Con người sống trên đời, ai cũng muốn giàu có, xinh đẹp và trường thọ. Cho nên lúc còn trẻ, người không đẹp thì đi phẫu thuật; người không giàu thì kiếm đủ nghề “bất tịnh chi tài” (đồng tiền bất chính hoặc đồng tiền nhờ làm những nghề không phải chánh nghiệp) làm sao cho mau chóng có tiền, người không khoẻ thì dùng cao lương mỹ vị để tẩm bổ…..
Nhưng đến lúc già có ai chống chọi lại được da dẻ nhăn nheo, bệnh tật và phải uống thuốc?
Bạn có nghĩ chết là hết không?
Những hiện tượng ma quỷ trên đời thì chúng ta phải giải thích sao đây?
Học Phật pháp rồi mới biết cũng là do con người không tin nhân quả, luân hồi nên thường tạo ra rất nhiều ác nghiệp mà do vậy sau khi chết rồi không được siêu thoát nên phải xuống địa ngục hay làm ngạ quỷ (quỷ đói)…
Chúng ta đều là người học Phật thì đừng nên sợ chết, chỉ sợ bỏ cái thân tứ đại này rồi có được siêu thoát lên được các cõi trời hay không thôi. Chúng ta cho dù có sợ thì ai ai cũng phải chết thôi. Chết chẳng qua là thay đổi thân xác, chuyển chỗ ở mà tương ứng với những nghiệp thiện, nghiệp ác mà mình đã gieo trồng lúc còn sống.
“Đừng đợi đến già mới tu học, mồ hoang còn lắm kẻ đầu xanh”. Bạn đừng nghĩ rằng mình còn trẻ, cho rằng thời gian còn dài nên chưa chịu tu. Thời này toàn chết trẻ, điển hình là trẻ con chưa được chào đời mà đã bị cha mẹ tước mất quyền sống (làm người) khi còn trong bào thai.
Không phải chỉ có một kiếp sống này để mình tha hồ hưởng lạc, sự thật là mình đã trôi nổi trong vòng sanh tử, luân chuyển sáu nẻo luân hồi vô lượng kiếp rồi đó bạn. Thử hỏi chuyện của 20, 30 năm trước, gần cũng vài tuần chúng ta còn nhớ không, huống gì là chuyện của ngàn vạn kiếp trước?
Đời có câu “Ở hiền sẽ gặp lành” Khổng Tử, Mạnh Tử cũng dạy chúng ta lấy thiện phá ác, nhưng cùng lắm là chỉ dạy cho chúng ta cách làm một bậc Đại Trượng Phu. Sau khi mất thân này, ta vẫn phải lăn lộn trong vòng sanh tử luân hồi thôi.
Suy cho cùng, chúng ta cầu danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian này để làm gì nhỉ? Để được tiếng khen của người thôi ư? Cũng vì nó nên chúng ta mới bị trói buộc với cái thế giới Ta Bà này, đau khổ biết bao. Vì con người khi khởi niệm mong cầu đã là khổ. Cầu không được cũng khổ (cầu bất đắc khổ), cầu được rồi cũng khổ. Vì cầu được rồi lại sinh tâm lo lắng sợ mất đi nên phải cố giữ lấy. Đúng là “ái bất trọng, bất sanh Ta Bà”.
Việc quan trọng nhất của đời này là phải buông xả cho được để liễu thoát sanh tử, vì “Thân người khó được, phật pháp khó nghe, có duyên lắm mới gặp được thiện tri thức để rồi ta lắng nghe được pháp tu hành cũng đã là khó rồi”.
Một đời công phu tu hành của mình chưa chắc đã sinh lại làm người nếu tâm vẫn còn tham, sân, si …
Sưu tầm