Người thanh niên nài nỉ mãi nên ông Tường đành dừng lại hỏi: - Thế anh muốn hỏi tôi điều gì?
Người thanh niên đáp: - Thưa bác, cháu tên Cảnh, phải phụ trách tổ chức một diễn đàn dài một năm, vừa online vừa offline, với đề tài Bí quyết để thành công cho đoàn thanh niên cả nước cùng tham gia thảo luận. Bác chính là một tấm gương thành công hoàn hảo mà cháu thấy khi nghiên cứu tài liệu về bác. Cháu xin bác cho cháu một buổi làm việc để cháu được học và phổ biến cho thanh niên cả nước cùng noi theo ạ.
Ông Tường suy nghĩ chút rồi nói: - Thế tôi hẹn anh Cảnh 2 giờ chiều mai đến văn phòng tôi nhé.
Chiều hôm sau Cảnh và 4 bạn khác đã có mặt sớm tại văn phòng của ông Tường, đem theo các thiết bị thu hình thu âm nhỏ gọn đủ thứ.
Cảnh nêu câu hỏi đầu tiên: - Ngày xưa bác học rất giỏi, phải không ạ?
Ông Tường đáp: - Tôi học dở nhất lớp.
Ngạc nhiên chưa. - Bác tốt nghiệp đại học nào?
- Tôi thi rớt đại học, nên học nghề cơ khí.
- Thế thì gia đình của bác vốn giàu có nhiều đời để tài sản lớn lại cho bác?
- Nhà tôi nghèo nhất vùng đó, nhiều lúc đói quá phải xin gạo hàng xóm.
- Thế thì vợ bác rất giàu nên hỗ trợ vốn liếng khởi nghiệp cho bác? - Vợ tôi mồ côi từ bé.
- Hay là bác nhặt được tờ vé số trúng độc đắc?
- Tôi không đủ may mắn như thế.
- Thế bác học bí quyết thành công từ ai mà từ một công nhân cơ khí bây giờ trở thành ông chủ tập đoàn hùng mạnh có gần 10 nghìn công nhân?
- Tôi nghèo xơ xác, quần áo vá víu, làm gì có đại gia nào cho tôi gặp phỏng vấn hỏi bí quyết thành công của họ. Tôi chỉ hỏi "bí quyết thất bại" của mấy ông vô gia cư mà thôi.
Mọi người trong phòng ngỡ ngàng vì câu trả lời kỳ lạ này.
- Xin bác nói rõ thêm chỗ này cho tụi cháu hiểu ạ.
- Ban đầu tôi cũng giống như các cậu, nuôi chí lớn, muốn học hỏi kinh nghiệm bí quyết thành công của những người nổi tiếng, nhưng chẳng ai chịu tiếp tôi cả. Tôi chợt suy nghĩ, nếu không học được bí quyết thành công, thì tại sao ta không tìm học các lý do gây nên sự thất bại. Người thất bại nhiều hơn người thành công, và dễ tiếp cận hơn.
Thế là những ngày rảnh, tôi lang thang đi tìm những người vô gia cư nghèo khó, mang ít bánh nước mời họ ăn và hỏi về cuộc đời của họ, tại sao họ thất bại. Tôi học được rất nhiều các bài học xương máu của họ.Có người thất bại vì tâm lý kiêu ngạo, cứ muốn chứng tỏ mình hơn người khác.
Có người thất bại vì ích kỷ, chỉ vơ vét tìm lợi cho mình, cuối cùng bị mọi người quay lưng, mất sự hợp tác nên phá sản.
Có người thất bại vì ít tập trung lo làm việc, vừa chớm thành công đã lo thụ hưởng ăn chơi, nên vốn liếng cạn dần.
Có người thất bại vì chủ quan tin người thái quá nên bị lừa gạt cướp mất tài sản mà không còn bằng chứng để kiện tụng.
Có người thất bại vì đầu tư vào lĩnh vực mà mình không có chuyên môn sâu, nên bị sai lầm về kỹ thuật, tạo ra sản phẩm lỗi, bị thị trường từ chối.
Có người thất bại vì chỉ sử dụng người bà con chứ không chịu tuyển dụng người có năng lực. Doanh nghiệp bị bòn rút rồi phá sản.
Có người thất bại vì chỉ lo sản xuất những thứ mình thích chứ không hiểu xã hội cần gì. Kết quả là sản phẩm không tiêu thụ được.
Có người thất bại vì gặp tai nạn xui rủi liên tiếp. Cái này hình như có vẻ tâm linh khó giải thích.
Nhiều nguyên nhân thất bại lắm, tôi ghi chép lại gần 10 cuốn tập dày, phân tích tỉ mỉ. Sau đó tôi cẩn thận khởi nghiệp bằng cách làm các điều phúc thiện trước, vì nhiều đại gia thất bại cùng tin rằng do họ ít chịu làm điều phúc thiện nên mọi chuyện rối tung, tâm trí mờ mịt tìm không ra lối thoát. Tôi đắp sửa đường bị hư, dành dụm tiền gửi cứu trợ đồng bào lũ lụt, đi nhặt rác đường phố, dạy miễn phí kỹ năng cơ khí cho các bạn trẻ muốn học nghề...
Cho đến một hôm có một bạn học nghề rủ tôi mở xưởng cơ khí với sự tài trợ của cha mẹ bạn ấy. Tôi nghĩ vận may đã đến một cách tự nhiên rồi. Rồi trong suốt thời gian khởi nghiệp, tôi cẩn thận tránh các sai lầm của những người đã thất bại, cố gắng giữ mình đạo đức, cẩn trọng, luôn học hỏi cái hay của người khác, luôn yêu thương đùm bọc nhân viên của mình, giúp ai được gì thì ráng giúp, không bao giờ tự mãn....
Tự nhiên mọi việc tốt đẹp cứ tìm đến dần. Tôi nhắc lại, những việc tốt đẹp cứ tìm đến tôi chứ không phải tôi giỏi để tạo ra các điều tốt đẹp...
Mọi người cắm cúi ghi chép các ý của ông Tường.
Tránh được thất bại tức là thành công. Muốn tránh thất bại thì hãy khiêm tốn tìm học các "tấm gương thất bại". Tính ra tỉ lệ người bị thất bại mới là lớn, còn người thành công huy hoàng chẳng được bao nhiêu. Học người thành công dễ làm ta háo hức và hiếu thắng. Còn học người thất bại khiến ta cẩn thận khiêm cung.
Nguồn: Nền tảng đạo đức