Bão đến rồi đi
Nếu có đàn ngỗng trời bay qua Đảo Lớn sáng nay, chúng sẽ ngạc nhiên khi thấy gió êm biển lặng. Ngỗng không biết là Đảo Lớn lại một lần nữa thoát khỏi sự tàn phá của bão tố. Nhờ hai ngọn núi cao và to nhất thế giới che chở, thông thường bão chỉ xẹt qua hù chọc nhân gian chứ ít khi nào tạt vào nghỉ chân, như Iniki năm nào.
Vài ngày trước khi bão đến, gia đình nhỏ hai người của chúng tôi cũng dự trữ nước uống, thức ăn, đồ hộp cho hai tuần. Hôm Thứ Tư, khi ghé Farmer’s Market mua ít rau qủa, thì thấy chợ vắng như chùa bà Đanh, chỉ trừ có một người đàn bà bán hàng từ chiếc xe pickup của mình. Vì tới hơi trễ nên ngoài bí rợ, chỉ còn lèo tèo vài nải chuối, vài trái dưa leo và vài bó warabi (một loại fern như măng tây nhưng nhớt như đậu bắp). Chúng tôi mua một nải chuối ba đồng rồi tạt vào chợ KTA, chuẩn bị giơ cổ ra cho người ta chém.
Buổi chiều, khi đi làm về ông chủ nhà nhờ Adam phụ đào một cái rạch nhỏ phía sau nhà, để chuẩn bị khi mưa lớn, nước mưa sẽ chảy xuống sườn đồi, thay vì chảy vào bếp. Trước khi tắt đèn đi ngủ, chúng tôi đóng tất cả các cửa và đặt nơi khe cửa bếp nhiều khăn lông để chặn nước mưa. Cả đêm phập phồng vì chưa bao giờ tôi chứng kiến bão lớn cấp 2, cấp 3 như lần này.
Sáng Thứ Năm, khi trời tạm quang đãng và bão chưa tới, hai đứa đi bộ cho đỡ tù chân. Mới ra khỏi nhà, chúng tôi thấy hàng rào của hàng xóm bên kia đường đã bị nước mưa phá sập. Ba năm nay, mỗi khi qua đây tôi hay ngắm hàng cây bông bụp Turk’s Cap với hoa màu đỏ, xen lẫn giữa đám lá xanh. Nay, nhìn cây lẫn hoa nằm chổng chơ dưới đáy, tôi cảm như thiếu điều gì.
Lát sau, vì muốn đi về hướng Bắc Hilo để xem mực nước lên cao tới đâu, chúng tôi rủ nhau đi ra khỏi nhà. Chàng bấm nút mở cổng thì cổng làm reo, hé được nửa thước lại ngừng. Sau cùng, cổng đứng ì một chỗ, không cục cựa gì nữa. Có lẽ vì mưa làm hỏng hệ thống điều khiển? Adam phải de xe trở vô. Hai con chó nằm trong cái thùng giấy ngước nhìn tôi với ánh mắt như muốn xin vào nhà, vì mưa đã nặng hột và gió thì đã bắt đầu tăng cưòng độ. Nhìn hai con chó run lập cập, tôi nói với chàng là phải dời chúng vào phòng để máy giặt, máy sấy. Hôm nay mới có Thứ Năm mà chúng đã nhìn như hai con mèo mắc mưa. T-Tay và Bo sẽ ra sao khi bão tới?
Khi đi làm về, ông chủ nhà phải lội mưa mà mở cổngđể lái xe vào sân nhà. Lát sau, không sửa được nên Ken phải rút giây điện ra để nhờ bàn tay năm ngón của mọi người mở cổng. Khi tới Kokekole Beach Park, con suối gần một căn nhà đang xây dở dang đã biến thành một con sông lớn. Nước từ trên núi chảy băng băng qua phía hông nhà. Trôi bồng bềnh với dòng nước mạnh là những cành lá, những cành cây và nhiều vật không tên khác. Mực nước chỉ cần cao hơn vài gang tay nữa thì cả nền lẫn móng của căn nhà sẽ trôi ra biển. Cách đó vài chục thước là một cây cầu hẹp, chỉ cho phép một bên xe lái qua. Lượng nước với hàng triệu ga-lông cuồn cuộn kéo qua chân cầu, phát ra những tiếng ầm ầm kinh sợ. Tôi lo chân cầu không chịu được sức nước vũ bão nên nói chàng rời xe đi mau.
Từ Kolekole chúng tôi lái ngược về phía phố. Từ cầu Singing, mực độ của thác nước Wainuenue của dòng sông Wailuku – có nghĩa là dòng sông tàn phá, chết chóc – nơi có nhiều người chết đuối nhất trên toàn thể các đảo Hạ Uy Di, đã tăng hơn cả trăm lần so với ngày nắng hạ. Cảnh sát đã giăng bảng “Cấm Vào” vì không muốn có thêm người chết đuối. Khi tới cầu Pi’ihonua, nước cũng đã dâng cao, chẳng thua gì Kolekole. Khi về coi lại hình tôi thấy một hình ảnh không thể tưởng tượng được. Một trong nhiều tấm hình có một đứa bé gái khoảng năm, sáu tuổi đứng trên thành cầu, dơ bàn tay ra dấu Shaka, kiểu chào của dân bản xứ. Góc phải của tấm hình là một người đàn ông đang giơ cell phone chụp hình con bé! Không biết bà vợ hay chị của phó nhòm này sẽ phản ứng ra sao khi thấy hình con hay em mình đứng chênh vênh trên thành cầu, trong khi nước thì đang chẩy ào ào như sóng vỡ dưới kia.
Buổi tối Thứ Năm, gió tăng cường độ. Ba cái CD chàng cột trên cao để cản mấy con chim cardinal đầu đỏ đừng “bậy” trên xe, đang quay tít như con vụ. Những hàng dừa, hàng tre khiêu vũ theo một bản nhạc không vần không điệu, lúc nghiêng qua trái, khi nhào qua phải. Tội nghiệp cho cái vườn sáu góc của chúng tôi. Cây rau Pacific spinach đã biến mất tự bao giờ. Hai cây cà chua và cà tím thì dơ thân trụi, chẳng còn mấy lá. Tin tức cho hay vài con đường chúng tôi đi qua hồi chiều đã ngập như những hồ ao. Công viên dành cho trẻ em chơi túc cầu đã biến thành một hồ tắm khổng lồ. Trẻ con có thể tới đây bơi lội, thay vì đá bóng.
Sáng Thứ Sáu, cơ quan an toàn thành phố liên tục gửi báo động về đất lở, sóng cao vì mưa lớn. Họ khuyên không nên ra biển, không nên lái xe vào khu nước lũ vì có thể bị sóng cuốn đi. Họ cũng khuyên không nhúng chân vào nước vì vi khuẩn từ phân xúc vật hay từ thuốc diệt rầy có thể pha trộn vào nước mưa, sanh bệnh ngoài da. Sáng nay ông chủ nhà cũng cố đi làm bằng chiếc xe pickup nhưng phải vòng về một khúc trên Quốc Lộ 19 đã bị đóng vì đất lở và vì một cây cổ thụ nằm cản lối trên đường.
Chiều Thứ Sáu, Lane đang còn đang nằm chờ ở phía Nam của Đảo Lớn, ngắm nghé Maui. Không biết chàng này có đổi ý quay ngược trở lại để đùa dỡn với dân Đảo Lớn, như Iniki năm nào. Tôi nhìn ra ngoài sân sau. Mưa vẫn rơi liên tục, dù gió chỉ lung lay những tàng dừa, chứ không dựng ngược đầu chúng như hôm qua, nhìn như một loài cây lạ. Những làn hơi nước quyện với mưa bay lượn trong không gian như những giải lụa tung lên từ những bàn tay tiên nữ. Mưa đâu mà mưa lắm thế. Mưa không ngừng không nghỉ. Ước gì tôi gửi một phần ngàn số lượng mưa này về Cali, nơi gia đình người thân và các bạn tôi đang sống, mong chờ những giọt nước từ trời.
Gõ tới đây thì đèn trên trần nhà lại lấp láy. Từ sáng tới giờ không biết bao nhiều lần điện và Internet bị gián đoạn. Đây là điều thông thường xảy ra trên con đường làng, cách xa phố thị 18 phút lái xe này, khi mưa to gió lớn.
Đài khí tượng tiên báo Chủ Nhật mưa sẽ nhiều hơn, dù hiện tại đã đo được trên 30 inches. Tôi không thể hình dung ra mưa nhiều hơn là mưa ra làm sao. Nhiều hơn là nhiều cỡ nào? Nhiều hơn có nghĩa là nhiều mái nhà và hàng rào sẽ sập hơn, nhiều cây sẽ bị đốn ngã hơn và đất sẽ lở nhiều hơn, và nhiều khúc đường sẽ biến thành suối hơn?
May thay, mưa không nhiều như tiên đoán và cuối cùng bão đã đi qua. Bầu trời lại hiện ra trong xanh, đâu đó tô điểm những cụm mây trắng. Lâu lâu chỉ còn có vài cơn mưa êm và gió nhẹ. Hình như bão Lane muốn mọi người nhớ tới mình lâu hơn một tí, dù đã rời xa rồi Đảo Lớn. Lane coi vậy mà lại không ồn ào điếc tai như ngày mưa sấm sét như hôm Thứ Bảy tuần rồi.
Mấy ngày nay chúng tôi thấy những xe chở nước đi lên đi xuống con đường làng. Tại sao mưa như thác lũ mà ai còn đặt mua nước? Hóa ra là hôm Thứ Bẩy tuần trước, sét đã đánh hư hệ thống bơm nước của mấy hồ chứa nước. Từ giờ cho tới thời gian vô hạn định, dân cư ở làng Papaikou (kể con đường làng này) sẽ phải đun nước để uống. Đời sống bên hải đảo thế đấy. Đổi lại với khí hậu trong lành, người ta phải tạm thời đối phó với mất điện, mất nước, mất liên lạc. Thế mà khi tôi hỏi chàng có muốn dọn qua Florida, chàng lắc đầu!