Xưởng Ba Son - Khu di sản hàng hải lâu đời nhất và quan trọng nhất của Sài Gòn xưa
Lịch sử ra đời Xưởng Ba Son
Xưởng Ba Son với các tên gọi: Xưởng Chu Sư, Naval Workshop, Arsenal de Saigon, Ba Son.
Thủy xưởng thời chúa Nguyễn Ánh
Năm 1790, sau khi Nguyễn Ánh tái chiếm vùng Gia Định, Nguyễn Ánh đã xây dựng một xưởng đóng tàu ở Bến Nghé (Sài Gòn) có tên gọi là Chu Sư, chú trọng đóng và lắp ráp các tàu chiến quy mô với kỹ thuật tân tiến, hiện đại, nhằm củng cố ngành thủy quân, trang bị đầy đủ các chiến thuyền phục vụ cho chiến chinh bằng đường thủy. Tướng Võ Di Nguy được cử làm Nội Thủy Trung Thủy Thuyền, rồi thăng Khâm sai thuộc nội Cai cơ, chỉ huy 5 đạo hải thuyền "Minh Phương Hầu", trông coi việc đóng thuyền và tàu chiến, đồng thời lo kế hoạch chiến lược phía hải quân để lấy Gia Định làm bàn đạp tiến quân ra Bắc đánh Tây Sơn, mở đường cho chiến thắng cuối cùng vào năm 1801.
Năm 1802, Nguyễn Ánh xưng vương lấy niên hiệu là Gia Long. Ông đã mở rộng Xưởng Chu Sư thành một cơ sở đóng tàu lớn và một xưởng đúc pháo, với hàng ngàn công nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Trong cuốn Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức viết về vị trí Chu Sư như sau: “Xưởng Chu Sư, nằm cách thành Bát Quái khoảng 500m về phía đông dọc theo sông Tân Bình (Sài Gòn), kế bên sông Bình Trị (rạch Thị Nghè). Đây là một nhà máy sản xuất tàu biển của hải quân, một căn cứ quân sự dài 3 dặm”.
- Năm 1789, ông đóng được 40 chiếc thuyền và 100 chiếc thuyền biển; hai năm sau đóng thêm được 100 chiếc với gỗ ván lấy từ rừng Quang Hóa và rừng Chân Lạp.
- Đến năm 1793, Nguyễn Ánh cho mua hẳn một chiến hạm cũ của Châu Âu rồi sai người gỡ ra để sao chép lại. Nguyễn Ánh đích thân giám sát việc đóng những chiếc thuyền theo kiểu này. Nhờ tích cực vậy nên ngay cùng năm, quân Nguyễn đóng được những chiến hạm nổi tiếng là Long Ngư, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi, Hồng Nhi, Loan Nhi, Ưng Nhi (trong này quan trọng nhất là ba chiếc Long Phi được trang bị đến 32 khẩu đại bác, Phụng Phi và Bằng Phi có 26 khẩu) với sức chứa trên 300 người mỗi thuyền. Những năm tiếp theo, Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục kiên nhẫn cho đóng thêm thuyền như năm 1796 cho đóng thêm 15 chiến hạm hiệu là "Gia" và xếp theo tam tài cùng thập nhị chi: Thiên, Địa, Nhân, Tý, Sửu, Dần, Mão... cho đến Tuất, Hợi là đủ 15 chiếc.
- Đến năm 1800, cho đóng thêm 15 chiếc thuyền biển nữa và năm 1801 thì có thêm 200 hạm có tên là Anh, Vũ, Thước, Nga, Quyên, Phu, Lệ, Diên, Chiêu, Ly. Nhờ tích cực vậy, có khi mỗi 2 năm mà Nguyễn Ánh đóng thêm gần được 300 pháo hạm và 10 năm thì tổng số thuyền của Nguyễn Ánh lên được gần 1.200 chiếc.
Xưởng Ba Son (Arsenal de Saigon) thời Pháp thuộc
Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn lần thứ nhất. Trong tập Ngày Pháp chiếm Nam kỳ có ghi lại tờ trình của đô đốc Rigault de Genouilly với Bộ Hải quân:
“Việc chiếm được thành Sài Gòn và các pháo đài dọc sông đã thu được một số chiến lợi phẩm đáng kể: 200 khẩu đại bác bằng đồng hay sắt, một tàu chiến lớn và bảy, tám thuyền chiến đang đóng trong xưởng. Trong thành có một công binh xưởng đầy đủ...”.
Jean Bouchot chú thích thêm: “Các xưởng này đặt trên rạch Thị Nghè. Trên bờ phải của rạch còn tìm thấy hai ụ tàu đã được đào từ lâu...”.
Sau trận tấn công vào đại đồn Chí Hòa, chiếm hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định ngày 25-2-1861, việc đầu tiên quân Pháp thực hiện tại Sài Gòn là khảo sát địa chất để xây dựng xưởng đóng và sửa chữa tàu biển cùng với ụ chìm.
Sau khi hiệp ước Nhâm Tuất (1862) nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ được triều đình Huế ký kết, Pháp quyết định chính thức xây dựng Arsenal de Saigon (xưởng đóng tàu Sài Gòn).
Vị trí được lựa chọn chính là khu vực thủy xưởng của Nguyễn Ánh năm xưa, nơi còn chiếc ụ đất ghép ván đã được sử dụng tạm những ngày còn chiến sự.
Vì một lý do nào đó, như đọc chệch từ tiếng Pháp, bassin - ụ sửa tàu, hay poissons - nhiều cá (theo Eugène Bonhoure trong Indo-Chine 1900 ), hay là tên một ông đốc công Nam bộ (theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa ), mà ngay từ những ngày đầu, người Việt đã gọi xưởng này là Ba Son.
Ngày 28 tháng 4 năm 1864, Pháp chính thức khánh thành Nhà máy Arsenal de Sài Gòn
Lần lượt các công trình được thi công: ụ tàu nhỏ, đốc nổi lớn, xưởng gạch ngói, xưởng nồi hơi, xưởng buồm dây, xưởng vỏ tàu, xưởng tời - mái chèo, xưởng gò - hàn, rèn - đúc, cần cẩu, máy công cụ được lắp ráp liên tục...
Ngày 16 tháng 8 năm 1866, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hải quân Pháp, một ụ thuyền nổi làm từ sắt đã được sản xuất từ Âu châu và mang qua Sài Gòn, và có kích thước:
+ Chiều dài: 91,44 m
+ Chiều rộng vòng ngoài: 28,65m
+ Chiều rộng vòng trong: phía trên 21,33m ; phía dưới 13,71m; độ cao: 12,8m
Xưởng sửa chữa và đóng tàu Ba Son đã thành hình với những công cụ và hoạt động công nghiệp lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Các tàu nhỏ, tàu lớn, tàu chiến cũng như tàu buôn lần lượt nối nhau vào Ba Son nằm ụ để sửa chữa.
Nhu cầu phát triển kinh tế thuộc địa, mở rộng chiến sự để xâm chiếm thêm đất đai của thực dân Pháp càng thúc đẩy sự lớn mạnh của xưởng.
Các trại xưởng bằng gỗ được thay bằng gạch, máy móc ngày một hiện đại hơn, hàng loạt cuộc thăm dò địa chất được tổ chức để tìm địa điểm xây dựng ụ tàu lớn nhằm phục vụ nhu cầu sửa chữa các tàu lớn, chiến hạm Pháp từ khắp nơi trên thế giới.
Sau nhiều thất bại và hàng loạt biện pháp khảo sát: đào giếng, đóng cọc, khoan sâu, vị trí nơi xây dựng ụ lớn đã được xác định trên mỏm đất giữa kênh Thị Nghè và sông Sài Gòn.
Nơi đây không có lớp đá tự nhiên để làm nền nhưng lại có tầng đất sét dày, sâu tới mấy chục mét, bền vững và không thấm nước.
Kỹ sư Berrier Fontaine cho rằng như vậy là đủ điều kiện để xây dựng một công trình đồ sộ và lâu dài. Kỹ sư Pavillier nghiên cứu thiết kế và chỉ đạo thi công.
Một công trường khai thác đá được thành lập ở Biên Hòa. Sắt, thép, ximăng, gỗ được chở từ Pháp sang. Hàng ngàn tấn vật liệu và năm năm thi công liên tục, khẩn trương.
Ngày 3 tháng 1 năm 1888, chiếc ụ lớn đã hoàn thành dài 156m, rộng 21m, sâu hơn 10m.
Năm 1930, Arsenal Sài Gòn đã có 2 bến sửa tàu, một bến dài 155m và một bến dài 72m. Xưởng nổi (ụ nổi) cũng được trang bị thêm, tàu 350 tấn có thể vào bến sửa chữa.
Xưởng tàu đầu tiên tiếp cận văn minh công nghiệp phương Tây
Một năm sau khi chiếm thành Gia Định, Pháp mở rộng quy mô của thủy xưởng thành một công xưởng có khả năng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền.
Arsenal de Saigon, mà trong dân gian thường gọi là Ba Son; là chi nhánh của thủy xưởng đóng tàu Toulon bên Pháp trực thuộc Bộ Hải quân Pháp, xưởng Ba Son tiếp nhận kỹ thuật châu Âu, được trang bị thiết bị tương đối hiện đại và quản lý theo cung cách công nghiệp phương Tây. Có lẽ Ba Son là cơ sở công nghiệp đầu tiên ở nước ta áp dụng chế độ làm việc tám giờ mỗi ngày. Đội ngũ thợ đóng thuyền không còn theo tập quán truyền thống, tức đóng thuyền theo kiểu thủ công mà bắt đầu làm quen và sử dụng họa đồ, phương pháp kỹ thuật - công nghệ mới, có chuyên gia phương Tây hướng dẫn.
Như vậy ở Việt Nam, chính xưởng Ba Son đã mở đầu việc tiếp cận văn minh công nghiệp, tiếp thu thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật thế giới trong buổi đầu phát triển nghề đóng tàu thuyền trên đất Sài Gòn. Theo các tài liệu ghi lại, bến tàu nổi được hạ thủy vào tháng Giêng năm 1866. Năm 1884, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu phát triển thêm một bước bằng việc chính phủ Pháp cho xây dựng thêm một ụ tàu lớn để làm căn cứ sửa chữa tàu cho các hạm đội quân Pháp ở vùng Viễn Đông, đến năm 1888 thì hoàn thành. Cũng nhằm mục đích phục vụ hoạt động quân sự, thực dân Pháp đầu tư nhiều thêm tại Ba Son, mở rộng quy mô xây dựng, tạo lập hệ thống các công trình, xưởng, trại cùng trang thiết bị, máy móc mới, đồng bộ, kể cả máy công cụ lớn, cơ khí nặng, đáp ứng những đòi hỏi trong sửa chữa, đóng tàu quân sự lẫn tàu biển hoàn chỉnh.
Xưởng Ba Son thời Việt Nam Cộng hòa
Sau khi hiệp định Genève được ký kết, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 12/9/1956 Pháp chuyển giao Ba Son lại cho hải quân chính quyền Sài Gòn. Dưới chế độ Sài Gòn cũ, Thủy xưởng Ba Son được đổi tên là Hải quân công xưởng, đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo sơ đồ tổ chức của Ba Son trước kia, gồm có một phòng thí nghiệm, hai khu, sáu ty và chín xưởng, trong đó có xưởng cơ khí là xưởng ra đời sớm nhất. Dưới thời Pháp, xưởng cơ khí gồm có hai trại tiện và nguội nằm trên diện tích 3.350m2, làm nhiệm vụ sửa chữa, chế tác các cơ phận cho các chiến hạm và quân nhu. Khi Ba Son được giao lại cho hải quân Sài Gòn thì xưởng đặt tên mới là "Ban cơ khí". Năm 1957 đổi tên là "Ty cơ khí", đến năm 1958 lại đặt tên là "Xưởng cơ khí". Danh xưng này được duy trì cho đến tháng 4 năm 75.
Xưởng cơ khí ngày nay được thu gọn lại trên một diện tích 1.949m2, nằm trên khu nhà cũ của trại tiện. Nhà được xây theo hình chữ nhật, dài 59,8m, rộng 32,6m. Bên trong có 4 hàng gồm 26 cây cột đúc bê tông cốt thép, chống đỡ một sườn sắt, nâng một giàn rui bằng gỗ trên lợp ngói móc. Tường xây bằng gạch, hai bên tường giữa các khoảng cách hàng cột có 52 ô cửa bằng song sắt. Cửa ra vào được làm bằng sắt đẩy về hai phía.
Thủy xưởng Ba Son là một xưởng lớn nhất Sài Gòn, là một trong những nơi tập trung số lượng công nhân đông nhất ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ. Nhằm đào tạo thợ cơ điện người bản xứ cung cấp cho các hãng, xưởng của người Pháp mở tại Sài Gòn, ngày 20/2/1906 chính phủ Pháp ký quyết định thành lập trường cơ khí Á châu tại Sài Gòn (Eécole des mécaniciens Asiatiques de SaiGon - tức trường Kỹ thuật Cao Thắng ngày nay). Xưởng sửa chữa tàu biển Ba Son là xưởng được sử dụng học sinh của trường thực hành tại xưởng và tuyển trực tiếp học sinh học xong tại trường.
Trường cơ khí Á châu Sài Gòn và xưởng cơ khí của Thủy xưởng Ba Son thời kỳ đó đã gắn liền với những hoạt động cách mạng đầu tiên của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. Công hội đỏ đầu tiên tại thành phố bí mật phát triển trong công nhân xưởng Ba Son, có mục đích tương trợ và đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Công hội đỏ, phong trào đấu tranh của công nhân thành phố trong thời kỳ này bùng nổ mạnh mẽ. Tiêu biểu là cuộc bãi công đòi tăng lương, đòi nghỉ nửa ngày vào ngày lãnh lương của công nhân Thủy xưởng Ba Son nổ ra ngày 4/8/1925 kéo dài đến ngày 12/8/1925.
Sau tháng 4/1975, Hải quân công xưởng do chính quyền Cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Liên hiệp xí nghiệp Ba Son, trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến ngày nay.
Ngày 12/8/1993, Bộ Văn hóa đã ra quyết định số 1034 QĐ/BT công nhận Ba Son là di tích lịch sử.
Ngày 20/5/2019, Cầu tàu K rộng hơn 1.500 m2 trong khu Ba Son, ụ tàu duy nhất gần như còn nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ sập hoàn toàn xuống sông, kéo theo một cần cẩu.
Tổng hợp tin và hình ảnh từ nguồn Date With The Wrecking Ball: Ba Son Shipyard (Written by Tim Doling), Noralangdu, Lichsuvietnam
Thời Đệ Nhất Cộng hòa, Ba Son ra sao, Please!