top of page

Cắc kè ơi, chào mi!

Trước khi chuẩn bị dọn sang Đảo Lớn chúng tôi có tìm hiểu sơ qua về đời sống bên hải đảo để chuẩn bị tinh thần đối phó với những bất thường. Đừng tưởng “thiên đàng hạ giới” không có vấn đề, người ta cảnh giác. Điều trước tiên tôi để ý là sự gì bằng kim loại cũng rỉ sét rất nhanh. Ngoài ra, ví da, giầy da nếu không dùng tới chỉ trong vòng vài tuần thì sẽ đóng mốc xanh rêu. Điện thì khi nào có sấm chớp, có mưa to, gió lớn thì tự ý chơi trò cút bắt. Đang gõ dở dang bài vở mà không nhớ save thì coi như những dòng chữ sẽ từ động ra đi, không để lại dấu vết.

Những điều này tôi chịu đựng được. Đồ bị rỉ thì cố gắng bảo trì, thoa dầu thoa mỡ thường xuyên. Ví giầy da đóng rong đóng rêu thì đừng dùng đồ da. Mất điện thì ráng mà nhớ save thường xuyên. Ngay cả những con dế và đủ loại côn trùng có cánh bay vù vù, vèo vèo trong nhà, vào những ngày mưa nhiều, nắng thiếu cũng không làm tôi thất đảm kinh hồn. Chỉ có con cắc kè xanh là tôi sợ không thể nào tả được.

Biết là thằn lằn thích tìm chỗ ấm áp để tá túc, trước khi xỏ giầy bao giờ tôi cũng đập mạnh xuống đất vài lần, hầu đánh thức những con gì đang ngủ yên trong đó, để chúng giật mình mà chui ra. Thế mà, không phải bao giờ tôi cũng được như ý. Một buổi sáng nọ, khi chuẩn bị ra khỏi nhà để đi tình nguyện, tôi đập đập đôi giầy vài lần xuống đất cho chắc ăn, rồi thẩy đôi giầy vô xe. An tọa rồi tôi mới xỏ giầy vô hai chân. Xe chưa ra cổng, tự dưng tôi cảm thấy nhột nhột dưới chân. Tôi nghĩ bụng, “Có lẽ mình tưởng tượng” nên không phản ứng gì. Cho tới khi xe đi ra khỏi chiếc cổng sắt (cổng chủ nhà gắn để chặn hai con Chihuahua khỏi chạy ra ngoài đường phá làng phá xóm) thì tôi cảm thấy có vật gì trong một chiếc giầy nhúc nhích dữ dội lắm. Không thể lầm lẫn gì nữa. Có con cắc kè trong giầy! Chẳng cần ai khuyến khích, miệng thì hét, cả hai chân thì dẫy lên như đỉa phải vôi. Khi nghe tiếng vợ kêu thất thanh, chàng đoán là có chuyện gì bất thường nên ngừng xe lại, còn mụ vợ thì vội vàng tháo chiếc giầy ra rồi thẳng tay liệng thiệt xa ra ngoài. Nhìn theo chiếc giầy bay ra khỏi cửa xe, tôi thấy một con cắc kè con rơi xuống mặt lộ. Có lẽ con vật còn run sợ hơn ai khác. Người ta nói “Sợ như thằn lằn đứt đuôi” qủa sai qúa mức. Tôi không thấy đuôi nó đứt khúc nào. Chỉ thấy tim tôi muốn ngừng đập.

Lần khác, một con cắc kè mầu xanh với nhiều đốm cam đỏ, rất phổ thông bên Hawaii này, không biết làm cách nào mà chui tọt vào Kiki, cái xe cưng duy nhất của chúng tôi. Khi tôi biết được có sự có mặt của một loài bò sát trong xe thì nó đã chạy trốn vào phía sau thùng xe rồi. Tôi cứ thầm cầu xin làm sao cho nó tìm đường ra khỏi xe, vì đói hay khát.

Bẵng đi một dạo, tôi quên béng đi chuyện trong xe có “kẻ lạ bốn chân”. Cho đến một hôm, khi chúng tôi ngừng xe lại để đón cô nhân viên địa ốc đi coi một căn nhà. Vừa leo lên ghế sau để nhường chỗ cho ông bạn ngồi phía trước, và cũng đúng lúc cô nhân viên địa ốc vừa đặt mình ngồi xuống bên cạnh tôi, thì cả hai người đàn bà cùng cất tiếng la thất thanh, rú lên những tiếng kêu hãi hùng. Lý do là vì khi tôi định cất tấm bảng che nắng ra phía thùng xe thì con cắc kè mầu xanh lá cây, đốm đỏ đang bò trên tấm bảng này. Cả hai cánh cửa xe mở toang cùng một lúc. Hai người đàn bà phóng ra khỏi xe, có lẽ còn nhanh hơn cả con cắc kè. Như chiếc cung bay khỏi nỏ, miếng bảng che nắng bay cái vù, nằm chễm chệ trên mặt lộ. Khổ chủ mong sao con cắc kè theo đó mà ra. Ai ngờ, con này đã nhanh chân chạy tọt xuống ghế của tài xế mới ác! Cô nhân viên địa ốc chạy ngược lại xe mình. Tôi lật đật chạy theo kêu ơi ới, “Cho tôi đi với. Cho tôi đi với.” Tôi lè lẹ bỏ chàng, chạy theo cô nhân viên địa ốc.

Sau khi coi căn nhà, cô này lái xe về một mình. Tôi đành leo lên xe của mình, đi về với chồng, mà lòng đầy lo âu. Tôi hỏi Adam, “Con gecko đang ở đâu?” Chàng nói lần cuối thấy nó ở dưới ghế phía tài xế!” Tôi khủng hoảng tinh thần. Nghĩ bụng. Con này muốn chết khô hay sao mà không chịu tìm đường thoát ra khỏi cái “xế hộp” này? Ngồi phía sau xe mà tôi run lắm. Không biết phải đối phó thế nào khi “nó” bò lên mình? Rồi vì những lo toan của đời sống tôi tạm quên đi sự có mặt của con cắc kè trong xe.

Cho tới hôm Chủ Nhật vừa rồi, khi lái xe đi nhà thờ về. Tự dưng tôi nhớ đến con cắc kè còn sống trong xe, rồi tưởng tượng nếu nó bò lên chân mình thì sao. Nhằm hôm đó tôi lại mặc đầm. Tôi tưởng tượng? Ngừng xe lại hay tiếp tục chạy? Đuổi nó đi bằng cách nào? Tôi vừa lái vừa run. Tôi cố tình rung cái chân trái liên hồi, mong sao con vật bốn chân đừng bò tới gần. Tôi dặn lòng là phải bình tĩnh vì loạng quạng sẽ tông vào xe người khác chỉ vì một con cắc kè. Tôi lý luận: Giữa cái chuyện đụng người ta và cắc kè đụng mình thì lựa cái nào. Có bõ không, khi vì một con cắc kè mà tông vào người khác, hoặc lạng tay lái, đâm xuống ruộng? Đó là những lằn tư tưởng xẹt tới xẹt lui trong tâm tưởng tôi, suốt mấy phút đồng hồ lái từ thánh đường về nhà. Ngoài những ý tưởng này tôi còn có một sáng kiến tuyệt vời là về tới nhà tôi sẽ dùng máy hút bụi, hút con cắc kè ra.

Tới nhà, như đã định, tôi thay quần áo, xỏ giầy bata, xuống nhà xe của chủ nhà, lôi ra một cái máy hút bụi, loại vừa hút bụi vừa hút nước, có ống hút dẹp, nhưng to đủ để hút tất cả họ hàng nhà thằn lằn rắn mối. Tôi gắn giây, bật nút. Cái máy bắt đầu kêu “é é” điếc lỗ tai. Tôi dỡ những tấm thảm chùi chân ở phía trước lên và bắt đầu hút. Hút một hồi mà cũng không thấy con cắc kè đâu. Tới phía sau xe, tôi mới định hút phía dưới sàn thì không biết động lực gì khiến tôi đưa mắt nhìn lên chỗ dựa lưng. Con cắc kè đang nằm đó dương đôi mắt ti hí mắt lươn dòm tôi từ bao giờ!

Chẳng nói chẳng rằng, tôi liệng cái ống hút bụi, bay tung ra khỏi xe trong khi miệng thì hét như dẫm trúng than hồng, “Ken, where are you?” Tôi kêu Ken vì mới thấy Ken đi tới đi lui trong sân, khi trờ xe vào sân nhà. Thế mà ông chủ nhà im hơi, lặng tiếng. Tôi đứng đó khóc ròng. Chồng thì không có nhà. Chủ nhà thì biến đi đâu, lẹ qúa! Tôi vừa khóc vừa chạy ra khỏi cổng. Định chạy tới nhà hàng xóm dưới đầu ngõ kêu cứu. Tự dưng, tôi thắng hai chân lại, nghĩ thầm, “Kỳ cục. Có ai hiểu cho nỗi lòng sợ vật nhỏ xíu như mình? Phải trở lại đối diện với nó!” Thế là tôi quay trở lại, lấy tay quẹt nước mắt, tiến gần cửa xe. Thấy hai con Chihuahua đang đứng dòm chăm chăm vào cái cửa xe, tôi cầu cứu, “T-Tay, Bo! Can you get it? Get that gecko for me!” Tôi phải nói tiếng Anh vì hai con này ở Mỹ. Nói tiếng Việt sợ chúng không hiểu. Hai con chó lúc này quần tới quần lui nơi cánh cửa xe đang mở. Tôi chắc mẩm con cắc kè tới số rồi. Không vào thùng của máy hút bụi thì cũng sắp phải chạy đua thụt mạng thân mỏng thân gầy với hai con chó. Tôi tiến gần cánh cửa xe. Con cắc kè vẫn nằm tại một vị trí như mấy phút trước, khi tôi vừa hét vừa mở toang cánh cửa, chạy cầu cứu Ken. Sẵn có cái dù trong xe, tôi cầm cái cán dù, nhử nhử cái dù về phía con vật xanh mầu cánh két, vừa đe dọa vừa năn nỉ, “Đi ra khỏi xe tao. Đi ra lẹ lên!” Con vật hình như là hiểu tiếng Việt Nam. Trong tích tắc nó bò thật nhanh ra khỏi lưng ghế rồi tiến tới thành xe, và trườn người xuống đám sỏi dưới đất. Mừng hết lớn, tôi đóng cửa lại thật nhanh. Thở phào. Tôi đã tự thanh toán nạn cắc kè trong xe.

Tưởng nạn cắc kè đã qua. Ai ngờ, hôm Thứ Tư, khi đón hai cặp vợ chồng người bạn ghé sang chơi từ Missouri, bà Flo vừa ngồi vào xe tự dưng la thất thanh, rồi nhẩy dựng lên như phải lửa. Chúng tôi quay lại hỏi bà có chuyện gì thì bà Flo hét lớn, “There was a gecko on my leg!” Tôi hết hồn, hết viá, hỏi bà Flo, “Where is it?” Bà ta hoàn hồn trả lời, “Tôi liệng nói ra khỏi xe rồi!” Tôi phục bà này, dám chụp con cắc kè. Tuy thế tôi cũng không khỏi thất sắc, quay qua hỏi Adam, “Tại làm sao mà trong xe lại còn có cắc kè? Tôi tưởng tôi đã đuổi nó đi rồi!” Adam hỏi bà Flo là con này lớn hay nhỏ? Bà Flo trả lời là nhỏ xíu mà mầu xám đen. Adam nói con này là con khác, không phải con màu cánh két mà tôi đã “dụ” ra khỏi xe. Chàng đoán là nó bị kẹt trong chậu có năm, sáu cây dừa con, những cây dừa chàng bỏ vào chậu để đem cho bà thầy hôm trước.

Chưa hết! Tối hôm nọ, sau hai ba ngày mưa lớn, sấm chớm liên hồi, tôi thấy một cái gì lạ thường dưới sàn nhà, trong phòng ngủ! Hoảng hốt, tôi cho Adam hay. Anh chàng dời long thể từ cái PC, cúi nhìn xuống rồi cho tôi hay đó là một con sên. Không biết nó bò từ cửa bếp bò vô, hay bò từ cửa chánh bò vào? Chàng nghĩ là mấy bữa mưa lớn, nước mưa đã làm ngập đất khiến sên phải bò vô nhà, nơi khô ráo để thoát thân. Chàng dùng một miếng khăn giấy, chụp con sên, đem ra bỏ ra ngoài sân sau. Nói là mai sáng nhớ đi ra lượm miếng giấy bỏ vào thùng rác. Còn công việc của tôi là chùi nguyên đoạn đường sên mới đi qua, từ bếp vô phòng ngủ. Đây là giống sên gây bệnh cho não và cột xương sống khi ăn phải rau không được rửa kỹ, vì rau dính chất nhờn của sên đã nhiễm ký sinh trùng nematode từ phân chuột.

Qúy bạn thấy không? Ở bên đảo có nhiều cảnh thót tim vậy đó. Không biết đến bao giờ tôi mới có được sự gan dạ để bình tĩng đối đầu với những con vật tự ý vào nhà mà không xin phép.

Khổng thị Thanh-Hương

bottom of page