Nhắc đến nhạc giao hưởng, khán thính giả Việt Nam yêu thích âm nhạc có lẽ không thể không nhớ đến những ấn tượng sâu đậm khi thưởng thức những tấu khúc giao hưởng của nhà soạn nhạc Lê văn Khoa trong chương trình đánh dấu 30 năm ly hương của người Việt do dàn nhạc Giao hưởng Melbourne cùng ban Hợp Xướng Việt Nam trình diễn hồi năm 2005 như là: bản “Giao Hưởng Việt Nam 1975”, liên khúc Giao Hưởng “Hòn Vọng Phu” soạn theo nhạc của Lê Thương; tuyển tập Giao Hưởng “Con Đường Cái Quan”, “Trường Ca Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Phạm Duy được hợp tấu bởi Duy Cường, bản “Hợp Tấu cho Đàn Tranh” của nhạc sĩ Quang Hải hay tấu khúc Giao Hưởng “Mê Kông” của nhà soạn nhạc người Mỹ Robert W.Smith đã được hợp tấu với âm hưởng tây phương lồng vào một phần âm hưởng dân tộc Việt Nam, phỏng theo bản nhạc “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy, do dàn nhạc Wesley Symphonic Wind Ensemble trình diễn tại Melbourne và đã được chủ bút nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh phân tích và đề cao trong báo TiVi Tuần San số 1434 ngày 18/9/2013.
Trong sáng tác giao hưởng cũng như hợp tấu, các nhạc sĩ Việt Nam đã sử dụng những ca khúc quen thuộc, những nhân tố đặc trưng và âm hưởng nhạc dân tộc để xây dựng chủ đề. Với hoài bão diễn đạt văn hóa dân tộc qua kỹ thuật hòa tấu của âm nhạc tây phương , tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu thêm về nguồn gốc của thể loại hợp tấu này qua lịch sử phát triển âm nhạc trên thế giới.
Nhiều cuộc tranh luận đã được đưa ra khi tìm về nguồn gốc chính xác của thể loại Concerto (Nhạc Hợp Tấu). Một thuật ngữ đã được xử dụng từ thế kỷ 17, vay mượn từ gốc Latin “concertare” nghĩa là “cạnh tranh” giữa một hay vài nhạc cụ độc tấu đối thoại với cả một dàn nhạc , nhưng cũng có người cho là từ chữ Latin“consortio” có nghĩa là “sự hợp nhất” giữa hai bè: độc tấu và dàn nhạc, để diễn tả cùng một nội dung. Trong suốt bốn thế kỷ lịch sử của Concerto, sự cân bằng giữa “cạnh tranh” và “hợp nhất” là giải pháp đặc thù cho hình thức nghệ thuật đa dạng mà concerto đã trải qua, tùy theo mỗi thời đại.
Từ thế kỷ 16, concerto đã được thể hiện qua nhiều ý nghĩa, đầu tiên được gọi đơn giản là một nhóm nhạc hay nhạc cụ, đến giữa thế kỷ 16, concerto đã được xử dụng với ý nghiã kết cấu âm nhạc, đặc biệt là về sự tương phản của giọng soprano với âm bass và alto, nghĩa là cho cả giọng hát và nhạc cụ. Vào khỏang đầu thế kỷ 17, theo trường phái Cổ Điển Vienna (với Gabrieli và Monteverdi và học trò người Đức của hai ông là Schütz), concerto đã thay đổi từ một thuật ngữ chung áp dụng rộng rãi trên nhiều cấp độ âm nhạc đến một thuật ngữ khá cụ thể, để chỉ chung các tác phẩm hoặc viết cho nhiều ban hợp xướng, hoặc phối hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc.
Lịch sử của concerto trước thời Mozart có thể được chia thành ba giai đoạn: 1620-1670, 1670-1750, 1750-1780. Từ 1620-1670 các concerto là một tập hợp chuyển động với một số đoạn đôc tấu ngắn của từng nhạc cụ tương phản. Từ 1670-1750 các concerto thời Baroque được đánh dấu với sự tiến bộ chính bởi một hình thức đa dạng hơn qua việc thực hiện một cách đầy đủ hơn, phong cách đồng điệu theo chủ đề tập trung ở phần đầu trang. Đến cuối thế kỷ 17, khái niệm “concerto” được coi như là một nguyên tắc thể loại để tạo nên các hình thức như: concerto grosso, triosonate, các motet dành cho độc tấu hay hợp xướng. Đỉnh cao của thể loại concerto này là vào khoảng từ 1750 đến 1780, với các nhạc sĩ như: Corelli, Händel, Vivaldi và Bach.
Ba loại concerto chính, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, có thể được tìm thấy trong giai đoạn này là: Sinfonia-Concerto, Grosso Concerto và Solo Concerto.
1) Sinfonia-Concerto dùng để gọi tên một tác phẩm viết cho nhiều bè độc tấu bao gồm nhạc cụ đệm hòa hợp với nhau với cách sử dụng kỹ thuật tương phản trong từng bè. Ví dụ như Sinfonia Concertante K. 364 của Mozart viết cho Violin, Viola và dàn nhạc, Sinfonia Concertante K. 297b viết cho Oboe, Clarinet, Horn, bassoon và dàn nhạc hay Sinfonia Concertante của Haydn viết cho Violin, Cello, Oboe và bassoon.
2) Grosso Concerto theo kiểu cổ điển của thời kỳ Baroque, là một tác phẩm được viết cho dàn nhạc gồm vài chương trong đó có những đoạn dành cho một nhóm nhạc cụ độc tấu (gọi là concertino) diễn tấu tương phản với đoạn tutti (diễn theo bè trầm figured bass) của toàn thể dàn nhạc (grosso concerto). Nhóm nhạc cụ độc tấu concertino này thường gồm có: 2 violon và một cello như trong bản “Christmas Concerto Opus 6” của Arcangelo Corelli hay một phối hợp giữa kèn trumpet, recorder, oboe và đàn violin như trong bản “Concerto Brandenburg số 2” của Bach.
3) Solo Concerto là loại concerto mà chúng ta thường gặp ngày nay, trong đó, có một nhạc cụ độc tấu diễn tấu cùng dàn nhạc. Sự tương phản về lực lượng âm thanh này đã đặt nghệ sĩ solo vào vai trò đối lập diễn tấu với dàn nhạc. Vào cuối thế kỷ 18, concerto độc tấu đã trở thành một thể loại thông dụng, và có nhiều concerto cho đàn phím được viết bởi C.P.E. Bach, Haydn và Mozart như “Concerto for Flute and Harp” (K.299) và “Concerto for 2 pianos” (K.365) của Mozart hay Concerto for Orchestra của Belá Bartók - một sáng tác cho một nhóm nhạc cụ hòa tấu (ensemble).
Phong cách của "Concerto" đã phát triển đa dạng qua các giai đoạn lich sử - văn phong chính của âm nhạc Tây phương. Những thay đổi trong hình thức và cấu trúc của concerto đã được thể hiện qua vai trò của các nghệ sĩ độc tấu, mối quan hệ giữa solo và dàn nhạc, sự phát triển của các công cụ, sự tiến hoá của chức năng âm nhạc trong xã hội, ảnh hưởng của văn hoá địa phương và quốc tế đặc biệt là theo phong cách riêng của các nhà soạn nhạc.
1. Concerto thời kỳ cổ điển :
Thể loại concerto cổ điển được sáng chế bởi Mozart, là một tác phẩm thường gồm 3 chương, có cấu trúc tương tự như của một bản sonate và giao hưởng. Mục đích chính của Concerto nhằm kết hợp nghệ thuật trình diễn của nghệ sĩ độc tấu trong phạm vi rộng của dàn nhạc cùng với màu sắc phong phú của giai điệu và biến chuyển. Nổi bật lên từ cuộc gặp gỡ này là một sự tương phản của những ý tưởng và âm thanh giữa phần độc tấu và phần đệm tô điểm của dàn nhạc với một vai trò quan trọng không kém. Ở concerto phải có sự phối hợp cần thiết giữa bè độc tấu với bè đệm để cả hai cùng thể hiện một nội dung nhất định. Có lúc dàn nhạc ngừng nghỉ để người độc tấu trổ tài nghệ; có lúc dàn nhạc lại như ngắt lời người độc tấu để nổi bật lên; cũng có lúc hai bè lại như đối thoại với nhau, hoặc hòa lẫn vào nhau.
Nhạc cụ độc tấu trong concerto cổ điển bao gồm violin, cello, clarinet, bassoon, trumpet, horn và piano.
Chương 1 của concerto thường ở hình thức sonate allegro nhưng có đặc điểm khác với hình thức sonate của bản giao hưởng được thể hiện qua 2 phần trình bày: lần đầu do dàn nhạc biểu diễn, lần thứ hai do nhạc cụ độc tấu nhắc lại trong cấu trúc mở rộng.
Chương 2 thường được viết theo hình thức ca khúc đơn giản với sự thay đổi luân phiên giữa chủ đề và các biến tấu. (Ví dụ: chương 2 trong “Romanze cung Si giáng Trưởng” hay “Concerto cung Ré thứ” của Mozart soạn cho piano và dàn nhạc).
Trước phần tái hiện (coda), có một đoạn dành cho nghệ sĩ độc tấu chơi ngẫu hứng để trổ các ngón kỹ thuật trong khi dàn nhạc nghỉ (cadenza). Ngày nay, đoạn cadenza thường không là hoàn toàn ngẫu hứng, nhưng được các tác giả vừa là người biểu diễn viết trước. ví dụ ở Beethoven, Brahms, Paganini, Rubinstein, đôi khi còn có một cadenza ngắn hơn xuất hiện ở chương 2 và thường là chương kết.
Chương 3 thường mang hình thức rondo mạnh và được diễn tả với tốc độ nhanh theo tính năng của sonata-allegro. Tuy nhiên, trong nhiều concerto của Mozart, đã xuất hiện sự kết hợp đặc biệt phức tạp giữa cường độ nhẹ nhàng của hình thức rondo với tốc độ rất nhanh của hình thức sonata-allegro.
2. Concerto thời kỳ Lãng mạn :
Nhiều concerto quan trọng đã được viết trong thời gian này, đây cũng là giai đoạn tiến triển với nhiều thay đổi về hình dạng hoặc hình thức của các chương trong thể loại concerto. Chẳng hạn như Brahms Piano Concerto No. 1 dài gấp đôi so với một số concerto của Mozart. Tuy nhiên, phần mở đầu thường ngắn hơn và được khởi xướng ngay với nhạc cụ độc tấu,như trong bản Beethoven Piano Concerto No. 5.
Các đoạn độc tấu ngẫu hứng (cadenza) trở thành một phần không thể thiếu được của chương, được soạn sẵn và thường xuất hiện trước khi bản nhạc trở lại chủ đề chính. Ví dụ như trong Schumann Piano Concerto, phần cadenza được đặt ở cuối chương 2. Trong trường hợp này dàn nhạc chơi một hợp âm 7 chi phối mạnh mẽ khi cadenza bắt đầu và cùng một lúc với piano trills để kết thúc với ấn tượng sinh động.
Vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, xuất hiện nhiều nhà soạn nhạc vừa là nghệ sĩ biểu diễn tài năng như Paganini, Weber, Mendelssohn, Schumann, Chopin, Beethoven, Liszt, Brahms và Rubinstein. Họ có nhu cầu biểu diễn tài nghệ của mình với dàn nhạc khi viết những concerto tuyệt vời cho nhạc cụ chuyên môn của họ. Thể loại concerto với một nhạc cụ độc tấu đã trở nên thành phần không thể thiếu được của một buổi diễn bên cạnh các thể loại khác như giao hưởng (symphony), khúc dạo đầu (overture) hay tổ khúc (suite).
Concerto ở thế kỷ 19 đã đánh dấu thời hoàng kim của thể loại hợp tấu qua sự thể hiện sức sống mãnh liệt so với các Solo Concerto cùng với sự phục hưng của Grosso Concerto trong vai trò tương phản giữa nhóm nhạc cụ, thường làm cho khán thính giả phải sửng sốt trước tài nghệ điêu luyện của nghệ sĩ độc tấu. Với mục đích này, vai trò dàn nhạc dường như bị lu mờ và cốt chỉ để làm nền cho phần độc tấu. Những concerto nổi tiếng từ giữa đến cuối thời kỳ lãng mạn bao gồm concerto của Edward Grieg, Johannes Brahm, Camille Saint-Saëns, Franz Liszt, Pyotr Ilyich Tchaikovsky, và Sergei Rachmaninoff.
3. Concerto thời kỳ Hiện đại :
Concerto Hiện đại có khuynh hướng tái tạo lại sự cân bằng giữa vai trò của dàn nhạc với kỹ thuật của nghệ sĩ độc tấu. Như vây, nghệ sĩ độc tấu không còn là trung tâm thu hút khán thính giả nữa. Trên sân khấu, xuất hiện nhiều nhạc trưởng tài danh và họ trở thành đối tượng thu hút khán thính giả, thay cho các nghệ sĩ độc tấu trước kia. Concerto Hiện đại gắn liền với tên tuổi các nhà soạn nhạc danh tiếng như: Stravinsky, Rachmaninov, Sibelius, Berg, Bartók và Prokofiev ở Âu châu; Piston, Copland, Sessions, Gershwin và Barber ở Mỹ.
Điều quan trọng trong thể loại Concerto là so với mối tương quan của nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc, tất cả những khác biệt về hình thức âm nhạc của concerto là thứ yếu. Cuộc đối thoại này ảnh hưởng đến kết cấu âm nhạc lựa chọn cũng như bản chất của các phần solo đã đưa các nghệ sĩ độc tấu vào vai trò có thể cạnh tranh một cách bình đẳng với đối thủ của mình là dàn nhạc. Ngoài ra, nó ảnh hưởng đến cách phát triển các tài liệu âm nhạc (ví dụ như chủ đề, nhịp điệu) theo sự biến thể của các hình thức âm nhạc.
Trong số các concerto dành cho các loại nhạc cụ khác nhau, Concerto soạn cho piano được xem là phổ biến nhất, với nhà soạn nhạc cũng như khán giả. Cùng với sự phát minh của chiếc đàn dương cầm hiện đại, với âm thanh vang dội và khả năng vượt toàn cảnh âm, sự thể hiện tham vọng lãng mạn đã biến các buổi hòa nhạc hợp tấu thành những bữa tiệc âm nhạc độc đáo không có giới hạn.
Mỗi bản hợp tấu là cả một công trình của từng thành viên thực hiện nó và cũng có thể là sự khởi đầu của một cuộc phiêu lưu tuyệt vời trong sự khám phá sức hấp dẫn của độ tương phản và hợp nhất trong thế giới âm thanh. Cũng trong sự phát hiện đó, những dòng nhạc hợp tấu (chẳng hạn như trong bản“Mê Kông” của nhạc sĩ Robert Smith) sẽ đi vào lòng khán thính giả Việt Nam với một ý nghĩa sâu sắc hơn qua những âm hưởng dân tộc Việt quen thuộc đã được nhạc khí hóa, để vượt khỏi biên giới cổ truyền trong sự giao hòa với nền âm nhạc tây phương trên thế giới.
Kim Trang
C ám ơn lời giải thích rõ ràng của bạn.