức tượng Đức Thánh Trần vẫn tồn tại với thời gian và biểu tượng lời thề sông Hóa như một biểu tượng trường tồn mãi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc, mang đậm dấu ấn của tinh thần Hào Khí Việt Nam!
Sưu tầm
Bài sưu tầm này hay lắm , cám ơn KT