Bersot nói: "Trong vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim người mẹ".
Phải! Cho dù một người mẹ da trắng hay da màu, cho dù người mẹ ấy xuất thân từ tầng lớp nào của xã hội đi chăng nữa thì trái tim của họ đều đẹp như nhau, đơn giản thôi vì tất cả trái tim của những người mẹ đều có một điểm chung là: "luôn luôn thương yêu và hy sinh vì đứa con của mình".
Câu nói là cách ví von đầy hình ảnh để khẳng định tình mẹ là vô cùng cao quý, thiêng liêng , bất tử… Trong câu nói “kỳ quan” là công trình kiến trúc đẹp, kỳ lạ, hiếm thấy, nó thường mang vẻ đẹp tuyệt vời khiến người ta ngưỡng mộ. “ Trái tim người mẹ” hay chính là tình cảm, tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ. Khi đồng nhất giữa “kỳ quan và “trái tim người mẹ” Bersot ắt hẳn muốn đề cao công lao, tình yêu thương vĩ đại của người mẹ, nó đẹp đẽ, bất tử và tuyệt vời hơn bất cứ kỳ quan nào mà con người được chiêm ngưỡng.
Trái tim của người mẹ là kỳ quan vĩ đại nhất, tình yêu thương của người mẹ là thiêng liêng, cao đẹp nhất. Bởi lẽ mẹ- người mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, người nuôi dưỡng ta khôn lớn, người chia sẻ vui buồn, dạy ta những bài học đầu tiên của cuộc sống… Trái tim mẹ không phải là cái gì đó vô hình mà nó được thể hiện trong những điều bé nhỏ, bình dị. Người mẹ sẵn sàng hy
sinh vô điều kiện để mang lại cho con những điều tuyệt vời nhất, đó là tình yêu thương cao cả mà suốt cuộc đời này con không thể nào thấu hết.
Sống với trái tim của người mẹ, con người luôn được bao bọc bởi tình yêu thương. Lòng mẹ là nơi con xuất phát cũng là nơi con trở về, là bến đỗ bình yên trong cuộc đời mõi con người. Kể cả khi con có lớn khôn, trưởng thành thì trước lòng mẹ bao la, con vẫn luôn là đứa con bé bé bỏng. Mẹ yêu thương, theo con đến suốt đời. Là khi con thơ bé, từ lúc chào đời đã được mẹ dỗ dành, nâng niu, lớn hơn một chút nữa, mẹ chính là người nâng đỡ những bước đi đầu tiên. Rồi khi lớn lên, khi cuộc sống bon chen làm con mệt mỏi, lòng mẹ lại là bến đỗ bình yên vỗ về trái tim bé bỏng của con. Tình mẹ là vậy đấy, bình dị, giản đơn, nhưng nó vĩnh hằng và thiêng liêng hơn bất cứ một kỳ quan nào trong vũ trụ.
Tình yêu thương của người mẹ là vô bờ và những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử xưa nay không bao giờ là hiếm. Ắt hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện của Trang Tử với bao lần chuyển nhà vì mẹ ông luôn mong muốn cho ông một môi trường tốt nhất để phát triển nhân cách. Vì con, người mẹ có thể làm, tất cả… tình cảm ấy thật đáng trân trọng biết bao! Câu nói của Bersot là lời ca ngợi, tôn vinh những giá trị cao đẹp của tình mẹ, thức tỉnh những con người vô tâm, bất hiếu với bậc sinh thành. Bởi có những thứ qua đi không bao giờ lấy lại được. Vậy nên chúng ta hãy cố găng tu dưỡng để trở thành những con người có đạo đức tốt, nhân cách cao đẹp, để đền đáp những công lao, tình cảm của mẹ dành cho chúng ta.
Ca dao tục ngữ có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị dẫu đã trải qua bao nhiêu thế hệ. Bởi tình mẫu tử, chính là thứ tình cảm thiêng liêng và đáng quý nhất mà mỗi người có được. Bạn có thể đánh mất bất cứ thứ gì nhưng hãy giữ vẹn nguyên thứ tình cảm tuyệt vời này. Nó chính là động lực giúp bạn vượt qua mọi khó khăn tuyệt vọng trong cuộc đời.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, không ai thương ta bằng mẹ. Tình mẫu tử là tình cảm vô giá, là kỳ quan bậc nhất của nhân loại. Được sống, biết trân trọng và nâng niu tình cảm thiêng liêng ấy, cuộc sống của con người sẽ trở nên bền vững và ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Trước khi nói về người mẹ trong câu chuyện "Người mẹ", tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện này, câu chuyện này tôi đã đọc rất lâu rồi nhưng ấn tượng về nó chưa bao giờ phai mờ trong tôi.
"Có một chàng trai rất yêu thương vợ nhưng anh ta không biết làm thế nào mới có thể chứng tỏ là anh ta yêu vợ rất nhiều. Một ngày kia, cô vợ bảo anh ta: "Có thật là anh yêu em nhiều không? Vậy anh có dám đi về nhà anh mang trái tim của mẹ anh đến đây cho em không?". Và chàng trai đồng ý. Anh ta đi về nhà mẹ mình, mang theo một con dao. Thấy con mình trở về, bà mẹ mỉm cười vui sướng. Nhưng chưa nói được câu nào thì đứa con xông tới, dùng dao đâm chết mẹ mình và cắt lấy trái tim đem về cho vợ. Trên đường về nhà vợ, do anh ta vội quá nên vấp phải một hòn đá, ngã lăn ra đất. Trái tim người mẹ văng ra trên thảm cỏ. Và từ trái tim vọng ra giọng nói của mẹ anh ta "Con ngã có đau không?".
Có thể có một số người phản cảm với câu chuyện này. Vì tại sao là con mà lại đi giết mẹ. Nhưng điểm sáng của câu chuyện mà tôi muốn các bạn nhìn thấy là "Cho dù một người mẹ có bị con mình đối xử tệ bạc thế nào thì họ vẫn sẵn sàng tha thứ và yêu thương con mình, luôn dang rộng vòng tay với con mình. Ngay cả khi người mẹ bị con mình giết chết, người mẹ ấy vẫn còn thương con".
Ca dao Việt Nam có câu "Mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi mẹ, tính tháng tính ngày"...
Liệu tôi và bạn đã làm tốt vai trò của một người con đối với cha mẹ mình chưa nhỉ?
Sưu tầm