Ngay trung tâm Sài Gòn có nhiều công trình kiến trúc của Pháp ghi đậm dấu ấn trong ký ức của người Sài Gòn. Trong số đó có hai tòa nhà to lớn là Bưu điện Sài Gòn và Nhà thờ Đức Bà, nằm trong khu vực Công trường Hoà Bình (thời Đệ Nhị Cộng hòa đổi tên thành Công trường John F. Kennedy)
Ngày xưa công viên này không có tên chính thức, người dân quen miệng gọi là Công viên Tượng hai người, do nơi đây người Pháp cho dựng tượng đồng Giám mục Bá Ða Lộc dẫn Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi sự bảo hộ của người Pháp. Năm 1945, tượng được tháo dỡ đưa về Pháp. Thấy bệ đá hoa cương đứng trơ gan cùng tuế nguyệt, năm 1958 Linh mục Phạm Văn Thiên cai quản Giáo xứ Sài Gòn, cho tạc tượng Ðức Mẹ Hoà Bình bằng đá cẩm thạch trắng tại Ý, đến năm 1959, đưa tượng về Sài Gòn và cho đặt lên bệ đá. Từ Ðó, mới có tên Công trường Hoà Bình.
Lịch sử Bưu điện Sài Gòn
Sau khi đánh thành Gia Định, chiếm được Sài Gòn, Pháp đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Năm 1860, Pháp cho xây dựng “Sở dây thép Sài Gòn” (tức là Bưu điện Sài Gòn) ngay vị trí trung tâm thành phố. Người thiết kế công trình này là Gustave Eiffel, ông là kiến trúc sư danh tiếng người Pháp đã thiết kế Tháp Eiffel (Paris), Tượng Nữ Thần Tự Do (New York), Cầu Long Biên (Hà Nội), Cầu Tràng Tiền (Huế). Năm 1863, Sở dây thép Sài Gòn được thành lập.
Năm 1864, những lá thư đầu tiên có dán tem “con cò” (loại tem xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam) đã được gửi từ Sài Gòn đi khắp nơi và ra thế giới.
Năm 1886, Nhà dây thép Sài Gòn của kiến trúc sư Gustave Eiffel được xây dựng lại kiên cố và to lớn hơn do kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhoux lập đồ án thiết kế một toà nhà ba tầng, do không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của người dân. Hơn nữa, nhu cầu liên lạc bằng điện tín, điện thoại nhanh chóng được áp dụng khi đường dây thép dài 2,000km xuyên Bắc Nam được thông suốt, đồng thời lắp đặt thêm đường dây điện báo Sài Gòn-Bangkok dành cho giới thương gia.
Ngày 1/7/1894, một số người giàu có, quan chức ở Sài Gòn bắt đầu sử dụng điện thoại qua tổng đài Nhà dây thép.
Năm 1891, trụ sở mới Bưu điện trung tâm Sài Gòn chính thức khánh thành.
Năm 1969, VC đặt bom nổ bên trong bưu điện nhưng chỉ phá hủy các bàn làm việc tại quầy viết thư chứ không ảnh hưởng đến các kết cấu và trang trí bên trong toà nhà.
Kiến Trúc
Toàn bộ công trình là một khối nhà hai tầng nổi và một tầng hầm nửa chìm nửa nổi, đối xứng qua khối nhà giữa được xây lồi ra và nâng cao thêm một tầng.
Kiến trúc nổi bật của Bưu điện là hệ thống vòm cung lớn bên trong tòa nhà, ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc trong các nhà thờ Tây Âu. Theo đó, phần trần nhà của tiền sảnh được nâng đỡ bởi 4 cột trụ sắt nằm bốn góc. Mỗi cột chống đỡ 4 kèo sắt tỏa ra 4 phía. Riêng vòm cung dài do 2 hàng trụ sắt 2 bên chịu lực. Các điểm tiếp nối giữa các trụ và kèo sắt thiết kế công phu, chạm khắc thành những hoa văn tinh xảo. Thiết kế mái vòm độc đáo phối hợp cùng hệ thống lấy sáng được tính toán tỉ mỉ đã tạo ra không gian rộng rãi, thoáng đãng cho tòa nhà.
Kết cấu vòm cung xuất hiện dày đặc trong các họa tiết, đường chỉ nổi trang trí bên trong tòa nhà.
Mặt tiền của bưu điện có kết cấu hình khối với các vòm cung phía trên các khe cửa, phía trước tòa nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện, hay danh nhân thế giới; chẳng hạn tên Tổng thống Hoa kỳ Benjamin Franklin, nhà vật lý người Ý Alessandro Volta, Galvani, nhà vật lý người Anh Michael Faraday, nhà hoá học và vật lý người Pháp Gay-Lussac… Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế, trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn. Hệ thống cột, trụ chính, trụ phụ, mái hiên đều có kết cấu hình vuông. Đặc biệt, trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điêu công phu và tỉ mỉ với nhiều vị thần khác trong thần thoại Hy Lạp như Poseidon (Neptune) thần ngựa và thần biển, Nike là nữ thần chiến thắng và tốc độ. Đặc điểm ấn tượng khi khám phá bên trong bưu điện trung tâm Sài Gòn là những mái vòm lớn ở cửa chính, dọc trần. Trên vòm tiền sảnh treo hai tấm bản đồ lịch sử mang tên: Saigon et ses environs, 1892 và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936.
Riêng tầng cửa sổ thứ 3 tại khối nhà giữa lại mang hình chữ nhật. Những đường viền, đường chỉ hay hoa văn chạy ngang tạo thành những đường trang trí khỏe khoắn và đăng đối, gợi nhớ đến những nhà ga xe lửa ở châu Âu.
Chính giữa bưu điện có bốn dãy bàn gỗ lớn được xếp dọc để phục vụ người dân có nhu cầu khai báo, ghi chép thư từ, bưu phẩm. Bưu điện trung tâm Sài Gòn hoạt động bình thường vào tất cả các ngày trong tuần, phục vụ khách du lịch và người dân thành phố các dịch vụ liên lạc hiện đại cũng như nhiều dịch vụ truyền thống. Tiêu biểu của các dịch vụ truyền thống như bưu phẩm, bưu kiện, điện tín…
Từ khi mới xây dựng đến nay, tòa nhà này vẫn luôn là trung tâm của bưu điện thành phố. Do nhu cầu truyền thông thông tin ngày càng lớn, phía sau tòa nhà chính hiện có nhiều công trình kiến trúc khác được xây dựng bổ sung dùng làm kho hàng, lắp đặt những máy móc thiết bị bưu điện truyền tin hiện đại cùng khai thác các dịch vụ khác. Trải qua hơn trăm năm tồn tại, tòa nhà bưu điện vẫn là một công trình kiến trúc đẹp và ấn tượng, cùng với Vương cung Thánh đường Sài Gòn (Nhà thờ Đức Bà) đã thành cụm kiến trúc tương tác, tạo nên nét nhấn độc đáo cho thành phố không chỉ khi công trình mới hình thành mà còn giá trị đến mãi tận ngày nay.
Nguồn Viet Fun Travel & Trang Nguyên