Câu hát bên bờ tử sinh
Người ta bảo có mới nới cũ. Thế mà trí nhớ của tôi đi ngược câu thành ngữ này. Trí nhớ tôi thủy chung với những gì nằm tận đáy rương kỷ niệm hay ở tầng cuối cùng của lớp lá vàng ướt úa của tháng năm. Trí nhớ tôi ôm cứng những gì cần phải quên và tự ý lần mò trở về những con đường cắm bảng “Không phận sự, cấm vào!” Có lẽ nhờ vậy mà tôi vẫn còn nhớ được vài đôi câu những bản nhạc tôi yêu thích từ thuở xa xưa. Như nhờ vào bàn tay của một người thợ tạc tài hoa, những dòng nhạc này vẫn còn nằm trong ký ức tôi, ký ức của một người có trí nhớ bạch tuộc, chỉ muốn ghì chặt những gì xẩy ra trong qúa khứ và hay mau quên những gì mới xẩy ra.
Tùy vào tâm trạng trong ngày, tôi hay nghe lại những bản nhạc tôi ưa chuộng hay hát nho nhỏ đôi ba câu vài bản nhạc mà tôi yêu thích. “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…”; “trời ngoài kia còn mưa không anh…” hay “dĩ vãng nào xanh hơn mắt em …” dù có hay không có sự hiện diện của người phối ngẫu khác mầu da, ngôn ngữ. Hát vu vơ hay nghe nhạc giúp tôi tạm quên những lo âu về người thân ở bên kia bờ Thái Bình, về những tính toán bất thành hay về những phức tạp rối bời của đời sống. Những giây phút này, tâm hồn tôi bay bổng như bầy bồ câu được thả vào không gian, như trăm quả bóng đủ mầu bay lên tít tận trời cao, như những con diều gặp gió. Những giây phút này, tôi ý thức được lời ca ý nhạc và những gì xẩy ra chung quanh. Thế mà có một bài ca liên tục vang trong trí tôi vào một đêm kia, khi tôi không thể làm chủ được mình.
Khoảng hơn sáu năm về trước, trong đêm bố tôi bất ngờ bỏ mẹ tôi và chị em chúng tôi ra đi âm thầm lặng lẽ trong một căn phòng lạnh giá của nhà thương, thì trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe lập đi lập lại một bài hát, cất lên bởi một giọng hát dịu dàng như tiếng hát Mai Hương. Câu hát này lập đi lập lại suốt đêm. Trong tâm trạng nửa tỉnh, nửa mơ đó, tôi muốn đánh thức mình dậy để ghi xuống lời bản nhạc, nhưng vô ích. Tôi bị chìm đắm trong giấc ngủ nặng nề cho tới gần sáng. Khi thức giấc, tôi cố gắng hết sức nhớ lại toàn bộ bản nhạc, vì lời nhạc u sầu như tiếng than khóc của một ai đang luyến lưu chào vĩnh biệt những người thân yêu, và âm điệu thì buồn đau vô cùng. Tôi cố gắng nhưng chịu thua. Tôi chỉ nhớ được rõ rệt có bẩy chữ, bẩy chữ đầu của bản nhạc: “Hôm xưa, khi tôi xa gia đình” và “La lá la là”.
Dù lúc đó tôi chưa biết bố tôi đã ra đi vĩnh viễn, tâm trạng tôi bồn chồn vì trong trí cứ vang lên câu đầu của bài hát không tên.
Vài phút sau khi thức giấc, tôi mới được tin bố tôi đã mất vào 9 giờ tối hôm trước, chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau khi mẹ tôi và tôi vào thăm bố tôi ở nhà thương. Năm đó, bố tôi mổ tim, và cuộc giải phẩu đã thành công. Trong phòng riêng, bố tôi cảm thấy khỏe khoắn đến nỗi bố tôi cứ hỏi y tá và chúng tôi là, “tôi đã mổ chưa?” Sau khi ngồi nói chuyện một hồi, bố tôi bảo tôi đưa mẹ tôi về nghỉ, “kẻo mẹ mệt!” Lần cuối cùng gặp bố, tôi thấy bố tôi hồng hào hơn trước khi mổ, không có vẻ gì là vừa mới trải qua một cuộc giải phẫu quan trọng. Bố tôi còn pha trò với y tá và mọi người vào thăm viếng. Thế mà, chỉ ba ngày sau bố tôi đã ra đi một cách đáng ngờ, vì bị nhiễm trùng trong bệnh viện.
Vì ngẫu nhiên mà tôi nghe giọng ca nữ như tiếng hát của Mai Hương trong giấc ngủ và chỉ nhớ bẩy chữ trong câu mở đầu, như lời chào vĩnh biệt của bố tôi gửi đến đứa con gái đầu lòng? Hay là Chúa cho phép tôi nghe bẩy chữ này trong mơ như một lời tâm sự bố tôi gửi đến người con gái cả, về sự cô đơn khi rời cõi đời mà chỉ có một thứ nam bên cạnh? Sự ra đi của bố tôi qúa bất ngờ. Tôi đau khổ. Tôi hỏi bố tôi trong nước mắt, “Bố ơi, tại sao bố không cho con nghe thêm tâm sự của bố, mà chỉ có bẩy chữ “Hôm xưa, khi tôi xa gia đình?” Hôm xưa, khi tôi xa gia đình, rồi sao nữa hở bố? Tại sao “Hôm xưa, khi tôi xa gia đình …” mà không phải “Đêm qua, khi tôi xa gia đình?” Bố muốn nhắn nhủ con điều gì? Bố muốn tâm sự với con về nỗi đau khổ xa vợ, xa con, xa cháu, khi mà bố, ở vào giây phút bố “nằm trên đường Thiên Lý” bố không được gặp lần cuối vợ, con và các cháu, những đứa cháu bố gọi đùa là bạn? Có phải bố buồn vì sẽ không còn dịp mừng sinh nhật của 17 đứa cháu nữa, hay vì bố sẽ không còn dịp mở lon bia mời những chàng rể khi họ đến thăm, không còn dịp chở mẹ đi bác sĩ, đi đây đi đó hay chia sẻ cho chúng con nghe về những tài liệu thiêng liêng mà bố đọc được? Hay là bố muốn tỏ cho con biết nỗi lòng của bố vì từ nay bố sẽ không còn khóc thầm vào ngày cuối tháng Tư hằng năm, khi quê hương bố vẫn còn nằm trong tay qủy đỏ, khi đồng bào của bố vẫn chịu vô vàn bất hạnh?
Hơn sáu năm nay, tôi đi tìm bài hát có câu “Hôm xưa, khi tôi xa gia đình” mà chưa tìm ra, vì có lẽ bài hát tôi nghe trong đêm khuya năm nào chưa từng được ai sáng tác? Bài hát tôi nhớ đứt đoạn, chỉ nhớ có câu đầu. Không nhớ được đoạn giữa. Không nhớ được đoạn kết. Có thể bài hát tôi chỉ nhớ có bẩy chữ để cho tôi viết nốt, để tôi điền vào chỗ trống? Bài hát có thể dài một trang, hai trang, hay năm trang là tùy vào lòng tôi nhớ về bố tôi sâu đậm đến đâu?
Thắc mắc nào sớm muộn gì thì cũng sẽ có câu trả lời. Điều gì xẩy ra lâu mau tùy vào thời điểm của nó. Một ngày kia, khi tôi lià đời, tôi tin là tôi sẽ nghe được trọn vẹn bài hát này, bài hát hiện giờ tôi chỉ biết có bẩy chữ “Hôm xưa, khi tôi xa gia đình”. Giờ đây, khi ghi lại những gì xẩy ra hơn sáu năm về trước, lúc bố tôi mất, tôi xúc động mãnh liệt. Như một vết thương lòng bị xé toạc, tôi không cầm lòng được. Những giọt nước mắt như con đê vỡ, đổ ập, đổ oà trên má, trên môi tôi. Tôi nhớ bố tôi vô cùng. Hình như người sống và người chết chỉ cách nhau có một tấm lụa mỏng vô hình. Thế mà tôi không thể thấy bố, không nghe tiếng bố, không bao giờ được nắm bàn tay mềm mại như chiếc gối bông của bố nữa. Bố ơi!
Khổng thị Thanh-Hương